TTCT - 50 năm. Nửa thế kỷ. Cả một cuộc đời với một số người, nhưng chỉ là cái chớp mắt trong dòng chảy lịch sử. Tuy nhiên, với hai quốc gia Việt Nam và Mỹ, 5 thập kỷ này đại diện cho một sự biến đổi ngoạn mục. Ảnh: ReutersĐó là một hành trình từ đối thủ trong sự khắc nghiệt của chiến tranh đến đối tác quan trọng bậc nhất của nhau.Hành trình này là ví dụ hấp dẫn về sự hàn gắn, hòa giải và hợp tác để các quốc gia xây dựng một tương lai chung, ngay cả sau những xung đột tàn khốc nhất.Tôi sinh ra và lớn lên ở TP.HCM vài năm sau khi chiến tranh kết thúc. Có thể nói tôi là một trong những đứa trẻ con lính được sinh ra và hít thở không khí hòa bình. Nhận thức ban đầu của tôi về nước Mỹ được hình thành từ những tiếng vọng dai dẳng của chiến tranh, qua những viên đạn còn sót lại mà tôi có thể lượm quanh nhà, trong một khu tập thể quân đội gần Bộ Tổng tham mưu chế độ cũ (bây giờ là Quân khu 7). Tôi chơi đùa với chúng như những thứ "đồ chơi" bình thường của trẻ con.Cha tôi, một cựu chiến binh Quân đội nhân dân Việt Nam, quê ở huyện Trung Huyện, tỉnh Chợ Lớn, đã gia nhập Việt Minh khi mới 16 tuổi. Ông tập kết ra Bắc năm 1954, với niềm hy vọng cháy bỏng có thể trở lại miền Nam hai năm sau. Chiến tranh đã trì hoãn ước vọng đó suốt nhiều năm dài, nhưng đã không thể cản bước ông. Cha tôi là một trong những người may mắn trong đoàn quân Phương Đông, bao gồm những chiến sĩ quê miền Nam, băng rừng vượt Trường Sơn về Nam trong chuyến đầu tiên nhất, trước cả khi con đường chưa có lối đó được đặt tên Đường mòn Hồ Chí Minh.Tuổi thơ của tôi được định hình bởi những câu chuyện của cha mình, một người lính kiên cường. Tôi lớn lên với những thông tin rời rạc về người Mỹ và nước Mỹ, thường đã lọc qua lăng kính của cuộc xung đột trong quá khứ mà cha tôi là người trực tiếp tham gia, và qua những sách vở hạn chế thời đó. Tuy nhiên, một khi hạt giống tò mò về nước Mỹ được gieo, mong muốn tìm hiểu sự phức tạp của thế giới bên ngoài biên giới Việt Nam đã luôn thôi thúc tôi.Những năm 1980 ở Việt Nam là thời kỳ khó khăn về kinh tế. Tâm lý ngờ vực Việt - Mỹ vẫn còn dai dẳng từ chiến tranh. Các cải cách Đổi mới năm 1986 đã mang lại những tia sáng đầu tiên của sự thay đổi, chậm chạp nhưng chắc chắn. Tháng 7-1995, tuyên bố chính thức của Tổng thống Mỹ Bill Clinton về việc bình thường hóa quan hệ ngoại giao đánh dấu sự kết thúc chính thức nhiều thập kỷ thù địch. Việc mở đại sứ quán tại Hà Nội và Washington D.C. và những cuộc trao đổi ngoại giao công khai đầu tiên thực sự là cột mốc lịch sử cho hai nước. Một năm sau khi Việt - Mỹ bình thường hóa quan hệ, tôi bước chân vào đại học và bắt đầu cảm nhận được rằng quá khứ chiến tranh sẽ không thể mãi quyết định tương lai.Tôi vẫn thầm cảm ơn mẹ mình, học vấn mới hết lớp 4, nhưng đầy hiểu biết, từ nhiều năm trước đã luôn khuyến khích tôi trau dồi tiếng Anh. Nhờ vậy, tôi tiếp cận được nhiều thông tin đa dạng hơn về sự mở cửa của Việt Nam với phương Tây và thế giới bên ngoài. Tôi bắt đầu háo hức tìm hiểu về những cơ hội du học sau đó. Năm 2007, vừa ngạc nhiên vừa háo hức, tôi đã được trao học bổng từ một quỹ học bổng có trụ sở tại Mỹ để theo đuổi nghiên cứu nâng cao kéo dài hai năm tại Trung Quốc. Hành động hào phóng này, được tài trợ bởi những cá nhân từ một quốc gia mà cha tôi từng trực tiếp chiến đấu chống lại, mang ý nghĩa biểu tượng sâu sắc với cá nhân tôi. Sau này mỗi khi có cơ hội, tôi đều đã đóng góp phần nhỏ của mình cho quỹ học bổng đó.Ba năm sau, năm 2010, một cơ hội lớn khác lại xuất hiện. Tôi được trao học bổng Harvard-Yenching Institute danh giá để theo đuổi chương trình học tại Mỹ. Với con trai một người lính từng đối mặt với hỏa lực của Mỹ trong chiến khu Việt Nam, đây là cơ hội không ngờ tới. Những tình bạn mà tôi đã vun đắp, kiến thức mà tôi có được sau đó đã định hình nên hiểu biết của tôi. Không chỉ học tập, tôi còn trực tiếp trải nghiệm những sắc thái của văn hóa và xã hội ở Mỹ, để từ từ trưởng thành hơn, để nhìn nhận rộng hơn về quan hệ song phương, vượt khỏi ranh giới những câu chuyện lịch sử ngày xưa.Khi còn học ở Mỹ, tôi thường nghĩ về cha mẹ tôi và thế giới mà họ biết. Đó cũng là lời nhắc nhở mạnh mẽ về việc đã có bao nhiêu thay đổi, về cách dòng chảy lịch sử có thể thay đổi theo những cách không ngờ tới ra sao.Trở lại Đại học Quốc gia TP.HCM năm 2016, tôi đã dành sự nghiệp cho nghiên cứu và giảng dạy quan hệ quốc tế, đặc biệt tập trung vào mối quan hệ tam giác Mỹ - Việt Nam - Trung Quốc. Sau đó vài năm, tôi chuyển sang giảng dạy tại Đại học Fulbright Việt Nam, một biểu tượng về hợp tác giáo dục đại học giữa hai nước. Ngôi trường mới được thành lập vào năm 2016 với sứ mệnh ươm dưỡng và truyền cảm hứng cho thế hệ trẻ Việt Nam với xuất thân đa dạng nhằm phụng sự xã hội và đóng góp cho một thế giới tốt đẹp hơn. Sinh viên của tôi giờ đã bắt đầu tỏa đi khắp nơi trên đất nước Việt Nam và thế giới, đại diện cho thế hệ trẻ Việt Nam tài giỏi, năng động và ham hiểu biết.Ngoài công việc chính, thỉnh thoảng vào các sáng thứ bảy, tôi còn có các bài giảng về kinh tế chính trị Việt Nam đương đại cho các đoàn du khách Mỹ tham quan Việt Nam của chương trình Road Scholar. Cấu trúc của chương trình là nhằm cung cấp cho người Mỹ lớn tuổi cơ hội để tìm hiểu về lịch sử, văn hóa của Việt Nam và hành trình chuyển đổi của đất nước sau chiến tranh một cách có hệ thống qua một chuyên gia địa phương, vượt ra ngoài những trải nghiệm du lịch thông thường.Tôi biến lớp học thành không gian cho đối thoại và tìm hiểu kết nối. Tôi cố gắng khắc họa bức tranh về những khó khăn Việt Nam phải chịu đựng trong những thập kỷ sau chiến tranh, những thách thức trước Đổi mới và những bước tiến đáng kể mà Việt Nam đã đạt được trong quá trình hội nhập. Tôi cũng chia sẻ hành trình cá nhân, những câu chuyện về gia đình mình và trải nghiệm tại Mỹ, điều luôn được cử tọa của tôi thích thú lắng nghe.Sáu năm qua, tôi đã có cơ hội gặp hàng ngàn cá nhân từ mọi tầng lớp xã hội trong lòng nước Mỹ, nhiều người mong muốn thực sự tìm hiểu Việt Nam ngoài hình ảnh khắc nghiệt của cuộc chiến. Cũng rất nhiều người tới tìm hiểu về cơ hội làm ăn kinh doanh ở một đất nước năng động và phát triển nhanh, gồm cả những vị giáo sư đại học, thẩm phán, doanh nhân và nhiều vị đức cao vọng trọng của xã hội Mỹ.Sự phát triển quan hệ Việt - Mỹ trong 50 năm qua có lẽ là một trong những sự chuyển đổi đáng chú ý nhất của lịch sử ngoại giao hiện đại. Đó cũng là lời nhắc nhở mạnh mẽ rằng những kết nối đích thực giữa con người bình thường có thể vượt qua chia rẽ chính trị. Tôi vui mừng và hào hứng được đóng góp phần nhỏ nhoi của mình trong đó.■ Điểm lại những bước tiến trong hợp tác quốc phòng an ninh song phương, trang web của Bộ Quốc phòng Mỹ ngày 10-10-2024 dẫn lời phó trợ lý bộ trưởng quốc phòng phụ trách an ninh Ấn Độ - Thái Bình Dương Jedidiah P. Royal khẳng định các hoạt động chung đã được mở rộng vì "lợi ích an ninh của cả hai bên".Cụ thể, ngày 9-9-2023, tổng thống Mỹ lúc đó Joe Biden đã thăm Hà Nội, và hai nước nâng cấp quan hệ lên đối tác chiến lược toàn diện, nhấn mạnh hợp tác sâu rộng trong hàng loạt lĩnh vực ngoại giao, kinh tế và quốc phòng. Đúng một năm sau, ngày 9-9-2024, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd J. Austin III xác nhận lại cam kết tăng cường quan hệ với Việt Nam khi tiếp Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam Phan Văn Giang ở Lầu năm góc. Ông Austin nói Mỹ vẫn tập trung vào vượt qua di sản của cuộc chiến khi hai nước tiếp tục nỗ lực nâng cấp quan hệ lên tầm cao mới.Một vấn đề then chốt trong hợp tác là xử lý hậu quả chiến tranh, bao gồm tìm hài cốt binh sĩ mất tích, cả phía Mỹ và Việt Nam, dọn dẹp chất độc da cam và bom mìn chưa nổ. Ông Royal cho biết khoảng 700.000 thiết bị bom mìn chưa nổ đã được dọn dẹp nhờ hợp tác giữa hai bên. Việt Nam đã giúp xác định thi thể 700 người Mỹ chết trong chiến tranh và đưa hài cốt về lại cho gia đình. "Những hoạt động này giúp xây dựng lòng tin giữa hai nước", ông Royal nói. Trong tương lai, nỗ lực sẽ nhắm vào tăng cường cơ sở công nghiệp quốc phòng, nâng tầm nhận thức về hàng hải và năng lực phòng thủ cho Việt Nam, theo ông Royal.Năm 2024, Việt Nam cũng đã đón tàu mang cờ của hạm đội 7 Mỹ USS Blue Ridge và tàu tuần duyên Waesche ở cảng Cam Ranh vào tháng 7, đồng thời đứng ra làm chủ nhà sứ mệnh đa phương Đối tác Thái Bình Dương và diễn tập cứu trợ nhân đạo Thiên thần Thái Bình Dương vào tháng 8. Trở lại Bạn đang đọc trong chuyên đề "50 năm thống nhất đất nước Tiếp theo Tags: Chiến tranhQuan hệ Việt - MỹHợp tácLịch sử ngoại giao hiện đạiĐối tác chiến lược toàn diện
Bộ Nội vụ nêu lý do bỏ thị xã, thành phố trực thuộc cấp tỉnh THÀNH CHUNG 28/04/2025 Theo ông Phan Trung Tuấn, Bộ Chính trị 3 lần xem xét, cho ý kiến về đề án này, cân nhắc rất kỹ vì sao không giữ lại tên thị xã, thành phố thuộc tỉnh.
Hạt gạo làng ta vươn ra thế giới HOÀNG TRỌNG THỦY 28/04/2025 Trong 50 năm qua, hạt thóc Việt đã 'cựa mình - thức dậy - vươn xa' cho giảm nghèo, no đủ, làm giàu, và lột lớp vỏ của mình để trở thành hạt gạo - hạt vàng vươn ra thế giới, tiếp tục viết nên những câu chuyện kỳ tích của mình.
Tối nay, tổng duyệt trình diễn 10.500 drone trên sông Sài Gòn, người dân đứng đâu xem rõ nhất? THẢO LÊ 28/04/2025 Vào lúc 20h30 đến 20h45 tối nay (28-4), TP.HCM sẽ tổng duyệt trình diễn 10.500 drone và trình diễn chính thức vào 20h30 đến 20h45 ngày 1-5.
Chiêm bái xá lợi trái tim Bồ tát Thích Quảng Đức tại Việt Nam Quốc Tự từ chiều 3-5 HOÀI PHƯƠNG 28/04/2025 Xá lợi trái tim Bồ tát Thích Quảng Đức là bảo vật thiêng liêng, được Giáo hội Phật giáo Việt Nam tiếp nhận, cung thỉnh và tôn trí tại một địa điểm duy nhất là Việt Nam Quốc Tự (TP.HCM).