Chuyện không có hồi kết

THÚY HẰNG 26/08/2008 18:08 GMT+7

TTCT - Bộ phim Mùi hương: câu chuyện của một kẻ giết người (Perfume: The story of a murderer) là một bộ phim được chuyển thể thành công từ một cuốn tiểu thuyết, điều mà người ta cho là không thể dựng thành phim vào năm 2006. Các nhà phê bình đã phải nhìn nhận lại quá trình chuyển thể một tác phẩm văn học sang tác phẩm điện ảnh.

Phóng to
Cuốn theo chiều gió thành công khi là tiểu thuyết cũng như khi dựng thành phim
TTCT - Bộ phim Mùi hương: câu chuyện của một kẻ giết người (Perfume: The story of a murderer) là một bộ phim được chuyển thể thành công từ một cuốn tiểu thuyết, điều mà người ta cho là không thể dựng thành phim vào năm 2006. Các nhà phê bình đã phải nhìn nhận lại quá trình chuyển thể một tác phẩm văn học sang tác phẩm điện ảnh.

Phần lớn các bộ phim ngày nay đều dựa trên các nguồn sách văn học. Tuy nhiên, khó khăn nhất là làm sao có thể “nhồi nhét” hết những tư tưởng mà nó muốn chuyển tải qua phim trong thời đại mà dường như sự quan tâm dành cho sách đang bị mai một.

Nghịch lý

Có một câu nói vui ở Hollywood là: “Những cuốn sách hay tạo ra những bộ phim dở, và những cuốn sách vô thưởng vô phạt lại làm nên những bộ phim hay”.

Nhà báo Mark Brown của tờ The Guardian cho rằng ai đã xem một phiên bản nào của bộ phim Anna Karenina (dựa trên tác phẩm cùng tên của văn hào Nga Lev Tolstoi) đều có thể nhận ra rằng một cuốn sách vĩ đại chưa hẳn làm nên một bộ phim hay, trong khi bộ phim kinh điển Bố già (The Godfather) lại không hẳn là cuốn tiểu thuyết xuất sắc nhất của Mario Puzo.

Phóng to
Phim Atonement dựa trên nền cuốn tiểu thuyết ăn khách của nhà văn Ian McEwan
Một số kiệt tác văn học thế giới như Những người khốn khổ (Les misérables) của Victor Hugo, Tình yêu thời thổ tả (Love in the time of cholera) của Garcia Marquez khi được dựng thành phim đã không tạo được tiếng vang.

Một bộ phim dựng từ sách có thể tạo nên chuẩn mực như Kiêu hãnh và định kiến (Pride and prejudice) của Jane Austen dù rằng nó là một tiểu thuyết hay, nhưng tên tuổi của nhà văn chỉ được biết đến nhiều sau khi tác phẩm được dựng thành phim. “Tôi chắc là phần lớn khán giả xem qua phim này đều chưa đọc cuốn tiểu thuyết” - nhà viết kịch Christopher Hampton nói với tờ The Guardian.

Tuy nhiên, có rất nhiều ngoại lệ của “sách hay - phim hay” như Cuốn theo chiều gió (Gone with the wind), Bay qua tổ chim cúc cu (One flew over the cuckoo's nest), Bác sĩ Zhivago (Doctor Zhivago)...

Những giới hạn

Phóng to
Tình yêu thời thổ tả dựng từ tiểu thuyết nổi tiếng của Garcia Marquez
Phim Bố già là một ví dụ điển hình cho tính trung thành với nguyên tác, khi các nhà làm phim đã dàn dựng lại khá tuân thủ các chi tiết truyện. Người ta kể lại rằng đạo diễn Francis Ford Coppola đã xé các trang sách của cuốn tiểu thuyết và dán chúng lên những tấm bìa

cactông lớn để làm thành một cuốn “sách kinh” Bố già và ông mang theo nó vào mỗi cảnh quay. Những chi tiết về mỗi cảnh quay đều được ông ghi chú lên khắp các trang sách đó, và bộ phim được đánh giá là thành công trong việc chuyển tải trọn vẹn những chi tiết cần thiết của cuốn tiểu thuyết.

Bỏ qua những yếu tố cơ bản như độ dài, lời tường thuật và độc thoại nội tâm, câu hỏi được đặt ra là: một cuốn sách nên được thay đổi đến mức độ nào khi dựng thành phim, liệu một cuốn sách có thể được trực tiếp chuyển thể lên màn ảnh với mức độ trung thành tuyệt đối với nguyên bản, đâu là ranh giới mong manh giữa sự khéo léo khi chuyển thể và sự báng bổ xuyên tạc?

Ngành công nghiệp điện ảnh tỏ ra quá tham lam khi khai thác nguồn lợi từ các kệ sách, nhưng nếu xét về lợi nhuận hàng chục tỉ đôla mà những bộ phim như Chúa tể những chiếc nhẫn (The lord of the rings), Harry Potter và Narnia kiếm được thì chúng ta có thể dễ dàng hiểu tại sao.

Trong năm 2007, có một tỉ lệ lớn các bộ phim được chuyển thể từ tác phẩm văn học như những phim Sòng bạc hoàng gia (Casino royale), Vị vua cuối cùng của Scotland (The last king of Scotland), Yêu nữ mặc hàng hiệu (The devil wears prada).

Không thể phủ nhận những bộ phim chuyển thể đã giúp một lượng lớn độc giả sau khi xem phim đi lục lọi các kệ sách để nghiền ngẫm lại.

Đối với một nhà làm phim, khi lựa chọn một cuốn sách, họ đã có một câu chuyện hoàn chỉnh, với những chất liệu có thể coi là đã được kiểm chứng và khá an toàn. Họ chỉ việc đưa nó lên phim, như Bản danh sách của Schindler (Schindler’s list), Sự im lặng của bầy cừu (The silence of the lambs), Công viên kỷ Jura (Jurassic park), và chúng mang lại lợi nhuận rất lớn.

Hai phương tiện truyền đạt

Phóng to
Phim Mùi hương, phỏng theo tiểu thuyết của Patrick Suskind
Khi đọc sách, người đọc tiếp nhận ý tưởng của nó sau đó biến chúng thành những hình ảnh trong đầu, còn khi xem phim thì ngược lại: phim chuyển tải những hình ảnh thành các ý tưởng và khái niệm.

Khi chuyển thể một cuốn tiểu thuyết không có nhiều chi tiết hành động, một nhà viết kịch bản gần như phải nhập thân vào tác giả cuốn sách để tìm ra những ý tưởng bên trong và diễn tả lại nó bằng hình ảnh. Những phim như Ngày tận thế (Apocalypse now) của đạo diễn Coppola, Giờ khắc (The hour) của đạo diễn Michael Cunningham và Chúa tể những chiếc nhẫn (Lord of the rings) của Peter Jackson là những ví dụ tiêu biểu.

Tuy nhiên, cũng có những phim như Hồi ức của một geisha (Memoirs of a geisha), các nhà phê bình cho là không mô tả chân thực hình ảnh đất nước Nhật Bản, nhưng người xem lại chấp nhận nó.

Nhiều bộ phim phóng tác đã trở thành những bản dịch “khó coi” của cuốn sách trên màn ảnh vì không phân biệt được những đặc điểm riêng của mỗi thể loại. Tuy thỏa mãn mong muốn của những người hâm mộ, nhưng chúng lại thất bại về mặt nghệ thuật vì “ôm đồm” quá nhiều mà không nắm bắt được sức mạnh bên trong của cả văn học cũng như điện ảnh.

Đạo diễn Peter Jackson cho rằng có ba hình thức chuyển thể một tác phẩm văn học sang điện ảnh: dựng phim dựa trên cảm hứng từ một cuốn sách, dựng phim dựa theo nguyên tác một cách chính xác và thứ ba là trung thành với tinh thần của sách.

Khi chọn bất kỳ hình thức chuyển thể nào, những người làm phim cũng nên lưu ý rằng khán giả không bao giờ là những “kẻ ngốc”, nếu một cuốn sách hay mà không tạo nên một bộ phim hay thì đó là lúc họ nhìn lại xem liệu họ đã “dịch” cuốn sách sang đúng ngôn ngữ điện ảnh được hay chưa.

Một công thức chung của nhà viết kịch bản Christopher Hampton và đạo diễn Joe Wright dành cho những ai có ý định chuyển thể những cuốn sách “không thể dựng thành phim” là: đừng tìm cách cố gắng hoàn thiện nó!

Phim Atonement (tạm dịch là Chuộc tội) dựng từ cuốn tiểu thuyết bán chạy năm 2001 của Ian McEwan được coi là một dự án tham vọng vì phong cách viết văn phức tạp của McEwan khi nói về tình yêu và sự chuộc lỗi xoay quanh ba nhân vật chính.

Bộ phim khi tung ra đã gây sốc cho giới phê bình vì nó tạo ra nhiều tranh cãi về sự hoán vị trong phim với ba giọng tường thuật khác nhau, một bối cảnh thời gian kéo dài qua 64 năm và những cảnh chiến đấu có tính chất sử thi, nhất là nguồn kinh phí thấp so với tiêu chuẩn Hollywood.

Nhà viết kịch bản cho phim Atonement, Christopher Hampton, nói: “Có một lý thuyết cho rằng nên chuyển thể những cuốn sách dở vì chúng luôn tạo ra những bộ phim hay và đừng sử dụng những kiệt tác vì chúng sẽ gây thất vọng. Nhưng tôi không nghĩ thế. Khi lấy một cuốn sách hay thì khả năng có một bộ phim hay là nhiều hơn, chỉ tùy thuộc cách bạn chuyển ngữ nó”.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận