Mỹ học: Phương tiện duy nhất cứu vãn con người?

CHIÊU VĂN (LƯỢC DỊCH) 14/10/2017 20:10 GMT+7

TTCT - Cái đẹp đích thực làm hài lòng đôi mắt và tâm trí, nhưng liệu nó có thể giúp chúng ta trở thành người tốt hơn và qua đó xây dựng một xã hội tốt đẹp hơn? Bài viết của triết gia John Armstrong, Đại học Melbourne, cho trang Aeon.

Chân dung bà Duvaucey - tranh của Jean - Auguste - Dominique Ingres, sơn dầu trên vải toan, 76x59cm, Bảo tàng Condé, Chantilly, Pháp. -Ảnh: wikimedia.org
Chân dung bà Duvaucey - tranh của Jean - Auguste - Dominique Ingres, sơn dầu trên vải toan, 76x59cm, Bảo tàng Condé, Chantilly, Pháp. -Ảnh: wikimedia.org

 Suy nghĩ phổ biến nhất về cái đẹp ngày nay là ý tưởng đẹp xấu tùy người. Đó là một ý tưởng nhằm hòa giải những người có sở thích khác nhau. Mọi người thấy xấu đẹp khác nhau, vì thế không thể quy định cái gì đẹp, cái gì không.

Tuy nhiên, thành công của quan điểm rộng lượng này khiến chúng ta đánh mất sự chú ý vào những câu hỏi sâu sắc hơn, quan trọng hơn.

Dù là một thánh đường Baroque, khuôn mặt bụ bẫm của trẻ thơ hay bờ biển cắt xẻ của Thụy Điển nhìn từ máy bay, chúng ta đều có trải nghiệm bí ẩn thấy thứ gì đấy đẹp đẽ. Nhưng chuyện gì xảy ra khi chúng ta cảm nhận cái đẹp?

Năm 1795, nhà thơ và kịch tác gia người Đức Friedrich Schiller xuất bản một cuốn sách với tựa đề đáng sợ: Về giáo dục mỹ học cho con người trong một loạt bài viết.

Cuốn sách không trở nên nổi tiếng, điều thật đáng tiếc, vì nó chứa đựng những suy tư rất hữu ích về bản chất và giá trị của cái đẹp. Điểm khởi đầu của Schiller là phân tích con người. Ông muốn hiểu niềm vui khi cảm nhận cái đẹp.

Thay vì đặt câu hỏi thứ gì là đẹp, Schiller tò mò với chuyện gì xảy ra khi chúng ta phản xạ lại cảm giác háo hức, rùng mình và gần gũi khác thường khiến chúng ta thốt lên “đẹp thế!”.

Schiller nghĩ bản chất con người bao gồm hai động lực tâm lý. Một là động lực “cảm nhận” nằm ở khoảnh khắc tức thời, tìm kiếm sự hài lòng ngay lập tức, như khi ta giải tỏa cơn khát bằng một ngụm bia lạnh.

Động lực thứ hai là động lực “cấu trúc”: nhu cầu nội tâm lâu dài, mong muốn hiểu những điều trừu tượng bằng một trật tự duy lý. Chẳng hạn như khi ta đòi hỏi một phiên tòa công bằng thì động cơ của ta mang tính “cấu trúc”, chúng ta nghĩ tới ý tưởng trừu tượng của một quá trình công lý.

Schiller chỉ ra rằng bản chất của con người là hai kiểu khao khát phân kỳ đó: chúng ta không thể hi vọng hiểu được tại sao cái đẹp quan trọng nếu chúng ta không hiểu cả hai động lực đấy.

Tức là nếu muốn hiểu cái đẹp, chúng ta không thể chỉ nói về những điều đẹp đẽ, chúng ta phải nói về chính cuộc đời chúng ta.

Với Schiller, cái đẹp đích thực là điều gây ra cảm xúc mạnh mẽ cho chúng ta trong cả hai động lực đó, điều không chỉ nằm ở chất lượng của đối tượng thẩm mỹ, mà ở trong sự khao khát của chính chúng ta.

Lấy ví dụ bức Chân dung bà Duvaucey của họa sĩ Jean-Auguste-Dominique Ingres vẽ ở Rome vào năm 1807. Một mặt, bức chân dung được tổ chức kỹ lưỡng. Mỗi chi tiết được tính toán để tạo ra sự hài hòa tuyệt vời. Phần lưng ghế cong khớp với cái miệng xinh xắn của người mẫu, cũng như cân đối hoàn toàn với bả vai bên kia.

Cằm của bà Duvaucey tạo thành một đường thẳng chính xác với ngôi tóc, mũi, cũng như nằm đúng ở trung điểm của đỉnh đầu và đường viền cổ áo.

Mọi thứ đều được tính toán với quyết tâm cao độ kiểm soát toàn bộ bức tranh, tạo ra biểu đạt mỹ cảm cao nhất. Người mẫu cũng trầm tĩnh, sáng sủa và tinh tế hết mức có thể. Đó là động lực cấu trúc.

Nhưng đồng thời động lực cảm nhận cũng thật rõ ràng. Thiếu phụ ngồi trong tư thế thật tự nhiên, như thể ta có thể tình cờ gặp bà trong một căn phòng nào đó.

Có thể phút chốc nữa bà sẽ đứng lên, mỉm cười hay chỉnh lại vòng cổ của mình. Với tất cả sự sắp đặt tài khéo của nhà họa sĩ, bức tranh vẫn thật ấm áp, tự nhiên và sống động.

Điều đó giải thích tại sao cái đẹp lại gây ra nhiều cảm xúc như thế, thậm chí có thể khiến chúng ta bật khóc.

Khi thấy được cái đẹp trong một bản nhạc, trong cử chỉ bao dung của người khác, chúng ta thấy những thứ mà chúng ta biết chúng ta đã bỏ qua hay phản bội và cảm thấy sự kết hợp sửng sốt của đau khổ và niềm vui.

Giống như nhiều người hiện đại, Schiller lo sợ cái đẹp quá gắn kết với địa vị xã hội. Thật vậy, nhiều người xấu xa sở hữu những thứ đẹp đẽ và sự sở hữu đó không chắc khiến họ nhân văn hay độ lượng hơn.

Schiller tin rằng coi cái đẹp là điều xa xỉ hay thể hiện đẳng cấp xã hội đồng nghĩa với việc bỏ lỡ tiềm năng đích thực của trải nghiệm cái đẹp vì với ông, cái đẹp để nâng tâm hồn lên.

Hơn thế nữa, Schiller còn là một nhà cải cách xã hội nhiệt tình. Tuy nhiên, ông trở nên bi quan bởi ở thời đại của mình, ông phải chứng kiến cuộc Cách mạng Pháp từ những lý tưởng của nó trở thành triều đại khủng bố, hỗn loạn, rồi độc tài.

Những chẩn đoán của ông với căn bệnh của xã hội vì thế cũng như với căn bệnh của cá nhân. Ông đi tới một kết luận đáng lo ngại, nhưng có lẽ là đúng đắn, rằng những cải cách xã hội đầy tham vọng sẽ chẳng đi tới đâu nếu thiếu một số đông đủ lớn con người trong xã hội đó đạt tới một mức phát triển nội tâm cao hơn, mà chỉ cái đẹp mới có thể đem lại.■

(*) Lược dịch.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận