"Chính trị là địa phương"

LƯU VĨ LÂN 02/01/2014 22:01 GMT+7

TTCT - “Phân tích đến cùng thì tất cả phát triển đều nằm ở địa phương” (In the final analysis, all developments is local), đó là nhận xét của nhà báo, nhà bình luận quốc tế chuyên nghiên cứu về các vấn đề Nam Á Pranay Gupte.

Phóng to
Thị trưởng Rudy Giuliani mang khẩu trang xông xáo ở New York trong ngày hai tòa cao ốc World Trade Center sụp đổ - Ảnh: foto.jp.dk

Chúng ta thường có thói quen nhìn các vấn đề theo tầm quốc gia, tầm khu vực hay toàn cầu: nước này hay, nước kia chưa hay; chính phủ này giỏi, chính phủ kia dở; khu vực Đông Nam Á phát triển hơn khu vực Sừng châu Phi... Cách nhìn này vô tình bỏ qua tầm quan trọng của địa phương như một động lực quyết định trong thúc đẩy phát triển, kích thích đổi mới.

Nhưng với nhận xét tinh tế trên, Gupte cho rằng các nước giàu khi hỗ trợ nước nghèo cứ nghĩ đến các giải pháp vĩ mô ở mức độ quốc gia, hoặc những lý thuyết cao siêu mà quên rằng điều cần làm là “kích hoạt” cho những người có thể làm thay đổi tình hình, đó chính là những cư dân địa phương và lãnh đạo địa phương

Nơi ươm mầm những cảm hứng chính trị mới

Kinh nghiệm lịch sử cho thấy chính từ những địa phương mạnh, phong cách sống và làm việc độc đáo của người dân và lãnh đạo ở đó thường mang lại luồng cảm hứng mới cho cả một quốc gia. Nhiều lãnh đạo chính trị gây cảm hứng nhất thường bắt đầu khẳng định tài năng của mình từ địa phương, từ các tỉnh thành.

Hình ảnh một Võ Văn Kiệt khi còn là chủ tịch rồi bí thư TP.HCM phất cờ cho lực lượng Thanh niên xung phong lên đường, mặt chiếc áo thun trẻ trung đi nghe nhạc (thời những năm 1980 như thế là rất khác lạ), lặn lội đi đưa các trí thức “vượt biên” bị bắt trở về và thành lập Hội Trí thức yêu nước để họ có nơi hoạt động... đã truyền một luồng cảm hứng lớn lao cho Sài Gòn thời bao cấp. Và cũng chính từ đây, cuộc đổi mới kinh tế đã lan ra cả nước.

Người Mỹ cũng không quên hình ảnh thị trưởng Rudi Giuliani mang chiếc khẩu trang chống bụi xông xáo khắp thành phố New York đang “thất thần” khi hai tòa cao ốc World Trade Center sụp đổ.

Tính cách mạng nhất trong hành động này không phải là ông thị trưởng đi chăm lo cho người dân bị hoạn nạn mà là bằng một nhạy cảm chính trị lão luyện, Giuliani biết rằng bọn khủng bố muốn đánh sập niềm tin của nước Mỹ, đẩy họ vào sự hoang mang co cụm, nên ông xông xáo để trấn an và thúc giục người Mỹ trở lại cách sống của mình, mở cửa làm ăn buôn bán bình thường. Chỉ có vậy New York và nước Mỹ mới làm cho kẻ thù sợ mình.

Gần ta hơn là Shintaro Ishihara - thị trưởng Tokyo bốn nhiệm kỳ liên tục (từ 1999-2012), người biết hơn ai hết hai khái niệm quan trọng của chính trị: chính trị là địa phương và chính trị là hoàn thành những việc nhỏ, cụ thể.

Rất được dân Tokyo ưa thích, có lúc ông này đã chỉ trích thủ tướng Nhật đương thời với mình Junichiro Koizumi: “Koizumi bắt đầu với những khẩu hiệu lớn mà quên mất rằng chính trị là hoàn thành những việc nhỏ, cụ thể. Ông ta cứ lặp đi lặp lại từ hozo kaikaku (cải tổ cơ cấu). Nhưng ông ta không đưa ra được kế hoạch cụ thể và chỉ làm cử tri thất vọng mà thôi”.

Chính từ địa phương, rất nhiều người đã trở thành lãnh đạo quốc gia và tạo dấu ấn cho đất nước mình: tổng thống Hàn Quốc Lee Myung Bak từng là thị trưởng Seoul, tổng thống Pháp Jacque Chirac từng là thị trưởng Paris, tổng thống Jimmy Carter là thống đốc tiểu bang Georgia, Ronald Reagan là thống đốc bang California, Clinton là thống đốc Arkansas, George Bush là thống đốc Texas...

Phóng to
Shintaro Ishihara

Đi lên từ văn hóa địa phương

“Chính trị là địa phương và chính trị là hoàn thành những việc nhỏ, cụ thể”

Shintaro Ishihara (Thị trưởng Tokyo giai đoạn 1999-2012)

Nước Mỹ là một tập hợp của những địa phương mạnh mà quan điểm của họ khi nhìn các vấn đề được công nhận cả ở tầm quốc tế. Cụ thể, hãy nhìn vào nền báo chí đầy quyền lực của họ, bạn không thấy một tờ báo quốc gia mạnh (có lẽ hiện chỉ còn tờ USA Today), mà hầu hết đều là các tờ báo địa phương mạnh: New York Times, Washington Post, Chicago Herald Tribune, Los Angeles Times, San Jose Mercury... Tiếng nói của các tờ báo này được trích dẫn trên toàn cầu.

Để ảnh hưởng của địa phương vang xa, người lãnh đạo địa phương giỏi luôn biết cách khai phá sự độc đáo của vùng đất mình đang dẫn dắt. Thị trưởng Seoul Oh Se Hoon là một người như thế: ông muốn dùng văn hóa để thúc đẩy tăng trưởng cho thành phố.

Khi được hỏi làm sao giải quyết được mối gắn kết khá mông lung này, ông nói: “Tôi muốn biến Seoul thành thành phố của sáng tạo, thiết kế và văn hóa. Dĩ nhiên không thể làm được việc này nếu địa phương ấy không có nền văn hóa nào cả. May là Seoul có lịch sử lâu đời và chúng tôi có một tài sản văn hóa lớn... Hàn Quốc là một quốc gia buôn bán với cả thế giới và những sản phẩm chúng tôi làm ra với dấu ấn văn hóa riêng của mình sẽ được bán cao giá hơn. Chúng tôi gọi đó là culture-nomics thay vì là economics”.

Ý kiến này được phát biểu từ năm 2008 và nay chúng ta đã chứng kiến những gì Seoul và Hàn Quốc đã làm ra từ sự độc đáo văn hóa đó: từ K-pop đến kim chi, đến Gangnam Style, đến các dòng điện thoại thông minh của Samsung...

Điều này dễ hiểu vì khái niệm văn hóa quốc gia bao gồm trong nó các tiểu vùng văn hóa. Các tiểu vùng văn hóa này thông qua thời gian chính là cái khung để hình thành phân chia hành chính quốc gia: các tỉnh thành ra đời thường dựa trên “lãnh thổ” mà các tiểu vùng văn hóa này tồn tại, dù có lúc “tiểu vùng” này trùng với một tỉnh thành, có lúc bao hàm vài tỉnh liền kề (như “người lục tỉnh, miền Tây”...).

Chúng ta biết rằng rất nhiều tài sản phi vật thể lẫn vật thể quý giá đang ẩn sâu trong từng tiểu vùng văn hóa đó, nếu không phải là những người gắn bó, “nằm gai nếm mật” với địa phương thì khó mà thấy và khai thác được. Rõ ràng nếu biết tìm cách tiếp cận kiểu “culture-nomics” với từng “tiểu vùng văn hóa” sáng tạo đó thì nền tảng phát triển quốc gia sẽ phong phú hơn rất nhiều.

Về mặt không gian sống, từng cá nhân sống trong xóm phố, phường xã, quận huyện, tỉnh thành cụ thể của mình trước đã, sau đó các địa phương này gộp lại mới thành ý niệm quốc gia. Rõ ràng, không gian địa phương đó rất cụ thể, rất sát sườn với từng con người.

Nhà báo Pranay Gupte đưa ra một minh chứng: “Có những điều cần học từ lịch sử: tại sao chỉ một nhóm nhỏ người Anh mà cai quản cả tỉ người ở tiểu lục địa Ấn Độ trong gần 200 năm? Các nhà quản trị thực dân có hai bí quyết quan trọng: hợp tác với các cơ cấu của địa phương và tạo ra những chính sách có lợi trực tiếp với cư dân địa phương”.

Cách nhìn này rất giống với ý kiến của Philippe Devillers trong tác phẩm Người Pháp, người An Nam: Bạn hay thù: “Ngày 19-8-1861, đô đốc Bonard được chỉ định là ủy viên toàn quyền để kiến lập chế độ bảo hộ ở Nam kỳ, ông cho rằng: ở đây, cách cai trị hay nhất là ủy nhiệm cho những thủ lĩnh bản xứ giám sát và kiểm tra trực tiếp dân chúng...

Ông thực lòng muốn tôn trọng những luật pháp và các thể chế An Nam và trong mọi trường hợp chỉ muốn đụng chạm vào đó càng ít càng tốt... Ở đây, người ta đứng trước một dân tộc cổ xưa, có một nền văn minh hàng nghìn năm và những thể chế vững chắc. Vì vậy phải hành động hết sức thận trọng”.

Không phải ngẫu nhiên mà ngân hàng tầm cỡ toàn cầu HSBC xây dựng châm ngôn của mình: Think global, act local (Suy nghĩ tầm toàn cầu, hành động phù hợp với địa phương). Mọi đổi mới cần phải bắt đầu từ từng tỉnh thành nơi người dân cảm nhận được ngay guồng máy đang chuyển động ra sao.

Một tập hợp mạnh

Thông thường các quốc gia mạnh bao giờ cũng được hợp thành bởi những địa phương mạnh, độc đáo. Không thể có một tập hợp mạnh mà lại dựa trên những phần tử yếu. Do đó, dường như cần phải có chút điều chỉnh về thúc đẩy phát triển: đó là chú ý hơn đến địa phương.

Ở nước ta, người dân thì thông minh, cần cù, các vùng văn hóa thì phong phú, đặc sắc từ Bắc tới Nam. Nhưng thực tế con số các tỉnh thành chưa đứng được trên đôi chân mình, còn trông chờ sự hỗ trợ ngân sách từ trung ương còn rất cao.

Trong năm qua, hai vị lãnh đạo quan trọng của địa phương bị đột quỵ (một vị là chủ tịch TP Cần Thơ, một vị là chủ tịch tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu), rồi cuộc tranh luận khá căng về cải tiến cấp chính quyền địa phương giai đoạn trước khi Hiến pháp được thông qua, ít nhiều cho thấy có những “căng kéo” lớn ở cấp địa phương.

Ở Mỹ, một đất nước mà mọi cấp hành chính là một chính quyền dân cử và hệ thống đó khá phức tạp: có một chính quyền trung ương (US Government), 50 chính quyền tiểu bang (State Government) và khoảng 83.186 chính quyền địa phương (Local Government) bao gồm: 3.042 County, 19.200 Municipal, 16.691 Township and Town, 14.721 School District, 29.532 Special District.

Biết việc điều hành của mình rất phức tạp, căng thẳng và khó bao quát hết, nên họ rất linh hoạt trong việc tổ chức điều hành ở cấp địa phương. Chẳng hạn hiện có ba hình thức chính quyền thành phố: một là Mayor-Council Form (hình thức song hành thị trưởng và hội đồng thành phố: người dân bầu trực tiếp thị trưởng và hội đồng thành phố. Sau đó thị trưởng chỉ định ủy ban thành phố để điều hành công việc, hội đồng thành phố giám sát).

Hai là Commission Form (hình thức hội đồng thành phố điều hành: người dân bầu hội đồng hay gọi là Board of Commissioners và mỗi ủy viên hội đồng này nắm trực tiếp các ban ngành như ủy viên cảnh sát, ủy viên cứu hỏa, ủy viên tài chính, ủy viên công chính...).

Và ba là Council-Manager Form (hình thức thuê nhà quản lý đô thị chuyên nghiệp: người dân bầu hội đồng, hội đồng bầu thị trưởng chỉ ở vị trí biểu tượng, sau đó hội đồng thuê một “city manager” và người này được toàn quyền chỉ định bộ máy và quản lý thành phố dưới sự giám sát của hội đồng và công luận). Đây là hình thức đang phổ biến nhất ở các địa phương nước Mỹ.

Một sự uyển chuyển đáng kinh ngạc trên nền của một chính quyền địa phương do dân bầu ra và giám sát. Chúng ta, dĩ nhiên bằng cách riêng của mình, cũng cần phải tìm ra con đường để từng địa phương có thể tự vận hành và trở thành nét độc đáo cho chân dung toàn cảnh của quốc gia.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận