Bật app tìm người giúp việc

VŨ THỦY 22/01/2019 05:01 GMT+7

TTCT - Đã qua rồi cái thời xấc bấc xang bang tìm người giúp việc dịp tết. Hàng loạt ứng dụng tiện ích gia đình đã ra đời, kết nối người giúp việc với chủ nhà. Bài toán “nhu cầu chủ nhà - thời gian trống của người giúp việc” được khớp nối bằng thuật toán, công nghệ.

Chờ nguồn
 

“Ngày mai 8h nhà mình có đặt lịch dọn dẹp. Chị xác nhận giúp. Ca làm xin cảm ơn” - một tin nhắn từ nhân viên giúp việc Hồng Bích hiện lên màn hình điện thoại, người trước đó đã được xác nhận “đã nhận lịch và sẽ tới nhà bạn vào ngày 14-1 ca 8h-11h30” qua một ứng dụng thuê người giúp việc, dọn dẹp nhà có tên Jupviec.

Lịch được đặt cách đó vài tiếng, thời gian làm việc 3,5 tiếng với phí 189.000 đồng. Ứng dụng lần lượt hiện thông báo “Đã đặt dịch vụ thành công”, “Đang tìm kiếm nhân viên”, “Đã có nhân viên nhận lịch”. Kể từ lúc đó, chủ nhà sẽ kết nối với nhân viên giúp việc qua tin nhắn trên ứng dụng.

“Chạy sô”

Ca làm của chị Hồng Bích là sáng hôm sau thì buổi chiều hôm trước chị nhắn tin xác nhận. Vì là khách mới, địa chỉ nhà trong một hẻm “ba xẹc” nên chị Bích nhắn tin hỏi đường đi để đến đúng giờ, hai bên trò chuyện qua lại bằng tin nhắn trên ứng dụng, chủ nhà lưu ý “dọn kỹ kệ bếp”, “sàn gỗ trên gác cần vắt khăn khô mới lau”... trước khi chị tới làm.

Đấy là cách làm việc của một nhân viên, cộng tác viên trên một app (ứng dụng) cung cấp dịch vụ giúp việc nhà hiện nay. Nhiều người giúp việc truyền thống đã chuyển hẳn sang cộng tác với các app giúp việc như thế này, thay vì tới ở hẳn với một gia chủ hay làm nhân viên cho các công ty giúp việc.

Chị Phan Thị Ngọc Bích (52 tuổi) làm cộng tác viên cho app bTaskee được 2 năm và đã nhận hơn 2.000 công việc từ app này. Trước đây chị là nhân viên dọn phòng của một khách sạn, mỗi tháng chỉ có 1-2 ngày nghỉ. “Bây giờ thì mỗi ngày tôi nhận 2-5 việc cho ca làm 2-4 tiếng tùy theo nhu cầu của khách, mỗi tháng thu nhập 20-21 triệu đồng” - chị kể.

Chủ động sắp xếp được thời gian để tối ưu công việc chính là điều khiến chị gắn bó với kiểu làm việc này. “Mình làm tốt, khách ưng ý sẽ chọn làm nhân viên ưa thích (một tính năng trên app dành cho chủ nhà), họ sẽ đặt mình làm theo gói dài hạn. Có người đặt dọn dẹp vào thứ hai - tư - sáu theo khung giờ nhất định. Nếu mình làm tốt, được tin tưởng, chủ nhà sẽ giao chìa khóa nhà hoặc mật khẩu để mình tự đến, tự đi, họ không cần ở nhà. Lúc đó, mình chỉ cần sắp xếp sao cho họ đi làm về là nhà cửa đã dọn dẹp. Nhờ vậy mà mình có thể sắp xếp để nhận nhiều lịch khác nhau cho nhiều khách, sắp xếp di chuyển hợp lý, thu nhập sẽ cao hơn” - chị Bích chia sẻ.

Những người giúp việc như chị Ngọc Bích sau khi đã “vận hành” trôi chảy cùng với app giúp việc nói rằng họ cảm thấy thoải mái với kiểu làm việc này và có nhiều cơ hội để sắp xếp cuộc sống cá nhân, thay vì lệ thuộc chủ nhà hay công ty như trước kia. Khi cần nghỉ 3-5 ngày để về quê hay khi không khỏe, chị Bích sẽ không nhận việc, nhưng chủ nhà không cần phải lo lắng vì ứng dụng sẽ giúp họ tìm được người khác có thời gian trống.

“Mình làm nhiều thì được thưởng. Ở bTaskee khi hoàn thành 70 công việc sẽ được nhận thêm khoản thưởng 350.000 đồng. Theo quy định, công ty tính phí 15% cho mỗi khoản tiền mà khách trả cho một lần hoàn thành công việc, nhưng khi làm tốt, nhận được tiền thưởng thì tính ra phí phải trả chỉ khoảng 10%” - chị Đặng Thị Thùy Hạnh, một cộng tác viên app giúp việc nhà, cho biết.

Người dân thành thị đã dần quen với việc sử dụng app để tìm người giúp việc theo giờ. -Ảnh: Vũ Thủy
Người dân thành thị đã dần quen với việc sử dụng app để tìm người giúp việc theo giờ. -Ảnh: Vũ Thủy

Bật app gọi giúp việc

Mỗi dịp lễ tết, trên các diễn đàn của các bà nội trợ có đủ lời than vãn, “kêu cứu”. “Giúp việc nhà em xin nghỉ tết sớm về quê”, “chị giúp việc ăn tết xong không vào sớm được”... nay app giúp việc có thể giúp họ giải quyết nỗi phiền toái này, nhà cửa vẫn được dọn dẹp cả trong những ngày tết. Các ứng dụng như bTaskee, Okiaf... phục vụ xuyên suốt dịp lễ tết. Nhu cầu của chủ nhà tăng cao dịp tết, mức phí cũng tăng vào các đợt cao điểm, từ 100-200% so với ngày thường.

“Tôi dùng app được hơn một năm, thấy rất tiện lợi. Dù đôi lúc cũng gặp phải người giúp việc mới làm bẩn, bôi việc, câu giờ... nhưng mình có thể phản hồi, đánh giá, chấm điểm sau khi họ hoàn thành công việc, block (khóa) những người làm mình không muốn và chọn người khác cho những lần sau” - chị Dương Bảo Huyền, ở khu Linh Đàm (Hà Nội) chia sẻ.

Nhờ cách thức hoạt động như vậy mà những người giúp việc không đạt yêu cầu sẽ dần bị loại hoặc phải chỉnh đốn bản thân. Công việc kinh doanh cửa hàng thời trang và nuôi dưỡng ba đứa trẻ khiến chị Huyền không thể đảm đương nổi việc dọn dẹp nhà cửa.

“Tôi đang đặt lịch dọn dẹp vào thứ ba và thứ sáu trong tuần, đều đặn có người tới dọn. Hồi trước nuôi người giúp việc thì phải năn nỉ, ngọt nhạt để họ đồng ý ở lại sát tết và đến đúng ngày khi lũ trẻ đi học. Dịch vụ của app rất đa dạng, thỉnh thoảng không nấu ăn kịp thì book thêm người tới nấu ăn, người tới vệ sinh máy giặt, giặt ủi tại nhà” - chị kể. Khi đã “sàng lọc” được những người làm yêu thích, các gia chủ như chị Huyền có thể đặt lịch tự động, hoặc chọn tính năng đặt lịch dài hạn, app sẽ tự động sắp xếp ca làm phù hợp.

“Tôi dùng app hơn một năm nay. Nhà có hai vợ chồng ở chung cư, ra vào bảo vệ kiểm soát một phần, có hệ thống camera kiểm soát ra vào, thang máy, hành lang... Trong nhà cũng có camera. Người giúp việc được hệ thống app quản lý hồ sơ nhân thân nên không lo lắng” - chị Thảo Nguyên (36 tuổi, ngụ Tân Bình, TP.HCM) nhận xét.

Chị Trần Thị Hương Giang (31 tuổi, TP.HCM) sử dụng một app giúp việc được hơn ba năm cho biết: “Nuôi người giúp việc ở lại nhà thấy không thoải mái, bất tiện. Gia đình tôi xác định tự chăm con nhỏ, chỉ cần người lau dọn ba lần mỗi tuần nên lựa chọn tìm người qua app. Lúc đầu cũng hơi bất tiện vì ít người nhận việc nên chủ nhà cũng ít lựa chọn. Giờ thì app ổn định hơn, nhiều cộng tác viên, cũng dễ dàng tìm được người ưng ý” - chị Giang nói.■

Cạnh tranh app giúp việc nhà

Tại VN, các startup cung cấp dịch vụ gia đình qua app bao gồm giúp việc nhà, sửa chữa cơ bản… xuất hiện khoảng 3 năm trước. Đến nay, một loạt app cung cấp dịch vụ gia đình đã ra đời: bTaskee, Okiaf, Jupviec, Housework.vn, Tidy.vn, Akii, Wiido, Ehelp, Chuyên tâm, Taskee, GiupViec Nha…Mỗi app có một cách tiếp cận khách hàng khác nhau. bTaskee có gói theo giờ 2-5 tiếng (giá ngày thường 120.000-225.000 đồng/gói).

Khách hàng lần đầu có thể có thêm chọn lựa người giúp việc, nhiều người sẽ nhận việc, sau đó chủ nhà chọn ra người “chọn mặt gửi vàng”. Jupviec thì có gói 3,5 tiếng sáng/chiều (giá ngày thường 189.000-220.500 đồng), thông báo về người nhận việc sẽ được phản hồi chậm nhất 3 tiếng trước thời gian khách hàng đặt lịch…

Ông Đỗ Đắc Nhân Tâm - người sáng lập bTaskee - cho biết sau ba năm hoạt động, đến nay ứng dụng này đã có mặt ở Hà Nội, Đà Nẵng và TP.HCM với mạng lưới hơn 3.500 người giúp việc. Ông đánh giá tiềm năng cho các ứng dụng cung cấp dịch vụ gia đình hiện nay rất khả quan bởi các cư dân thành phố, đặc biệt tại các thành phố lớn, đã dần tiếp cận và quen với các mô hình ứng dụng giúp việc nhà theo giờ, cung cấp các dịch vụ gia đình.

“Nhiều khách hàng không còn lo lắng về việc nuôi người giúp việc truyền thống, hay sự trả giá, kỳ kèo của các công ty môi giới, người giúp việc. Tuy nhiên, nhu cầu người dùng cũng ngày càng khắt khe đòi hỏi các ứng dụng cần đầu tư về mặt công nghệ, nâng cấp ứng dụng cũng như tập trung nâng cao và kiểm soát chất lượng người giúp việc” - ông Tâm nhận định.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận