Xin hãy đọc chậm lại

THANH TUẤN LƯỢC DỊCH 15/01/2014 04:01 GMT+7

TTCT - Trên TTCT số 1-2014, trong chuyên đề “Những tủ sách quý” có bài “Sách không người đọc là sách chết!”, bàn chuyện đọc sách, giữ sách. TTCT kỳ này giới thiệu thêm một góc nhìn nữa về đọc sách.

Phóng to
Sách sẽ dạy chúng ta những bài học không thể tìm thấy ở nơi khác - Ảnh: Tự Trung

Tiểu thuyết The Circle của Dave Eggers là cơn ác mộng về thì tương lai khiến người đọc phải giật mình.

Circle là một công ty mạng xã hội với khu tập thể Edenic và chế độ kiểm soát nhân viên ngặt nghèo. Công ty bắt họ phải tương tác trực tuyến với tốc độ chóng mặt, liên tục nhắn tin, kết bạn, “like” rồi trả lời các cuộc thăm dò. Các ông chủ số đã biến cuộc sống cá nhân thành lao động khổ sai: tất cả thì giờ đột nhiên trở thành giờ làm việc.

Khoảng không gian cá nhân biến mất để con người tự biến mình thành “trong suốt”, liên tục ghi lại, viết và gửi lên mạng về đời sống của mình cho hàng ngàn, thậm chí hàng triệu “người bạn” online.

Chúng ta đang ở đâu?

Trong thế giới của Eggers, mọi người đo giá trị của mình bằng thứ dễ dàng tính số nhờ mạng xã hội: bao nhiêu cú nhấp, bao nhiêu ngón cái trỏ lên (đồng ý/like) bạn có hôm nay? Một số người trong chúng ta đang sống trong thế giới kiểu này. Facebook, Google, Tumbler, Twitter, Instagram: cơn sóng thần số vừa hấp dẫn vừa gây sao nhãng và cuốn hút hoàn toàn, nhưng càng lúc càng cảm giác nó như một gánh nặng công việc.

Để theo dõi cập nhật từng phút là cả công việc nặng nhọc nhàm chán, không hề thú vị.

Cái tiêu chí có “cool - hay không” mà các mạng xã hội kích thích ta là thứ phiên bản phẳng vô vị của cuộc sống thực. Chúng ta kết nối với người khác bằng cách cổ vũ những thứ ta thích, biến ta thành những kẻ hâm mộ đơn thuần và phớt lờ đi cái tôi đa tầng lớp, phức tạp vốn là bản chất chúng ta.

Một nhân viên vỡ mộng của Circle cáo buộc công ty là áp đặt khiến mọi người mãi mãi trong trạng thái thiếu niên không trưởng thành: mọi người giống như miếng dán sticker nhân lên trên thế giới con người. Nhưng danh sách những gì ta thích thì không phải là cái tôi thật sự của ta.

Thế giới số cho ta nhiều lợi thế. Nhưng nếu chúng ta buông theo thế giới đó hoàn toàn, chúng ta mất sự riêng tư cần thiết để hình thành cái tôi cá nhân của mình. Các hoạt động đòi hỏi thời gian, sự chú tâm, như đọc nghiêm chỉnh chẳng hạn, đang đối mặt với nguy cơ. Chúng ta đọc ít đi và chủ yếu lướt tin nhiều hơn - Internet ngày càng chi phối cuộc sống của chúng ta.

Thực tế có mối liên hệ giữa hình thành cái tôi cá nhân với việc đọc chậm, chứ không phải là chỉ lướt lướt tìm tin như trên web hiện nay. Các nghiên cứu xã hội học và tâm lý học cho thấy đọc sách, các trải nghiệm riêng tư là yếu tố quan trọng để hiểu được chúng ta như thế nào.

Sách cho ta thứ mà thế giới số không thể

Không ngẫu nhiên mà cái thế giới “chỉ bấm con chuột” lấy mất sự tập trung, khiến chúng ta khó mà đọc hết được cuốn sách. Kiểu đọc truyền thống vẫn cần thiết, nó dạy chúng ta những bài học về con người mà chúng ta không thể tìm thấy được ở nơi khác. Hành trình đọc hết một cuốn tiểu thuyết hiện thực dài là hành trình với phần nhân cách khác của bạn - bạn nhìn vào phần nội tâm của con người, điều bạn sẽ không bao giờ có thể làm được với những video 3 phút trên iPhone.

The Circle là lời cảnh báo mạnh mẽ cho nền văn hóa chúng ta. Đúng, Eggers dường như không tạo ra các tính cách thuyết phục lắm, nhưng điều này dường như phù hợp với hướng mà tác giả viết. Có hai điều khiếm khuyết ở đây: những cái tôi cá nhân và các cuốn sách. Hai sự khiếm khuyết có liên quan với nhau vì chính sách giúp chúng ta phát hiện được về bản thân mình. Con người vẫn cần chốn riêng tư cho việc đọc.

Vài tháng trước, Scott Simon, một phát thanh viên của Đài NPR, đưa lên Twitter về những ngày cuối cùng của mẹ mình cho hàng triệu người theo dõi anh trên trang xã hội này. Anh chia sẻ rất xúc động những giây phút cuối cùng mẹ anh đang dần rời đi khỏi cõi đời này. Nhưng có lẽ rất ít người theo dõi anh muốn đọc lại chỉ sau vài phút, còn sau một năm liệu có mấy người?

Sách cho ta cái gì đó rất khác và còn hơn thế nữa. Chúng cho ta thời gian và không gian để theo đuổi bức tranh hoàn chỉnh về những người khác, và nhờ đó là về chính bản thân ta.

Khi chúng ta nghĩ về cái chết của Anna Karenina, chúng ta nhớ bút pháp tuyệt vời đầy cảm xúc của Tolstoy, cho ta hình ảnh hoàn chỉnh về cuộc đời cô trên hàng trăm trang giấy. Cô mù quáng một cách ích kỷ cho đến mức tự hủy diệt - nhưng cô vẫn có sự cảm thông của chúng ta. Cô lôi cuốn chúng ta từ trang đầu tới trang cuối cùng, khiến mỗi độc giả phải tự hỏi vì sao cô lại hấp dẫn chúng ta đến vậy.

Tất cả chúng ta đều đáng được nhìn đầy đủ vậy - như cách mà Tolstoy cho ta nhìn về Anna. Khi chúng ta đọc Anna, chúng ta có thể hình dung về cái tôi. Đó là lý do chúng ta đọc lại Tolstoy, đó là lý do chúng ta muốn đọc ông từ từ, muốn thưởng thức từng chi tiết về nghĩ suy của Anna và cảm xúc của cô. Đây là cách hình thành cái tôi của mỗi người, không phải là bởi những cái “like” mà mạng xã hội kích thích ta.

Chúng ta chưa đến mức sống trong xã hội kiểu như Circle và có lẽ không bao giờ sống như vậy. Chúng ta biết đủ nhiều để nhận ra rằng cần thời gian tránh xa thế giới liên tục nhảy nhót và hào nhoáng của online. Chúng ta cần những phút riêng tư, những nghĩ suy. Và sách cần được đọc chậm và đọc lại thường xuyên. Chúng ta cần cảnh báo về chuyện đọc, cần rèn luyện để chấm dứt những phân tâm để chúng ta có thời gian và không gian cần thiết cho sách.

“Bất chấp mọi sự quyến rũ của thế giới digital, khi nói về sự đọc, mọi thứ không thay đổi nhiều” - David Mikics, tác giả cuốn Slow reading in a hurried age (Đọc chậm thời vội vàng) viết trên New York Times.

Một cuốn sách cho ta khoảng không để nghĩ suy, một liệu pháp cá nhân mà khó có thể tìm trên mạng được. Hầu hết chúng ta nhớ cảm xúc thuở nhỏ là mê say đắm một cuốn sách nào đó. Chúng ta bước vào thế giới kỳ lạ, hấp dẫn, phiêu lưu cùng với nhân vật của câu chuyện, chúng ta sống cuộc sống với nhân vật. Không có gì trong thế giới online có thể làm được như một cuốn tiểu thuyết cho ta.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận