Thấy gì từ tuyên bố toàn cầu chống tham nhũng

DANH ĐỨC 23/05/2016 17:05 GMT+7

TTCT - 40 quốc gia đã tham dự hội nghị thượng đỉnh chống tham nhũng vừa tổ chức lần đầu tiên hôm 12-5 ở London (Anh). Một khởi đầu, tuy còn hạn chế và có phần chậm trễ, 13 năm sau Công ước chống tham nhũng của Liên Hiệp Quốc.

Cuộc chiến chống tham nhũng là không dễ dàng ở bất cứ quốc gia nào -blogspot.com
Cuộc chiến chống tham nhũng là không dễ dàng ở bất cứ quốc gia nào -blogspot.com

Thật vậy, từ ký Công ước chống tham nhũng, rồi phê chuẩn nó, đến thực thi công ước là cả một hành trình dài, như lời Tổng thống Nigeria Muhammadu Buhari:

Năm 2003, thế giới cùng nhau ký kết Công ước chống tham nhũng của Liên Hiệp Quốc (gọi tắt là công ước), có hiệu lực vào năm 2005... (Nhưng) tới nay, chẳng mấy ai biết rằng 11 năm đã trôi qua kể từ đó để rồi vấn đề không chút suy giảm, thậm chí trở nên khó chữa hơn như là bệnh ung thư”.

Trong thực tế, có những nước chấp hành tốt công ước, trong khi một số nước “lách” bằng những quy định nội bộ miễn trừ trách nhiệm một cách đương nhiên cho một số tầng lớp hoặc không chấp nhận việc người dân tố cáo tham nhũng.

Nhiều nhà lãnh đạo trên thế giới vì thế thấy đã đến lúc xốc lại việc thực thi công ước. Thủ tướng Anh David Cameron là người có sáng kiến tổ chức hội nghị thượng đỉnh (đầu tiên) về vấn đề này nhằm đưa các nhà lãnh đạo thế giới, giới kinh doanh và xã hội đến với nhau để cùng hạ quyết tâm.

Bởi thế, một ngày trước cuộc gặp thượng đỉnh của các lãnh đạo nhà nước, đại diện các tổ chức dân sự, giới kinh doanh và các chính phủ đã họp với nhau trong hội nghị mang tên “Cùng nhau chống tham nhũng”, và cùng nhất trí một gói các bước đi cụ thể nhằm: vạch trần tham nhũng để tham nhũng không còn có chỗ lẩn trốn; trừng phạt những kẻ vi phạm đồng thời hỗ trợ những ai bị tác động bởi tham nhũng; loại bỏ nếp văn hóa tham nhũng ở bất cứ đâu.

Hơn 40 quốc gia (khu vực Đông Nam Á có Indonesia và Singapore tham dự) đã ký chấp thuận các nguyên tắc cùng một bản tuyên bố chung, cũng như đưa ra những cam kết riêng của mỗi quốc gia.

Ngay chính tên gọi của hội nghị “tiền trạm” này, “Cùng nhau chống tham nhũng: Hội nghị dành cho các lãnh đạo tổ chức dân sự, kinh doanh và chính phủ”, cũng đã cho thấy trật tự trong việc chống tham nhũng.

Đó không chỉ là việc của các chính phủ (muốn chống như thế nào tùy hỉ), mà còn là của giới kinh doanh, và nhất là của các tổ chức dân sự. Đơn giản vì tham nhũng chủ yếu từ nơi chính quyền nên không thể “vừa đá bóng vừa thổi còi”, còn “nạn nhân” của tham nhũng là giới kinh doanh và người dân (thường do các tổ chức dân sự đại diện).

Thêm nữa, trong khi cả nhà nước và giới kinh doanh đều có lợi ích liên quan trong các vụ việc tham nhũng, thì các tổ chức dân sự, do không có lợi ích riêng, nên đương nhiên có thể chủ động hơn. Bởi thế, vị trí đầu tiên dành cho các tổ chức dân sự trong tên gọi của hội nghị.

Thế nào là tham nhũng?

Trong số các tham luận tại thượng đỉnh, nổi bật về mặt lý thuyết là tham luận “Thế nào là tham nhũng?” của Francis Fukuyama, giáo sư ĐH Stanford, một nhà tư tưởng và lý luận chính trị lớn của thời hiện đại, tác giả nhiều cuốn sách nổi tiếng thế giới, nổi bật là The end of history and the last man.

Theo Fukuyama, tham nhũng đang trở thành vấn đề then chốt của thế kỷ 21. Về mặt kinh tế, tham nhũng khiến cho các tài nguyên bị phân bổ lệch địa chỉ nên không được sử dụng một cách hiệu quả, và biến thành một loại “sưu cao thuế nặng” giáng lên đầu người dân để chu cấp cho cuộc sống của giới “elite” (những người lên được những vị trí cao trong xã hội, giữ các đặc quyền về địa vị và tài sản).

Tệ hơn, tham nhũng kích thích giới elite trong xã hội đầu tư cho “cuộc chơi” chính trị hơn là vào sự canh tân hoặc tạo ra của cải mới cho đất nước.

Theo nhà tư tưởng hàng đầu từ hơn 35 năm qua này, tham nhũng thể hiện qua hai hiện tượng khác nhau: đầu tiên là việc tạo ra và khai thác các đặc quyền đặc lợi, thứ hai là “chủ nghĩa bảo kê chính trị” (clientelism). Fukuyama đưa ra một ví dụ cụ thể về đặc quyền đặc lợi là thuế khóa và nạn tham nhũng ở cơ quan hải quan.

Theo ông, việc đặt ra thuế nhập khẩu sẽ hạn chế việc nhập khẩu, đồng thời tạo nguồn thu nhập cho các chính phủ. Song cũng từ đó đẻ ra một trong những hình thức phổ biến nhất của tham nhũng trên thế giới là việc nhân viên hải quan nhận hối lộ để giảm thuế phải đóng hoặc đẩy nhanh việc xuất kho “giúp” nhà nhập khẩu có được hàng hóa của mình đúng hạn.

Việc các chính phủ có thể dễ dàng tạo ra đặc lợi thông qua đặc quyền đặt ra thuế khóa hoặc các quy định được nhiều nhà kinh tế gọi, không gì khác, là tham nhũng. Khả năng tạo đặc quyền đặc lợi cũng giải thích tại sao nhiều người có tham vọng chọn làm chính trị như là một con đường dẫn đến sự giàu có, hơn là kinh doanh trong khu vực tư nhân.

Hiện tượng thứ nhì thường gắn với tham nhũng là chủ nghĩa bảo kê chính trị. Một mối quan hệ bảo kê là một trao đổi qua lại, một sự cộng sinh, trao đổi ân huệ giữa hai cá nhân với địa vị và quyền lực khác nhau, trong đó người bảo kê (patron) ban phát lợi ích cho người được bảo kê (client), đổi lấy sự ủng hộ chính trị và lòng trung thành (mà ở Việt Nam có lẽ chính là “lợi ích nhóm” vẫn được nhắc tới trong các tài liệu chính thức về chống tham nhũng).

Đến đây, Fukuyama nhấn mạnh sự khác biệt giữa tham nhũng và năng lực của một nhà nước. Ông nhận xét ngày nay khẩu hiệu thường thấy trong các báo cáo phát triển là “chống tham nhũng và quản trị nhà nước tốt”, và một số người cho rằng “quản trị nhà nước tốt” đồng nghĩa với “không có tham nhũng”.

Nhưng Fukuyama cảnh báo đó là hai điều rất khác nhau: một chính phủ sạch vẫn có thể là bất tài hay thiếu năng lực. Trong khi đó, cầm quyền tốt đòi hỏi một nhà nước có năng lực, bao gồm cả các tài nguyên nhân lực, vật lực và sự tổ chức, quản lý cần thiết để thực hiện chức trách của nhà nước một cách thiết thực và hiệu quả.

Điều này gắn với các kỹ năng và tri thức của các viên chức nhà nước, cũng như việc họ được giao quyền tự chủ đến đâu để thực thi công vụ. Fukuyama nhận xét rằng thực tế cho thấy một nền hành chính có tính chuyên nghiệp cao có xu hướng ít tham ô hơn; ngược lại, tham nhũng có xu hướng làm giảm năng lực nhà nước, tỉ như bằng cách thay người có năng lực bằng những người được “bảo kê”.

Thành ra, người ta thường đồng hóa tham ô thấp với năng lực cầm quyền cao. Thế nhưng, cầm quyền tốt lại là một nhiệm vụ rộng lớn hơn là chỉ bớt tham nhũng. Do vậy mà Trung Quốc tuy chỉ xếp hơn 47% số nước khác về mặt kiểm soát tham nhũng, song lại xếp cao hơn tới 66% các nước khác về tính hiệu quả cầm quyền. (Nhận xét của Fukuyama được minh chứng ngay trong bài phát biểu của đại diện Trung Quốc tại hội nghị ở London, mà Tổ chức Minh bạch quốc tế (Transparency International) đánh giá là “vô vị”).

Fukuyama kết luận: “Các nguồn gốc của tham nhũng mang tính chính trị rất cao. Nếu không có một sách lược chính trị để vượt qua vấn nạn này, mọi giải pháp “sẵn có” sẽ đều thất bại” - tỉ như việc gắn camera để kiểm soát thầy giáo có dạy tốt hay không, hay xem cảnh sát có nghiêm chỉnh không; ngay cả việc “giáo huấn” họ hay thiết lập ra những hệ thống kiểm soát hình thức cũng sẽ không kích thích họ chuyển đổi.

Kinh nghiệm Nigeria và Singapore

Nếu như Fukuyama đã chạm đến căn tính của nạn tham nhũng, thì Tổng thống Nigeria Muhammadu Buhari gây xúc động bằng một bài diễn văn thành thật. Ông thừa nhận chính mình “chưa rõ lắm các thách thức trong việc chống tham nhũng một cách kiên trì và đúng đắn”.

Những hành động cụ thể mà Nigeria dưới quyền ông đã làm bao gồm mở rộng quyền tự chủ và sự độc lập cho các cơ quan chống tham nhũng, truy tố và buộc những kẻ tham nhũng đã rời bỏ đất nước phải trả lại tài sản...

Ông thuật lại những gì cụ thể đã làm từ một năm qua: “Chúng tôi đã thiết lập cơ chế “Một tài khoản ngân khố duy nhất”, theo đó nguồn thu của mọi cơ quan chính quyền đều chung một tài khoản. Biện pháp này khiến cho các viên chức nhà nước không thể nào chuyển tài sản công vào các tài khoản tư như từng làm trước đây. Qua việc thực thi cơ chế “Một tài khoản” và kiểm tra số liệu ngân hàng, chúng tôi đã bới ra 23.000 tài khoản lương ma”.

Một trong những đại diện khu vực châu Á ở hội nghị, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long chia sẻ về các bước đi để xây dựng một nhà nước Singapore trong sạch.

Chúng tôi có nhiều lý do khẩn thiết để chấm dứt ách thống trị của thực dân và tự là chủ nhân của mình - ông nói - Nhưng điều đó không thể phủ nhận việc người Anh đã để lại Singapore những định chế hiệu quả và vững chắc, hệ thống pháp luật Anh, các cơ quan công quyền hiệu quả với tiêu chuẩn cao, và một hệ thống tư pháp hiệu quả và trung thực”. Nhưng quan trọng hơn, sau khi những người Anh ra đi, “các nhà lãnh đạo tiên phong của chúng tôi quyết tâm giữ cho hệ thống trong sạch”.

Singapore có cả một cấu trúc chống tham nhũng mạnh mẽ và toàn diện, từ luật pháp, khả năng thực thi, đến việc phụng sự người dân. Luật phòng chống tham nhũng (PCA) của Singapore có quyền lực rất lớn. Về vấn đề tài sản, PCA thậm chí không chấp nhận cả “suy đoán vô tội”.

Người có tài sản, chứ không phải nhà chức trách, có nghĩa vụ phải chứng minh nguồn gốc. Một khối tài sản không chứng minh được nguồn gốc mặc nhiên bị coi là bất hợp pháp và có thể bị tịch thu. PCA cũng vượt qua cả các biên giới, quy định hành động của người Singapore ở nước ngoài cũng được coi như hành động của họ ở trong nước, bất chấp sự tham nhũng đó có ảnh hưởng trực tiếp tới đất nước Singapore hay không.

Cục Điều tra hành vi tham nhũng (CPIB) của Singapore được đầu tư nguồn lực lớn và hoàn toàn độc lập, có toàn quyền điều tra bất cứ cá nhân nào, kể cả các sĩ quan cảnh sát và bộ trưởng.

“Chúng tôi trả lương cho nhân viên công quyền sòng phẳng và lấy mốc đối chiếu là thu nhập ở lĩnh vực tư nhân, đổi lại chúng tôi đòi hỏi tiêu chuẩn cao nhất về minh bạch và hiệu quả” - ông Lý nói. Dẫn lại thành ngữ “thượng bất chính, hạ tắc loạn”, ông Lý nói việc duy trì một hệ thống trong sạch phải bắt đầu từ đỉnh cao của quyền lực: CPIB sẽ báo cáo trực tiếp với ông, không qua bất cứ trung gian nào.■

Tuyên bố toàn cầu chống tham nhũng

40 quốc gia tham dự hội nghị đã ký kết Tuyên bố toàn cầu chống tham nhũng, với ba mục tiêu:

1. Vạch trần tham nhũng để những kẻ vấy bẩn không còn nơi lẩn trốn: - Chấm dứt việc sử dụng các công ty nặc danh che giấu tham nhũng; - Không để những kẻ tham nhũng sử dụng các kênh kinh doanh hợp pháp; - Tăng tính minh bạch của ngân sách, thuế khóa và mua sắm công; - Tạo thuận lợi hơn cho người dân tố giác tham nhũng.

2. Truy lùng và trừng phạt tham nhũng: - Tích cực thực thi các pháp luật về phòng chống tham nhũng; - Lần theo các tài sản ăn cắp và trả nó lại cho đúng chủ sở hữu; - Gửi đi thông điệp rõ ràng cho những kẻ tham nhũng: quý vị không được chào đón ở đất nước này.

3. Loại bỏ tham nhũng: - Kết nối các tổ chức và định chế trên toàn thế giới để xây dựng một văn hóa công khai minh bạch; - Đảm bảo sự minh bạch và quản trị tốt của nhà nước; - Sử dụng công nghệ mới để chống tham nhũng; - Khuyến khích các tổ chức quốc tế tham gia cuộc chiến chống tham nhũng tích cực và hiệu quả hơn.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận