Di sản của Santa

KIỀU BÍCH HƯƠNG 20/12/2015 04:12 GMT+7

TTCT - Cận Giáng sinh vẫn không thấy lũ trẻ từ 10-12 tuổi trong khu phố tôi ở rủ nhau viết thư gửi ông già Noel. Tôi băn khoăn hỏi con gái lớn, Kate tỉnh bơ: “Năm nào cũng viết thư nhàm lắm. Bọn con vừa sáng kiến đánh máy và lưu ổ usb, nhét vào tất. Santa có máy tính ắt đọc được”.

Tái hiện xưởng chế tạo quà của ông già Noel ở hội chợ Giáng sinh tại thành phố Leuven (Bỉ)-K.B.H.
Tái hiện xưởng chế tạo quà của ông già Noel ở hội chợ Giáng sinh tại thành phố Leuven (Bỉ)-K.B.H.

Tôi và mấy bà mẹ khác bèn yêu cầu bọn trẻ lấy giấy ra viết thư đàng hoàng. Ông già Noel là truyền thống, bọn trẻ muốn có Santa phải theo cách của Santa.

Vừa viết, cô bé Lauren cùng tuổi với Kate khúc khích: “Con viết đổi khác đi chút nhé, đề gửi Santa - ông già triệu đô?”. “Gọi ông kỳ thế?”. “Năm nào ông cũng cho quà trẻ em mà không thấy tuyên bố phá sản, chắc phải cực giàu rồi”.

Tranh luận về đề tài này khó đến hồi kết, nhưng bọn trẻ lại vui vẻ viết thư và chưa bao giờ thôi chờ Santa đến nhà trao quà, còn cha mẹ nào mà chẳng muốn mình được là Santa của con cái đến trọn đời.

Vẫn chờ điều tốt đẹp sẽ đến, biết tin tưởng vào điều xưa cũ không bao giờ mất đi, đó là di sản của Santa để lại cho những đứa trẻ đang dần lớn lên chăng?

Cũng như du khách dạo chơi trên biển Bắc bỗng reo vui như những đứa trẻ khi thấy một chàng trai cưỡi ngựa vùng Brabant đang kéo lưới bắt tôm theo cách truyền thống của người Bỉ. Con ngựa thân hình vạm vỡ như một anh lực điền căng ngực kéo lưới lướt đi trên mặt nước rồi từ từ tiến vào bờ.

Trước mắt du khách, cá tôm và những hạt nước đan trên mắt lưới lấp lánh như ngọc dưới ánh mặt trời buổi sớm. Grégory, chàng trai 18 tuổi, là một trong 13 người đánh tôm theo cách thủ công hiếm hoi sót lại của Bỉ.

Theo học ngành công nghiệp nặng nhưng Grégory vẫn làm thêm nghề cũ của gia đình vì được cha truyền cho niềm đam mê từ bé. Anh tâm sự với báo chí: “Có những mùa chẳng đánh bắt được nhiều, toàn cua và rác mắc lưới. Nhưng du khách thích được nhìn thấy chúng tôi cùng ngựa từ biển tiến vào đất liền như thế.

Chúng tôi là một thứ di sản, mỗi lần vào bờ lại thu hút hàng nghìn du khách đến chiêm ngưỡng. Nếu chỉ đòi 50 cent một bức ảnh khách chụp, chắc chúng tôi giàu rồi”.

Dĩ nhiên Grégory không hỏi tiền khách chụp ảnh, cũng như Santa Claus chẳng phải ông già triệu đô. Bù lại, khách du lịch cũng đem đến những ấm áp bất ngờ trong mùa lễ hội cuối năm này, ví như bất chợt thấy họ mặc chiếc áo in dòng chữ “I am a tourist, not a terrorist!” (Tôi là khách du lịch, không phải kẻ khủng bố) đi trên phố.

Ở một siêu thị đồ gia dụng nổi tiếng, năm nay thay vị trí nhân viên trong trang phục ông già Noel đứng ở lối vào đón khách là một nhân viên an ninh từ tốn, lịch sự: “Cho phép tôi kiểm tra túi xách, xe nôi của quý bà quý cô được không?”.

Tôi cùng mọi người vui vẻ mở túi, chia sẻ vài giây bận rộn, bởi lúc này thật thấm thía thế nào là ý nghĩa của một mùa Giáng sinh an lành, cầu hạnh phúc cho muôn nhà. Dù thế nào, văn hóa của người châu Âu vẫn là nhà hát, âm nhạc, thể thao, và cũng là những quán cà phê ngoài trời, những nhà hàng lung linh ánh nến chiếu sáng gương mặt người đang thư giãn tận hưởng cuộc sống.

Khủng bố không làm người ta sợ hãi cúi đầu từ bỏ di sản của đời sống.

Giáng sinh là lễ hội gia đình, mọi ưu tiên dành cho gia đình, mua càng nhiều giảm giá càng mạnh. Trước quầy thực phẩm, tôi và Lucy - mẹ của bé Lauren - kiên nhẫn chờ một bà cụ đang mua nhiều món nấu sẵn, mỗi món chỉ một hộp nhỏ xíu.

Cô bán hàng cũng nhẫn nại đóng hộp và hỏi: “Cụ ơi, hộp này đong đầy hai lạng salad trộn cơ đấy”. “Tôi sống một mình, thèm món này nhưng một lạng là vừa đủ”... Lucy chợt hỏi tôi: “Dạo này có thấy ông Joseph ở dãy phố bên cạnh qua gõ cửa ban đêm không?”.

“Không. Sao thế?”. Lucy cười: “Lạ lắm, lúc ấy hơn 10g, trời tối như mực, bọn trẻ đã ngủ say rồi mà có người bấm chuông. Tôi không cho chồng mở, nhỡ kẻ cướp thì nguy. Chuông réo mãi, chồng tôi khổ sở bảo nhỡ ai đó bị tai nạn thì sao. Mình vui vẻ đón ông già Noel vào nhà mà lại không mở cửa cho người cần giúp đỡ coi sao được?”.

Thế là trong khi chồng cầm chắc con dao bếp ra mở cửa, Lucy sẵn sàng điện thoại trong tay, cần là bấm số khẩn cấp 112. Hóa ra ông Joseph, hơi thở có vẻ ngà ngà say, lỉnh kỉnh túi xách đặt trước cửa. “Tôi bấm chuông dăm bảy nhà rồi, mỗi anh chị chịu mở cửa. Buồn quá, mùa hội ánh sáng mà phố xá dạo này tối hơn mọi năm. Trưa nay tôi mua nhiều đồ nấu sẵn, giờ nhớ ra một mình ăn làm sao hết, đem chia bớt cho anh chị đây”.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận