Vink - kỳ tài truyện tranh

TTCT - Giữa thời sự sôi nổi của ngành nghệ thuật hoạt hình, hoạt họa, từ vài chục năm nay tại châu Âu bỗng nổi lên một tên tuổi lạ: Vink - viết tắt tên Vĩnh Khoa, một tác giả VN sống tại Bỉ từ năm 1969, thời sinh viên du học. Đến nay anh đã có đến gần 20 đầu sách do Nhà xuất bản thời danh Dargaud ấn hành.


Họa sĩ Vink


Vĩnh Khoa sinh tại Đà Nẵng năm 1950 trong một gia đình khá giả có truyền thống văn nghệ, nhất là bên họ ngoại: cậu ruột của Khoa là nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ, nhà thơ Phạm Hổ, nhà văn Phạm Văn Ký (giải thưởng tiểu thuyết Viện Hàn lâm Pháp 1961).

Đến Liège năm 1969, Vink đã bắt đầu cử nghiệp bài bản: học thử y khoa, rồi văn chương, sư phạm. Đến năm 1975 mới vào Viện Mỹ thuật học ngành minh họa, đồ họa sách giáo khoa. Anh bắt đầu quan tâm đến hoạt họa, vẽ cho các báo Tintin, Charlie.

Cuộc phiêu lưu của nàng He Pao đã khởi sự trên nguyệt san Charlie dưới đề tài Nhà sư điên (Le moine fou), do Nhà xuất bản Dargaud in lần đầu năm 1984, hiện còn đang diễn tiến dưới tên He Pao du ký (Les voyages de He Pao, 2010). Trước đó Vink đã kể chuyện cổ tích VN qua truyện tranh Sau lũy tre (Derrière la haie de bambou, Nhà xuất bản Lombard, 1983).


Nhân Ngày quốc tế thiếu nhi 1-6-2010, Tuần lễ truyện tranh tại Việt Nam lần đầu tiên diễn ra ở Hà Nội do phái đoàn Wallonie-Bruxelles tại Việt Nam phối hợp với Nhà xuất bản Kim Đồng tổ chức. Khách mời đặc biệt tại sự kiện này là họa sĩ Vink.

Vẽ hoạt hình không phải chỉ cần có hoa tay mà còn phải vận dụng vốn kiến thức, tư duy và tưởng tượng sâu sắc. Thậm chí chỉ xem sách hoạt họa thôi cũng đòi hỏi một văn hóa đặc biệt: thói quen vừa nhìn thấy đã nhận ra và lĩnh hội. Có nhiều đề tài trẻ con hiểu nhanh hơn người lớn.


Toàn bộ truyện hoạt hình của Vink hấp dẫn người đọc không phải do cốt truyện ly kỳ mà vì không khí phương Đông độc đáo, qua nét vẽ công phu, tài hoa và màu sắc phong phú, ngày càng già dặn. Với những chủ đề địa phương: các nhà sư, đi tìm dược thảo, luyện võ công, tình nhân loại, bằng hữu. Tình yêu nam nữ nếu có cũng là thoáng qua.

Chuyện xảy ra thời Trung cổ tại Trung Quốc, Triều Tiên, Tây Tạng, cuối cùng sang đến Trung Đông. Vì thế nhân dạng nói chung là người châu Á, trừ nhân vật chính là cô nàng He Pao (Hà Bảo?). Cô là người gốc Ý, theo thuyền buôn của cha mẹ; thuyền đắm, cha mẹ chết trên một dòng sông Trung Quốc. Cô được một gia đình nghèo cứu vớt và nuôi như một đứa con trai. Sau đó, cha mẹ nuôi qua đời trong hỏa hoạn, He Pao trôi dạt đó đây từ nước này sang nước khác, từ Viễn Đông trở về phương Tây, ngược con đường tơ lụa mà bố mẹ cô đã lần theo.

Thiếu thời He Pao được các sư cô cưu mang, dạy dỗ theo tinh thần nhà chùa và trưởng thành trong tư tưởng cứu nhân độ thế. Cốt truyện kết nối có phần rời rạc, dường như dần dần qua 25 năm mới rõ nét trong trí tưởng tác giả.

Về hình họa cũng vậy: cô He Pao lúc đầu, năm 1984, ít nét phương Tây, dần dần khuôn mặt, cơ thể, cử chỉ mới thêm nét phụ nữ Tây Âu, cho dù cung cách vẫn còn phảng phất vẻ Á Đông.

Báo phương Tây có lần hỏi Vink: sao trong chuyện Á Đông, nhân vật chính trở đi trở lại là một phụ nữ phương Tây? Họa sĩ đã trả lời ngược lại: “Tại sao không?”.

Tại những nước tiên tiến trên thế giới, loại sách báo hoạt hình, hoạt họa đang phổ biến mạnh: các hình thức manga của Nhật, strip ở các nước Anh, Mỹ... Tại châu Âu, Bỉ và Pháp là cái nôi của thể loại này, tên gọi tắt và thông dụng là BD, từ chữ Bandes Dessinées.

Những tiến bộ kỹ thuật về in ấn trong đời sống xã hội được nâng cao, các quan niệm văn học nghệ thuật được khai phóng, ngành hoạt họa phát triển mạnh, không còn bị miệt thị, xem như là một nghệ thuật thứ cấp - art mineur - mà là một loại hình mỹ thuật toàn diện, được xếp vào hàng “nghệ thuật thứ chín”. 

Trong các hiệu sách, thư viện có quầy riêng dành cho BD, lại có những hiệu sách chuyên bán BD. Có người sưu tầm BD như sưu tập sách quý. Các đạo sư văn nghệ cũng ghé mắt và đóng góp nhiều lý thuyết về BD.


Cũng còn cách giải đáp khác: sách nhằm vào độc giả phương Tây, họ cần nhận ra mình qua một nhân dạng quen thuộc để tiếp tục mua sách. Ngoài ra, người vợ tào khang của Vink là người Bỉ, cũng là họa sĩ tài hoa (bút danh Cine), giúp chồng tích cực trong nhiều công đoạn sáng tác. Lúc đầu Claudine đã làm người mẫu cho chồng ghi lại nhân diện, cử chỉ, lâu ngày hóa thân, phần nào đó qua nhân vật He Pao.

Nhưng động cơ chính vẫn là lập trường nghệ thuật của họa sĩ: Tại sao không? Trong tâm thức sâu thẳm của Vink, văn hóa là giao thoa, sáng tạo là giao lưu. Cô He Pao người Ý, ngao du trong phong cảnh Á Đông thì khác gì họa sĩ Vĩnh Khoa người Việt lang thang giữa đường phố Bỉ? Rồi tại sao độc giả Tây lại phải bỏ tiền mua sách của một người Việt kể chuyện châu Á qua nét vẽ phương Đông? Trong bản thân nó, nghệ thuật là tổng hòa nghịch cảnh và nghịch lý. Vẽ là hòa giải dị biệt.

Độc giả Việt ở phương Tây xem truyện tranh của Vink lại được hưởng một niềm vui riêng là gặp lại quê hương qua nhiều phong cảnh: những bóng cây xanh ngát, con thuyền với dòng sông không nhầm lẫn được. Và những nét mặt buồn vui, lo âu, khắc khổ, hoảng hốt của những bà mẹ, người chị, cô em. Cảnh khói lửa nơi nào, thời nào cũng có, nhưng trong tầm nhìn và tâm thức VN thì những nét vẽ kia còn bới xới lại bao nhiêu tro than chưa kịp nguội lạnh mà tác giả không hờ hững.

Hình bóng He Pao trước cảnh mênh mông trời biển chiều hôm, trông vời cố quận là chân dung của chính tác giả hay là của một Thúy Kiều xưa kia, đâu đó, đâu đây trước lầu Ngưng Bích?

Nói lên được điều này, một mặt tôi dựa vào hiểu biết của mình về Vink, mặt khác viết theo trang cuối truyện tranh mới nhất He Pao du ký. Các nhân vật của Vink gặp nhau tại đất thánh, Terre Sainte, miền Trung Đông. Một người nâng cốc:

- Mừng anh em về lại quê xưa.

Bạn khác đáp lời:

- Đất thánh của tôi là nơi tôi chôn nhau cắt rốn.

Người khác dứt lời:

- Mỗi người một thánh địa riêng.

Đó là những lời cuối, tâm sự giữa những người xa xứ.

Vào một chiều chờ tết tha hương.

Phố Hàng Nón - ký họa màu nước

Nàng He Pao

Bản in truyện tranh Nhà sư điên tại Thái Lan
Một trang truyện tranh Nhà sư điên

Một trang truyện tranh He Pao du ký


Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận