Bên tượng đài Hồ Chí Minh ở Matxcơva

NGUYÊN CHI 24/05/2011 09:05 GMT+7

TTCT - Nằm ở nơi giao nhau giữa phố Dmitri Ulianov (mang tên em trai V. I. Lênin) và phố “Sáu mươi năm Cách mạng Tháng Mười”, quảng trường Hồ Chí Minh sáng bừng trong nắng tháng 5, khi mùa xuân Nga đang thời điểm rực rỡ nhất.

Trời ấm, nắng vàng tươi trên những bông hoa bồ công anh, trên những rặng cây xanh mướt lá mới quanh tượng đài Hồ Chí Minh.

Phóng to
Tượng đài Hồ Chí Minh ở Matxcơva - Ảnh: Trần Quang Vinh

Những người dân Nga thường đến đây, ngồi nghỉ trên bậc đá hoa cương trước tượng đài, ngắm phong cảnh đẹp và yên tĩnh xung quanh. Nhiều năm rồi, tiến sĩ Nguyễn Đình Hoàng thuê người chăm sóc tượng đài Bác Hồ, thầm lặng coi đó là trách nhiệm của một người con xứ Nghệ.

Những đôi uyên ương người Việt đến đây chụp ảnh trong ngày cưới của mình ít người biết về tấm lòng hiếu thảo ấy của người đồng hương khiêm tốn. Nhưng khi tạo dáng bên cây bạch dương trước tượng Bác Hồ, nhiều cô dâu chú rể biết về sự tích của nó. Cây bạch dương do một người con dâu của Việt Nam cùng chồng mang từ ngoại ô đến trồng cách đây nhiều năm. Nay thì người phụ nữ Nga ấy đã thành người thiên cổ, nhưng cây bạch dương vẫn mỗi năm một cao lớn, tỏa bóng xanh tươi bên lối đi trước tượng Bác Hồ.

Tấm bảng đá gắn trên tường ngôi nhà phố Dmitri Ulianov ở ngã tư, lối xuống ga tàu điện ngầm Akademicheskaya cho thấy quảng trường này được mang tên vị lãnh tụ Việt Nam từ năm 1969. Từ trung tâm thành phố, bạn có thể lái xe theo đại lộ Lênin, qua quảng trường Gagarin, vòng sang phố “Sáu mươi năm Cách mạng Tháng Mười”, đi thêm mấy kilômet là thấy tượng đài Hồ Chí Minh sừng sững phía bên trái.

Tượng đài Hồ Chí Minh đặt trong quảng trường là tác phẩm của nhà tạc tượng Vladimir Efimovich Tsigal (sinh năm 1917), nghệ sĩ nhân dân, viện sĩ Viện hàn lâm Mỹ thuật Liên Xô, tác giả của hơn 40 nhóm tượng đài nổi tiếng. Không chỉ công phu sưu tầm, nghiên cứu tài liệu, tiểu sử Hồ Chủ tịch, trước khi bắt tay thiết kế bức tượng của Người, trong một chuyến đi thăm Việt Nam, ông đã đến nhiều nơi để tìm hiểu tính cách vị lãnh tụ xuất chúng của nhân dân Việt Nam và thể hiện tính cách ấy trong tác phẩm của mình.

Nếu đã quen ngắm những bức tượng danh nhân với dáng đứng uy nghi, du khách đến đây sẽ có ấn tượng hoàn toàn mới trước sự độc đáo và giản dị của tượng đài Hồ Chủ tịch. Phần chủ yếu của tổ hợp tượng đài là bức phù điêu hình mặt trời bằng đồng đỏ nay đã ngả màu, trên đó chạm nổi chân dung Bác Hồ đang tươi cười, với vầng trán cao và chòm râu nổi tiếng. Bên dưới là tượng một người thanh niên gân guốc, khỏe mạnh ở tư thế gồng mình đứng dậy, tượng trưng cho đất nước Việt Nam hùng mạnh đang vươn tới tương lai.

Nổi bật dưới chân nhóm tượng là câu “Không có gì quý hơn độc lập, tự do” bằng tiếng Nga khảm trên nền đá hoa cương. Mặt sau của tượng đài có hình đắp nổi hai cây tre, loài cây cứng cỏi gợi nhớ đến tính cách ngoan cường của dân tộc Việt Nam chưa bao giờ khuất phục kẻ thù.

Tượng đài được khánh thành ngày 19-5-1990, nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Không chỉ rất nhiều người Việt Nam đã đến đây, những người dân Nga cũng đến đây mỗi ngày, dạo chơi, trò chuyện và rắc bánh mì cho những đàn chim bồ câu dưới chân tượng đài, trong đó có rất nhiều em nhỏ.

Đại sứ Việt Nam tại Liên bang Nga Bùi Đình Dĩnh kể một lần, sau khi tham gia lễ dâng hoa trước tượng đài Hồ Chí Minh, một số học sinh thủ đô Nga đã mời ông đến thăm trường học của các em. Khi đến đó, ông rất bất ngờ và xúc động khi biết các em đã tự sưu tập, lập một phòng bảo tàng nhỏ về Việt Nam, về Hồ Chí Minh - người có nụ cười hiền từ và vầng trán rộng mà các em dường như đã quen thuộc qua hình ảnh trên bức phù điêu các em nhìn thấy mỗi ngày khi đi học qua quảng trường này.

Năm 1978, chính quyền TP Leningrad đặt tên cho một đường phố là phố Hồ Chí Minh nhằm vinh danh vị lãnh tụ Việt Nam.

Ngày 19-5-2010, một bức tượng Hồ Chí Minh được khánh thành trong khuôn viên khoa ngữ văn Trường đại học Tổng hợp Saint Petersburg. Trong dịp này, Viện Hồ Chí Minh được thành lập do tiến sĩ khoa học lịch sử Vladimir Kolotov, nhà Việt Nam học, chủ nhiệm bộ môn lịch sử các nước Viễn Đông thuộc Đại học Tổng hợp Saint Petersburg, làm giám đốc.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận