An Nam Đại quốc họa đồ

MINH THU THỰC HIỆN 23/04/2008 00:04 GMT+7

TTCT - Cuối tháng ba vừa qua, TS sử học Nguyễn Nhã - trưởng ban điều hành tủ sách Hoàng Sa - Trường Sa và biển Đông, ủy viên ban chấp hành Hội Khoa học lịch sử VN - đã ra đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) tham dự lễ khao lề tế lính Hoàng Sa và trao tặng bản đồ “An Nam Đại quốc họa đồ” cho tộc họ Phạm Văn ở xã An Vĩnh, huyện đảo Lý Sơn.

Phóng to
Tiến sĩ Nguyễn Nhã đứng bên lăng bia vị tiền hiền tộc họ Phạm Văn - ông Phạm Hữu Nhật ở xã An Vĩnh, huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi)
TTCT - Cuối tháng ba vừa qua, TS sử học Nguyễn Nhã - trưởng ban điều hành tủ sách Hoàng Sa - Trường Sa và biển Đông, ủy viên ban chấp hành Hội Khoa học lịch sử VN - đã ra đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) tham dự lễ khao lề tế lính Hoàng Sa và trao tặng bản đồ “An Nam Đại quốc họa đồ” cho tộc họ Phạm Văn ở xã An Vĩnh, huyện đảo Lý Sơn.

* Thưa ông, bản đồ “An Nam Đại quốc họa đồ” căn cứ vào điều gì để khẳng định quần đảo Hoàng Sa là của VN?

- Bản đồ này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, bởi lẽ giám mục Taberd (Pháp) lập và xuất bản năm 1838 đã vẽ rất chính xác về tọa độ Paracel hay Hoàng Sa của VN: vĩ độ hơn 160B, kinh độ hơn 1100Đ trên bản đồ “An Nam Đại quốc họa đồ”. Giám mục Taberd còn ghi rõ, tỉ mỉ trên bản đồ: Paracel seu Cat Vang (seu tiếng Latin có nghĩa: hay là. Paracel hay là Cát Vàng tức Hoàng Sa).

Đây là chứng cứ hiếm quí, tài liệu duy nhất của người nước ngoài vẽ rất cụ thể, xác lập tọa độ khẳng định chủ quyền của VN trên quần đảo Hoàng Sa. Đặc biệt trên bản đồ này không ghi bất cứ hòn đảo nào của nước ngoài. Bản đồ vừa khách quan vừa cụ thể không còn nghi ngờ gì nữa Hoàng Sa là của VN.

* Vượt đường xa về huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) trao tặng bản đồ “An Nam Đại quốc họa đồ” cho tộc họ Phạm Văn ở xã An Vĩnh, huyện Lý Sơn nhân dịp lễ khao lề tế lính Hoàng Sa, điều này có ý nghĩa như thế nào, thưa ông?

- Tộc họ Phạm Văn ở xã An Vĩnh, huyện đảo Lý Sơn tổ chức lễ khao lề tế lính Hoàng Sa là dịp để tưởng nhớ các vị tiền hiền trong tộc họ một thời tham gia đội dân binh đi khai thác biển Đông trên quần đảo Hoàng Sa (thế kỷ 17-18) dưới thời chúa Nguyễn.

Hoạt động của đội dân binh đứng đầu là cai đội hay đội trưởng, chức quan chỉ huy trong phiên chế thời chúa Nguyễn, thường kiêm quản chức quan thủ ngự cửa biển Sa Kỳ và kiêm quản đội Bắc Hải, mang tính nhà nước, kéo dài suốt hai thế kỷ, được triều Nguyễn hỗ trợ lương thực trong sáu tháng, miễn sưu thuế để đi khai thác biển Đông trên quần đảo Hoàng Sa.

Chỉ riêng hoạt động của đội Hoàng Sa cũng là quá trình xác lập và thực thi chủ quyền của VN trên quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa từ đầu thế kỷ 17 đến đầu thế kỷ 19. Các hoạt động đó theo luật lệ rõ ràng của Nhà nước VN. Phải tự hào khẳng định rằng tiền nhân chúng ta đã có những đội thuyền làm kinh tế biển, thật sự làm chủ biển Đông.

Mặt khác, vị tiền hiền của tộc họ Phạm Văn là ông Phạm Hữu Nhật, suất đội, đội trưởng thủy quân đã từng chỉ huy lính thủy ra cắm mốc xác lập chủ quyền trên quần đảo Hoàng Sa, mà chính sử kể cả Châu bản triều Nguyễn đã ghi rất rõ năm 1836 trở thành lệ hằng năm thủy quân đi cắm cột mốc, dựng bia chủ quyền theo thời gian bị hư hỏng. Sự kiện này là một trong những bằng chứng không thể chối cãi về sự chiếm hữu thật sự của Nhà nước VN trên quần đảo Hoàng Sa cho đến đầu thế kỷ 19.

Bản đồ “An Nam Đại quốc họa đồ” do giám mục Taberd lập vào năm 1838 (thế kỷ 19) vừa khách quan vừa chính xác trao tặng cho tộc họ Phạm Văn ở xã An Vĩnh, huyện đảo Lý Sơn có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Có thể nói gộp ba chứng cứ lịch sử này lại với nhau như thế “kiềng ba chân” không nơi đâu có được, tại một nhà thờ họ, minh chứng hết sức rõ ràng Hoàng Sa là của VN.

Phóng to
Paracel seu Cat Vang (seu tiếng Latin có nghĩa: hay là. Paracel hay là Cát Vàng tức Hoàng Sa)
* Ông phát hiện bản đồ “An Nam Đại quốc họa đồ” quí giá này trong hoàn cảnh như thế nào?

- Vào đầu năm 1975, khi tôi làm chủ biên tập san Sử Địa số 29 (đặc khảo về Hoàng Sa và Trường Sa), đã phát hiện bản đồ “An Nam Đại quốc họa đồ” trong bài viết các văn kiện chính thức xác nhận chủ quyền VN trên quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa từ thời Pháp thuộc đến năm 1975 của ông bà Trần Đăng Đại.

Bản đồ do giám mục Taberd xuất bản năm 1838 ghi rõ: Nằm trong cuốn tự điển Dictionarium Latino - Annammiticum - bản đồ dài 80,5cm, bề ngang 44cm. Tôi thấy bản đồ này quá quan trọng, sau đó tôi cho in màu (y nguyên kích cỡ bản chính) 4.000 bản. Ngày 20-1-1975, chúng tôi đã khai mạc cuộc triển lãm “Những tư liệu chứng minh chủ quyền của VN tại quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa” tại Thư viện Quốc gia (Sài Gòn). Sau triển lãm này tôi tiếp tục nghiên cứu.

Khi về hưu, ngày 18-1-2003, tôi đã bảo vệ thành công luận án tiến sĩ sử học tại Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM với đề tài “Quá trình xác lập chủ quyền của VN tại quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa”. Ngày 20-1-2008, sau 33 năm ngày triển lãm “Những tư liệu chứng minh chủ quyền của VN tại quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa”, tôi quyết định lập tủ sách Trường Sa - Hoàng Sa và biển Đông công bố tầm quan trọng của bản đồ “An Nam Đại quốc họa đồ” về việc xác lập chủ quyền VN trên quần đảo Hoàng Sa.

* Trong suốt 33 năm miệt mài nghiên cứu về quá trình xác lập chủ quyền tại quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, chắc hẳn ông còn nhiều trăn trở?

- Suốt 33 năm theo đuổi sự nghiệp nghiên cứu sử học “Quá trình xác lập chủ quyền của VN tại quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa”, đó là quá trình đi tìm sự thật lịch sử. Nhiều thế kỷ qua, hành trình đi tìm sự thật lịch sử của dân tộc ta được đổi bằng trí tuệ, máu xương và nước mắt của con người VN.

Các cứ liệu khoa học và pháp lý mà tôi tìm được đủ sức phản bác một cách thuyết phục các luận điểm biện minh cho sự xâm phạm chủ quyền VN của một số nước tại quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Các tư liệu khoa học đó tôi đã công bố đầy đủ trong luận án tiến sĩ của mình với trách nhiệm của một nhà khoa học và tâm nguyện của một người yêu nước.

Như đã gói ghém tâm sự của mình trong bài “Thử đặt vấn đề Hoàng Sa” tháng 1-1975, trước lương tri của các nhà nghiên cứu trên thế giới, xin có thái độ đối với sự chà đạp lịch sử một cách trắng trợn cưỡng chiếm Hoàng Sa và Trường Sa của VN.

Trước lương tâm của những người VN không phân biệt chính kiến, chúng ta hãy đặt quyền lợi muôn đời của dân tộc lên trên những tranh chấp nhất thời, đoàn kết một lòng, đừng chia cắt, đổ lỗi cho nhau, tìm mọi cách bảo vệ di sản của các tiền nhân để lại.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận