Tiểu học thời covid: Những chiếc khẩu trang trong 8 tiếng ở trường

TS NGÔ THỊ PHƯƠNG LÊ (*) 08/09/2021 01:05 GMT+7

TTCT - Tôi chưa bao giờ tưởng tượng ra cảnh đứa con gái 7 tuổi của tôi sẽ phải đeo khẩu trang suốt 8 tiếng ở trường. Nhưng giờ đây, cháu đã vào năm học thứ hai với chiếc khẩu trang bất ly thân.

 
 Trong lớp học của một trường tiểu học vùng Toulouse (Pháp)

 Tháng 5-2020, sau đợt phong tỏa lần thứ nhất, Chính phủ Pháp quyết định mở cửa trường học với hai lựa chọn cho cha mẹ học sinh: theo hình thức học từ xa (cô giáo gửi bài tập qua email của bố mẹ) hoặc cho con tới trường. Chúng tôi quyết định cho con ở nhà vì nghĩ rằng sự học là cả đời, lúc này an toàn là trên hết. Tới tháng 9, tổng thống kiên quyết: trẻ em phải tới trường. Để đảm bảo an toàn, toàn bộ học sinh tiểu học từ 6 tuổi trở lên sẽ phải đeo khẩu trang trong suốt thời gian ở trường, chỉ trừ giờ ăn trưa.

Tôi lo âu trước ý nghĩ con tôi - một đứa trẻ bị hen suyễn - phải đeo khẩu trang suốt 8 tiếng ở trường. Nhưng bé rất nóng lòng đến trường. Ngày đầu tiên trở lại trường, đeo khẩu trang suốt 8 tiếng chỉ trừ giờ ăn trưa, con tôi nói rằng cháu thấy mệt và khó thở, “nhưng vẫn vui hơn ở nhà nghe mẹ mắng”.

TẤT CẢ ĐỀU NỖ LỰC

“Đeo khẩu trang trong lúc dạy khổ lắm, chúng tôi phải nói to hơn và chậm hơn để học trò nghe rõ hơn và hiểu bài tốt hơn. Nói chung, học trò bảo rằng các cháu hiểu bài, nhưng khi viết chính tả thì có cháu bảo tôi rằng cháu chẳng nghe được cô đọc gì cả” - Sandrine, cô giáo dạy lớp 3 tại Tourcoing, một thành phố thuộc miền Bắc nước Pháp, nói với phóng viên báo Le Huffpost

Khi học trò không nhìn được khẩu hình của cô vì khẩu trang che kín, các giáo viên phải tăng cường sử dụng ánh mắt, giai điệu, ngữ điệu, kết hợp các cử chỉ, động tác. Đó là những thách thức mới đối với họ. “Những ngày đầu tiên thật khó khăn, nhưng chúng tôi dần làm quen với việc phải đeo khẩu trang khi dạy học. Giờ chỉ còn vấn đề duy nhất là kính thường xuyên bị mờ” - cô Babette, một giáo viên tiểu học tại Marseille, miền Nam nước Pháp, cho biết.

Cô Bourras, giáo viên của con gái tôi, chia sẻ: “Cũng thật khó cho bọn trẻ khi buộc chúng phải đeo khẩu trang hằng ngày. Thỉnh thoảng vẫn có bé kéo khẩu trang xuống cằm để nói chuyện với bạn và tôi phải để ý nhắc nhở suốt. Tuy vậy, tôi rất hài lòng khi được thấy bọn trẻ hào hứng, vui vẻ khi quay lại trường học, khác hẳn với lúc tôi dạy chúng qua màn hình máy tính. Tôi cũng vui vì được gặp chúng”.

Và thế là, dù có mệt và khó thở, bất tiện với khẩu trang nhưng con tôi vẫn vui vẻ suốt 10 tháng ở trường. Các thầy cô giáo cũng có cảm nhận tương tự vì họ còn được tới trường, làm việc trực tiếp với học sinh, thay vì phải vừa dạy học qua màn hình và có người còn phải quản lý thêm cả việc học của chính con mình tại nhà.

Suốt năm học, chỉ một lần duy nhất cả lớp phải nghỉ học 7 ngày vì có một học sinh bị mắc COVID; may mắn là không học sinh nào bị lây. Nếu có nhiều hơn 3 học sinh mắc COVID, cả lớp sẽ phải nghỉ học 2 tuần.

Năm học thứ 3 mùa COVID, mặc dù phần lớn dân số đã được tiêm vắc xin nhưng rất có thể các con tôi vẫn phải tiếp tục đeo khẩu trang khi tới trường. Nhưng dù sao, được tới trường nghĩa là vẫn còn may mắn lắm. Bởi chỉ sau 1 tháng phong tỏa đầu tiên vào tháng 5-2020, Bộ Giáo dục Pháp đã nhận thấy những điều bất ổn nếu trẻ em tiếp tục học từ xa tại nhà: có đến 7% số học sinh “không thể liên lạc được”. 

Tuy nhiên, hai nhà giáo dục Pascal Dumas và Thierry Thollot, tác giả cuốn COVID-19: Học sinh bỏ học tại Pháp, xuất bản hồi tháng 8-2020, nghi ngờ con số này. Theo hai tác giả, con số 7% mà chính phủ đưa ra là một sự “lạc quan giả tạo”, bởi theo các ước tính của giáo viên, phải đến 30% học sinh không nộp bài hay có mặt ở lớp học ảo như yêu cầu.

Hiện vẫn còn quá sớm để các nhà giáo dục có thể đánh giá rõ ràng những mất mát về giáo dục mà học sinh phải gánh chịu trong khoảng thời gian học từ xa. Tuy nhiên, nghiên cứu đăng ngày 27-4-2021 trên tạp chí PNAS (Kỷ yếu Viện hàn lâm Khoa học quốc gia Hoa Kỳ) của nhóm nhà khoa học thuộc ĐH Oxford (Anh) và ĐH Stockholm (Thụy Điển) cũng cho ta những cái nhìn đầu tiên.

Nghiên cứu này sử dụng dữ liệu từ 350.000 bài kiểm tra quốc gia của học sinh tiểu học Hà Lan, được thực hiện trước và sau kỳ phong tỏa. Hà Lan được xem là “kịch bản tốt nhất” khi có kỳ phong tỏa ngắn, nguồn tài trợ công bằng cho trường học và tỉ lệ truy cập băng thông rộng hàng đầu thế giới. Các nhà khoa học nhận thấy: học sinh tiểu học Hà Lan hầu như không tiến bộ hoặc tiến bộ rất ít sau 8 tuần theo học trực tuyến, và những mất mát trong học tập là rõ ràng nhất ở những gia đình khó khăn.

Khi so sánh kết quả bài kiểm tra (2 lần/năm) suốt từ năm 2017 đến 2020 ở các môn toán, đánh vần và đọc, các nhà khoa học nhận thấy trong thời gian 8 tuần học tập tại nhà, các học sinh tiểu học Hà Lan không tiến bộ chút nào, thậm chí có những học sinh bị thụt lùi. Nghĩa là các em đã mất hoàn toàn 8 tuần học tập.

Từ tháng 6-2020, World Bank bắt đầu thực hiện một nghiên cứu đánh giá ảnh hưởng của việc đóng cửa trường học trong thời kỳ COVID-19 về kết quả đi học và học tập của trẻ em trên toàn thế giới. Họ phân tích dữ liệu của 157 quốc gia và nhận thấy mức độ đi học và học tập trên toàn cầu sẽ giảm xuống. 

Theo tính toán của World Bank, quãng thời gian tới trường 12 năm của một học sinh tương đương với 7,9 năm học tập chất lượng. COVID-19 có thể khiến các em mất từ 0,3 - 0,9 năm học chất lượng, làm giảm số năm học chất lượng thời kỳ phổ thông của học sinh xuống còn từ 7,0 đến 7,6 năm.

Nghiên cứu của các nhà khoa học Vương quốc Anh và Thụy Điển xác nhận: kỹ năng sử dụng máy tính và truy cập mạng thành thục cũng không đủ để đảm bảo chất lượng của hoạt động dạy và học từ xa. 

Theo một khảo sát năm 2018 của TALIS (Teaching and learning international survey - Khảo sát quốc tế về dạy và học), mức độ sẵn sàng cho việc dạy và học trực tuyến của giáo viên và học sinh tại Pháp đều nằm dưới mức trung bình của các quốc gia OECD. Để hình thức dạy và học trực tuyến hiệu quả hơn, các giáo viên cần phải được đào tạo và hỗ trợ rất nhiều, họ cũng cần nhiều thời gian hơn để chuyển đổi.

 “Khi chúng ta đóng cửa trường học, chúng ta cũng sẽ khép lại cuộc sống của học sinh.

Giáo sư Russell Viner (hiệu trưởng Đại học Hoàng gia về nhi khoa và sức khỏe trẻ em, Vương quốc Anh, khẳng định trong cuộc họp với Ủy ban Lựa chọn giáo dục vào đầu tháng 1-2021)

Tất cả thực tiễn ấy, cộng với niềm tin rằng trường học không phải là “ổ bệnh”, bộ trưởng Bộ Giáo dục Pháp kiên quyết duy trì mở cửa trường học ngay trong đại dịch. Các trường học chỉ phải đóng cửa 1 tháng duy nhất trong năm học 2020-2021.

 
 Minh họa của Foreign Policy

 NHỮNG ĐIỀU BỊ KHUẤT LẤP

Theo một khảo sát mới hồi tháng 6-2021 đăng trên tạp chí BMC Public Health của các nhà khoa học Ý với hơn 1.600 phụ huynh có con ở độ tuổi tiểu học và cấp II, việc học trực tuyến kéo dài đã có những ảnh hưởng nhất định lên hành vi và thái độ của các học sinh nhỏ. Các em không thể tập trung quá 20 phút, cứ 10 phút lại cần nghỉ giải lao và biểu hiện bồn chồn nhiều hơn trong các bài học trực tuyến. Phần lớn các bà mẹ đều nhận thấy con mình, đặc biệt là các cháu ở độ tuổi tiểu học, trở nên bồn chồn và cáu kỉnh hơn. Hơn một nửa các bậc phụ huynh tham gia khảo sát than phiền rằng họ không có đủ thời gian để theo sát việc học hành của con, cũng như chăm sóc cả gia đình. 72% các bậc phụ huynh phản đối hình thức học từ xa trong trương lai, đặc biệt đối với trẻ tiểu học.

Kết quả ban đầu từ nghiên cứu Co-SPACE (Hỗ trợ cha mẹ, thanh thiếu niên và trẻ em trong dịch bệnh COVID-19) do các nhà khoa học tại Đại học Oxford điều hành cho thấy những dấu hiệu bất ổn từ hành vi của trẻ em từ 4 - 10 tuổi sau một tháng phong tỏa.

Hơn 10.000 cha mẹ tham gia chương trình khảo sát Co-SPACE cho biết hành vi của con họ càng lúc càng tệ hơn, như nóng nảy, tranh luận tăng lên và không làm theo lời bố mẹ. Trẻ cũng gia tăng các biểu hiện bồn chồn và khó tập trung hơn sau một tháng phong tỏa. Tom Madders, giám đốc chiến dịch tại YoungMinds, cho biết: “Nghiên cứu này cho thấy rằng nhiều trẻ nhỏ ngày càng cảm thấy khó chịu khi suốt ngày phải ở nhà do phong tỏa, có thể là do các con cảm thấy cô đơn, lo sợ về coronavirus hoặc mất thói quen và hỗ trợ từ trường học”.

Đó là những bằng chứng cho thấy một vai trò rộng lớn hơn rất nhiều của trường học thực tế: đó không chỉ là nơi cung cấp cho trẻ kiến thức mà còn là chỗ trẻ chơi, kết bạn, phát triển các kỹ năng cảm xúc - hành trang không thể thiếu để trẻ tự tin bước vào đời.

Khi phải học tại nhà trong thời gian dài, không chỉ kiến thức bị mất đi mà cả những cơ hội rèn luyện kỹ năng mềm cũng bị tước đoạt. Được gặp gỡ bạn bè, chơi các trò chơi tuổi thơ là những yếu tố cần thiết để đảm bảo sức khỏe tinh thần và thể chất của trẻ. Đó là chưa kể, trường học còn được xem là nơi trú ẩn an toàn của nhiều đứa trẻ, giúp chúng tránh khỏi những đòn roi vô cớ từ người lớn trong nhà.

Báo cáo Sức khỏe tâm thần của trẻ em và thanh niên ở Anh năm 2020, do NHS Digital và văn phòng Thống kê quốc gia thực hiện cho biết trong số 3.000 trẻ em từ 5 - 16 tuổi, cứ 6 trẻ em lại có 1 trẻ gặp vấn đề về rối loạn tinh thần.

Ngay lúc này, các nhà thực thi chính sách giáo dục nên sớm vạch ra các phương án để “bù đắp” cho những tổn thất mà COVID-19 gây ra cho các học sinh tiểu học, để khi quay lại trạng thái “bình thường mới”, các em không trở thành một “thế hệ bị lãng quên”.

(*) Nghiên cứu viên tại Đại học Excelia (Pháp), thành viên Tổ chức Khoa học và chuyên gia Việt Nam toàn cầu (AVSE Global).

31%

trẻ em từ độ tuổi tiền tiểu học tới cấp II trên khắp toàn cầu không thể tiếp tục học tập vì đại dịch COVID-19. (Dữ liệu vào tháng 8-2020 của UNICEF)

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận