Chống tham nhũng và "mặt trái của cơ chế thị trường"

VŨ QUỐC TUẤN 24/07/2004 21:07 GMT+7

TTCN - Lâu nay người ta thường qui kết nguyên nhân chủ yếu nhiều tiêu cực của cán bộ, công chức, nhất là tham nhũng, là do “mặt trái của cơ chế thị trường”. Vậy có phải chỉ đơn giản như vậy ?

 
 

 Trong thực tế sự vật nào cũng có mặt trái. Ngạn ngữ Pháp có câu: “Mỗi huân chương đều có mặt trái”. Cơ chế thị trường cũng vậy, cũng có hai mặt. Như mọi người đã biết, thị trường là nơi diễn ra các hoạt động mua, bán theo các qui luật khách quan.

Cơ chế thị trường có ưu điểm là tự do kinh doanh, khuyến khích cạnh tranh, thông qua thị trường mà phân bổ các nguồn lực một cách hiệu quả nhất, phát huy đến mức cao nhất các tài năng sáng tạo... Thế nhưng, cơ chế thị trường cũng có những khuyết tật mà chủ yếu là cạnh tranh vô tổ chức, độc quyền, gây ra phân hóa giàu nghèo, hủy hoại môi trường.

Nói thị trường cũng là nói những lĩnh vực được coi là hàng hóa và có sự trao đổi hàng hóa. Đương nhiên không phải mọi giá trị đều là hàng hóa có thể mua bán; không phải mọi quan hệ xã hội đều là quan hệ thị trường. Việc bầu cử, bổ nhiệm chức vụ công tác vốn không phải là quan hệ thị trường, bởi vì chức vụ công tác vốn không phải là hàng hóa nhưng bởi vì chức vụ, trong một số trường hợp, có thể bị cán bộ, công chức thoái hóa lạm dụng chức quyền, mở đường dây “mua quan bán chức” để vơ vét, thu lợi cá nhân, do đó có người “chạy” và “mua” chức vụ (có thể bằng tiền), và sau đó họ phải tìm mọi cách để sớm “thu hồi vốn” và có lãi, do đó nảy sinh “thị trường quan chức”. Đó đích thực là tội tham nhũng, hối lộ phi pháp, bất lương vốn có trong các bộ máy nhà nước suy thoái.

Để khắc phục các hiện tượng tiêu cực trong các hoạt động kinh tế, xã hội cũng như trong quản lý nhà nước, rất cần nhấn mạnh vị trí đặc biệt quan trọng của công tác quản lý nhà nước và vai trò giám sát của xã hội.

Thông qua hệ thống thể chế, chính sách, Nhà nước hướng dẫn thị trường, ban hành hệ thống luật pháp (như Luật cạnh tranh, hạn chế độc quyền, Luật bảo vệ môi trường,...) và kiểm tra việc thực hiện thể chế, chính sách đó. Đồng thời Nhà nước ban hành các qui định về tổ chức, bộ máy quản lý nhà nước, làm trong sạch bộ máy và cán bộ, công chức của mình, đặc biệt là theo dõi việc thực hiện các qui định pháp luật, xử lý nghiêm túc các trường hợp cán bộ, công chức vi phạm.

Song, Nhà nước cũng có những khiếm khuyết của nó, cũng có thể gọi là “mặt trái”, đó là sự thoái hóa của bộ máy và cán bộ, công chức, biểu hiện rõ nhất là lạm dụng chức quyền, quan liêu, tham nhũng (với các biểu hiện và mức độ khác nhau). 

Chuyển từ kế hoạch hóa tập trung quan liêu, bao cấp sang kinh tế thị trường, những khuyết tật của Nhà nước lại càng lộ rõ, nhất là khi hệ thống pháp luật theo cơ chế thị trường chưa được hình thành đồng bộ, hoàn chỉnh, công tác quản lý nhà nước còn nhiều bất cập. 

Trong cơ chế kế hoạch tập trung quan liêu, bao cấp không phải không có tham nhũng, chỉ có hình thức và mức độ khác với ngày nay. Trong tình hình tham nhũng trở thành “quốc nạn”, chống tham nhũng được coi như chống “nội xâm” thì việc làm trong sạch bộ máy và cán bộ, công chức lại càng có ý nghĩa quyết định, chính là để cán bộ, công chức không thể lợi dụng những khiếm khuyết của thị trường mà mưu cầu lợi ích không chính đáng.

Khắc phục tệ nạn tham nhũng phải bằng những biện pháp đồng bộ, mà quan trọng nhất là hình thành hệ thống pháp luật khiến công chức không cần tham nhũng, không muốn tham nhũng và cũng không thể tham nhũng. 

Có lẽ giải pháp trước tiên và quan trọng nhất chính nằm trong cơ chế tuyển chọn và sử dụng cán bộ, công chức; mà đây lại chính là một lĩnh vực cần và có thể vận dụng cơ chế thị trường: qua thị trường mà tuyển chọn được người tài. Nếu Nhà nước không làm được đầy đủ chức năng của mình thì chớ đổ lỗi cho “mặt trái của cơ chế thị trường”!

Điều quan trọng nhất là phải đề cao sự giám sát của xã hội. Xã hội giám sát thị trường, giám sát Nhà nước, có tác dụng quyết định chống những tiêu cực của bộ máy nhà nước, của mỗi cán bộ, công chức cũng như của thị trường. 

Thông qua các tổ chức dân cử, các đoàn thể nhân dân, các tổ chức xã hội dân sự, các phương tiện thông tin đại chúng... và rất quan trọng là bằng tai, mắt, lời nói, việc làm của chính người dân, xã hội giám sát thị trường (các tổ chức sản xuất, kinh doanh) trong các hoạt động kinh tế, nhất là trong việc tuân thủ pháp luật.

Xã hội giám sát Nhà nước trong việc đề ra và thực thi hệ thống pháp luật, vì lợi ích của cộng đồng. Xã hội giám sát hoạt động của cơ quan nhà nước, từ việc chi tiêu ngân sách (được đóng góp bằng tiền thuế của dân), nhất là đầu tư xây dựng cơ bản bằng vốn nhà nước cho đến tổ chức, cơ chế hoạt động của bộ máy công quyền, giám sát hành vi của từng cán bộ, công chức.

Điều quan trọng là những hoạt động của cơ quan công quyền liên quan đến người dân phải được công khai hóa để người dân biết và giám sát. Cán bộ, công chức ở mọi ngành, mọi cấp đều phải được đặt dưới sự giám sát của dân, của xã hội; không có sự giám sát chặt chẽ, không tránh khỏi lạm quyền, độc quyền và tham nhũng xảy ra là dễ hiểu. 

Gần đây, báo chí đã có công phanh phui những vụ bê bối, tham nhũng lớn trong một số ngành, tổng công ty nhà nước, đó là điều rất đáng biểu dương.

Như vậy, không nên đổ lỗi tất cả những tiêu cực của cán bộ, công chức, nhất là tệ tham nhũng, cho cái gọi là “mặt trái của cơ chế thị trường” khi đã công nhận và thực thi cơ chế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa; mà trước hết cần sửa đổi tận gốc cơ chế tuyển chọn, sử dụng cán bộ, công chức, nhất là đề cao vai trò giám sát của xã hội đối với cơ quan nhà nước, đối với cán bộ, công chức.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận