Sống trong sợ hãi

LÂM HOÀI 04/06/2012 02:06 GMT+7

TTCT - Sau vụ sụt lở kinh hoàng chôn vùi nhiều nhà cửa, hoa màu, vườn tược và cướp đi sinh mạng năm người dân vô tội tại bãi thải mỏ than Phấn Mễ (xã Phục Linh, huyện Đại Từ, Thái Nguyên), chúng tôi tìm đến một bãi thải khổng lồ khác tại xã Phúc Hà.

Hàng nghìn người dân nơi đây đang phải “sống trong sợ hãi” vì lo sợ “kịch bản Phấn Mễ” sẽ lặp lại trên chính mảnh đất mình sinh sống bao đời.

Những chiếc xe có trọng tải lớn đổ chất thải tại mỏ than Khánh Hòa (xã Phúc Hà, TP Thái Nguyên), ngay phía dưới là trường học, trạm y tế và nhà của người dân địa phương - Ảnh: N.K.

Bãi bùn đất thải khổng lồ này hình thành từ năm 1967, được thải ra từ mỏ than Khánh Hòa, thuộc Công ty TNHH một thành viên than Khánh Hòa (TP Thái Nguyên). Mỏ than Khánh Hòa hiện có hai bãi thải, bãi phía nam có sáu tầng đổ thải và bãi phía tây có ba tầng đổ thải. Được biết, thiết kế đổ thải của bãi than cao 150m, tuy nhiên trên thực tế bãi thải hiện nay đã cao tới 190m.

Theo Sở Tài nguyên - môi trường Thái Nguyên, năm 2010 sở đã xử phạt Công ty TNHH một thành viên than Khánh Hòa 40 triệu đồng vì đổ lấp đất thải sai quy định.

Xung quanh bãi thải hiện có tới 288 hộ dân sinh sống và một số công trình, trụ sở hành chính của địa phương nằm trong phạm vi 200m tính từ chân bãi thải. Trong số đó có 112 hộ nằm trong phạm vi từ 0-50m, 85 hộ dân sống trong phạm vi 50-100m, 25 hộ trong phạm vi 100-150m, 66 hộ trong phạm vi 150-200m. Ngoài ra còn tám khu vực khác được xác định có nguy cơ mất an toàn. Như vậy, hàng nghìn người dân đang phải sống trong bán kính nguy hiểm.

Ngoài tiềm ẩn nguy cơ chết người, bãi thải còn biến vùng quê yên bình, trong lành trước đây thành một đại công trường ngày đêm xe cộ, máy móc hoạt động rầm rập, ô nhiễm bụi, nước ngầm nghiêm trọng và xâm thực một diện tích lớn ruộng đất, hoa màu của người dân. Ngoài ra, do hoạt động nổ mìn khai thác than tại mỏ, hàng chục nhà dân tại đây còn bị nứt tường nhà, vỡ mái ngói...

Một vết nứt lớn dài hàng chục mét mới xuất hiện trên đỉnh ngọn núi đất đá thải của mỏ than Phấn Mễ - Ảnh: N.K.
Dấu tích còn sót lại tại Trường mầm non xã Phúc Hà (TP Thái Nguyên). Sau khi vụ sạt lở tại Phấn Mễ xảy ra, trường mầm non tại đây đã được di dời sang Trường tiểu học Phúc Hà, một địa điểm chỉ cách bãi thải hơn 60m - Ảnh: N.K.
Bà Dương Thị Minh (xóm 8, xã Phúc Hà) mỗi lần mở cửa là giáp mặt ngay với núi bãi thải cao sừng sững chỉ cách cổng nhà vài mét. Nhiều năm nay cả nhà bà Minh sống trong thấp thỏm, lo âu vì sợ “quả núi” này có thể đổ ụp xuống bất cứ lúc nào. Hàng chục hộ trong xóm cũng trong tình trạng nguy hiểm tương tự - Ảnh: L.H.
Các em học sinh Trường THCS và tiểu học Phúc Hà thường xuyên nô đùa dưới chân núi đất đá của bãi thải than, mỏ than Khánh Hòa (TP Thái Nguyên) - Ảnh: Quang Thế
Những ngôi nhà nằm ngay chân bãi thải có nguy cơ bị vùi lấp bất cứ lúc nào nếu “kịch bản Phấn Mễ” lặp lại ở mỏ than Khánh Hòa - Ảnh: L.H
Khi bị bãi thải dồn đến chân tường, từng tảng đất đá chực lăn vào sân, hàng trăm cháu bé và nhân viên làm việc tại trường mầm non và Trạm y tế Phúc Hà mới được di chuyển khỏi khu vực nguy hiểm - Ảnh: L.H.
Chiếc đồng hồ còn sót lại trong đống đổ nát tại căn nhà của anh Hà Văn Phi. Bên cạnh những thiệt hại về người, trận sạt lở còn vùi lấp hoàn toàn mười ngôi nhà tại xóm Khuôn 1 - Ảnh: N.K.
Hằng ngày có hàng nghìn lượt người thường xuyên qua lại con đường nguy hiểm này - Ảnh: Quang Thế
Ảnh: N.K.
Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận