Cần một ủy ban chứng khoán mạnh mẽ: Đầu tiên là nguyên tắc độc lập

TT - Dù đã phần nào hồi phục nhưng sự đi xuống quá mức của thị trường chứng khoán (TTCK) vừa qua đã khiến nhiều chuyên gia đặt câu hỏi: Mô hình Ủy ban Chứng khoán (UBCK) nhà nước như hiện nay có phù hợp?


Các nhà đầu tư theo dõi diễn biến phiên giao dịch tại sàn chứng khoán SSI, TP.HCM


Và thị trường hiện nay đang cần một cơ quan nhạy bén và hiệu quả hơn trong việc điều phối TTCK.

Nếu để ý, phần lớn công việc của UBCK nhà nước khi TTCK “nguy cấp” vừa qua là đưa ra các... đề nghị, kiến nghị. Vì vậy thật dễ hiểu, nhiều giải pháp UBCK đưa ra thì thị trường... không phản ứng. Trao đổi với Tuổi Trẻ Cuối Tuần, chuyên gia tài chính Bùi Kiến Thành cho rằng “đây là lỗi mô hình”. Ông nói:

- Khi chuẩn bị thành lập UBCK, VN có học hỏi ở nhiều nơi. Cuối cùng, chúng ta chọn mô hình “kiểu VN”. Nên dễ hiểu, nó không giống ai. Ban đầu UBCK trực thuộc Chính phủ, sau đó sáp nhập vào Bộ Tài chính. Với tổ chức như vậy, UBCK không có quyền ra quyết định độc lập mà phải đi kiến nghị.



Như vậy có thể thấy ở VN từ khâu nắm bắt thực tế đến khâu quyết định có rất nhiều tầng nấc, mà bản thân mỗi tầng nấc đều có những vấn đề. Câu hỏi đặt ra là tại sao không xóa những tầng nấc đó? Tại các nước, UBCK đều căn cứ vào Luật chứng khoán rồi đưa ra quyết định. Ở VN, thường các kiến nghị của UBCK cũng được cho vào quyết định, chỉ có điều thay vì được quyết định ngay, UBCK phải trình rất nhiều nơi rồi đợi. Và khi có quyết định thì tình hình đã khác hoặc xấu đi nhiều như thời điểm tháng hai vừa qua.


* Có lý do thường được đưa ra là TTCK VN chưa đủ lớn nên việc UBCK nằm trong Bộ Tài chính vẫn hợp lý để đảm bảo các chính sách tài chính thống nhất. Ông nghĩ gì về điều này?

- Lớn hay không thì người chịu trách nhiệm cũng phải có đủ quyền để gánh vác trách nhiệm. Không nói đến UBCK, bổ nhiệm một giám đốc ta cũng phải cho quyền để họ có thể thực hiện tốt chức năng của mình.

* Nhưng nhiều quan điểm cho rằng hiện Bộ Tài chính đang giữ vai trò “chủ quản” UBCK khá tốt?

- Bộ Tài chính có hàng trăm công việc khác. Người ta thường đặt ra câu hỏi: Bộ Tài chính có khả năng chuyên môn gì cao hơn UBCK nhà nước để có thể xem xét các quyết định của UBCK nhà nước? Bộ Tài chính có mấy người đủ trình độ dự báo, phân tích đúng các chiến lược tốt về chứng khoán?

Nếu “quả bóng” nằm ở Bộ Tài chính trong khi cơ quan này không có chuyên gia am hiểu sâu thì trước những vấn đề không phải bao giờ cũng rõ trắng đen, bản thân Bộ Tài chính thường không quyết đoán được. Như vừa qua phải họp nhiều bộ lại. Cuối cùng phải trình lên Chính phủ. Mà Thủ tướng cũng không thể biết hết tất cả mọi việc. Ông phải quyết dựa trên sự phân tích và giúp việc của một số chuyên viên. Những chuyên viên này liệu có am hiểu chứng khoán bằng UBCK nhà nước? Đây có lẽ chính là lý do khiến các quyết định có độ trễ và độ vênh so với nhu cầu thực tế, gây tổn hại cho chính các vấn đề quyết định đó đề cập.

* Như vậy thời gian qua, nếu UBCK được độc lập, một số chính sách đã có thể được làm tốt để giúp thị trường phát triển bền vững?

- Người hiểu TTCK hơn ai hết phải là UBCK nhà nước, nhưng khi cần quyết định lại đi trình với một ông vụ trưởng hoặc ông thứ trưởng Bộ Tài chính không am hiểu bằng mình. Cách điều hành kiểu “điều khiển từ xa” này dẫn đến hai khả năng: nếu chỉ quyết định dựa trên kiến nghị thì chậm trễ, không cần thiết.

Còn nếu quyết định khác đi, dựa trên những hiểu biết chung chung thì dễ gây họa. Vấn đề ở đây là khả năng phản ứng trước những nguy cơ tiềm ẩn và một thị trường phức tạp đang biến động rất nhanh.

* Thưa ông, với mô hình UBCK nhà nước hiện nay, TTCK và nền kinh tế sẽ còn phải chứng kiến nhiều sự “bất thường”?

- Nếu để ý, phần lớn công việc của UBCK nhà nước khi TTCK “nguy cấp” là đưa ra các... đề nghị, kiến nghị. Mở room ngành ngân hàng: thẩm quyền Ngân hàng Nhà nước. Cho phép mua cổ phần bằng ngoại tệ: thẩm quyền Chính phủ. Vì vậy, mối lo thứ nhất là thị trường sẽ không còn tin UBCK.

Trong vài năm tới, theo thông báo, Nhà nước muốn cổ phần hóa 1.500 doanh nghiệp. Giá trị của nó có thể lên đến 1.000 tỉ USD. Lượng cầu trong nước không thể hấp thụ hết cả ngàn tỉ USD. Như vậy thị trường làm sao không giảm? Để thị trường phát triển bền vững là trách nhiệm của UBCK nhưng quyền giãn IPO không nằm ở UBCK. Đó là nghịch lý.

 Cơ hội để cải tổ

Khi thị trường đi xuống, nhiều người tự hỏi ai có thể cứu thị trường? Nhân tố nào đưa thị trường trở lại nhịp độ bình thường? Hình như không ai trả lời là UBCK nhà nước. Rồi các nhà đầu tư chờ đợi Chính phủ. Nhưng Chính phủ đâu phải là người cứu được thị trường và tại sao cứ khi nào có vấn đề gì là đổ dồn về Chính phủ?

Về nguyên tắc, khi TTCK có dấu hiệu bất ổn, việc đầu tiên không phải là kêu gọi sự giúp đỡ của Chính phủ mà chứng khoán phải tự cứu mình. Hiện nay, có thể nói về hình thức, TTCK đã được quản lý nhưng trên thực tế, các biện pháp quản lý còn rất lỏng lẻo đối với cả nhà đầu tư, các công ty chứng khoán và các quĩ đầu tư. Vì vậy, có nhiều lực lượng không lành mạnh tham gia thị trường và chúng ta chưa có công cụ hữu hiệu quản lý các đối tượng này.

Chính phủ hiện đại không thể vơ thêm việc vào mình mà phải phân cấp. Đây là thời điểm Chính phủ vào cuộc để xem xét lại mô hình của UBCK nhà nước, cơ quan chịu trách nhiệm chính về thị trường nhưng chưa được giao quyền và giám sát phù hợp. Theo tôi, UBCK không nên trực thuộc Bộ Tài chính. Một cơ quan chuyên môn như UBCK không thể chỉ ngồi nghe cấp trên nói gì thì triển khai. Nếu cứ giữ tình trạng này, cứ việc gì khó UBCK lại nhờ Bộ Tài chính, Chính phủ giải quyết, có lỗi gì cũng có thể đổ cho Chính phủ. Trách nhiệm không rõ ràng, khả năng không được phát huy là hai yếu tố hàng đầu khiến một cơ quan trở nên yếu kém. Qua đợt “đo sàn” của chứng khoán lần này, đây là cơ hội để lập lại kỷ cương trong lĩnh vực chứng khoán, cơ cấu lại các cơ quan quản lý.

Qui mô TTCK VN đã lên đến vài chục phần trăm GDP, thị trường đang trên đường trở thành phong vũ biểu của nền kinh tế, nên nó cần quyền tự quyết cao hơn. Nếu không được “thay áo”, UBCK nhà nước sẽ tiếp tục “lỗi nhịp” và xử lý chậm những đòi hỏi của thị trường. Thiệt hại này không chỉ đánh vào lợi ích nhà đầu tư, doanh nghiệp mà nó còn đánh vào khả năng huy động vốn để các doanh nghiệp VN bứt phá trong giai đoạn hội nhập WTO.

* Vậy theo ông, mô hình UBCK cần cải tổ như thế nào để phù hợp?

- Trong điều kiện của VN rất khó nói mô hình nào là phù hợp. Tuy nhiên, có thể nêu một mô hình hiện đại nhất, hiệu quả nhất, đó là UBCK Mỹ. Ủy ban này hoạt động hoàn toàn độc lập trước chính phủ và toàn quyền ra quyết định trong lĩnh vực của mình (đúng luật). Tại VN, mô hình một cơ quan độc lập chưa quen thuộc nhưng cần hướng tới sự độc lập. Bởi cuối cùng, cái quan trọng nhất trong sự tồn tại của một cơ quan phải là tính hiệu quả.

Sắp tới, TTCK VN sẽ phải đối đầu với những nguy cơ rất lớn. Hiện vốn ngoại mới chỉ khoảng 4 tỉ USD nhưng khi các nhà đầu tư nước ngoài bán ra một chút thì thị trường đã xôn xao, nghiêng ngả. Nếu room được nới thêm, vốn vào nhiều hơn, tổng vốn ngoại lên đến 10 tỉ, thậm chí 20 tỉ USD thì nếu họ có động thái tiêu cực nào, chỉ cần bán tháo đi một nửa, thị trường của chúng ta sẽ đi về đâu? Chứng khoán tụt dốc, họ đổi một lúc mấy tỉ USD để chuyển tiền ra nước ngoài thì thị trường tiền tệ trong nước sẽ thế nào?

Nên thực tế rất cần một cơ quan có chuyên môn đưa ra các giải pháp đồng bộ để trước hết thị trường có tính ổn định, bền vững. Tiếp theo, phải từng bước giải quyết những vấn đề về chiến lược, định hướng thì mới tránh được những cú vấp bất ngờ và những giải pháp tình thế. Nếu cứ để nhiều giải pháp tình thế xuất hiện, thường hiệu quả không cao và thiệt hại rất lớn.


Không thể dẫn dắt thị trường bằng các kiến nghị

Mỗi khi TTCK có vấn đề là lúc nhìn rõ nhất vai trò của các cơ quan chức năng, tính hiệu quả và năng lực của họ. Chúng tôi đánh giá rất cao sự can thiệp khá nhiệt tình của UBCK thời gian qua. Nhưng rõ ràng khi TTCK chứng kiến sự hoảng loạn cuối tháng hai, việc UBCK làm rất tốt là tổ chức các hội nghị, đưa ra những lời trấn an. UBCK nắm được những chuyển biến nhỏ nhất của thị trường nên việc đưa ra những kiến nghị cũng rất nhanh. Tuy nhiên, thị trường đã không có biến chuyển theo các kiến nghị.

Việc UBCK chỉ đưa ra các kiến nghị bởi quyền không thuộc họ. Trong phạm vi chức năng nhiệm vụ của mình, tôi nghĩ UBCK đã làm khá tốt. Tôi đi họp cũng thấy cái khó của họ. Nếu rút ngắn các cấp để UBCK có nhiều quyền hơn, UBCK có thể hoạt động tốt hơn, giúp được nhiều hơn trong sự phát triển của thị trường.

Thời gian qua, chứng khoán tụt sâu không hoàn toàn vì nhà đầu tư, các quĩ đầu tư mất lòng tin, bán tháo mà họ buộc phải bán. Do cam kết trong hợp đồng với ngân hàng, tỉ lệ vay phải chiếm tỉ lệ nhất định so với tổng tài sản nên khi giá xuống, dù không muốn nhà đầu tư vẫn buộc phải bán. Như vậy, sự phát triển bền vững của TTCK phụ thuộc rất nhiều yếu tố và có thể thấy ngay cả khi UBCK có quyền lực lớn hơn, cũng còn nhiều điều họ không thể can thiệp.

TTCK VN đã chuyển sang nước cờ mới. Theo chúng tôi, kỷ nguyên của các quĩ, của đầu tư chuyên nghiệp sẽ mở ra. Thời gian của các nhà đầu tư nghiệp dư “mua gì cũng thắng” đã qua. Nên tất yếu thị trường sẽ phức tạp, mang tính tương tác thế giới cao hơn. Thời gian sắp tới có nhiều yếu tố rủi ro do kinh tế thế giới đang có những dấu hiệu không tốt. Mục tiêu chống lạm phát của Chính phủ VN cũng sẽ có những ảnh hưởng tiêu cực. Nên muốn TTCK VN sắp tới phát triển tốt, cần những chính sách ổn định từ một UBCK nhạy bén, chuyên môn cao. Thực tế cho thấy UBCK nên điều hành thị trường bằng các quyết định, giải pháp thay vì các kiến nghị, đề xuất.


Cần một ủy ban chứng khoán mạnh mẽ

UBCK nhà nước là nơi chống lại các cuộc khủng hoảng của thị trường. Thế nhưng thời điểm khó khăn nhất, chúng tôi không thấy vai trò của UBCK ở đâu. Những cuộc hội thảo, những đề nghị rồi những lời nói xoa dịu không thể là các biện pháp giải quyết khủng hoảng. Chúng ta cần một mô hình mạnh mẽ, hiệu quả hơn để vừa ngăn ngừa, vừa có khả năng dập tắt ngay những biến động xấu có thể ảnh hưởng đến thị trường.

Thời gian qua, có thể thấy sự trồi sụt quá lớn, lúc lên thì rất cao, lúc xuống thì quá thấp là do sự điều phối chưa tốt của UBCK nhà nước. Sự lên xuống thất thường này có lợi cho các nhà đầu cơ và cuối cùng thiệt hại cho cả nền kinh tế. Nhà nước, ở một khía cạnh nào đó, có thể nói đã để mất cả ngàn tỉ đồng ở các đợt IPO giữa lúc thị trường ảm đạm. Nếu giữ thị trường phát triển ổn định, dù một số công ty có thể không bán cổ phần được với giá cao ngất nhưng tính trung bình, Nhà nước vẫn có thể thu được nhiều tiền hơn.

Trong hai tháng vừa qua, đại đa số nhà đầu tư đã phải trả giá do UBCK không thể “kê toa” cho thị trường những phương thuốc thích hợp mà chỉ có những giải pháp ngắn hạn hoặc mang tính xoa dịu nhất thời. Thị trường đã phản ứng với cách điều hành đó như đã thấy. Với cách điều hành và một thị trường như hiện nay, nhà đầu cơ có lợi. Còn lại, mục tiêu lớn nhất của TTCK là tạo vốn cho doanh nghiệp thật ra không đạt được. UBCK cần phải mạnh mẽ hơn để bảo vệ được nhà đầu tư thực thụ.

Nếu cứ dừng lại ở cách điều hành hiện nay của UBCK, có thể thấy ủy ban này là một cơ quan nghiên cứu nhiều hơn là một cơ quan quản lý. Sự điều hành kém hiệu lực của UBCK nếu kéo dài rất dễ dẫn đến sự mất niềm tin. Mà trong một TTCK, việc mất niềm tin đôi khi có thể làm tiêu tan mọi hiệu ứng tích cực từ chính sách mới.


Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận