Mỹ tăng lãi suất và nỗi lo nợ… từ “trên trời rơi xuống”

HỒ QUỐC TUẤN 29/12/2015 20:12 GMT+7

TTCT - Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đã tăng lãi suất thêm 0,25% từ ngày 16-12, chấm dứt gần một thập kỷ không tăng lãi suất (lần gần nhất tăng lãi suất là tháng 6-2006).

B.R.
 

Đây là lãi suất chính sách của Fed và thông thường sẽ khiến tất cả mức lãi suất thương mại trong nền kinh tế Mỹ lên. Tín hiệu cho thấy thời kỳ lãi suất thấp của thế giới sắp qua đi khi các nền kinh tế phát triển bắt đầu hồi phục và những mức lãi suất 0% hoặc âm có thể sẽ sớm qua đi.

Gánh nặng nợ

Điều này tất yếu sẽ có tác động đến các khoản nợ nước ngoài ở các thị trường đang phát triển như Việt Nam. Vấn đề không chỉ nằm ở việc lãi suất đối với các khoản vay mới hoặc vay đảo nợ trên thị trường quốc tế sẽ có xu hướng tăng lên, mà còn nằm ở chỗ gánh nặng của các khoản nợ hiện tại cũng tăng.

Phần lớn chuyên gia ngoại hối dự đoán lãi suất USD tăng lên ở Mỹ sẽ kéo theo sự tăng giá của đồng USD so với đồng tiền của nhiều nền kinh tế mới nổi. Điều đó cũng đồng nghĩa những nền kinh tế mới nổi sẽ đứng trước gánh nặng nợ lớn hơn khi quy đổi ra đồng nội tệ.

Có thể hiểu đơn giản là khi số nợ vay được định giá bằng USD không đổi, khi đồng USD tăng giá 5% so với đồng nội tệ thì tổng số nợ khi quy ra nội tệ cũng sẽ tăng 5%. Những công ty ở các nền kinh tế đang phát triển như Việt Nam vay nợ nước ngoài mà có nguồn thu bằng nội tệ sẽ có rủi ro bị lỗ do rủi ro tỉ giá.

Điều này đã được thấy ở Việt Nam vài năm gần đây khi có nhiều công ty công bố những khoản lỗ lớn do biến động tỉ̉ giá, phần lớn trong số đó có nhiều khoản vay bằng ngoại tệ trong khi có nguồn thu là tiền đồng Việt Nam.

Một báo cáo đầu năm nay mang tên “Global dollar credit: links to US monterary policy and leverage” của Ngân hàng Thanh toán quốc tế (BIS) lo ngại khi Fed tăng lãi suất thì thị trường tài chính toàn cầu sẽ đứng trước một rủi ro lớn về nợ nước ngoài của các thị trường đang phát triển.

Báo cáo này cho biết sau khủng hoảng kinh tế toàn cầu, với chính sách nới lỏng tiền tệ ở Mỹ, nhiều chính phủ và doanh nghiệp ở châu Á đã vay nợ định giá bằng USD với quy mô lớn. Kể từ sau khủng hoảng tài chính, các khoản vay đối với hầu hết nền kinh tế mới nổi (phần lớn ở châu Á) đã tăng gấp đôi, lên mức 4,5 nghìn tỉ.

Ở đây có một vấn đề thú vị. Trong những năm kinh tế Mỹ và châu Âu suy yếu, lãi suất USD và các đồng tiền chính giảm về mức thấp kỷ lục thì các nước đang phát triển vay nợ giá rẻ để cố duy trì tăng trưởng và chê cười mô hình tăng trưởng của các nền kinh tế phương Tây.

Nay kinh tế Mỹ hồi phục, những nước này phải gánh lấy hậu quả của lãi suất USD tăng đối với những khoản vay giá rẻ trước đây của mình. Hậu quả đó sẽ nặng nề hơn cho những nước vay nợ để duy trì tăng trưởng giả tạo và chi tiêu lãng phí, trì hoãn cải cách kinh tế và ngành ngân hàng. Âu đó cũng là hậu quả tất yếu mà họ phải gánh chịu.

Xác suất vỡ nợ tăng gấp đôi

Điều đáng ngại ở đây là nhiều khoản vay này do các doanh nghiệp tư nhân vay. Các doanh nghiệp này đã lách qua những hạn chế về vay nợ bằng ngoại tệ của chính phủ nước họ bằng cách thành lập các chi nhánh ở London, Thụy Sĩ hoặc Cayman Islands rồi đi vay nợ, hoặc họ thành lập công ty chi nhánh ở nước ngoài rồi bán trái phiếu huy động vốn trên thị trường quốc tế.

Nhiều công ty vay nợ ngoại tệ như vậy là những công ty lớn ở các nền kinh tế đang phát triển, nên khó khăn của họ sẽ kéo theo rối loạn trong nền kinh tế.

Một trong những ví dụ là Hãng máy bay Gol của Brazil đã có tỉ lệ nợ trên vốn chủ sở hữu năm 2015 tăng gần gấp đôi so với năm 2014 chỉ vì biến động tỉ̉ giá, và vì công ty này vay phần lớn nợ bằng đồng USD. Giá cổ phiếu của công ty này đã giảm hơn 85% so với cùng kỳ năm 2014.

Những công ty như vậy mà không trả được nợ, lâm vào phá sản thì không chỉ nhân viên của công ty mất việc, mà còn ảnh hưởng sâu rộng đến toàn nền kinh tế (chẳng hạn nếu công ty điện vì lỗ tỉ̉ giá mà đòi tăng giá điện, hoặc công ty hàng không phá sản phải dừng bay).

Nhiều công ty hàng không, năng lượng và khai thác quặng của những nền kinh tế mới nổi đang nằm trong tình trạng tương tự, và đây là rủi ro lớn đối với các nền kinh tế này trong giai đoạn lãi suất tăng sắp tới.

Một số ngân hàng đầu tư của Mỹ và Anh dự báo xác suất vỡ nợ của những trái phiếu công ty có độ tín nhiệm thấp ở các nền kinh tế mới nổi sẽ tăng gấp đôi trong năm 2016, lên 6-7% (năm năm trước, con số này là gần 0%). Con số dự báo này cao gần gấp đôi con số bình quân vỡ nợ trong 20 năm trước của các trái phiếu tương tự và cao hơn cả khả năng vỡ nợ của những trái phiếu loại “rác” của Mỹ.

Các báo cáo này cho rằng điều đáng sợ hơn là tình trạng xấu đi của những khoản nợ các thị trường mới nổi sẽ dẫn đến tình trạng suy kiệt tín dụng đối với các nền kinh tế mới nổi thời gian tới. 

Đó là khi các nhà đầu tư quốc tế cảm thấy rủi ro đối với những khoản vay cho thị trường mới nổi tăng quá nhanh đồng thời lãi suất USD lại tăng lên, họ sẽ đòi những mức lãi suất rất cao hoặc thậm chí từ chối cho vay mới.

Đây là tình trạng đã xảy ra cho khủng hoảng nợ ở Hi Lạp và châu Âu trước đây. Người ta đang lo sợ nó có thể diễn ra với Brazil, Chile, Colombia hoặc Thổ Nhĩ Kỳ. Các số liệu của Trung Quốc vẫn an toàn hơn các nước này nhiều, nhưng chúng ta khó biết được độ tin cậy của nó đến đâu.

Trong năm 2016, đi chung với xu hướng mất giá của các đồng tiền ở những nền kinh tế đang phát triển và tăng lãi suất của USD, các công ty vay nợ ngoại tệ ở nước đang phát triển sẽ phải mua và găm giữ USD để trả nợ, góp phần khiến đồng nội tệ các nước này mất giá.

Chính phủ những nền kinh tế này sẽ phải tăng lãi suất để người dân vẫn duy trì nắm giữ các đồng nội tệ và chịu cho chính phủ và công ty trong nước vay để chuyển thành ngoại tệ trả các khoản nợ nước ngoài.

Vì vậy trong năm 2016, ở một số nền kinh tế đang phát triển sẽ thấy xuất hiện xu thế đồng nội tệ mất giá và lãi suất nội tệ tăng, nhưng vay mượn trên thị trường quốc tế sẽ khó khăn dẫn đến vay mượn trong nước cũng căng thẳng. Ở thời điểm này, chúng ta không thể loại trừ trường hợp Việt Nam cũng sẽ trong nhóm này.

Đó là trạng thái suy kiệt tín dụng ở các nền kinh tế mới nổi mà nhà đầu tư quốc tế đang lo sợ. Nếu nó đi kèm với việc tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc tiếp tục yếu đi, kéo theo sự sụt giảm giá dầu thô, nguyên liệu thô và những sản phẩm xuất khẩu chủ yếu của nhiều nền kinh tế đang phát triển, thì năm 2016 có thể là một năm điều hành chính sách đầy khó khăn cho các nền kinh tế đang phát triển, trong đó có Việt Nam. ■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận