Người để ca dao cất lên tiếng hát gọi hòa bình 

NGUYỄN PHAN QUẾ MAI 30/04/2018 20:04 GMT+7

TTCT - Chính trong những ngày khốc liệt đó, giữa những tiếng khóc, tiếng bom rơi đạn nổ, John Balaban nghe được tiếng hát của những người nông dân, tiếng ru con của các bà mẹ, biết được rằng đó chính là vọng cổ và ca dao Việt Nam.

Giáo sư John Balaban làm việc tại chùa Thắng Nghiêm. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Giáo sư John Balaban làm việc tại chùa Thắng Nghiêm. Ảnh: Nhân vật cung cấp

 

Tôi “gặp” giáo sư John Balaban lần đầu năm 2015, khi sang Mỹ giao lưu thơ. Bước vào căn hộ tiện nghi của Quỹ văn hóa Lannan tại thành phố Santa Fe, tiểu bang New Mexico, nơi các nhà văn, nghệ sĩ quốc tế thường ở trong thời gian làm việc ở đây, tôi ngỡ ngàng nhận thấy trên bức tường của căn hộ là bản in khổ lớn những bài ca dao Việt Nam, được dịch ra tiếng Anh bởi một cái tên lạ: John Balaban.

Một năm sau, trở lại Mỹ, tôi được “gặp” giáo sư John Balaban một lần nữa. Lần này, là qua một tác phẩm văn học đã được ông chuyển ngữ: Spring Essence - tuyển thơ Hồ Xuân Hương, được in trang trọng bằng cả ba ngôn ngữ: chữ Nôm, tiếng Việt và tiếng Anh.

Nghe thấy lời ru trong ồn ào bom đạn

Có lẽ vì đã sang Việt Nam từ năm 1967, lúc ông mới 24 tuổi, lăn lộn với người dân miền Tây Nam Bộ trong lúc tham gia một tổ chức tình nguyện, dạy ngôn ngữ ở Viện Đại học Cần Thơ (nay là ĐH Cần Thơ), John Balaban có sự chân thành của người miền Tây khi nhiệt tình trả lời rất nhiều câu hỏi của tôi.

“Đi một ngày đàng, học một sàng khôn” - ông mở đầu bằng câu tục ngữ Việt này để kể lại lần đầu tiên đến Việt Nam, cảm nhận sự hiếu khách của người dân nơi đây và sự trù phú của văn hóa Việt Nam.

Sự khốc liệt chiến tranh lúc đó suýt làm ông bỏ mạng: ông bị mảnh đạn pháo văng trúng trong cuộc tổng tiến công Tết Mậu Thân và phải về Mỹ điều trị. Khi vết thương liền da, ông trở lại Việt Nam, nhưng không thể tiếp tục dạy vì trường của ông đã bị phá hủy. Không nản chí, ông tìm công việc mới với tổ chức cứu trợ trẻ em “Committee of Responsibility to Save War - Burned and War - Injured Children”, giúp điều trị những nạn nhân nhỏ tuổi của cuộc chiến.

Chính trong những ngày khốc liệt đó, giữa những tiếng khóc, tiếng bom rơi đạn nổ, John Balaban nghe được tiếng hát của những người nông dân, tiếng ru con của các bà mẹ, biết được rằng đó chính là vọng cổ và ca dao Việt Nam. “Khi đang đợi đò để sang bên kia sông, tôi thấy một người khiếm thị đang được một cậu bé dẫn đi, người khiếm thị đó cất giọng, hát một điệu ca dao.

Rồi đâu đó một con thuyền lướt qua, đưa tiếng hát của một người phụ nữ lướt trên mặt nước” - ông kể lại. Ca dao lúc đó như thể ngọn gió an lành của hòa bình giữa vòng xoáy khốc liệt của chiến tranh.

Sau gần hai năm làm việc ở Việt Nam, John Balaban quay về Mỹ năm 1969 và biết mình sẽ quay trở lại Việt Nam để ghi âm những lời hát đó của những thường dân Việt Nam. Mùa thu năm 1971, khi chiến tranh vẫn diễn ra ác liệt, ông đã rong ruổi trên nhiều nẻo đường làng quê Việt Nam với một chiếc máy ghi âm, tìm những người Việt Nam hiền lành chân chất, hỏi họ về những câu ca dao mà họ thuộc, nhờ họ hát lên những câu ca dao đó.

Ông ngạc nhiên khi thấy tất cả những nông dân mà ông có dịp trò chuyện, không ai không thuộc ca dao. Chín tháng sau đó, ông rời Việt Nam với hơn 500 bài ca dao đã được ghi âm.

Mùa xuân năm 1972, khi đang là phó giáo sư tại trường ĐH Pennsylvania State, ông một lần nữa trở lại Việt Nam, bất chấp chiến tranh. Lần này ông tình nguyện giảng dạy ở trường đại học Huế để có thể thu thập ca dao ở miền Trung Việt Nam, vì trước đây ông chỉ tiếp cận với ca dao ở đồng bằng sông Cửu Long.

Từng chứng kiến biết bao đau thương mà chiến tranh đem lại, John Balaban muốn đóng góp vào tiếng nói phản chiến đang cất lên mạnh mẽ trên đất Mỹ lúc đó. Ông lặng lẽ tìm cách để những bài ca dao của người Việt Nam vang lên trong lòng nước Mỹ, bởi với ông, ca dao là hiện thân của tính nhân bản trong suốt chiều dài lịch sử của người Việt.

Trong những nỗ lực quảng bá ca dao, những năm 1973-1974 ông đến Paris cùng giáo sư Trần Văn Khê và nhà làm phim David Grubin sản xuất một bộ phim ngắn về ca dao mang tên Ca Dao: The Folk Poetry of Vietnam. Bộ phim mở ra con đường để nhiều người Mỹ đến với thi ca và văn hóa Việt Nam, và được trình chiếu ở nhiều trường đại học. Trang web của ông hiện vẫn lưu những tài liệu rất quý: những bản ghi âm về ca dao Việt Nam mà ông đã thực hiện trong năm 1971-1972. Trong những bản ghi âm đó có tiếng hát/giọng đọc của cả người lớn tuổi và trẻ em, xen lẫn tiếng người là tiếng chuông chùa ngân nga.

Cũng vì sự mê đắm dành cho Việt Nam, ông quyết tâm học tiếng Việt để dịch một số bài ca dao mà ông đã ghi âm sang tiếng Anh. Sau những nỗ lực miệt mài ấy, với sự khích lệ và góp ý từ những người bạn Việt Nam như nhà sử học Lê Thành Khôi, nhà ngoại giao Trần Văn Dĩnh... tuyển tập Ca dao Việt Nam được in lần đầu tiên năm 1980 (NXB Unicorn Press), Copper Canyon Press tái bản năm 2003, bổ sung bản gốc tiếng Việt và lời giới thiệu của ông về lịch sử hình thành, phát triển của ca dao, tầm quan trọng của ca dao trong đời sống tinh thần của người Việt….

“Giáo sư Balaban là trung gian để kết nối nhiều tài năng vào các hoạt động dùng công nghệ hỗ trợ cho việc bảo tồn và phát triển di sản văn hóa trong chữ Hán Nôm của Việt Nam. Giỏi về chuyên môn thi ca, giỏi về tổ chức cộng tác những người trí thức và hình thành các môi trường tri thức thuận lợi cho các chuyên gia phát huy tối đa khả năng của họ, ông chính là người giúp phát huy phẩm chất của những người lãnh đạo và quản lý hiện đại trong lĩnh vực tri thức”.

Ông Ngô Trung Việt (Viện Khoa học và công nghệ Việt Nam - người đã hợp tác với Quỹ bảo tồn di sản chữ Nôm từ năm 2001)

Những nhịp cầu văn hóa

Chính trong những ngày đi sưu tầm ca dao ấy, giáo sư Balaban nghe mọi người nói về Hồ Xuân Hương, bởi ngoài ca dao, không ít người Việt Nam yêu và thuộc thơ Hồ Xuân Hương. Những ký ức đó đã thôi thúc ông nghiên cứu về thơ Hồ Xuân Hương và quyết tâm dịch sang tiếng Anh. Đó là một công việc đầy thử thách, bởi ngoài vần điệu và hình ảnh, thơ Hồ Xuân Hương còn có cách chơi chữ và nghệ thuật trào phúng điêu luyện.

Vì vậy, ông không chỉ đọc thơ Hồ Xuân Hương từ chữ quốc ngữ mà còn tham khảo bản dịch tiếng Pháp của dịch giả Maurice Durand, nhờ cậy nhiều học giả Việt Nam giúp đỡ, trong đó có nhà nghiên cứu Hán Nôm Đào Thái Tôn. Sau 10 năm miệt mài, tập thơ Spring Essence: tuyển thơ Hồ Xuân Hương, gồm 49 bài thơ, được ra mắt vào năm 2000. Và bà chúa thơ Nôm tiếp tục dẫn ông tới chữ Nôm.

Hiểu về chữ Nôm, ông lo rằng toàn bộ nền văn học viết bằng chữ Nôm trong suốt chiều dài 1.000 năm của người Việt, sẽ bị mất đi. Rất ít người Việt còn hiểu chữ Nôm, các tác phẩm bằng chữ Nôm ngày càng bị thời gian phá hủy. Nhưng đó chính là một di sản quý báu của người Việt, kết tinh tri thức trong các lĩnh vực văn học, lịch sử, y khoa, tôn giáo...

Năm 1999, ông và hai người bạn là Ngô Thanh Nhàn và James Đỗ Bá Phước thành lập Quỹ bảo tồn di sản chữ Nôm, với các dự án nhằm gìn giữ và phổ biến di sản văn hóa phong phú này bằng cách phát triển các phần mềm giúp số hóa, in ấn, nghiên cứu, nhận dạng thư mục, bảo quản và chia sẻ các tác phẩm văn học, lịch sử, triết học, sắc lệnh hoàng gia, y học và nghệ thuật viết bằng chữ Nôm.

Quỹ đã giúp Thư viện Quốc gia Việt Nam và một số ngôi chùa cổ như chùa Thắng Nghiêm, chùa Phổ Nhân số hóa các tác phẩm bằng chữ Nôm, giúp việc bảo tồn, tìm kiếm, tra cứu và sử dụng các tác phẩm này được dễ dàng hơn. Trang web của quỹ (www.nomfoundation.org) trở thành một thư viện trực tuyến, nơi người đọc tìm thấy rất nhiều tác phẩm văn học Việt Nam viết bằng chữ Nôm...

Ở tuổi 74, giáo sư Balaban hiện vẫn làm việc miệt mài vì văn học và văn hóa Việt Nam. Tháng 5 này, ông sẽ trở lại Hà Nội để dự cuộc họp thường niên lần thứ 19 của hội đồng quản trị Quỹ bảo tồn di sản chữ Nôm, sau đó sẽ đến TP.HCM để trao giải thưởng Balaban cho ông Bùi Xuân Đức - giám đốc Thư viện Khoa học tổng hợp TP.HCM - vinh danh những thành công của thư viện này trong việc số hóa và xuất bản những tài liệu cổ bằng chữ Nôm. ■

Giáo sư Balaban là tác giả của 12 tập sách thơ và văn xuôi. Ông được vinh danh với nhiều giải thưởng danh giá: Giải thưởng thơ Lamont của Viện hàn lâm Các thi sĩ Hoa Kỳ, giải thưởng William Carlos Williams của Hiệp hội Thi ca Hoa Kỳ, giải thưởng từ Quỹ John Simon Guggenheim. Đất nước và con người Việt Nam hiện diện trong nhiều tác phẩm mà ông sáng tác. Ông hiện là giáo sư văn học, Đại học công lập North Carolina State University.

 

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận