Những hình vẽ khiến lịch sử phát triển loài người phải viết lại

MAI HƯƠNG 06/01/2020 18:01 GMT+7

TTCT - Có tuổi khoảng 40.000 năm, những hình vẽ heo rừng và trâu rừng bằng đất son mới được tìm thấy trong các hang động ở Indonesia đang khiến các nhà khoa học phải viết lại lịch sử.

Sau 2 năm nghiên cứu, vào giữa tháng 12-2019, các nhà khoa học Úc và Indonesia chính thức xác nhận rằng những hình vẽ tìm thấy trong một hang động ở đảo Sulawesi của Indonesia có tuổi lên đến 44.000 năm và là bức vẽ cổ xưa nhất thế giới.

Cảnh săn bắt ở hang Leang Bulu’ Sipong 4 có niên đại khoảng 44.000 năm trước. Hình trên cho thấy toàn cảnh bức tranh được nâng màu bằng kỹ thuật DStretch. Hình dưới là bản dò vết tranh được xử lý kỹ thuật số. Ảnh: Ratno Sardi và Adhi Agus Oktaviana.
Cảnh săn bắt ở hang Leang Bulu’ Sipong 4 có niên đại khoảng 44.000 năm trước. Hình trên cho thấy toàn cảnh bức tranh được nâng màu bằng kỹ thuật DStretch. Hình dưới là bản dò vết tranh được xử lý kỹ thuật số. Ảnh: Ratno Sardi và Adhi Agus Oktaviana.

Các bên tham gia nghiên cứu gồm có nhà khảo cổ Maxime Aubert và Adam Brumm ở Đại học Griffith (Úc), các nhà khoa học Indonesia ở Trung tâm Nghiên cứu khảo cổ quốc gia (ARKENAS) và Cơ quan Bảo tồn di sản văn hóa (BPCB) ở thành phố Makassar trên đảo Sulawesi.

Câu chuyện vẽ trên vách hang

Khi công bố vào năm 2014 rằng các hình vẽ tìm thấy trong hang Leang Timpuseng ở vùng địa hình karst đá vôi Maros-Pangkep phía nam đảo Sulawesi có niên đại từ khoảng 40.000 năm trước, các nhà khoa học Úc và Indonesia tin rằng trong khu vực này vẫn còn ẩn giấu những bức vẽ cổ xưa hơn.

Bản đồ vị trí hang Leang Bulu’ Sipong 4. Thực hiện đồ họa: Kim Newman.

Tháng 12-2017, họ tổ chức chuyến thực địa hang Leang Bulu' Sipong 4 trong khu vực Pangkep, dùng thang leo qua một vách đá để tiếp cận một hang động cách mặt đất đến 18m, tương đương 4-5 tầng lầu. Và rồi ở đó, trên một khu vách không xa cửa hang, các nhà khoa học tìm thấy một nhóm hình thú kỳ lạ được vẽ bằng chất màu đỏ sẫm.

Các hình vẽ không rời rạc mà dường như liên quan nhau. Phía sau những con heo rừng béo tròn dáng vẻ như đang chạy là hai hay ba con vật nhỏ hơn có hình dáng giống như loài anoa - trâu nước đặc hữu ở Sulawesi - cũng có vẻ như đang lao theo heo rừng. Rải rác trước một con trâu có những nét vẽ tượng hình nhỏ mô tả những sinh vật nửa người nửa thú với những đường mảnh vươn ra từ tay hướng đến ức con vật, như thể là đường phóng lao hay là những sợi dây thừng. Tất cả cho thấy cảnh một đàn thú hoang đang bị những người đầu chó hay đầu chim săn đuổi.

 Cận cảnh hình con trâu nước và những người nửa thú đang đi săn. Tác giả ảnh: Ratno Sardi.

“Đó là một quang cảnh có cốt truyện. Lần đầu tiên chúng tôi thấy điều này trong các hình vẽ trên đá”, tác giả Maxime Aubert cho biết.

Bức tranh không còn được nguyên vẹn. Nước từ đá thấm ra để lại những mảng cặn khoáng phủ trên các hình vẽ và làm mất nhiều nét vẽ. Thu thập các mảng cặn này để phân tích đồng vị phóng xạ, các nhà khoa học xác định được tuổi của lớp khoáng là khoảng 35.100-43.900 năm, từ đó tính toán được rằng những hình vẽ phải được tạo ra trước đó, ít nhất là khoảng 44.000 năm trước.

Không tham gia nghiên cứu, bà Susan O’Connor, chuyên gia về khảo cổ Đông Nam Á của Đại học Quốc gia Úc, nhận xét : “Phương pháp khoa học và kết quả thu được rất thuyết phục” và bức tranh này cho thấy “cách con người lúc đó nhận thức về mối quan hệ của họ với động vật”.

Những bức tranh vẽ lại lịch sử

Cũng không thuộc nhóm nghiên cứu, nhà khảo cổ Paul Pettitt của Đại học Durham (Anh) phản biện rằng những hình vẽ ở Leang Bulu' Sipong 4 không hẳn là một bức tranh tả cảnh săn bắt, vì những hình người được mô tả theo phương chiếu và tỉ lệ khác với con trâu nước. “Với những cây giáo, cứ nhìn vào chúng mà xem. Chỉ là những đường dài sượt ngang qua một vài người thì khó có thể là một thứ vũ khí được cầm trong tay”.

Ông Pettitt cho rằng có thể có nhiều người vẽ lên vách hang và các hình vẽ được thêm thắt vào trong nhiều thời điểm khác nhau, như những hình vẽ tìm thấy trong các hang Chauvet ở Pháp cũng được tạo ra vào nhiều giai đoạn trong khoảng 28.000-37.000 năm.

Nhưng tác giả nghiên cứu Adam Brumm cho biết phong cách mô tả và độ phong hóa trong các hình vẽ ở Leang Bulu' Sipong 4 tương đồng nhau, cho thấy chúng được tạo ra trong cùng một thời gian.

Hình khuôn bàn tay được vẽ như một dây leo được tìm thấy ở hang Liang Téwét trên đảo Borneo, có niên đại khoảng 21.000-20.000 năm trước. Đáng chú ý là các hình in đều từ tay trái cho thấy họa sĩ đã dùng tay phải để tạo ra các viền sơn. Tác giả ảnh:  Pindi Setiawan.

Đã có nhiều hình vẽ trong hang được tìm thấy ở đảo Sulawesi và đảo Borneo liền kề từ những năm 1980. Nhưng phải đến năm 2014 và 2018, các nhà khoa học mới hoàn tất các nghiên cứu và công bố kết quả xác định niên đại của chúng. Đó là những hình khuôn bàn tay - được tạo ra bằng cách ấn lòng bàn tay vào mặt đá rồi vẽ hay phun màu xung quanh - có tuổi ít nhất là 39.300 năm và hình vẽ lợn hươu babirusa 35.400 năm tuổi tìm thấy ở hang Leang Timpuseng trên đảo Sulawesi. 

Các hình khuôn bàn tay, nét tượng hình người và hình vẽ bò bangteng tìm thấy ở hang Liang Banteng trên đảo Borneo có niên đại khoảng 40.000 năm trước. Những hình vẽ này, giống như những hình vẽ tê giác, voi mammoth, hươu nai trong các hang động ở khu vực Franco-Cantabrian (thuộc Pháp và Tây Ban Nha), không có bố cục và câu chuyện rõ ràng như ở Leang Bulu' Sipong 4.

Các phát hiện mới đang khiến các nhà khoa học phải viết lại lịch sử phát triển văn hóa nghệ thuật của nhân loại, vốn lâu nay tin rằng những bức tranh đầu tiên xuất hiện ở châu Âu. Giờ hóa ra ở hai cực Đông Tây của lục địa Á - Âu (Eurasia) - với một bên là khu vực Borneo-Sulawesi và một bên là khu vực Franco-Cantabrian - các hình thú hoang đã được con người vẽ lên vách đá cùng lúc trong kỳ Băng Hà.

Những hình vẽ trong hang tìm thấy trước đó từ châu Âu đến Nam Á đã góp phần hình thành quan điểm cho rằng văn hóa đã đạt đến trình độ phát triển phức tạp khi người Homo sapiens mở rộng sang châu Âu và Ấn Độ, nhưng lại giảm bớt độ tinh tế khi con người di chuyển đến vùng nhiệt đới Đông Nam Á. Nay, những bàn tay, những con thú hoang trên hang động Borneo và Sulawesi đã phá vỡ các lập luận này.

Hình khuôn bàn tay được vẽ như một dây leo được tìm thấy ở hang Liang Téwét trên đảo Borneo, có niên đại khoảng 21.000-20.000 năm trước. Đáng chú ý là các hình in đều từ tay trái cho thấy họa sĩ đã dùng tay phải để tạo ra các viền sơn. Ảnh:  Pindi Setiawan.
Hình khuôn bàn tay được vẽ như một dây leo được tìm thấy ở hang Liang Téwét trên đảo Borneo, có niên đại khoảng 21.000-20.000 năm trước. Đáng chú ý là các hình in đều từ tay trái cho thấy họa sĩ đã dùng tay phải để tạo ra các viền sơn. Ảnh: Pindi Setiawan.

Những người lai thú kỳ lạ

Ở hang Leang Bulu' Sipong 4, bức tranh vẽ cảnh săn thú cho thấy cộng đồng săn bắn hái lượm thời kỳ Băng Hà ở Đông Nam Á có lẽ có nền văn hóa cao hơn các cộng đồng cùng thời ở châu Âu. Theo Adam Brumm, có thể kỹ năng hội họa của con người đã phát triển ở châu Phi và được duy trì trong các cuộc di dân ra khắp thế giới, nhưng khi đến Borneo và Sulawesi, kỹ năng này không mai một mà phát triển thêm một bậc, vì con người bắt gặp những động vật chưa từng thấy trước đó.

Cô lập giữa biển, hai đảo lớn Borneo và Sulawesi có nhiều loại động vật đặc hữu rất lạ so với phần còn lại của thế giới, những di dân của 40.000 năm trước khi đến đó không nhìn thấy những con thú hoang quen thuộc như bò rừng hay sư tử, mà chứng kiến những đàn trâu nước anoa chỉ bằng con chó lớn nhưng cực kỳ hung dữ, những bầy lợn hươu babirusa có nanh cong như sừng, và những con gấu cuscus có túi trước bụng. Những trải nghiệm với thú hoang lạ lùng đã khiến tư duy của con người thay đổi và phát triển hơn.

Báo cáo của hai nhà khảo cổ Maxime Aubert và Adam Brumm dẫn lại các quan điểm lâu nay của châu Âu, rằng những loại hình nghệ thuật trên đá đầu tiên là những nét vẽ động vật đơn lẻ như được tìm thấy ở Franco-Cantabrian có niên đại khoảng 37.000 năm trước, còn những hình vẽ quang cảnh có câu chuyện hơn hay những hình vẽ người lai thú đầy sáng tạo phải được sáng tác muộn hơn.

Như vậy, những hình ảnh người lai thú có niên đại 44.000 năm trước cho thấy người cổ xưa ở Sulawesi đã biết tưởng tượng ra những thứ không có thật, cũng như có tư duy về quang cảnh, trước các cộng đồng ở châu Âu ít nhất 5.000 năm.

Hình ảnh người lai thú thường có ý nghĩa tôn giáo, chẳng hạn dân Ai Cập cổ đại kính sợ các vị thần có hình dạng nửa người nửa thú như thần chết Anubis đầu chó mình người, hay nhân sư Sphinx thân sư tử đầu người. Nhưng tư duy tâm linh của loài người đã bắt đầu không đâu khác, mà chính là từ Sulawesi.

Trong khi các nhà khoa học còn tranh luận về việc viết lại chương lịch sử nhân loại ở kỳ Băng Hà, những bức vẽ trong hang ở Sulawesi đang biến mất. Giám sát của BPCB cho thấy bề mặt vách hang có các bức vẽ đang bị bong ra và ở một số nơi các mảng tranh rộng 2-3cm2 cứ biến mất dần trong vài tháng. Nguyên nhân, theo phán đoán của nhóm nghiên cứu, có thể là do ô nhiễm từ bốc lên từ con đường đất dẫn đến một nhà máy ximăng trong khu vực. Cũng có thể biến đổi khí hậu làm thay đổi các đợt gió mùa, đẩy nhanh chu kỳ khô - ướt vốn tàn phá ghê gớm đá vôi.

“Đó là một trong những điều trớ trêu cay đắng, rằng chúng ta chỉ mới phát hiện những tác phẩm trên đá cực kỳ cổ xưa trong vài năm qua, mà chúng có thể biến mất ngay trong đời ta” - nhà khảo cổ Maxime Aubert nhận xét. Cách duy nhất mà nhóm khoa học có thể làm lúc này là gây quỹ để số hóa tất cả các hình vẽ bằng công nghệ quét laser, trước khi chúng tan biến đi theo từng mùa gió. ■

Quét QR Code để xem video ghi hình bức tranh bên trong hang Leang Bulu’ Sipong 4.
Quét QR Code để xem video ghi hình bức tranh bên trong hang Leang Bulu’ Sipong 4.

 

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận