Đừng thưởng tiền, mà là sách

TTCT - Tôi nhớ trước đây nhiều năm, phần thưởng của một học sinh giỏi luôn có vài quyển sách kèm theo. Không thể thiếu một quyển từ điển dùng cho môn văn hay ngoại ngữ cùng các tác phẩm có giá trị văn chương khác.

Phóng to
Thưởng sách, thay vì quà đắt tiền, là một trong những cách giúp con trẻ yêu thích đọc sách - Ảnh: Hoàng Hương

Tự hào với phần thưởng sách

Nhìn gói phần thưởng có khi phần lớn là sách, có lúc vượt quá đầu người, rất nhiều học sinh trong đó có tôi mơ ước được là chủ nhân của nó. Phần thưởng càng giá trị hơn về mặt tinh thần vì trên từng trang bìa của các quyển sách ấy có ghi dòng chữ khen tặng và con dấu của nhà trường vinh danh học sinh mà nhiều người đã gìn giữ hàng chục năm với một niềm tự hào về thời đi học của mình.

Khi còn là học sinh tiểu học, nhờ ba tôi vốn là thầy giáo thích đọc sách và luôn xây dựng một tủ sách gia đình từ rất lâu, tôi bắt đầu tìm hiểu thế giới của sách và giữ được lòng ham mê sách từ đó đến nay. Những quyển sách của tủ sách gia đình đều được đóng dấu cẩn thận. Con dấu ấy tôi nhớ là một con dấu tròn, có khắc dòng chữ tủ sách gia đình, ở giữa là hình một quyển sách đang mở ra, trên đó là một ngọn bút trong ống trúc, dưới cùng là tên của ba tôi.

Đơn giản vậy nhưng mỗi lần mua được sách mới, ba tôi đều dành thời gian để áp con dấu tròn ấy vào trang đầu tiên thật cẩn thận. Nhiều cuốn còn được bọc gáy dày, in chữ vàng rất đẹp... Ba tôi xếp sách theo từng thư mục để có thể tìm thật nhanh. Sách văn học, nghiên cứu, khoa học... được phân loại rất kỹ.

Khi biết tôi ham thích đọc sách, ba tôi khuyến khích và cho phép tôi sử dụng tủ sách của ông, luôn hướng tôi đến với thú vui sưu tầm sách, làm phong phú hơn tủ sách gia đình. Năm tôi học lớp 7, thầy giáo dạy Việt văn hướng dẫn lớp chúng tôi cách làm một bài thuyết trình và nhờ tủ sách của ba, tôi đã dám chọn một đề tài hóc búa, còn nhớ tên đề tài tự chọn đó là “Ngày xưa đi sứ”.

Tôi đã dùng các số liệu, các sự kiện, nhân vật lịch sử được ghi lại trong một số tác phẩm sử học, văn học để hoàn thành bài thuyết trình của mình. Thầy của tôi đã nhận xét bài thuyết trình ấy nặng về cung cấp số liệu, sự kiện..., chưa phải là một bài thuyết trình nhưng thầy ghi nhận sự cố gắng của một học sinh lớp 7 trong tìm kiếm và sử dụng tư liệu giúp bài viết có sức thuyết phục. Đó là thành công đầu tiên trong đời đi học của tôi, từ đó tôi biết là không thể xa rời sách được nữa.

Thổi bùng thú vui đọc sách

Khi đi dạy, tôi cố làm bùng lên ngọn lửa yêu thích đọc sách, ước muốn sở hữu một quyển sách hay trong học sinh. Thoạt đầu, tôi gặp nhiều khó khăn, chán nản, các em không thích đọc và không hề xem sách là một món quà có giá trị. Tôi cố tập cho các em đọc những câu chuyện ngắn rồi chuyện dài hơn, tập đọc báo chí trước rồi đọc tiểu thuyết sau.

Các em đọc những truyện phù hợp với thiếu nhi như Dế mèn phiêu lưu ký, Những vì sao đất nước, Đất rừng phương Nam, cả Truyện Kiều... Dần dần các em biết tặng sách cho nhau thay vì những món đồ chơi hay bánh kẹo. Một vài em biết để dành tiền tiết kiệm mua sách. Khi có được một quyển sách hay, tôi thấy niềm vui trong các em rất rõ, càng vui hơn khi các em biết chia sẻ cùng bạn bè.

Phần thưởng của tôi dành cho học sinh bao giờ cũng là sách với lời đề tặng ở đầu trang. Tôi luôn khuyến khích các em mua sách hay đến thư viện tìm đọc khi chưa đủ tiền để mua. Cuối năm, lớp tôi chủ nhiệm cũng không quên tặng sách, giúp thư viện trường thêm phong phú. Ngày hội đọc cả lớp đều hăng hái tham dự.

Muốn các em ham thích đọc sách, có niềm vui làm chủ một quyển sách phải bắt nguồn từ gia đình và từ thầy cô. Làm cho học sinh có thói quen đọc sách và cách nhìn nhận đúng về giá trị của sách là một việc lâu dài nhưng thà muộn còn hơn không.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận