Giáo hoàng và triết lý về nhân phẩm

DANH ĐỨC 28/04/2025 08:46 GMT+7

TTCT - Cuối cùng thì Giáo hoàng Francisco cũng đã dự thánh lễ Phục sinh, ngồi trên xe lăn cùng với khoảng 40.000 giáo dân tề tựu trong quảng trường Thánh Peter, rồi chia tay thế gian ngày hôm sau, ngày thứ hai Phục sinh.

giáo - Ảnh 1.

Ảnh: Reuters

Giáo hoàng đồng thời là giám mục thành Rome, ngồi trên xe lăn được đẩy ra sát lan can, lộ vẻ mệt mỏi thấy rõ, song vẫn đọc được lời chúc phép lành cho thành Rome và giáo dân toàn thế giới. 

Căn bệnh viêm phổi vào giữa tháng 2 năm nay, khiến có lúc phải "báo động đỏ", đã không buông tha ông. Thành ra, thánh lễ Phục sinh 2025 tại quảng trường Thánh Peter do Hồng y Angelo Comastri thay mặt Giáo hoàng Francisco chủ sự. 

Hồng y đọc bài giảng cuối cùng của Giáo hoàng, trong đó nhắc nhiều đến những tai ương, xung đột, chiến tranh... vẫn chưa buông tha nhân loại.

Từ bệnh viện Gemelli tới nhà tù Regina Coeli

Dù phòng báo chí Tòa thánh tối 24-2, tức 10 ngày sau khi Giáo hoàng lâm trọng bệnh, loan tin sức khỏe của ông đã có những dấu hiệu cải thiện nhẹ, song tình trạng lâm sàng vẫn còn phức tạp. Thế nhưng, khoảng thời gian dưỡng sức ngắn ngủi gần hai tháng cũng đủ để ông hoàn thành những công việc cuối cùng của mình.

Gần nhất là hôm thứ năm tuần rồi, tức thứ năm tuần thánh, ông đã đến thăm nhà tù Regina Coeli ở Rome. Dù đang dưỡng bệnh sau 38 ngày nằm viện tại Bệnh viện Gemelli vì viêm phổi nặng, ông không muốn bỏ lỡ chuyến thăm nhà tù theo truyền thống vào thứ năm tuần thánh, đã thành tập tục suốt 12 năm ông làm Giáo hoàng, và thậm chí còn sớm hơn, thời còn là hồng y ở Buenos Aires.

Khoảng 70 tù nhân nhiều độ tuổi và quốc tịch khác nhau đã chào đón trong tiếng reo hò và vỗ tay. "Tự do!", "Tha thứ!", "Cha ơi!", "Chúng con ở bên cha!", "Lễ Phục sinh vui vẻ!", "Hãy cầu nguyện cho Palestine!", từ những cửa sổ lớn của ba khu vực nhìn ra trung tâm nhà tù Regina Coeli ở Rome dậy lên tiếng hò reo của các tù nhân, át đi giọng nói yếu ớt nhưng cương nghị của Giáo hoàng: 

"Vào thứ năm tuần thánh, tôi luôn thích đến nhà tù để rửa chân như Chúa Jesus. Năm nay tôi không thể làm điều đó (tức rửa chân cho các bạn), nhưng vẫn có thể và muốn ở gần các bạn. Tôi cầu nguyện cho các bạn và gia đình các bạn", ông an ủi 70 tù nhân ông đã gặp.

Chuyến thăm kéo dài nửa giờ để thăm hỏi và ban phước cho 70 tù nhân nhiều độ tuổi và quốc tịch khác nhau, lẫn nhân viên của nhà tù cổ kính này, tại quận Trastevere. 

Khi các nhà báo hỏi: "Ngài sẽ qua lễ Phục sinh năm nay ra sao?", Giáo hoàng vẫn lạc quan: "Vẫn ổn thôi!". Thật vậy, hôm lễ Phục sinh, dù ngồi xe lăn, mệt nhọc thấy rõ, song ông không lộ vẻ sức cùng lực kiệt.

Từ Vatican an bình tới những nơi loạn lạc

Giữa thủ đô Vatican an bình trong thánh lễ Phục sinh, mà hình ảnh các vệ binh Thụy Sĩ trong bộ y giáp cổ kính chính là một biểu tượng, Giáo hoàng nói lên những thao thức của mình, qua giọng đọc của hồng y Comastri: 

"Lễ Phục sinh là lễ tưởng niệm cuộc sống!... Mọi sự sống đều quý giá! Đứa trẻ trong bụng mẹ, cũng như người già hay người bệnh, mà ngày càng bị nhiều quốc gia coi là đáng bị từ chối". 

Vấn đề là hằng ngày nhân loại phải "chứng kiến biết bao nhiêu ý muốn gây chết người trong nhiều cuộc xung đột tại nhiều nơi khác nhau trên thế giới". 

Thảm kịch không chỉ ở những khủng hoảng lớn lao mà còn ở những chỗ mà "người ta tỏ ra coi rẻ những người yếu thế nhất, những người bị thiệt thòi, những người di cư", những nơi phải "chứng kiến biết bao cảnh bạo lực trong gia đình, đối với phụ nữ và trẻ em".

Chính trong thế giới đầy những khác biệt đó, Giáo hoàng kêu gọi tìm lại liên kết với những ai "xa lạ": 

"Ngày hôm nay, tôi muốn chúng ta bắt đầu hy vọng và tin tưởng vào người khác một lần nữa, ngay cả những người không gần gũi với chúng ta hoặc đến từ những quốc gia xa xôi với phong tục, lối sống, ý tưởng và tập quán khác với những gì chúng ta quen thuộc nhất...". 

Bắt đầu là việc hai giáo hội Công giáo và Chính thống giờ đây cùng chung một lễ Phục sinh: "Tôi muốn chúng ta lại bắt đầu hy vọng rằng hòa bình là điều có thể! Từ nhà thờ Mộ Thánh, nhà thờ Phục Sinh, nơi lễ Phục sinh năm nay được cả người Công giáo và Chính thống giáo cử hành cùng một ngày, cầu mong ánh sáng hòa bình chiếu rọi khắp đất thánh và toàn thế giới".

Cụ thể, Giáo hoàng kêu gọi các bên tham chiến ngừng bắn, thả con tin và chuyển viện trợ quý giá đến người dân đang chết đói, đang khao khát một tương lai hòa bình ở Dải Gaza. Đặc biệt, Giáo hoàng chia sẻ cách riêng ở hai lò lửa chiến tranh và chết chóc, đầu tiên là Yemen: 

"Tôi cũng xin gửi lời chia buồn đặc biệt tới người dân Yemen, vốn đang phải trải qua một trong những cuộc khủng hoảng nhân đạo kéo dài tồi tệ nhất thế giới do chiến tranh, tôi kêu gọi mọi người tìm ra giải pháp thông qua đối thoại mang tính xây dựng". 

Kế đến là Ukraine: "Xin đổ tràn ơn Phục sinh là hòa bình xuống đất nước Ukraine đang bị tổn thương, và khuyến khích tất cả mọi người tiếp tục nỗ lực để đạt được nền hòa bình công bằng và lâu dài".

Và còn cả những nơi khác: "Trong ngày lễ này, chúng ta hãy tưởng nhớ đến Nam Kavkaz và cầu nguyện cho việc ký kết và thực hiện nhanh chóng hiệp định hòa bình chính thức giữa Armenia và Azerbaijan, dẫn đến sự hòa giải rất được mong đợi trong khu vực". 

"Mong rằng ánh sáng Phục sinh sẽ truyền cảm hứng cho những đề xuất hướng đến sự hòa hợp ở Tây Balkan và giúp các chính trị gia nỗ lực tránh gia tăng căng thẳng và khủng hoảng, cũng như từ bỏ những hành vi nguy hiểm và gây bất ổn".

Giáo hoàng cầu nguyện cho cả một chuỗi quốc gia: "Châu Phi là nạn nhân của bạo lực và xung đột, đặc biệt là ở Cộng hòa dân chủ Congo, Sudan và Nam Sudan, ở Sahel, vùng Sừng châu Phi và khu vực Đại Hồ". 

Giáo hoàng cũng kêu gọi giúp đỡ người dân Myanmar vốn đã phải chịu đựng nhiều năm xung đột vũ trang, đang dũng cảm và kiên nhẫn đối mặt với hậu quả của trận động đất tàn khốc ở Sagaing đã cướp đi sinh mạng hàng ngàn người và gây ra đau khổ cho nhiều người sống sót, bao gồm cả trẻ mồ côi và người già.

Từ đó, Giáo hoàng đi đến vấn đề chung phổ quát: "Không thể có hòa bình nếu không có tự do tôn giáo, tự do tư tưởng và ngôn luận, cũng như không tôn trọng ý kiến của người khác". 

Ông nói về chiến tranh vũ trang: "Không thể có hòa bình nếu không có giải trừ quân bị thực sự! Nhu cầu tự bảo vệ mình của mỗi dân tộc không thể biến thành cuộc chạy đua tái vũ trang chung", và về chiến tranh kinh tế mới bùng phát: "Mong ánh sáng Phục sinh truyền cảm hứng cho chúng ta phá bỏ những rào cản tạo nên sự chia rẽ và gây ra hậu quả nghiêm trọng về chính trị và kinh tế".

Phẩm giá con người

Phẩm giá con người đã luôn là chủ đề xuyên suốt trong nhiệm kỳ của Giáo hoàng Francisco. Mới năm ngoái, ngày 9-4-2024, Bộ Giáo lý đức tin của Vatican đã ra tuyên bố "Dignitas Infinita" (Phẩm giá vô hạn) đề cập tới phẩm giá con người qua bao thách thức, từ chiến tranh đến nghèo đói, từ bạo lực với người di cư đến bạo lực với phụ nữ, từ lý thuyết về giới đến bạo lực kỹ thuật số... 

Văn kiện này khẳng định tính ưu việt của "phẩm giá bản thể" nơi con người: đó là thuộc tính riêng tự thân ở mỗi con người, không có ngoại lệ nào, một thuộc tính mà không điều gì, không ai, thậm chí kể cả bản thân người đó, có thể tước đi.

Đầy tính triết lý, văn kiện này phân biệt phẩm giá bản thể với "phẩm giá đạo đức" vốn có thể mất đi khi tổn thương khủng khiếp xảy ra, hay với "phẩm giá xã hội", tức những điều kiện sinh sống không xứng đáng với con người, và "phẩm giá sinh tồn" thể hiện nhận thức của một người về cuộc sống của chính họ.

Khi nêu bật "phẩm giá con người", Giáo hoàng trung thành với tuyên xưng của ông cách đây 6 năm tại Bangkok trong một thánh lễ mà người viết có dự: 

"122 năm trước, năm 1897, vua (Thái Lan) Chulalongkorn đã đến thăm Rome và gặp Giáo hoàng Leo XIII trong buổi tiếp kiến, lần đầu tiên một nguyên thủ quốc gia không theo đạo Thiên Chúa được tiếp đón tại Vatican..." 

"Mong rằng ký ức về cuộc gặp gỡ quan trọng đó cũng như về triều đại của ông, trong đó có việc xóa bỏ chế độ nô lệ, sẽ còn mãi. Nhu cầu tôn trọng và hợp tác giữa các tôn giáo lại càng cấp thiết hơn với nhân loại ngày nay. Trong tinh thần đoàn kết anh em có thể giúp chấm dứt nhiều hình thức nô lệ mới và những xung đột dai dẳng, cho dù liên quan đến phong trào di cư, người tị nạn, nạn đói hay chiến tranh". ( Vatican News 21-11-2019).■

Bài giảng cuối cùng

Bài giảng sau chót của Giáo hoàng Francisco vào trưa lễ Phục sinh, hơn nửa ngày trước khi tắt hơi thở cuối cùng, vẫn mang tính giáo huấn lạc quan: "Thật vậy, Thiên Chúa đã sống lại và do đó không còn ở trong mộ nữa. Ta phải tìm ở nơi khác..."

"Ngài không còn là tù nhân của cái chết, không còn bị quấn trong tấm vải liệm, và do đó chúng ta không thể giới hạn ngài chỉ trong một câu chuyện đẹp để kể, chúng ta không thể biến ngài thành người anh hùng của quá khứ hay nghĩ về ngài như một bức tượng được đặt trong phòng bảo tàng".

Thay vì vậy, Giáo hoàng thúc giục: "Hãy tìm kiếm ngài trong cuộc sống của chúng ta, hãy tìm kiếm ngài trên khuôn mặt của những người anh em chúng ta, hãy tìm kiếm ngài trong cuộc sống thường nhật, hãy tìm kiếm ngài ở mọi nơi, ngoại trừ ngôi mộ này".

Qua sáng hôm sau, thứ hai 21-4, hồng y Farrell buồn bã thông báo: "Anh chị em thân mến, tôi vô cùng đau buồn khi phải thông báo với anh chị em về sự ra đi của Đức Thánh cha Francisco. Sáng nay lúc 7h35, Đức Giám mục Roma, Francisco, đã trở về nhà cha".

"Toàn bộ cuộc đời của ngài đã cống hiến cho việc phục vụ Chúa và Giáo hội. Ngài đã dạy chúng ta sống các giá trị của phúc âm với lòng trung thành, lòng can đảm và tình yêu thương phổ quát, đặc biệt là với những người nghèo khổ và thiệt thòi nhất".

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận