Bình thản như người Nhật

HUY ĐĂNG 12/05/2025 09:14 GMT+7

TTCT - Phép màu đã không đến với bóng đá Nhật ở trận chung kết AFC Champions League, khi Kawasaki Frontale bại trận trước Al Ahli của Saudi Arabia, một đối thủ có trị giá đội hình gấp 10 lần họ.

Nhưng danh hiệu không phải là tất cả với nền bóng đá châu Á mạnh nhất, khi mục tiêu của Nhật Bản cao xa hơn nhiều.

Tiền bạc gấp 10, thành tích tương đương

Một tuần trước, Kawasaki làm nên cơn địa chấn khi quật ngã Al Nassr của Cristiano Ronaldo với tỉ số 3-2 ở vòng bán kết. Nếu căn cứ vào giá trị đội hình, chiến tích đó gần tương tự việc Club Brugge đánh bại Real Madrid ở bán kết Champions League. 

Thật vậy, Transfermarkt định giá dàn cầu thủ của Kawasaki vỏn vẹn chỉ 15 triệu euro, đứng hạng 14/24 đội bóng dự giải. Trong khi đó, con số tương ứng của Al Nassr là 175 triệu euro, gấp 12 lần, và đứng hạng 2 ở giải.

bóng đá  AFC  - Ảnh 1.

Al Nassr với Ronaldo không thể vượt qua Kawasaki để vào chung kết AFC Champions League. Ảnh: REUTERS

Đội thắng Kawasaki trong trận chung kết là Al Ahli, một đại diện khác của Saudi Arabia giàu có, với tổng giá trị đội hình 170 triệu euro, cũng không khác là bao so với Al Nassr. 

Khoảng cách đội hình giữa đội bóng Nhật Bản và các đại gia Saudi Arabia còn lớn hơn thế nếu chúng ta nhìn vào các ngôi sao. Al Nassr có Ronaldo, Mane, Laporte, Brozovic…, còn Al Ahli có Firmino, Toney, Kessie… Đó là những ngôi sao mà chỉ riêng mức lương của họ đã hơn nhiều lần so với tổng giá trị toàn bộ các cầu thủ Kawasaki.

Bất ngờ đã không tiếp tục. Sau khi thắng oai hùng Al Nassr, Kawasaki đã thua Al Ahli.

Nhưng xét tính ổn định, đây là mùa giải thứ 3 liên tiếp có một đại diện Nhật Bản lọt vào chung kết AFC Champions League. Xa hơn nữa, trong 7 mùa giải gần nhất, các CLB J-League đã lọt vào chung kết đến 6 lần và vô địch 3 lần. 

Cả những cái tên cũng đa dạng, từ Urawa Red Diamonds đến Yokohama Marinos, Kashima Antlers, và giờ là Kawasaki Frontale. Thực lực của họ cũng chẳng chênh lệch nhau là bao, như Yokohama có giá trị đội hình 17 triệu euro, nhỉnh hơn một chút so với Kawasaki.

Giai đoạn duy nhất bóng đá Nhật Bản lép vế ở đấu trường CLB là khoảng thời gian 2010-2016, khi Trung Quốc tạo nên làn sóng sao ngoại ồ ạt. Các siêu sao đẳng cấp thế giới giúp Quảng Châu Hằng Đại giành 2 chức vô địch vào các năm 2013 và 2015. 

Đối trọng của các CLB Trung Quốc thời điểm đó là các đại diện đến từ UAE, Qatar và Saudi Arabia, đều đã nổi tiếng về việc vung tiền mua cầu thủ Brazil từ một thập niên trước.

Nhưng khi bong bóng China Super League vỡ, bóng đá Trung Quốc cũng chìm sâu. Mặt khác, trong những năm đó, Trung Quốc cũng chỉ mạnh ở cấp độ CLB nhờ các siêu sao ngoại quốc, còn chất lượng cầu thủ bản địa gần như không đổi. 

Đến khi các CLB của China Super League không còn được hậu thuẫn mạnh mẽ về tiền bạc nữa, các ngôi sao ngoại quốc lần lượt ra đi, họ cũng tụt dốc không phanh.

Điều tương tự đang đe dọa Saudi Arabia, nền bóng đá có thâm niên đổ tiền ồ ạt dài hơi hơn và dữ dội hơn nhiều lần so với Trung Quốc. Al Ahli giúp Saudi Arabia có chức vô địch AFC Champions League thứ 7 trong lịch sử, nhưng vẫn kém hơn 1 so với Nhật Bản, và kém đến 5 so với Hàn Quốc.

Ở cấp độ quốc gia, bóng đá Nhật Bản và Hàn Quốc vẫn trên tầm Saudi Arabia. Ở cấp độ CLB, cuộc đổ tiền ào ạt của các tỉ phú dầu mỏ cũng chưa thể giúp Saudi Arabia vượt qua 2 nền bóng đá đứng đầu châu lục. 

Thực tế, bóng đá ở cấp độ CLB của Nhật Bản lẫn Hàn Quốc yếu hơn đáng kể so với cấp độ tuyển quốc gia, bởi lẽ các ngôi sao hàng đầu của họ đều đã xuất ngoại sang châu Âu, còn các đại diện J-League, K-League không mấy mặn mà với việc chi tiền mua sao ngoại.

Một lần duy nhất

Đội hình hiện tại của Kawasaki chỉ có 5 ngoại binh ngoài châu Á, bằng một nửa so với các đại diện của Saudi Arabia. Trong số đó, 2 cầu thủ Brazil là Marcinho và Erison sắm vai trò trụ cột. Cả 2 đều chỉ là cầu thủ hạng hai ở Brazil.

Cách người Nhật làm bóng đá vốn hoàn toàn khác xa các quốc gia giàu có vùng Trung Đông. Phải chăng vì các tỉ phú Nhật không mê bóng đá?

Không hẳn. Trong quá khứ, có ít nhất một tỉ phú Nhật từng tham gia cuộc đua tiền bạc của làng bóng đá. Đó là ông Hiroshi Mikitani, ông chủ tập đoàn công nghệ Rakuten. 

Với tài sản vào khoảng 6 tỉ USD, ông có nền tảng làm thể thao lâu dài khi sở hữu CLB Vissel Kobe từ tận năm 1995. Đến năm 2017, Rakuten ký hợp đồng tài trợ áo đấu trị giá 55 triệu euro/năm với Barcelona, một trong những bản hợp đồng lớn nhất làng bóng đá lúc đó.

Sự hợp tác giữa Rakuten và Barca dẫn đến một bản hợp đồng lịch sử của J-League vào năm 2018, khi CLB Vissel Kobe mang về tiền vệ tài hoa Andres Iniesta, và trả mức lương lên đến 50 triệu USD/năm cho anh.

Cũng trong năm đó, họ còn ký hợp đồng với 2 cựu cầu thủ khác của Barca là David Villa và Sergi Samper. Trong 2 năm tiếp theo, Vissel Kobe tiếp tục trào lưu cựu cầu thủ Barca, với Vermaelen rồi Krkic.

Nhưng đến mùa hè 2022, hợp đồng giữa Rakuten và Barca hết hạn, chủ tịch Mikitani cũng quyết định chấm dứt luôn chính sách ngoại binh đắt giá. Iniesta trở thành siêu sao cuối cùng rời khỏi J-League vào năm 2023, và 2 năm qua, người hâm mộ Nhật Bản trở lại với nhịp sống bình thản của J-League 1.

Ông Kozo Tashima, chủ tịch Liên đoàn Bóng đá Nhật Bản (JFA) giai đoạn 2016-2024, lý giải: "Chúng tôi không sao chép mô hình của ai cả. Nhật Bản phát triển bóng đá dựa trên văn hóa và nền tảng thể thao học đường. Chúng tôi muốn phát triển bóng đá thông qua các trường trung học, đại học". 

Còn ông Saburo Kawabuchi, người sáng lập J-League, nói: "Vì sao Nhật Bản không ồ ạt đổ tiền cho bóng đá ư? Vì chúng tôi muốn phát triển một nền bóng đá hùng mạnh, chứ không chỉ là những CLB hùng mạnh".

Cú áp phe của Rakuten với Barca gần như là lần duy nhất Nhật Bản đổ tiền lớn vào bóng đá. Và rồi khi Rakuten chấm dứt hợp đồng, các chuyên gia tài chính của Nhật Bản đã phân tích rằng thượng tầng tập đoàn công nghệ này tin rằng đây là một vụ đầu tư không hiệu quả. 

Quả thực, dù có Iniesta và Villa hay không, bóng đá Nhật vẫn tạo ra một thương hiệu riêng biệt trong làng bóng đá - ở tầm cỡ thế giới chứ không còn là châu lục nữa. Trong khi đó, Al Nassr - đội bóng bỏ ra gần 1 tỉ euro trong 2 năm qua - vẫn chưa thể chơi ở trận chung kết AFC Champions League nào.■

Nói không với "tẩy trắng thể thao"

Tẩy trắng thể thao là thuật ngữ dùng để chỉ việc một số quốc gia hoặc tập đoàn, cá nhân sử dụng thể thao để "tẩy trắng" các vấn nạn tiêu cực. Nhật Bản là một trong những quốc gia hiếm hoi chưa từng bị chỉ trích về chuyện này. Một nghiên cứu đăng trên chuyên san International Review for the Sociology of Sport đã phân tích xuyên suốt lịch sử các sự kiện thể thao được tổ chức ở Nhật Bản, và đánh giá rất cao cách người Nhật tập trung xây dựng hình ảnh tích cực thông qua thể thao, thay vì dùng thể thao để che mờ đi những điều gì khác.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận