TTCT - Chiến tranh Nga - Ukraine, dù có tới hồi kết hay chưa, vẫn kịp tạo ra một chuỗi phản ứng nơi các nước châu Âu, trong đó có việc tăng cường binh bị. Trường hợp Đức trong NATO là một điển hình. Binh sĩ và khí tài Đức tham gia cuộc tập trận Quadriga 2024 ở Pabrade, Lithuania, tháng 5-2024. Ảnh: ReutersTrang tin Deutschland.de của Đức hôm 10-7 chạy tít hiếm thấy, ca ngợi ngành công nghiệp quốc phòng của nước này: "Một ngành công nghiệp chiến lược có tương lai: Xe tăng, máy bay không người lái và công nghệ cao: Ngành công nghiệp vũ khí của Đức đang phát triển nhanh chóng và là trọng tâm trong lợi ích an ninh của châu Âu". Tự hào là có cơ sở khi mà nhờ đổi mới sáng tạo, ngành công nghiệp vũ khí Đức nay không chỉ đóng góp quan trọng vào việc trang bị cho quân đội nước mình, mà còn cho cả các đồng minh, gồm toàn bộ liên minh NATO, khi nhiều tín hiệu bất ổn liên tục phát đi từ trụ cột của liên minh Hoa Kỳ suốt 6 tháng qua.Làm chủ đổi mới sáng tạoDeutschland.de nhấn mạnh năng lực sáng tạo đổi mới của công nghiệp vũ khí của Đức. Gần nhất là vào tháng 9-2024, Atlantik-Bruecke, một tổ chức phi lợi nhuận Mỹ - Đức ra đời từ năm 1949 trong cuộc chiến tranh lạnh, đã công bố báo cáo độc quyền tại Diễn đàn Địa kinh tế xuyên Đại Tây Dương 2024 tựa đề "Công nghệ quốc phòng và đổi mới sáng tạo tại Đức". Báo cáo nhận định tổng quát: "Đổi mới công nghệ quốc phòng là nền tảng của an ninh quốc gia và ưu thế quân sự".Hệ thống tên lửa Patriot của Đức. Ảnh: DWBáo cáo nêu rõ nhu cầu đổi mới nay càng bức bách do các công nghệ mới xuất hiện ngày càng nhiều, ngày càng tiên tiến, làm thay đổi bản chất của chiến tranh, thay đổi các hình thái chiến lược. Các phương pháp chiến tranh thông thường ngày càng được bổ sung bởi chiến tranh mạng, hệ thống không người lái và trí tuệ nhân tạo (AI). Yêu cầu đặt ra cho mọi quốc gia, bất kể thể chế và quy mô là ứng dụng AI, máy học, hệ thống tự động, phối hợp không người lái, module đèn laser (LLM), không gian phản ứng thực tế ảo (VR), thực tế tăng cường (AR) và thực tế mở rộng (XR) vào hoạt động quân sự.Việc quân đội Đức áp dụng các công nghệ này là rất quan trọng để nâng cao khả năng ra quyết định, cải thiện năng lực đánh giá tình huống và tăng hiệu quả hoạt động. Ví dụ, AI và máy học đã cách mạng hóa việc phân tích dữ liệu, cho phép xử lý khối lượng thông tin khổng lồ theo thời gian thực để hỗ trợ quyết định chiến thuật và chiến lược. Các hệ thống tự động, như máy bay không người lái (drone) và robot mặt đất, giúp tăng cường khả năng trinh sát, giám sát và hỗ trợ hậu cần, giảm thiểu rủi ro cho nhân sự và tăng phạm vi hoạt động, như đã thấy ở Ukraine.Không gian chiến trường Ukraine là nơi sử dụng drone nhiều nhất trong lịch sử xung đột quân sự thế giới tính tới nay, đánh dấu thay đổi về chiến thuật và công nghệ chiến tranh chưa từng có. Việc Ukraine mất khoảng 10.000 drone mỗi tháng cho thấy các thiết bị này được triển khai sâu rộng tới mức nào. Để nắm bắt trong thời gian thực các diễn tiến sáng tạo đổi mới, quân đội Đức đã thành lập những trung tâm đổi mới quốc phòng để phối hợp hợp tác giữa quân đội, giới nghiên cứu và ngành công nghiệp quân sự. Các trung tâm này đóng vai trò then chốt trong thúc đẩy văn hóa đổi mới và đảm bảo công nghệ tiên tiến được tích hợp liền mạch vào ứng dụng quân sự.Báo cáo của Atlantik-Bruecke nêu ra một cái bẫy truyền thông. Trong mắt công chúng và trong các quy trình ra quyết định liên quan đến vũ khí của quân đội Đức, trọng tâm thường là các hệ thống vũ khí lớn, đắt tiền như máy bay chiến đấu, khinh hạm và xe tăng. Do đó, các dự án vũ khí nhỏ hơn, thiếu kinh phí hoặc nhân sự thường bị bỏ qua. Atlantik-Bruecke cảnh cáo rằng những hệ thống nhỏ hơn này lại là tối quan trọng để tích hợp các nguồn lực trinh sát, chỉ huy và kiểm soát, từ đó thiết lập nhận thức tình huống thống nhất.Xe tăng và tàu chiến vẫn được ưu tiên, trong khi các hệ thống nhỏ đồng nhất chỉ chiếm một phần nhỏ trong những thay đổi cần thiết với quân đội Đức. Vấn đề của chiến tranh hiện đại là kết quả cuộc chiến không còn được quyết định bởi một tập hợp vũ khí đơn lẻ, mà nằm ở việc sử dụng phối hợp và hiệu quả tất cả các nguồn lực sẵn có trong một mạng lưới. Xung đột hiện đại cũng thường liên quan đến các tác nhân nhà nước và phi nhà nước sử dụng các chiến thuật phi truyền thống. Ví dụ, các cuộc tấn công mạng có thể làm tê liệt cơ sở hạ tầng quốc gia mà không cần bắn một phát súng nào.Quân đội Đức phải thích ứng với các mối đe dọa lai ghép này bằng cách tích hợp các công nghệ tiên tiến vào khuôn khổ hoạt động. Các chiến trường truyền thống đã được thay thế bằng các khung cảnh kỹ thuật số, trong đó chiến tranh mạng, chiến tranh điện tử và các hoạt động thông tin đóng vai trò then chốt. Việc thành lập Dịch vụ Thông tin miền và mạng (CIR) vào năm 2017 với tư cách một nhánh quân sự mới thuộc quân đội Đức nhấn mạnh sự thay đổi này, khi yêu cầu bảo vệ các cơ sở hạ tầng quan trọng và tính toàn vẹn trong hoạt động giờ là yếu tố quyết định.Liên kết trong NATOĐức là một quốc gia có bối cảnh lịch sử và địa chính trị phức tạp, nhưng động lực đổi mới trong lực lượng vũ trang nước này chưa bao giờ cấp thiết như bây giờ, Atlantik-Bruecke nhấn mạnh. Thực trạng châu Âu đã và đang trải qua nhiều cuộc khủng hoảng và những biến chuyển này, gồm ngay trong lòng nước Đức, càng làm gia tăng yêu cầu với chính sách đối ngoại và an ninh.Đặt trong yêu cầu đó, Đức đã tăng tốc cải tiến vũ khí nhanh chóng và hiệu quả là nhờ vào liên kết với NATO. Trang NATO Review của NATO nêu rõ trong bài "Chia sẻ gánh nặng: Ba Lan và Đức đang thay đổi cục diện chi tiêu quốc phòng châu Âu như thế nào?" ngày 14-4-2025. Theo đó, từ tháng 6-2022, một quỹ đặc biệt trị giá 100 tỉ euro đã được thiết lập với mục tiêu thay thế thiết bị quân sự lỗi thời nhất của Đức và đáp ứng các nhu cầu cấp thiết nhất mà Bộ Tổng tham mưu Đức đã xác định.Khoản tiền này cũng được dùng để bù đắp cho quân đội Đức thay thế các thiết bị hỗ trợ trên diện rộng cho Ukraine, từ hệ thống phòng không Patriot và IRIS-T tới xe tăng Leopard, mà Đức ước tính chỉ riêng trong năm 2024, viện trợ quân sự cho Kiev đã lên tới 7,1 tỉ euro. Nhờ ngân khoản 100 tỉ euro đó, quân đội Đức đã mua sắm một số hệ thống mới, dựa trên những bài học rút ra từ cuộc xung đột ở Ukraine.Năm 2022, Không quân Đức đặt mua máy bay chiến đấu F-35A và trực thăng CH-47F Chinook từ Mỹ, và hệ thống phòng không Skyranger 30 nội địa do hãng Rheinmetall sản xuất. Năm 2024, quân đội Đức ký tiếp thỏa thuận khung với Rheinmetall đặt mua đạn pháo 155mm trị giá 8,5 tỉ euro. Riêng trong năm 2024, Quốc hội Đức đã phê duyệt 97 hợp đồng mua sắm quốc phòng với tổng giá trị lên tới 45 tỉ euro, theo NATO Review.■ Quá trình sáng tạo và sản xuất vũ khí mới của Đức được định chế hóa rõ ràng trong khuôn khổ châu Âu và NATO. Tháng 3-2024, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen đã công bố Chiến lược công nghiệp quốc phòng châu Âu, trong đó đề xuất chuyển sang "chế độ kinh tế thời chiến" do cuộc chiến của Nga tại Ukraine và những lo ngại về khả năng Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ rút khỏi NATO. Chiến lược này đặt ra một số mục tiêu đầy tham vọng cho năm 2030, bao gồm yêu cầu các quốc gia thành viên EU phân bổ 50% ngân sách mua sắm cho các giao dịch mua hàng của ngành công nghiệp quốc phòng châu Âu.Chương trình cũng khuyến khích sản xuất vũ khí chung, nội khối và tăng cường hợp tác khắp các quốc gia thành viên, cụ thể là tăng tỉ lệ mua sắm thiết bị hợp tác từ 18% lên 40%, nâng thương mại quốc phòng nội khối lên 35%, và tăng cường sự tham gia của Ukraine vào các chương trình quốc phòng EU. Tags: Tổng thống Mỹ Donald TrumpĐứcTái vũ trangChâu ÂuNATO
Tổng Bí thư Tô Lâm dâng hương tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ tại Điện Biên TTXVN 27/07/2025 Tổng Bí thư Tô Lâm dâng hương tưởng niệm anh hùng liệt sĩ ở Đền thờ liệt sĩ tại Chiến trường Điện Biên Phủ và Nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia A1.
Thái Lan nói chưa đồng ý với đề xuất ngừng bắn của ông Trump CÔNG KHẢI 27/07/2025 Chính phủ Thái Lan khẳng định chưa đồng ý với lời kêu gọi ngừng bắn của Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Không bán hết vé số, hai bé bị cô ruột dùng khúc cây 1m đánh tới tấp KHẮC TÂM 27/07/2025 Ôm một cọc vé số, hai bé 9 tuổi và 13 tuổi bị cô ruột dùng khúc cây đánh tới tấp. Hiện công an đã vào cuộc.
Thắng ngoạn mục Thái Lan, cầu mây nữ Việt Nam vô địch thế giới HUY ĐĂNG 27/07/2025 Các cô gái tuyển cầu mây nữ Việt Nam đã lập nên kỳ tích khi ngược dòng đánh bại Thái Lan 2-1 ở trận chung kết nội dung 4 người, vô địch thế giới.