Cần hiểu đúng bản chất tội phạm

QUỐC VIỆT 12/09/2004 01:09 GMT+7

TTCN - Quan điểm của các nhà hành pháp và tư pháp đều đồng tình: cốt lõi của phòng chống tội phạm là ngăn ngừa, chứkhông phải lả để xảy ra rồi mới xử lý. Nhưng ngăn ngừa như thế nào? trao đổi với TT, luật sư Trương Thị Hòa nói:

Để ngăn ngừa hành vi phạm tội:

Phóng to
Án tử hình dành cho Năm Cam
TTCN - Quan điểm của các nhà hành pháp và tư pháp đều đồng tình: cốt lõi của phòng chống tội phạm là ngăn ngừa, chứkhông phải lả để xảy ra rồi mới xử lý. Nhưng ngăn ngừa như thế nào? trao đổi với TT, luật sư Trương Thị Hòa nói:

- Tình hình tội phạm đang có chiều hướng gia tăng và ngày càng phức tạp hơn. Nó lan tỏa trên bề rộng xã hội ở mọi tầng lớp người, ở mọi khu vực, kể cả những vùng sâu, vùng xa vốn rất bình yên. Nhiều loại tội phạm mới cũng xuất hiện. Đặc biệt là nó đang được “trẻ hóa” trong bộ phận thanh thiếu niên.

Tiến sĩ luật khoa Nguyễn Mạnh Bách:

Án phạt trong hình luật có mục đích làm cho tội phạm không dám tái phạm và răn đe người khác. Tuy nhiên, theo tôi, việc ban hành hình luật nghiêm khắc, nặng nề, có nhiều án tử hình như hiện nay chưa chắc đã đủ đem lại hiệu quả ngăn ngừa, phòng chống tội phạm như mong muốn. Thực tế tội phạm là hiện tượng xã hội và bắt nguồn từ xã hội, nên phải giải quyết trên các cơ sở xã hội và có tầm chính sách chứ không chỉ là biện pháp, trong đó giáo dục là quan trọng nhất. Khi một nền giáo dục chú trọng vào việc giáo dục tình thương, những tình thương cụ thể, dễ hiểu, dễ cảm như yêu thương súc vật, cây cỏ, cha mẹ, ông bà thì chắc chắn xã hội đó sẽ giảm bớt tội phạm. Tôi đã được đọc một số tài liệu giáo dục công dân trong chương trình phổ thông và thấy có quá nhiều vấn đề phải bàn. Những lời giáo điều khẩu hiệu chung chung, sáo rỗng để học sinh học vẹt rồi cuối cùng... chẳng biết yêu thương gì cả!

Ngoài ra, trong một xã hội đang có tình hình tội phạm diễn biến phức tạp thì cũng nên nhận thức cụ thể và đầy đủ hơn về tội phạm. Khi tội phạm được nhận diện ở khía cạnh tội phạm học, các chính sách phòng chống, ngăn ngừa mới toàn diện và hiệu quả hơn.

* Quá nhiều vụ trọng án đã xảy ra như chồng giết vợ, con giết cha, anh em, bạn bè giết nhau. Gần đây nhất là vụ Lê Thanh Vân giết người hàng loạt đến khó tin. Bà đánh giá như thế nào về đặc điểm tội phạm hiện nay?

- Đó là những vụ án phi nhân tính đến mức khó tin là có thật, và điều đáng ngại là nó đang lan rộng ra xã hội, xuất phát cả từ những con người bình thường vốn dĩ rất hiền lành. Bên cạnh những hành vi phạm tội tự phát, nhiều vụ án đã được thực hiện với thủ đoạn rất tinh vi, phức tạp. Chúng ta không chủ quan nhận xét do đạo đức xã hội xuống cấp, nhưng trước thực trạng này cần phải có sự nhìn nhận lại nghiêm túc mọi góc cạnh của xã hội. Tại sao lại có Lê Thanh Vân? Tại sao lại có người chồng cắt đầu vợ? Tại sao lại có người cha hiếp dâm con? Tại sao lại có vị quan chức cấp cao đi mua dâm trẻ em?...

* Tại sao?

- Tội phạm học liệt kê nhiều nguyên nhân dẫn đến hành vi phạm tội. Nhưng nguyên nhân lớn nhất bắt nguồn từ môi trường xã hội, giáo dục và gia đình. Những đứa trẻ thiếu sự quan tâm của gia đình, hưởng thụ nền giáo dục không chú trọng tính nhân nghĩa, đạo lý, khi lớn lên chúng lại bước ra xã hội đang chuyển biến, có nhiều tệ nạn, chú trọng vật chất, ích kỷ, thiếu tính kỷ luật... Đó đều là những nguyên nhân góp phần dẫn đến tội phạm. Hành vi giết người hàng loạt của Lê Thanh Vân có những nguyên nhân thuộc về bản chất cá nhân hay gia đình, nhưng phải thừa nhận cô ta vẫn là một sản phẩm của xã hội.

* Mục đích cơ bản của luật pháp là răn đe, ngăn ngừa tội phạm. Theo bà, luật pháp VN đã làm được điều này?

Trong sáu tháng đầu năm 2004, cả nước xảy ra 23.488 vụ án hình sự, đã khởi tố 19.882 vụ án hình sự, kinh tế và ma túy với 29.882 bị can. Chỉ riêng các tỉnh phía Nam từ Ninh Thuận trở vào đã xảy ra 217 vụ án giết người. Nhìn chung, số lượng vụ không tăng nhưng tính chất nghiêm trọng và thủ đoạn phạm tội vẫn rất phức tạp, nhất là trong các vụ án cướp của, giết người, hiếp dâm...

- Thời gian qua, luật pháp VN đã được cải thiện rất nhiều. Tuy nhiên, nó vẫn còn một số điểm yếu. Tôi lấy ví dụ con người - những thẩm phán. Cùng loại, mức độ tội phạm nhưng nơi xử thế này, nơi xử thế kia. Khi mà khoảng cách áp dụng luật ở các nơi, ở các vị thẩm phán ấy vẫn còn chênh nhau quá xa thì đó cũng là nguyên nhân để người dân sinh ra coi thường luật pháp.

* Theo quan điểm của cá nhân bà, ngay bây giờ nên làm gì để ngăn ngừa việc phạm tội?

- Phải nhìn nhận các ngành hành pháp (như cảnh sát) có rất nhiều nỗ lực phòng chống tội phạm, đặc biệt là trong điều kiện khó khăn, thiếu thốn. Tuy nhiên, họ vẫn chưa thể phát huy tối đa hiệu quả để tình hình tội phạm giảm bớt như mong muốn, vì còn thiếu nhiều biện pháp đồng bộ mà đặc biệt là các biện pháp có tính khoa học, chiến lược dài hơi.

Theo tôi, chúng ta cần thiết phải xem xét thành lập ngay một cơ quan chuyên nghiên cứu, dự báo tội phạm. Nhiều nước trên thế giới rất chú trọng công việc này. Ngoài cơ quan của chính phủ, còn có các cơ quan tư nhân nghiên cứu phục vụ chính phủ. Thực tế các nguyên nhân, hành vi, con người phạm tội rất phức tạp. Chẳng hạn khi đô thị hóa lan tỏa và xuất hiện tầng lớp thị dân mới thì sẽ xuất hiện những tội phạm gì? Rồi phụ nữ hay phạm tội gì? Nam giới hay phạm tội gì? Các dịp tết lễ sẽ xuất hiện loại tội phạm gì? Tâm lý con người sau chiến tranh, tâm lý con người trong thời phát triển kinh tế, tâm lý con người trong thời bùng nổ truyền thông?...

Các cơ quan đó phải trả lời tất cả câu hỏi này, thường xuyên đưa ra những dự báo khoa học cụ thể để trình chính phủ giải pháp. Tôi cho rằng nếu thiếu cơ quan này thì công việc ngăn ngừa, phòng chống tội phạm của chúng ta không thể hiệu quả được.

Một số vụ giết người không rõ động cơ

- Ngày 27-4-2004, Đặng Văn Tiến (sinh năm 1976, ở huyện Tây Sơn, Bình Định) đã cầm dao ra ruộng cắt đầu vợ tên Đặng Thị Nguyệt, rồi tiếp tục đâm chết mẹ vợ, sau đó uống thuốc trừ sâu tự sát (nhưng không chết).

- Ngày 10-5-2004, do cãi cọ với vợ, Phạm Trung Thành (31 tuổi, quê Hải Dương) đã dùng dao đâm chết hàng xóm là Nguyễn Văn Tư (sang can ngăn) rồi tiếp tục đâm chết hai vợ chồng người hàng xóm khác ở gần đó. Khi công an đến, Thành đóng cửa, tự đâm dao vào ngực tự sát nhưng không chết.

- Ngày 19-7-2004, Lê Huy Hoàng (sinh năm 1979, ở quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) chở hai cô gái bằng ôtô đi chơi. Đến ngã tư Hàng Xanh (TP.HCM) thì Hoàng đụng phải một người, nhưng không dừng lại mà rồ ga cán qua làm nạn nhân chết tại chỗ. Sau đó Hoàng cùng cô gái tên Trần Phương Nam tiếp tục bỏ chạy ra Bình Thuận. Tại đây, Hoàng siết cổ giết chết cô gái ngay trên xe của mình.

- Ngày 2-8-2004, Nguyễn Văn Hưng (sinh năm 1964, ở thị trấn Vĩnh Hưng, huyện Vĩnh Hưng, Long An) đã dùng mác chém chết vợ là chị Nhũ Thị Bông và chém chết luôn hai con ruột mới 11 và 14 tuổi, rồi đóng cửa đốt nhà tự sát.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận