Nga: Khi người giàu cũng khóc

TƯỜNG ANH 28/03/2022 17:00 GMT+7

TTCT - Khi “chiến dịch quân sự đặc biệt” của Nga nhắm vào Ukraine nổ ra từ 24-2, không ít chủ sở hữu các doanh nghiệp lớn và tập đoàn nhà nước rời khỏi Nga.

Các tỉ phú đổ xô đi “giải vây” các biệt thự và du thuyền, sợ rằng họ sẽ bị buộc phải chia sẻ những gì vất vả lắm mới có được…

Khi tỉ phú chạy nạn

Theo báo Tin Tức Mới (Nga), ngay từ 24-2 các dịch vụ theo dõi đã ghi nhận một số máy bay tư nhân của các tỉ phú Nga cất cánh bên ngoài lãnh thổ Nga. Hầu hết các máy bay đều được đăng ký tại các quốc gia khác, vì vậy bầu trời đóng cửa không ảnh hưởng đến khả năng bay ra khỏi Nga của chủ nhân.

Chiếc máy bay mang số hiệu LX-PHS của người đồng sở hữu Tập đoàn dược phẩm đa quốc gia Pharmstandard Viktor Kharitonin, bay đi Dusseldorf, Đức, vào ngày 25-2. 

 
 Một số đại tài phiệt Nga bị ảnh hưởng bởi các lệnh cấm vận (từ trái sang): Petr Aven, Alexei Mordashov, Oleg Deripaska, Roman Abramovich, Mikhail Fridman và Alisher Usmanov.  Ảnh: Getty Images

Máy bay LX-VIP của chủ sở hữu Tập đoàn USM Alisher Usmanov - một trong những cư dân giàu nhất nước Anh với tài sản trị giá 15 tỉ USD - đã bay từ Ý đến thủ đô của Uzbekistan, quê hương ông - vào ngày 28-2 và ở lại đó đến thời điểm bài viết được đăng là 16-3.

Chủ sở hữu của Tập đoàn thép và khai khoáng Severstal, Alexei Mordashov, đang sống qua những ngày khó khăn này ở Seychelles. “Vào ngày thứ hai của chiến dịch đặc biệt, Mordashov bay đến Matxcơva, sau đó lập tức bay trở lại quần đảo ở Ấn Độ Dương trên chiếc Bombardier Global 6000”, Tin tức mới cho biết. 

Riêng Vagit Alekperov, cổ đông lớn nhất của Lukoil, được cho là đã bay đến Thổ Nhĩ Kỳ. Một thông điệp của Lukoil đã được công bố, kêu gọi “chấm dứt các hành động thù địch ở Ukraine và giải quyết tình hình thông qua các biện pháp ngoại giao”. 

Các nhà phân tích cho biết tuyên bố của công ty là do Lukoil lo sợ bị áp đặt các lệnh trừng phạt mới, bởi “nhiên liệu động cơ bán cho các nước châu Âu chiếm 1/4 thị phần của Lukoil”, theo Nezavisimaya Gazeta.

Tuy nhiên, điều đón đợi các nhà tài phiệt không phải là cuộc trưng dụng tài sản của họ ở Nga, mà lại là cuộc tấn công từ phương Tây. 

“Danh sách tấn công” (“hit list”) là cụm từ mà Ngoại trưởng Anh Liz Truss dùng mô tả việc Bộ Ngoại giao Anh nhắm vào các nhà tài phiệt Nga, mà theo lời bà, là “những đồng minh siêu giàu của Putin”.

Ngay sau khi Hoa Kỳ và EU công bố các biện pháp trừng phạt giới doanh nhân Nga, chính phủ Pháp, Anh, Đức, Ý, Canada và Mỹ tuyên bố thành lập một nhóm xuyên Đại Tây Dương để xác định tài sản của các tỉ phú Nga trên lãnh thổ của họ nhằm tiến hành đóng băng.

Những cú đấm đầu tiên giáng xuống các du thuyền xa xỉ. Ngày 3-3, Bộ trưởng Kinh tế và tài chính Pháp Bruno Le Maire viết trên Twitter rằng hải quan Pháp đã bắt giữ du thuyền của một nhà tài phiệt người Nga. Ý là nước tiếp theo. 

Tại cảng Empire, nhà chức trách đã tạm giữ du thuyền Lady M trị giá 65 triệu đôla của Mordashov. Còn tại cảng San Remo, du thuyền Lena trị giá 75 triệu euro của chủ sở hữu Tập đoàn Volga, Gennady Timchenko, cũng bị bắt. 

Trước đó có tin đồn về vụ giam giữ du thuyền lớn nhất thế giới Dilbar, dài 156m, trị giá 600 triệu USD của tỉ phú Usmanov ở Đức. Tuy nhiên, tờ Spiegel của Đức đã bác bỏ tin này.

Biệt thự dành cho người tị nạn?

Ngoài bắt giữ du thuyền, Ý còn tịch thu ngôi biệt thự Lazzareschi trị giá 3 triệu euro ở Toscana, thuộc sở hữu của cựu đại biểu Duma quốc gia Oleg Savchenko. 

Hai biệt thự của nhà báo Vladimir Solovyov, nằm bên hồ Komo, trị giá 8 triệu euro, cũng bị thâu tóm. Bất động sản của tỉ phú Usmanov tại Golfo Pevero ở Sardinia, trị giá 17 triệu euro, cũng bị phong tỏa.

Đến nay, hàng loạt biệt thự của các tỉ phú Nga tại Vương quốc Anh là đích nhắm trong công cuộc trưng dụng do Bộ trưởng Nhà ở và dịch vụ công của Anh Michael Gove tiến hành. 

London đe dọa rằng bất động sản của các doanh nhân Nga bị phong tỏa sẽ không nhận được bất kỳ khoản bồi thường nào, và nhà của họ sẽ “dành cho những người tị nạn Ukraine!”.

Các biệt thự của Usmanov bị đóng băng gồm Beechwood House ở London và Sutton Place ở Surrey. Cả hai tòa nhà được định giá khoảng 135,5 triệu USD. Theo Daily Mail, doanh nhân này đã cố bán Beechwood House với giá 66 triệu USD trước khi nhà chức trách Anh có thể trưng dụng.

Riêng Roman Abramovich, lo sợ tài sản của mình bị ảnh hưởng, đã chủ động tuyên bố bán câu lạc bộ bóng đá Chelsea từ 2-3, và theo báo chí Anh, ông cũng đang tìm người mua dinh thự ở phía tây London (225 triệu euro). 

Tuy nhiên đến 10-3, Chính phủ Anh thông báo đóng băng câu lạc bộ Chelsea của cựu thống đốc Chukotka. Lý do Abramovich bị trừng phạt là vì “có mối quan hệ nhiều thập kỷ với Tổng thống Putin”.

Ở Mỹ, ngày 12-3, Bộ Tài chính thông báo phong tỏa “một số tài sản thuộc dạng xa xỉ” của Viktor Vekselberg, chủ sở hữu tập đoàn nhôm, dầu khí Renova, trong số này có một máy bay Airbus A319-115 và du thuyền Tango.

Vỡ mộng Fridman

Với Mikhail Fridman, người sáng lập một trong những ngân hàng lớn nhất Nga Alfa Bank, 4 ngày sau khi chiến sự nổ ra, tổ chức từ thiện của ông Genesis Philanthropy Group thông báo sẽ quyên góp 10 triệu đôla cho các tổ chức Do Thái hỗ trợ người tị nạn ở Ukraine.

Tuy nhiên, bước đối phó của Fridman không cứu tỉ phú này khỏi lệnh trừng phạt. Bloomberg 17-3 đã đăng trả lời phỏng vấn của ông từ London. 

Theo doanh nhân này, ông “tưởng như đã làm đúng mọi thứ: tài trợ cho các lễ hội âm nhạc ở quê hương Lviv (Ukraine) của mình, mua một biệt thự sáu phòng ngủ kiểu Victoria ở London, Athlone House, với giá 65 triệu bảng… Giữ tiền ở phương Tây, làm bạn với phương Tây, sống ở phương Tây. Đồng thời, ở Nga, chơi theo luật chung, không bao giờ léo hánh vào chính trị”.

Thế nhưng mọi thứ đã quay ngoắt sau ngày 28-2. Fridman ta thán: “Giờ tôi thậm chí không thể trả tiền cho người quét dọn… Có lẽ bây giờ tôi nên tự quét nhà! Trước đây, đó là điều bình thường thời sinh viên, khi sống trong một căn phòng trong ký túc xá cho bốn người. Nhưng sau 35 năm - thật bất ngờ”.

Tài sản Fridman trị giá khoảng 14 tỉ USD trước chiến tranh, theo Bloomberg. Hiện chúng còn khoảng 10 tỉ đôla trên giấy tờ và ông đang lâm vào vị thế kỳ lạ: một tỉ phú không tiền mặt. Khi Anh trừng phạt Fridman vào ngày 15-3, thẻ ngân hàng còn hoạt động cuối cùng của ông ở Anh đã bị đóng băng. 

Bây giờ Fridman phải xin giấy phép để tiêu tiền của mình và Chính phủ Anh sẽ xác định xem yêu cầu nào là “hợp lý”. 

Tạm thời ông được phép chi tiêu 2.500 bảng một tháng trong cuộc sống đắt đỏ ở London. Xét rằng không lâu trước đó, Fridman nắm trong tay tiền muôn bạc vạn, điều này giống như sự chế nhạo của số phận, Sự thật Komsomol viết.

Fridman nói: “Tôi không hiểu logic đằng sau hình phạt đối với mình. Tôi chưa bao giờ làm ở công ty nhà nước hoặc làm việc cho nhà nước. Nếu những người lãnh đạo EU cho rằng vì bị trừng phạt, tôi sẽ đến gặp Putin để bảo ông ta chấm dứt chiến tranh, thì chúng ta đã gặp rắc rối to. Điều đó có nghĩa là những người đưa ra quyết định chẳng hiểu gì về cách thức hoạt động ở Nga. Và như vậy rất nguy hiểm cho tương lai”. 

Fridman nói chưa bao giờ gặp riêng Putin, mà chỉ gặp tổng thống Nga cùng các nhóm doanh nhân, và theo ông, “khoảng cách quyền lực giữa ông Putin và bất kỳ ai khác cũng giống như khoảng cách giữa trái đất và vũ trụ”, và “nói với Putin bất cứ điều gì chống lại chiến tranh… cũng giống như tự sát!”

Bloomberg nhắc lại từng có thời Fridman nằm trong 7 nhà tài phiệt hàng đầu của Kremlin. Đó là vào thập niên 1990, khi nhóm này tài trợ cho chiến dịch tái tranh cử của Boris Yeltsin. 

Tuy nhiên từ khi lên nắm quyền năm 2000, ông Putin đã áp đặt mô hình của riêng mình: Thỏa thuận mới là nếu đứng ngoài chính trường, các tỉ phú có thể tiếp tục kinh doanh. 

“Putin đã tiêu diệt những nhà tài phiệt vi phạm thỏa thuận đó, như Mikhail Khodorkovsky, người phải ngồi tù 10 năm sau khi cố dấn thân vào chính trường. Trong 22 năm cầm quyền, Putin đã góp phần tạo ra một lứa tài phiệt mới, những người giàu lên nhờ các hợp đồng nhà nước và điều hành các công ty do nhà nước kiểm soát”, Bloomberg viết.

Với Fridman, lệnh trừng phạt đánh dấu sự chấm dứt nỗ lực cả thập kỷ để được chấp nhận bên ngoài nước Nga. 

Trong 20 năm, hằng năm ông đều đến Washington gặp gỡ các thành viên Quốc hội Mỹ và các tổ chức tư vấn nhằm vun đắp điều mà ông gọi là “mối quan hệ mang tính xây dựng” giữa người Mỹ và người Nga trong kinh doanh. 

Năm 2004, cùng đồng nghiệp Aven, ông lập học bổng Alfa, tài trợ cho hơn 200 công dân Mỹ, Anh và Đức đến làm việc và du lịch tại Nga để “nâng cao hiểu biết về nước Nga ở phương Tây”. Nhưng rồi những mối quan hệ đó giờ cũng không bảo vệ nổi ông.

Abramovich: tỉ phú “quyền biến”

Các nhà tài phiệt Nga đã “nghèo” đi đáng kể do “chiến dịch quân sự đặc biệt”. Theo Forbes, các tỉ phú Nga mất tổng cộng 39 tỉ USD sau sự cố 24-2, trong đó tài sản của ông trùm dầu mỏ Lukoil, Alekperov, giảm mạnh nhất: 10,5 tỉ USD, tương đương 54,4% tổng tài sản. 

Mordashov mất 5,6 tỉ USD (20%). Còn Timchenko, chủ Tập đoàn Volga Group, chuyên đầu tư vào tài sản năng lượng, giao thông và cơ sở hạ tầng, là 4,6 tỉ USD (28,8%), chủ tịch Norilsk Nickel Vladimir Potanin: 4,5 tỉ USD (15%). 

Mất ít nhất - khoảng 2 tỉ USD mỗi người - là chủ sở hữu Tập đoàn Alfa, Mikhail Fridman và nhà tài phiệt Abramovich, những người vốn có quan hệ mật thiết với cộng đồng Do Thái.

Theo cổng thông tin politnavigator, Abramovich là một trong những nhà tài phiệt “ranh ma” nhất trong việc giảm thiểu thiệt hại: trừ câu lạc bộ Chelsea bị đóng băng, biệt thự 15 phòng ngủ ở Kensington Palace Gardens và các tài sản khác ở Anh của ông này vẫn chưa bị “sờ” đến. 

Bảo tàng Holocaust của Israel đã đứng ra bảo vệ nhà tỉ phú, khiếu nại lên chính quyền Mỹ với yêu cầu không áp đặt các biện pháp trừng phạt nhắm vào Abramovich, vì ông là một trong những nhà tài trợ chính của bảo tàng. 

Trong lời kêu gọi, bảo tàng nói các lệnh trừng phạt của Mỹ với Abramovich sẽ là “điều bất công với toàn bộ thế giới Do Thái”.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận