Bên sách bên hút bên nào đắt hơn

GEORGE ORWELL 23/04/2025 15:02 GMT+7

TTCT - Tiểu luận của George Orwell, Nguyễn An Lý dịch.

đọc sách  - Ảnh 1.

George Orwell

Đọc sách là một thú giải trí thuộc loại ít tốn kém, thậm chí có lẽ thuộc loại ít tốn kém nhất.

Dăm năm trước, một anh tổng biên tập báo bạn tôi tham gia trực canh lửa bom cùng mấy bác thợ thuyền. Đến một lúc hai bên chuyển qua tán gẫu về tờ báo của anh, phần lớn các bác thợ kia đều có đọc và khoái, nhưng tới khi anh hỏi họ nghĩ gì về mục văn học thì họ trả lời: "Ông nghĩ chúng tôi đọc cái món ấy thật hử? Toàn những sách gì giá đến mười hai hào sáu! Thứ bọn tôi lấy đâu ra tiền mua ngữ sách mười hai hào sáu". Ấy thế mà những người này, anh bạn tôi nhận xét, sẵn sàng bỏ mấy bảng đi chơi blackpool một hôm mà không cần nghĩ nhiều.

Mua sách hay thậm chí kể cả đọc sách cũng là thú chơi xa xỉ không dành cho đại đa số nhân dân - ý nghĩ này phổ biến đến nỗi tôi thấy cần xem xét cho kỹ càng một chút. Muốn tính thử chính xác chi phí cho đọc sách mỗi giờ bao nhiêu xu thì khó, nhưng tôi bắt đầu bằng liệt kê tổng sổ sách nhà tôi xem thử tốn bao nhiêu. Kể thêm một số chi phí khác thì tôi có thể ước lượng tương đối sát số tiền bỏ ra trong mười lăm năm vừa rồi.

Số sách tôi đếm và tính giá ở đây là những sách tôi để ở nhà, trong căn hộ này. Tôi có khoảng chừng ấy để ở một nơi khác, nên sẽ nhân đôi con số cuối để biết tổng cộng là bao nhiêu. Những thứ lắt nhắt như bản đọc thử, sách giảm giá, bản in bìa giấy rẻ tiền, tập sách quảng cáo hay tạp chí, nếu không đóng thành quyển thì tôi không tính. 

Tôi cũng không tính mấy thứ sách vứt đi - kiểu như sách giáo khoa cũ - mà hình như đáy tủ nào cũng đọng lại một mớ. Tôi chỉ đếm những sách nào tôi tự nguyện tha về - hoặc thuộc loại tôi có thể tự nguyện tha về - và tính sẽ giữ lại. Tổng số sách loại này của tôi là 442 cuốn, mang về theo những đường sau đây:

- Tự mua (chủ yếu là sách cũ): 251 quyển

- Được cho hay mua bằng coupon: 33 quyển

- Sách biếu hoặc gửi review: 143 quyển

- Mượn không trả: 10 quyển

- Mượn chưa trả: 5 quyển

- Tổng: 442 quyển

Giờ ta qua phần tính giá. Sách nào tự mua tôi tính nguyên giá, sát nhất có thể. Sách được cho, sách đang mượn hay mượn rồi thủ luôn, tôi cũng tính nguyên giá. Đó là vì số sách tôi đi cho với số đi mượn và đi chôm tính ra thì coi như huề. 

Tôi có trong nhà những sách mà nói đằng thẳng ra thì không phải "của tôi", nhưng lại có nhiều người khác đang cầm sách của tôi: vậy có thể coi như những sách tôi không mất tiền mua là trám vào chỗ những sách khác tôi bỏ tiền nhưng không còn giữ. 

Mặt khác sách biếu điểm sách tôi tính coi như nửa giá. Bởi nếu mua sách cũ thì chỉ khoảng giá đó, và loại sách đó thì tôi không đời nào mua mới, đó là nếu có mua. Giá sách bao nhiêu thì đôi khi tôi phải đoán mò, nhưng chắc cũng không sai lắm. Tổng chi phí như sau:

- Mua: 36 bảng 9 hào

- Tặng: 10 bảng 10 hào

- Biếu review: 25 bảng 11 hào 9 xu

- Mượn không trả: 4 bảng 16 hào 9 xu

- Mượn chưa trả: 3 bảng 10 hào

- Kệ kiếc: 2 bảng

- Tổng: 82 bảng 17 hào 6 xu

Thêm cả đống sách tôi để ở nơi khác nữa thì đại khái tôi có gần 900 quyển sách, tổng là 165 bảng 15 hào. Đây là kết quả tích lũy 15 năm - thật ra còn hơn vì có nhiều quyển sách tôi giữ từ thuở nhỏ, nhưng cứ cho là 15 năm đi. Như vậy là chừng 11 bảng 1 hào mỗi năm, nhưng còn nhiều khoản chi khác cần tính vào thì mới ước lượng được tổng thiệt hại vì đọc sách. 

Nặng nhất là báo chí các loại, tôi nghĩ chắc đâu chừng 8 bảng/năm. 8 bảng/năm là tiền đăng ký hai tờ báo ngày, một tờ báo tối, hai tờ báo chủ nhật, một tạp chí sách hằng tuần, một hai tạp chí hằng tháng. Đến đây chi phí năm đã lên 19 bảng 1 hào, nhưng muốn biết tổng số thực là bao nhiêu thì lại phải đoán tiếp. 

Tất nhiên người ta cũng có nhiều món chi vào sách nhưng lại không để lại gì mà khoe ra. Chẳng hạn như phí thư viện hằng năm, chưa kể đến đống sách - chủ yếu là Penguin và các dạng sách rẻ tiền khác - mua xong rồi mất hoặc vứt đi. 

Nhưng xét theo các con số còn lại của tôi, chắc chừng 6 bảng/năm là đủ cho các món loại này. Như vậy tiền bỏ vào sách của tôi trong 15 năm qua là đâu 25 bảng/năm.

25 bảng/năm nghe thì nhiều, nhưng lại không mấy nếu đem so với các loại chi phí khác. 25 bảng/năm là khoảng 9 hào 9 một tuần, với thị giá hiện tại mua được khoảng 83 điếu thuốc (Players): hồi trước chiến tranh số tiền ấy cũng chưa đủ mua 200 điếu, còn thời giá hiện nay thì tôi đốt tiền vào thuốc lá còn nhiều hơn vào sách nữa. 

Tôi hút mỗi tuần mất 6 ounce thuốc, mỗi ounce giá nửa crown, tức mỗi năm gần 40 bảng. Cả hồi trước chiến tranh, giá loại thuốc đó chỉ có 8 xu một ounce thì mỗi năm cũng đã lấy của tôi hơn 10 bảng: và nếu lại còn uống bia mỗi ngày một pint mất 6 xu nữa thì cộng cả hai món là đi suýt soát 20 bảng mỗi năm. 

Con số này chắc cũng không hơn mức bình quân cả nước bao nhiêu. Năm 1938 toàn quốc người dân bỏ gần 10 bảng trên đầu người vào rượu và thuốc: tuy nhiên 20% dân số là trẻ nhỏ dưới 15 tuổi và thêm 40% nữa là phụ nữ, nên các sâu rượu sâu thuốc trung bình hẳn tiêu vào đó hơn 10 bảng rất nhiều. 

Năm 1944, chi tiêu bình quân tính theo đầu người hai món này lên đến tận 23 bảng. Lại trừ đi phụ nữ trẻ em nữa thì mỗi người ước 40. 40 bảng một năm là chỉ đủ cho mỗi ngày một gói Woodbine với nửa pint bia nhẹ sáu ngày trong tuần, chứ không xông xênh gì cho cam. 

Tất nhiên, bây giờ sau chiến tranh thì mọi thứ đều đội lên, kể cả sách: nhưng xem chừng là cho dù toàn mua sách chứ không mượn, lại còn vơ về nhà khá nhiều tạp chí đi nữa, thì cũng không mất nhiều tiền hơn hai khoản thuốc rượu gộp lại.

Ta rất khó đo ra mối tương quan giữa giá cả của sách với giá trị từ sách. Trong định nghĩa "sách" bỏ rọ cả tiểu thuyết lẫn thơ, sách giáo khoa lẫn sách tham khảo, nghị luận xã hội và những gỉ những gi những gì không biết, hơn nữa dài ngắn cũng không đi với đắt rẻ, nhất là những người có thói quen mua sách cũ như tôi.

Có khi mười hào mua được tập thơ có 500 dòng, lại có khi bỏ 6 xu mua được cuốn tự điển giở ra xem được chăng hay chớ trong hai mươi năm. Có những sách để đọc đi đọc lại, một phần cốt yếu xây dựng nên tâm trí ta, thay đổi hẳn quan niệm sống của ta, lại có những sách ta ngó vào nhưng không bao giờ đọc hết, sách ta đọc một lèo xong nhưng sau một tuần đã ra khỏi đầu: và hai đằng này có thể tốn ngang nhau nếu tính bằng tiền. 

Nhưng nếu chỉ xem xét sách như là một công cụ giải trí, giống như đi xem phim, thì ta có thể ước lượng được tương đối chi phí dành cho việc đọc. Một người chỉ đọc mỗi tiểu thuyết và văn học "phổ thông", nếu mua tất cả số sách mình đọc, ta hãy cho là mỗi quyển 8 hào và đọc mất 4 tiếng đồng hồ thì sẽ tiêu vào sách 2 hào/giờ. Như thế cũng tương đương với giá ngồi xem xi nê nếu chọn một chỗ ngồi thuộc loại xịn. Nếu tập trung vào những sách nghiêm túc hơn và vẫn tự bỏ tiền mua hết sách thì chi phí bỏ ra cũng không khác. 

Lúc ấy sách đắt hơn nhưng đọc sẽ lâu hơn. Dù khó hay dễ thì cuốn sách vẫn ở lại với ta sau khi đọc xong, lại còn có thể bán lại với giá bằng 1/3 giá mua. Nếu chỉ mua sách cũ, tất nhiên tiền bỏ vào sách sẽ giảm đi rất nhiều: ta hãy nói là quãng 6 xu/giờ. Mặt khác, nếu không mua sách mà chỉ thuê ở thư viện thì đọc sách chỉ tốn có nửa xu/giờ: nếu mượn từ thư viện công thì coi như chả mất xu nào cả.

Tôi nghĩ nói như thế là đủ thấy đọc sách là một thú giải trí thuộc loại ít tốn kém: thậm chí có lẽ thuộc loại ít tốn kém *nhất*, chỉ thua có nghe thu thanh. Thế mà công chúng Anh chi vào sách một khoản thực tế là bao nhiêu? Tôi không tìm ra được số liệu nào cả, dù hẳn là phải có số liệu đó ở đâu chứ. 

Nhưng tôi biết rằng trước chiến tranh cả nước cho ra khoảng 15.000 cuốn sách mỗi năm, kể cả tái bản và sách giáo khoa trong nhà trường. Giả sử mỗi cuốn bán được 10.000 bản - mà như thế hẳn là còn cao nếu trừ số sách giáo khoa ra - thì trung bình mỗi người chỉ mua trực tiếp hay gián tiếp có 3 quyển/năm. Tính chùm cả 3 quyển ấy chắc chỉ có 1 bảng, mà hẳn là còn ít hơn.

Những con số ở đây chỉ là ước đoán, và nếu có ai chỉnh lại cho chính xác tôi sẽ rất biết ơn. Nhưng nếu tính toán của tôi có chút nào sát thực tế thì đấy thật là một số liệu buồn cho cái đất nước gần 100% dân số biết chữ, nơi mỗi người đàn ông chi vào thuốc lá nhiều hơn cả một người nông dân Ấn Độ bình thường chi vào ăn ở hằng ngày. 

Và nếu tỉ lệ tiêu thụ sách của chúng ta cứ mãi ở mức lẹt đẹt như thế thì ít nhất ta cũng hãy thừa nhận rằng lý do là bởi đọc sách là một thú tiêu khiển nhạt nhẽo hơn đi đấu chó, xem xi nê hay đến quán bia, chứ không phải tại sách đắt, dù là mua hay mượn.

Tribune, 8-2-1946.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận