Khi gió mùa xao xác…

PHẠM THỊ NGỌC LIÊN 01/07/2017 17:07 GMT+7

TTCT- Thời gian đầu sau khi bố mất, tôi ít khi sang chùa, nơi thân xác của bố chỉ còn là một nhúm bụi nằm trong một chiếc bình. Tôi sợ nhìn vào di ảnh của bố.

Ảnh gia đình chụp vào tết năm 1997 ở TP.HCM
Ảnh gia đình chụp vào tết năm 1997 ở TP.HCM

 

Đứng trước ánh nhìn có phần khắc khoải, có phần chịu đựng ấy, tôi không chịu nổi. Tôi luôn muốn nhìn thấy một ánh mắt khác, nghiêm khắc hơn nhưng vô cùng ấm áp, nhẹ nhàng của bố thuở sinh thời. Ánh mắt cho tôi thấy cái uy của một người đàn ông gia trưởng nhưng lại thương yêu gia đình hết mực.

Vì không có ai thay được mẹ!

Trước nhất, bố yêu mẹ. Năm 1952, sau “những phong hoa tuyết nguyệt” của thời tuổi trẻ, bố sẵn sàng vì bà làm một cuộc ra đi đúng nghĩa.

Ông rời Hưng Yên, nơi chôn nhau cắt rốn, xa cha mẹ, chị em để vào miền Nam, đến an cư lập nghiệp ở Đà Lạt, một vùng đất xa lạ, cốt chỉ để khẳng định với mẹ là ông chỉ có mình bà.

Sự ra đi này mang đến cho ông nhiều dằn vặt, thương nhớ, nhiều xót xa, đau khổ, nhất là khi hai miền Bắc - Nam chia cắt, ông mất hẳn đường về.

Tôi không bao giờ quên được hình ảnh ông úp mặt vào đôi bàn tay, cúi gục khóc lớn trước chiếc bàn thờ mới lập, thờ ông nội tôi. Trong lúc ấy, mẹ cũng khóc, liên tục thì thầm: “Em xin lỗi. Em xin lỗi anh”. Đó là lần thứ nhất tôi thấy bố tôi khóc.

Ông Phạm Xuân Căn
Ông Phạm Xuân Căn

 

Những lần bố tôi khóc rất hiếm hoi, nhưng luôn dính liền với sự mất mát, thương tổn. Ngày mẹ tôi mất, ông ngồi bên bà, âu yếm lau mặt, lau từng ngón tay, ngón chân cho bà trong hai dòng nước mắt lặng lẽ. Rồi khi người ta đến làm lễ khâm liệm, ông ôm chặt chúng tôi vào lòng, khóc nức lên: “Các con ơi, thế là mẹ đi rồi”.

Mãi sau này, khi lớn lên tôi mới hiểu vì sao ông nói “mẹ đi” chứ không phải “mẹ mất”. Trong lòng ông, mẹ chỉ đi lòng vòng đâu đó mà thôi, mẹ luôn hiện hữu, dù không có ở trong nhà. Năm đó, bố tôi mới ngoài bốn mươi tuổi, một mình nuôi bốn đứa con gái lít nhít, đứa bé nhất chỉ vừa sáu tuổi.

Mẹ mất rồi, bao nhiêu tình thương yêu, bố trút hết cho con cái. Bố nuôi chúng tôi, đúng nghĩa vừa làm cha vừa làm mẹ.

Ông cho người giúp việc nghỉ, vừa đi làm vừa tự tay chợ búa, nấu nướng, giặt giũ..., không để cho các con thiếu thốn bất cứ thứ gì.

Thế nhưng, sau hình ảnh người cha tận tụy luôn chăm sóc từng bữa ăn, giấc ngủ cho các con, là dáng hình một người đàn ông cô độc, lủi thủi ra vào trong căn nhà thiếu bóng đàn bà, khiến nhiều người cảm động. Trong số đó có chú Thế, bạn thân của bố. Chú Thế có cô em gái lỡ thì tên Thương, làm hiệu trưởng một trường tiểu học.

Thật ra, cô không hề lỡ thì mà do thích sống độc thân để có nhiều thời gian chăm sóc học trò. Cô hiền dịu, nết na, đặc biệt yêu con trẻ. Ngày mẹ còn sống vẫn thích rủ cô Thương sang nhà làm bánh trái nên chúng tôi cũng từng nhiều lần vòi vĩnh, chơi đùa cùng cô.

Chú Thế muốn gả cô Thương cho bố sau khi bố mãn tang mẹ và chúng tôi đồng thuận với ý kiến này. Chúng tôi không muốn bố quá cô đơn.

Vài tháng sau lễ mãn tang mẹ, chú Thế ngồi nói chuyện với bố ngoài phòng khách, chúng tôi nấp sau cánh cửa để nghe trộm. Chú Thế nói: “Cái Thương nó đồng ý rồi. Nó thương bọn trẻ, thương cả anh...”.

Và bố trả lời: “Tôi xin lỗi. Tôi quý cô Thương nhưng chỉ xem cô ấy như em gái. Tôi không định kết hôn nữa, anh đừng giận...”. Sau này, tôi hỏi bố vì sao ông không cưới cô Thương trong khi chúng tôi đều bằng lòng nhận cô ấy làm mẹ kế, ông trả lời thật đơn giản: “Vì không ai thay thế được mẹ các con”.

Trong suốt ba mươi năm sau, cho đến ngày ông mất, bố tôi giữ đúng lời nói ấy. Chỉ sống với các con. Các con trên hết. Không một người đàn bà nào khác lọt vào đôi mắt của ông.

Ảnh gia đình chụp vào tết năm 1997, trước thềm nhà ở TP.HCM
Ảnh gia đình chụp vào tết năm 1997, trước thềm nhà ở TP.HCM

 

Những chiếc bánh chưng bị đánh cắp

Cái chết của mẹ tôi và những biến chuyển của xã hội diễn ra liên tiếp nhiều năm sau đó dường như đã biến bố tôi thành người khác hẳn. Sau ngày giải phóng miền Nam 30-4-1975, bố tôi phải đi học tập cải tạo một thời gian trước khi nhận quyết định về hưu non.

Thêm vào đó, tài sản dần khánh kiệt vì gửi tiền không đúng nơi, bị lừa đảo, vượt biên không thành...; ông đành chấp nhận thực tế cay đắng - là một người bất lực trong cuộc sống.

Để đối phó, từ một người đàn ông gia trưởng, quyết đoán, tiêu tiền không đếm, ông trở thành người tiết kiệm, chi tiêu cẩn thận đến từng đồng, nhất là khi đồng tiền ấy do tôi trao cho ông. Hỡi ơi. Lúc ấy tôi đã trở thành người chủ gia đình thay cho bố rồi.

Bố xót cho giọt mồ hôi tôi phải đổ xuống cho bữa cơm hằng ngày nên ông đề ra một quy luật cho chính mình: tiết kiệm hết mức có thể. Vì điều này, giữa tôi và ông xảy ra nhiều mâu thuẫn mà kẻ to tiếng luôn luôn là tôi.

Tôi không thích bố phải chắt chiu dành dụm từng đồng tôi đưa để trả tiền nước, tiền điện. Tôi không thích bố cắt hết khoản cà phê, trà bánh điểm tâm mỗi ngày để chỉ ăn một phần ba gói mì tôm... Vì sao phải thế trong khi tôi có đủ khả năng chi trả mọi thứ nhỏ mọn ấy chứ?

Trong khi to tiếng với bố, lòng tôi đau nghiến. Còn ông thì vẫn bình thản cười: “Bố già rồi, ăn thế là đủ”.

Bố tôi chưa già. Ông phải về hưu non. Ngồi nhà trong lúc vẫn đủ sức khỏe, đủ nhiệt huyết, đủ yêu nghề để đi làm, ông đau khổ lắm.

Lúc ấy, tôi không đủ sâu sắc để thẩm thấu việc này. Tôi chỉ nghĩ đơn giản, ừ thì bố đi làm lâu rồi, giờ nghỉ cũng đúng, tiền tôi làm ra có khác gì tiền của bố đâu?

Bố nuôi chúng tôi mấy mươi năm, chúng tôi vẫn tiêu tiền của bố đấy thôi... vân vân... và... vân vân... Mỗi lần tôi cằn nhằn như thế, bố chỉ cười, hứa: “Ừ, bố sẽ ăn sáng tử tế, con yên tâm”. Nhưng hôm sau, khi tôi đi làm rồi, ông ở nhà vẫn chỉ một phần ba gói mì!

Một ngày cuối năm, bố tôi vui vẻ khoe: “Tết này bố gửi nếp đậu cho cô Yến làm bánh chưng rồi, được gần chục chiếc con ạ”. (Cô Yến là cô họ, em con bác con chú với bố tôi). Tôi há miệng ra định hỏi tiền đâu bố mua nếp mua đậu thì vội cắn lưỡi nhịn lại.

Tiền đâu nữa? Tiền bố chắt bóp dành dụm từ khoản tiền tôi đưa mỗi tháng để bố tiêu xài chứ tiền đâu? Cái cắn lưỡi đau chảy nước mắt nhưng tôi cũng cười: “Vậy tết này con khỏi mua bánh ngoài hàng rồi, đỡ quá”.

Lòng tôi vẫn đau nghiến, nhưng khi nhìn nét mặt vui vẻ của bố, tôi biết bố thương tôi và chỉ muốn làm điều có ích cho tôi.

Tối 29 tết, ngoài đường đông như kiến. Bố đi xe đạp, chở theo một cái giỏ cói để sang nhà cô Yến lấy bánh chưng. Bố đi lâu đến nỗi chúng tôi sốt cả ruột gan, cứ chạy ra chạy vào trông ngóng. Rồi bố về. Đẩy xe vào cổng, bố khóc tu lên: “Mất hết rồi con ơi”.

Tôi chạy văng cả dép từ trong bếp chạy ra. Cả đám em tôi cũng chạy ra: “Bố ơi. Bố bị gì vậy, bố ơi”. Bố, mặt vẫn còn hốt hoảng, thất sắc, tiếp tục khóc nghẹn: “Mất hết bánh rồi con ơi...”.

Đường quá đông, bố phải dắt xe chen chúc giữa dòng người chen lấn. Kẻ gian đã cắt dây buộc, nẫng luôn giỏ đựng bánh chưng. Những chiếc bánh chưng làm bằng đồng tiền dành dụm từ những buổi sáng ăn mì gói của bố tôi...

Giữa sân nhà, tôi quát bố: “Mất thì thôi. Sao bố phải khóc?”. Rồi tôi ôm chầm lấy bố, khóc òa. Trái tim tôi quặn thắt. Người bố tôi ướt sũng mồ hôi, tim còn đập thình thịch.

Hẳn bố đã hoảng hốt, lo sợ, thất vọng, đau khổ biết bao nhiêu khi phát giác mình bị mất cắp. Ôi bố của tôi. Tưởng tượng ra lúc ông đứng bơ vơ, đau khổ giữa đường chỉ vì mất một giỏ bánh, tôi có cảm giác mình cũng sắp chết vì xót xa...

“Ông ngoại biến thành cây khô”

Những năm sau này, gia đình tôi dần thoát khỏi cảnh khó khăn, có của ăn của để từng chút một. Tôi không còn phải cãi nhau với bố chuyện bố ăn gì vào mỗi sáng nữa. Thêm vào đó, việc nối lại liên lạc với gia đình, họ hàng bên nội cũng khiến bố vui vẻ hơn.

Ông đã lại cà phê, thỉnh thoảng khề khà chén rượu bên những ông bạn già. Thế nhưng, với tháng năm, thời thế cũng biến chuyển tôi từ một phụ nữ có gia đình trở thành người mẹ cô đơn.

Những đau khổ cuộc đời tôi, bố cũng là người chứng kiến rõ nhất. Chứng kiến và mỏi mòn vì không giúp được gì cho con, có lẽ ông càng đau ngấm đau ngầm.

Ngoài mặt thì vui vẻ, bình thản nhưng càng ngày ông càng gầy gò hơn. Đứa con trai lên bảy tuổi của tôi còn nhận ra điều ấy. Để rồi một hôm, dọn phòng cho hai ông cháu, tôi tìm được mảnh giấy dưới gối nằm của nó. Chỉ vỏn vẹn ba dòng chữ, nhưng nó đã làm tôi ngồi thụp xuống đất khóc như chưa bao giờ được khóc.

“Ông ngoại như cây xanh

Ông ngoại nuôi mẹ, nuôi các dì, nuôi các cháu

Ông ngoại biến thành cây khô”...

Tôi không hiểu vì sao một đứa trẻ bảy tuổi lại có thể viết ra những dòng chữ khiến tôi đau buốt tận ruột gan như thế?

Tôi nghĩ có lẽ nguồn cơn ấy phát xuất từ nỗi buồn của mình. Nó đã khiến tất cả những người thân yêu của tôi bị ảnh hưởng. Hối hận tràn trề.

Thế là tôi cũng tập cho mình thói quen cái gì cũng cười. Nếu gặp chuyện buồn khiến tôi phải khóc, tôi luôn lên chùa khóc với hũ cốt của mẹ. Sau đó, tôi trang điểm tươi tỉnh, trở về nhà với nụ cười trên môi.

Nhưng tôi không qua được mắt bố tôi. Trong một đêm thơ do nhà văn hóa thành phố tổ chức nhân dịp tôi được giải thưởng, người MC đã mời bố tôi lên sân khấu để tặng hoa. Anh ta hỏi bố tôi câu gì đại loại như ông hãnh diện, vui mừng như thế nào khi có con là nhà thơ nổi tiếng?

Bố tôi đã lặng đi một lúc rồi trả lời: “Nổi tiếng vì những vần thơ xé tim gan mình ra mà viết, tôi chắc nó cũng chẳng vui sướng gì. Tôi sẽ rất hạnh phúc nếu con tôi bớt đau khổ, bớt thù hận cuộc đời để viết được những câu thơ vui vẻ, trong trẻo như tâm hồn nó vốn thế”.

Cả hội trường đã im phắc, lặng đi sau câu nói của bố tôi.

Bố tôi bị đột quỵ trong một đêm trời oi bức. Ông ra nằm võng ngoài sân và trở vào loạng choạng, kêu chóng mặt, có lẽ trúng gió. Nhận ra miệng ông hơi lệch, chúng tôi vội đưa ông đi cấp cứu. Bác sĩ bảo ông bị tai biến mạch máu não và đã liệt hết nửa người.

Suốt bảy tháng trời, chị em tôi đã chuyển ông qua ba bệnh viện, gõ cửa vô số bác sĩ, đến khi bệnh viện lắc đầu mới quyết định đưa ông về nhà.

Tôi đưa ông về nhà, nấu cho ông ăn những món ông thích, dù ông chỉ ăn được vài thìa. Mỗi sáng sớm hay lúc xế chiều, tôi đều bế ông - lúc này đã nhẹ tênh, mỏng manh như một đứa trẻ - ra chiếc ghế đặt ở thềm nhà nằm ngắm cây cối, ngắm bầu trời, nghe những tiếng trò chuyện, tiếng kèn xe náo động từ ngoài đường vẳng vào.

Tôi ngồi bệt dưới gạch, hát cho ông nghe bài Đàn chim Việt mà khi ông còn khỏe, mỗi tối cúp điện tôi hay vừa hát vừa đàn piano dưới ánh nến lung linh trong nhà, còn ông thổi harmonica ngoài chiếc võng đu đưa dưới gốc lan hoàng hậu.

Cây đàn piano lúc ấy tôi đã bán nên tôi chỉ hát chay trong khi đút cho ông từng thìa xúp. “Về đâu khi gió mùa xao xác? Ôi lũ chim giang hồ. Bao cánh đang cùng dật dờ trên khắp cố đô. Từng đôi trên đất Bắc ríu rít ca. Mờ mờ trong nắng ven trời... Ai tha hương nghe réo rắt oanh ca. Tiếng nhạn vào mây thiết tha. Lưu luyến một trời xa”...

Bài hát nghe như hơi thở tiếc nuối, như niềm đau mà cha tôi ôm kín trong đáy lòng từ khi rời khỏi quê nhà. Phải chăng giờ đây nó lại trỗi dậy? Trong lúc tôi hát, có lúc nước mắt ông ầng ậng, rồi ứa ra, chậm rãi lăn xuống gối nằm khiến tôi nghẹn ngào, nhưng tôi cứ để yên...

Bố tôi mất khi tôi rời khỏi nhà chỉ khoảng một tiếng đồng hồ. Và khi trở về, tôi tưởng mình hóa đá khi nhìn thấy các em, các con tôi đang nức nở, sụt sùi.

Vì sao bố không chờ lúc tôi có mặt ở nhà mà lại ra đi khi tôi vắng mặt? Sau này, sư thầy trên chùa bảo, thường người nào được thương yêu nhất luôn bị xui khiến không có mặt khi người thân qua đời. Không hiểu tại sao?

Có thể vì bố tôi không nỡ ra đi khi tôi có ở nhà chăng? Tôi giữ sự xót xa, ân hận ấy mãi trong lòng và mỗi lần nhìn vào di ảnh của cha, tôi lại không kìm được nước mắt.

Tôi không lên chùa trong một thời gian rất dài sau một trăm ngày của bố. Tôi sụt cân, mất ngủ, không muốn trò chuyện với bất cứ ai. Cảnh nhà tôi hiu quạnh, im ắng, buồn thảm...

Cho đến một hôm tôi nằm mơ thấy bố. Ông mỉm cười, bảo: “Dù thế nào vẫn cứ phải sống, con ạ”. Rồi ông chậm rãi đi quanh vườn, tưới cây, nhổ cỏ thật bình yên. Như thể ông muốn nói rằng, dù gió mùa xao xác đến đâu, cánh chim giang hồ của ông đã xếp lại với lựa chọn cuối cùng: Ở bên cạnh các con…■

Kỳ tới: Nhà báo Lưu Đình Triều viết về cha - nhà báo Lưu Quý Kỳ: "Ba tôi - Thầy tôi"

CHA: PHẠM XUÂN CĂN, sinh năm 1928 tại Hưng Yên, từng học Trường Chu Văn An, Hà Nội.

Năm 1953, ông vào Nam, lập nghiệp tại Đà Lạt (Lâm Đồng); được đào tạo và làm việc tại Nha Địa dư, thuộc Bộ Quốc phòng với vị trí trắc địa sư, kiến trúc sư thực địa từ năm 1958. Năm 1975, sau ngày miền Nam giải phóng, ông đi học tập cải tạo và sau đó bàn giao công việc, về hưu non năm 1978. Ông mất năm 1998 tại TP.HCM.

CON: PHẠM THỊ NGỌC LIÊN, sinh năm 1952 tại Hà Nội. Sống và làm việc tại TP.HCM. Hội viên Hội Nhà Văn Việt Nam, từng đoạt các giải thưởng của các tạp chí Văn Nghệ TP.HCM, Văn Nghệ Quân Đội, Hội Nhà Văn Việt Nam.

Tác phẩm tiêu biểu đã in:

- Các tập thơ: Những vầng trăng chỉ mọc một mình; Biển đã mất; Em muốn giang tay giữa trời mà hét; Thức đến sáng và mơ.

- Các tập truyện ngắn: Có một nửa mặt trăng trong mặt trời; Người đàn bà bí ẩn; Đồi hoang; Nụ hôn buốt giá; Và tháng ngày trôi đi...

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận