Philippines: Khi quân đội theo gót tổng thống

DANH ĐỨC 08/05/2020 23:05 GMT+7

Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Lorenzana (thứ hai từ trái sang), Tổng thống Duterte (giữa) và tướng tham mưu trưởng Santos (ngoài cùng bên phải) trong một buổi lễ của quân đội tháng 1-2020. Ảnh: Rappler
Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Lorenzana (thứ hai từ trái sang), Tổng thống Duterte (giữa) và tướng tham mưu trưởng Santos (ngoài cùng bên phải) trong một buổi lễ của quân đội tháng 1-2020. Ảnh: Rappler

TTCT - Đại dịch COVID-19 đã không ngăn được các hoạt động dồn dập của Trung Quốc trên Biển Đông nhắm vào nhiều nước, từ Việt Nam tới Malaysia, và đặc biệt là Philippines.

Tất nhiên, con virus SARS-CoV-2 cũng đã làm rúng động một số nhân vật “tham sinh úy tử”, trong số đó có tướng tổng tham mưu trưởng quân đội nước này là tướng Felimon Santos Jr., vừa nhận chức và ngôi sao thứ tư vào đầu năm nay. Viên tướng 55 tuổi tuần rồi đã gây ồn ào dư luận Philippines vì mới hôm 24-4 đã gửi thư cho đại sứ Trung Quốc tại Manila Huang Xilian (Hoàng Khê Liên) để... xin giúp mua thuốc chữa bệnh COVID-19!

Có bệnh thì vái tứ phương?

Việc viên tướng này cầu cứu đại sứ Trung Quốc có lý của nó: ông đã xét nghiệm dương tính với virus hôm 27-3. Ngoài tướng Santos, còn có ba thượng nghị sĩ Philippines cũng bị “trúng dịch”. Tướng Santos tạm thời được giải nhiệm, tự cách ly từ hôm 27-3 đến hôm 10-4 và được các bác sĩ của Bệnh viện Đa khoa Victoria Luna, một bệnh viện quân đội, theo dõi, tình trạng sức khỏe tốt, theo Bộ Tổng tham mưu quân lực nước này.

Trong số những người tiếp xúc trực tiếp với tướng Santos có cả Bộ trưởng Quốc phòng Delfin Lorenzana. Ông này đã hai lần liên tiếp tiếp xúc với tướng Santos trong hai ngày 21 và 22-3, nên cũng tự cách ly. Tổng tham mưu trưởng Santos gặp Bộ trưởng Lorenzana lần cuối là trong một cuộc họp thu nhỏ. Giữa cuộc họp, ông được báo tin có kết quả xét nghiệm dương tính với COVID-19, nên rời cuộc họp đi ngay.

ABS-CBN News 28-3, khi loan tin này, đã bình luận về sự cố éo le này: “Sự thăng trầm của quân nghiệp cho thấy càng leo lên cao trong hàng ngũ, càng có thể tránh xa những nguy hiểm của chiến tranh. Với thời gian, các sĩ quan đảm nhận các vị trí chỉ huy chiến lược cuối cùng trở thành những người điều phối trận chiến chứ không phải là những người bóp cò hoặc hứng đạn của quân thù. Song, COVID-19 dường như không coi các chuỗi chỉ huy ra gì”.

Trong khi chờ đợi, phó tổng tham mưu trưởng quân lực Philippines, phó đô đốc Gaudencio Collado Jr. tạm xử lý thường vụ. Cũng mắc COVID-19 như tướng Santos và ba thượng nghị sĩ còn có Bộ trưởng Nội vụ Eduardo Año và Bộ trưởng Giáo dục Leonor Briones.

Việc tướng tổng tham mưu trưởng quân lực Philippines gửi thư cho đại sứ Trung Quốc… xin thuốc trị COVID-19 có thể được hiểu trong bối cảnh y tế tại nước này như sau: Cục Khoa học và kỹ thuật (DOST) từ đầu dịch đã có kế hoạch phát rộng rãi một loại thực phẩm chức năng thảo dược địa phương tên là “tawa-tawa” (tên khoa học là euphorbia hirta, thuộc họ thầu dầu, ở Việt Nam có nơi gọi là “cỏ sữa lá lớn” hoặc “cỏ sữa lông”, vốn dùng làm thuốc chống sốt xuất huyết).

Loại thực phẩm chức năng này đã được sử dụng cho các bệnh khác và không phải là thuốc phải đăng ký, theo Business Mirror 20-2-2020. Tuy nhiên, đến cuối tháng 4, thảo dược này, cùng dầu dừa tinh luyện, vẫn còn đang được nghiên cứu lâm sàng.

Cho đến hạ tuần tháng 3, Bộ Y tế Philippines vẫn cảnh báo thận trọng với việc sử dụng các loại thuốc chưa được phê chuẩn để trị COVID-19, theo GMA News 22-3-2020. Trong điều kiện đó, bản thân tướng tổng tham mưu trưởng Santos đã được điều trị “cách riêng” và lành bệnh hôm 5-4.

Cả Bộ trưởng Quốc phòng Lorenzana lẫn người phát ngôn phủ tổng thống Harry Roque cùng lên tiếng xác nhận và cho rằng việc xin thuốc này không có gì sai, theo Thông tấn xã Philippines PNA 28-4.

Ông Lorenzana giải thích giùm viên tướng then chốt dưới quyền mình: “Tướng Santos bị nhiễm [COVID-19], và mặc dù không có triệu chứng, cũng đã trải qua nỗi sợ hãi và thống khổ khi nhiễm loại virus chết người này.

Một trong những loại thuốc mà ông đã uống là Carrimycin, được một người bạn Philippines gốc Hoa tặng cho ông, và thuốc này tất nhiên được quản lý bởi Chính phủ Trung Quốc”. Bộ trưởng Lorenzana “xóa tội” cho tướng Santos: “Tôi không thấy có gì sai trong động cơ của ông Santos”, dù ông cũng thừa nhận bức thư “có thể không đúng chỗ, đáng lẽ phải gửi qua đường Bộ Ngoại giao.

Song ông ấy không vi phạm bất kỳ quy định nào, cũng như không làm mất an ninh của đất nước. Chúng ta hãy để cho nội vụ dịu đi”. Được biết, tướng Santos đã “rút lại” lá thư sau khi ông biết thuốc đó chưa được Bộ Y tế Philippines cấp phép.

Ông Roque thì tuyên bố tướng Santos chỉ viết thư xin “hỗ trợ mua năm hộp thuốc viên Carrimycin chỉ có bán tại Trung Quốc”. Phát biểu của ông Roque coi như xóa bỏ mọi cáo buộc này nọ, do ông chính là người phát ngôn của Tổng thống Rodrigo Duterte.

Xã hội dậy sóng

Tuy nhiên, tờ Inquirer của Philippines 29-4 lại cho biết “bức thư, dường như do sứ quán Trung Quốc “xì” ra, đã tìm đường tới mạng xã hội”. Trên YouTube, bản tin về vụ này của Rappler đã thu hút những bình luận như sau: “Vụ này cho thấy viên tướng dễ dàng bị hối lộ/mua ra sao. Nếu ông ta còn chút tự sỉ, ông ta nên từ chức”.

Một “còm” khác: “Ô nhục…, song không lấy làm lạ từ một nước vệ tinh của Trung Quốc”. Một “còm sĩ” khác đặt vấn đề: “Sẽ ra sao nếu công chúng không được biết rằng một điều như vậy đã xảy ra? Đơn giản là vẫn có những quan chức ưu tiên đặt lợi ích cá nhân hơn lợi ích đa số”. Cũng có người réo tới tận phủ tổng thống: “Ngài tổng thống, đây là một viên tướng rất kém về mặt đạo đức. Hãy loại ông ta ngay trước khi xảy ra xung đột”.

Cho dù các sếp của tướng Santos có che chắn bảo vệ ông tới đâu, ông cũng không tránh khỏi bị điều tra. Chính Bộ trưởng Ngoại giao Teodoro Locsin Jr., nhân vật mà lẽ ra tướng Santos nên tham vấn và là kênh chính thức để chuyển bức thư của ông cho đại sứ Trung Quốc, cũng phân bua giùm trên Twitter của ông: “28-4.

Chúa ơi, tôi hiểu ông tướng lo lắng cho sức khỏe của mình. Không có gì sai trong việc ông ấy trực tiếp nêu yêu cầu. Và bây giờ con người đáng thương này đang bị Ủy ban Dân sự vụ thẩm vấn. Điều gì đã xảy ra với sự chừng mực của chúng ta? Tất cả chúng ta đã trở nên hung dữ vậy sao?”.

Có một điều chắc chắn, tướng Santos không muốn bức thư của mình lại bị dư luận biết tới. Vấn đề là người gửi kín đáo, người nhận sao lại có thể phơi bày? Có thể có được câu trả lời từ thời sự. Lúc đó, giữa Trung Quốc và Philippines đang nổ ra vụ tàu hải quân Trung Quốc khóa radar tác xạ nhắm vào tàu hải quân Philippines.

ABC News 22-4 đưa tin: “Philippines đã phản đối tuyên bố của Trung Quốc rằng một khu vực Manila tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông đang tranh chấp là lãnh thổ của Trung Quốc thuộc tỉnh cực nam Hải Nam của nước này, và Trung Quốc đã khóa radar kiểm soát vũ khí nhắm vào mục tiêu là một tàu hải quân Philippines…

Bộ trưởng Ngoại giao Philippines Teodoro Locsin Jr. cho biết trên Twitter rằng hai công hàm ngoại giao [phản đối] đã được Đại sứ quán Trung Quốc tại Manila tiếp nhận vào cuối ngày thứ tư”. ABC News kết luận bằng ghi nhận tình hình chung: “Những động thái quyết đoán gần đây của Trung Quốc trên tuyến hàng hải tranh chấp, diễn ra khi thế giới đang chiến đấu với đại dịch Covid-19 đã nhận nhiều chỉ trích từ các quốc gia Đông Nam Á ven bờ có tranh chấp và Hoa Kỳ”.

Nhìn vào trang Twitter của Bộ trưởng Locsin ngày 22-4, có thể thấy hai mẩu. Mẩu đầu tiên thông báo đại chúng “vào lúc 5h17 phút chiều nay, sứ quán Trung Quốc đã nhận hai công hàm phản đối…”.

Mẩu thứ nhì là vì mục đích đối nội: “Tôi hi vọng rằng không ai khác trong chính phủ sẽ bình luận về việc này bởi họ không đủ thẩm quyền để làm điều đó, [ngoại trừ] tổng thống”. Đây có thể coi là một động tác “phủ đầu” quyết liệt hiếm thấy nhằm ngăn ngừa phản ứng ngược ngạo từ trong chính nội bộ “phe ta”.

Ai cũng thừa rõ rằng trong chính quyền Duterte có những người theo đường lối thân Trung Quốc. Thành ra, việc ông Locsin đón sau rào trước cho hai công hàm của Bộ Ngoại giao là dễ hiểu.

Chính trong cuộc va chạm mới nhất này mà vụ “xin giúp mua thuốc” của tổng tham mưu trưởng Santos nổ ra, tạo nên phản ứng ngoài ý muốn. Hôm 28-4, tờ Inquirer đăng mẩu tweet: “Trong cuộc báo ở Laging Handa (trung tâm truyền thông khủng hoảng của Chính phủ Philippines), Bộ trưởng Quốc phòng Lorenzna nói ông không nghĩ việc Trung Quốc khóa radar tác xạ nhắm vào tàu hải quân Philippines là nhằm cố ý gây sự; Trung Quốc chỉ thăm dò phản ứng?”.

Ngay sau đó, ông Locsin đáp lời: “Đúng vậy. Và Trung Quốc đã gặp phải phản ứng đúng như mong đợi khi chĩa súng hoặc thậm chí là chĩa ngón tay vào bất cứ ai: một cái tát vào mặt có thể nhìn thấy và nghe thấy khắp thế giới”.

Những phản ứng qua lại trong nội bộ chính phủ nổ ra cùng lúc với phản đối của quần chúng Philippines với một video tuyên truyền do sứ quán Trung Quốc tại Manila công bố, qua đó miêu tả Bắc Kinh là người hàng xóm tốt bụng cung cấp hỗ trợ y tế rất cần thiết trong cuộc khủng hoảng COVID-19 đang diễn ra, đáng nói có tựa đề là “Một biển chung cùng chia sẻ”, mà tác giả không ai khác là đại sứ Trung Quốc tại Manila.

Video này, tính đến ngày 5-5, đã nhận hơn 209.000 lượt không thích, so với 3.600 lượt thích trên YouTube. Quần chúng Philippines phẫn nộ vì thái độ ban ơn và ngang xương đòi chia biển cả của đoạn phim tuyên truyền này.

Những câu chuyện trên, từ chuyện tổng tham mưu trưởng quân đội Philippines bị “lật tẩy” bởi những người mà ông gửi thư xin xỏ, tới chuyện công hàm, lời qua tiếng lại giữa hai bộ trưởng, và cả video ca nhạc, cho thấy nội bộ một nước có thể thế nào khi không đồng tâm trước những thử thách lớn. ■

Trong tình hình đó, lá thư của ông Santos thực sự thiếu nhạy cảm. Để rồi chính trong lúc nội bộ Philippines đang lục đục, cựu chánh án tòa án tối cao nước này, thẩm phán Antonio Carpio, trong một gặp gỡ báo chí quốc tế tại Manila, đã lên tiếng kêu gọi đóng cửa các Viện Khổng Tử tới khi nào Trung Quốc công nhận phán quyết năm 2016 của Tòa trọng tài thường trực, phủ định các yêu sách bất hợp pháp của Trung Quốc với Biển Đông.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận