​Nếu Barca không chơi ở La Liga? 

TTCT - Rất có thể nhiều độc giả Việt Nam không biết rõ Catalonia, nhưng nếu bảo rằng nơi đó có đội Barca thì mọi người sẽ dễ hình dung hơn.

Gerard Piqué (trái) ăn mừng bàn thắng trong trận Barca thắng APOEL Nicosia ở Champions Leage tuần rồi. Anh bị nhiều người chỉ trích vì ủng hộ trưng cầu ý dân cho Catalonia, dù vẫn cống hiến rất nhiều cho đội tuyển Tây Ban Nha - Ảnh: Reuters
Gerard Piqué (trái) ăn mừng bàn thắng trong trận Barca thắng APOEL Nicosia ở Champions Leage tuần rồi. Anh bị nhiều người chỉ trích vì ủng hộ trưng cầu ý dân cho Catalonia, dù vẫn cống hiến rất nhiều cho đội tuyển Tây Ban Nha - Ảnh: Reuters

Việc trưng cầu ý dân ở Scotland thu hút sự chú ý đặc biệt của Catalonia, một vùng đất nhỏ ở đông bắc Tây Ban Nha. 

Catalonia là một trong những vùng giàu có nhất Tây Ban Nha, trong đó một bộ phận dân chúng ủng hộ ly khai. Catalonia có chính phủ vùng được tự chủ cao, có quốc hội riêng, ngôn ngữ riêng giảng dạy ở khắp trường học...

Nhưng về thể thao, người Scotland có một ưu đãi mà Catalonia không có: một đội tuyển QG và các giải VĐQG tách khỏi phần còn lại của Vương quốc Anh.

Từng có đội tuyển Catalonia 

Liệu những người theo chủ nghĩa dân tộc ở Catalonia có mong muốn được hưởng ưu đãi như vậy? Vấn đề không đặt ra nếu nói về đội tuyển QG. Hàng triệu người dân Catalonia mơ có một đội tuyển đại diện cho họ tại World Cup bóng đá.

Thực tế từ năm 1997 cũng đã có một đội tuyển Catalonia thi đấu trận giao hữu mỗi năm trên sân Nou Camp. Đội thành lập năm 1912, tức 24 năm trước cuộc nội chiến Tây Ban Nha và bị gián đoạn hoạt động dưới thời độc tài của tướng Franco nhưng rồi hồi phục từ cuối thập niên 1970 cho đến nay.

Các ngôi sao của đội tuyển Tây Ban Nha cũng thi đấu những trận này với đội Catalonia mà không phải phân vân lựa chọn hoặc bày tỏ chính kiến của họ về một đề tài vốn rất nhạy cảm ở Tây Ban Nha.

Xavi Hernandez, Cesc Fabregas, Carles Puyol, Gerard Piqué, Victor Valdés hoặc Jordi Alba đều bảo vệ màu cờ sắc áo của Catalonia và đội tuyển Tây Ban Nha bằng cách tránh đưa ra ý kiến về mặt chính trị. Pep Guardiola, cựu cầu thủ và HLV của Barca và hiện hành nghề ở Bayern Munich, cũng từng thoải mái khoác áo đội tuyển Tây Ban Nha và Catalonia trong những năm 1990. 

Nhưng cũng có vài ngoại lệ như cựu hậu vệ Oleguer Presas của Barca năm 2005 đã từ chối lời mời của HLV Luis Aragones gia nhập đội tuyển quốc gia, theo nhật báo ABC.

Một số cầu thủ khác như Xavi hoặc Puyol tránh bị chụp ảnh đứng quá gần lá cờ Tây Ban Nha, nhưng họ luôn từ chối phát biểu về chuyện này và người ta phải kêu gọi tính chuyên nghiệp của họ khi trả lời phỏng vấn báo chí.

Trong những tháng qua, như trường hợp tay vợt Andy Murray ủng hộ việc Scotland tách khỏi Liên hiệp Anh, một số huyền thoại bóng đá Tây Ban Nha đã tranh thủ làn sóng đòi độc lập lan khắp Catalonia để dấn thêm bước nữa trong việc ủng hộ trưng cầu ý dân.

Gerard Piqué, hậu vệ Barca và đội tuyển Tây Ban Nha, đã cầm lá cờ xứ Catalonia nhân ngày “diada”, tức “lễ quốc khánh” 11-9 của người Catalonia, khi có đến hàng ngàn người xuống đường đòi quyền tự quyết định tương lai của mình.

Xavi cho biết anh “ủng hộ tổ chức trưng cầu ý dân vì nhất thiết phải biết được ý kiến dư luận”, và rất nhiều lần Pep Guardiola thể hiện tình yêu quê hương Catalonia của ông. 

Đại diện các môn thể thao khác như anh em Pau và Marc Gasol, ngôi sao của Giải bóng rổ Mỹ NBA, cũng ủng hộ việc bỏ phiếu dù trước kia họ từng tự hào là cầu thủ bóng rổ Tây Ban Nha.

Đây là những ngôi sao trụ cột trong chiến thắng của Tây Ban Nha thập niên vừa qua, đặc biệt là tại World Cup bóng đá 2010 và Giải bóng rổ VĐTG 2006. Nếu Catalonia được độc lập, Tây Ban Nha sẽ không còn là đội mạnh, nhưng đội tuyển Catalonia cũng không thể đạt đến trình độ cạnh tranh cao như Tây Ban Nha trong những năm vừa qua.

Liệu điều đó có thể xảy ra trong ngắn hạn? Rất khó nhưng không phải là không thể và tùy thuộc vào diễn tiến chính trị cùng những thương lượng giữa các chính trị gia ở Madrid và Barcelona.

Đã từng có một tiền lệ: đội tuyển khúc côn cầu trên giày patin của Catalonia đoạt giải VĐTG hạng B ở Macau 2004, nhưng Tây Ban Nha đã ngăn không cho đội tham dự các cuộc tranh tài sau này.

Vĩnh biệt El Classico?

Catalonia ly khai thành công sẽ dẫn đến một hệ quả mà đa số người dân xứ này không hài lòng: các CLB sẽ bị loại khỏi La Liga và phải chơi ở giải vô địch riêng. Điều đó chẳng khác nào vĩnh biệt El Classico, cuộc thư hùng kinh điển nhất trong làng bóng đá thế giới giữa Barca và Real.

Khi đó Real sẽ cạnh tranh danh hiệu La Liga với Atletico Madrid hoặc Valencia, trong khi Barca chỉ đấu với Espanyol ở giải Catalonia gồm những CLB thuộc hạng hai và hạng ba của bóng đá Tây Ban Nha.

Về lâu dài, Barca sẽ yếu và mất đi thói quen tranh tài đỉnh cao, như trường hợp của Glasgow Rangers và Celtic Glasgow - hai CLB mạnh của bóng đá Scotland. 

Barca thường được gắn với tinh thần độc lập của Catalonia sẽ là một trong những nạn nhân lớn nhất của chủ trương đó. Nhưng lãnh đạo của CLB dường như không quá lo âu về khả năng này.

Cựu chủ tịch CLB Joan Laporta, hiện là một chính trị gia cổ xúy độc lập, đã đưa ra giải pháp thích hợp cho Barca: một giải châu Âu tập trung các CLB xuất sắc nhất lục địa mà không cần phải thi đấu ở giải VĐQG.

Theo đó, những CLB tên tuổi như Real, M.U, Bayern... sẽ thuộc cùng một giải VĐ, một dạng NBA của bóng đá châu Âu, và khi đó sẽ không cần đến giải Champions League như hiện nay. Dù dự án này được lãnh đạo các CLB lớn quan tâm nhưng khó thành hình trong ngắn hạn.

Một giải pháp khác cho Barca khi Catalonia được độc lập là tiếp tục thi đấu ở La Liga, như trường hợp các CLB của công quốc Andorre, một quốc gia nhỏ nằm giữa Pháp và Tây Ban Nha hiện đang tranh tài ở các giải Tây Ban Nha.

Tương tự là trường hợp Monaco chơi ở giải VĐ Pháp, các CLB Xứ Wales tranh tài với các CLB Anh dù họ có đội tuyển QG riêng. Tuy nhiên, nhiều khả năng lãnh đạo bóng đá Tây Ban Nha không chấp nhận giải pháp này vì lý do chính trị. Họ lập luận rằng nếu Barca muốn thi đấu với các CLB ở La Liga thì Catalonia phải là lãnh thổ của Tây Ban Nha.

Dù sao đi nữa bóng đá vẫn là chuyện kinh doanh và chỉ tiêu tài chính ngày càng có tiếng nói quyết định hơn những vấn đề tình cảm hoặc chính trị. La Liga không có Barca sẽ vẫn là một giải mạnh, nhưng sẽ mất đi một phần quyến rũ của mình.

Hai đại kình địch Real và Barca vẫn cần có nhau để hàng triệu CĐV trên khắp hành tinh hào hứng theo dõi những trận quyết đấu giữa họ. Nếu như cuộc cạnh tranh này không còn nữa, hậu quả kinh tế sẽ rất xấu.

Vì vậy, không phải là không có khả năng lợi ích kinh tế sẽ khiến lãnh đạo bóng đá Tây Ban Nha và Barca đi đến một thỏa thuận trong trường hợp Catalonia độc lập. 

“Catalonia không phải là Tây Ban Nha”

Đó là tuyên bố của Pep Guardiola trong một phóng sự về ông trên đài truyền hình Đức ZDF hồi tháng 4. Guardiola đã bảo vệ màu cờ sắc áo Tây Ban Nha đến 47 lần lúc còn thi đấu và thậm chí đoạt HCV bóng đá Olympic Barcelona 1992.

Guardiola từng phát biểu: “Quê hương tôi là Catalonia, nhưng khoác áo đội tuyển Tây Ban Nha là một vinh dự đối với tôi vì Catalonia không được tham dự các cuộc tranh tài chính thức”.

Về vấn đề trưng cầu ý dân đang được tranh luận, Guardiola khẳng định “đa số người dân Catalonia muốn quyết định tương lai của họ thông qua một hình thức dân chủ nhất là trưng cầu ý dân”. Tuy nhiên, học trò cũ của ông là Gerard Piqué bị chỉ trích dữ dội vì xuống đường đòi trưng cầu ý dân.

Piqué nói: “Chuyện đó đâu có liên quan gì đến việc tôi bảo vệ đội tuyển Tây Ban Nha. Tôi đã chơi cho đội tuyển ở mọi lứa tuổi từ năm lên 16 và đã cống hiến trong tất cả trận đấu. Nhưng điều đó đâu có đi ngược lại với tình cảm của tôi dành cho Catalonia và ý kiến ủng hộ trưng cầu ý dân”.

 

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận