Coi chừng điếc vì viêm tai giữa

BS NGUYỄN THÀNH TÂM 01/05/2012 23:05 GMT+7

TTCT - Viêm tai giữa là bệnh thường gặp ở trẻ em, dù có thể xảy ra ở bất kỳ tuổi nào. Tại Việt Nam, các biến chứng của viêm tai giữa chiếm đến 60% trường hợp cấp cứu tai mũi họng.

Phóng to

Sinh lý bệnh

Từ ngoài vào trong thì đầu tiên là tai ngoài bao gồm vành tai và ống tai, có chức năng thu và hướng sóng âm đến màng nhĩ. Màng nhĩ ngăn cách tai ngoài với tai giữa. Tai giữa có cấu trúc giống như một cái rương dẹp, gọi là hòm nhĩ. Hòm nhĩ chứa một chùm các xương bé tí, dính vào nhau thành chuỗi, một đầu dính vào màng nhĩ, đầu kia dính vào tai trong.

Chức năng chủ yếu của tai giữa là dẫn truyền và khuếch đại âm thanh để đưa vào tai trong. Áp lực không khí trong hòm nhĩ được cân bằng với bên ngoài nhờ một cấu trúc ống thông hòm nhĩ với họng gọi là vòi Eustach. Nhờ sự cân bằng này, màng nhĩ và chuỗi xương bé tí mới có thể vận động dễ dàng để khuếch đại âm thanh.

Tuy nhiên, “gót chân Asin” của tai giữa cũng chính là đây. Khi bị viêm mũi họng (nhất là viêm VA), vòi Eustach có thể bị tắc do niêm mạc vòi phù nề, dịch trong hòm nhĩ không chảy xuống họng được nên ứ lại tai giữa, tạo thành môi trường cho vi khuẩn hoặc siêu vi phát triển gây viêm tai giữa. Một cơ chế khác là trẻ em khi bị nhiễm trùng hô hấp trên thường không biết cách hỉ hoặc khạc dịch tiết mũi họng ra ngoài, lại hít các dịch này ngược vào trong nên dịch có thể theo vòi Eustach đi ngược lên hòm nhĩ gây viêm tai giữa.

Triệu chứng

Lưu ý ù tai

Ở bệnh nhân viêm tai giữa mãn tính có thể có từng đợt đau tai và ù tai tăng lên, mủ tai chảy nhiều hơn, kèm sốt cao, xương chũm ấn đau. Những đợt như vậy rất dễ xảy ra các biến chứng nặng.

Trong viêm tai giữa cấp, giai đoạn đầu có đặc trưng là ở một cháu bé đang viêm mũi họng thì sốt cao đột ngột 39-400C, tức đau vùng tai, soi tai thấy màng nhĩ sung huyết đỏ. Ở giai đoạn mủ hình thành trong hòm nhĩ, bệnh nhân sốt cao liên tục, mệt lả, đau tai dữ dội ngày càng tăng, đau sâu trong tai, đau theo nhịp đập, lan ra vùng thái dương và sau tai làm cho bệnh nhân không ngủ được, soi tai thấy màng nhĩ phù nề đỏ, căng phồng, có thể kèm nôn, tiêu chảy.

Tiếp theo là màng nhĩ thủng, mủ chảy ra ngoài, triệu chứng đau sốt giảm bớt. Viêm tai giữa mãn tính hình thành khi bệnh nhân có triệu chứng chảy dịch ở tai kéo dài, ít nhất hai tuần, sau khi bị viêm tai giữa cấp không điều trị hoặc điều trị không hiệu quả. Chảy dịch mãn tính ban đầu có thể là dịch nhầy đục, về sau có thể là mủ.

Viêm mãn có thể tạo nên khối u gọi là cholesteatoma trong tai, u này có thể phá hủy chùm xương trong tai giữa làm giảm thính lực, hủy xương chũm. Ngoài ra còn có các biến chứng như áp xe não, viêm tắc xoang tĩnh mạch bên, nhiễm khuẩn huyết, viêm màng não, áp xe tiểu não, áp xe ngoài màng cứng, đe dọa tính mạng.

Điều trị

Trong viêm tai xương chũm cấp, điều trị hạ sốt và giảm đau bằng những thuốc thông thường như paracetamol hoặc ibuprofen là cần thiết, những thuốc chống sung huyết hoặc antihistamine không còn được khuyến cáo. Do bệnh được xem là nặng ở trẻ nhỏ, trẻ dưới 2 tuổi cần dùng ngay kháng sinh trong 10 ngày. Ngược lại, do bệnh thường tự giới hạn nên ở trẻ trên 2 tuổi và không có bệnh lý nào đặc biệt đi kèm, có thể tạm hoãn dùng kháng sinh, theo dõi sát trong vòng 48-72 giờ.

Nếu sốt và đau tai vẫn còn dai dẳng thì mới khởi dùng kháng sinh trong tối đa bảy ngày. Tràn dịch ở tai giữa có thể kéo dài một thời gian, thậm chí tới ba tháng ở 10% trẻ em. Phẫu thuật có thể đặt ra ở trẻ viêm tai giữa nặng hoặc tràn dịch kéo dài gây giảm thính lực. Có thể trích màng nhĩ dẫn lưu mủ hoặc đặt ống thông có tác dụng dẫn lưu và cân bằng áp lực cho tai giữa (do vòi Eustach bị tắc nên không dẫn lưu dịch và khí như bình thường). Người lớn bị viêm tai xương chũm cấp nên dùng kháng sinh ngay.

Trong viêm tai xương chũm mãn, người bệnh cần được đánh giá phạm vi tổn thương để có biện pháp điều trị thích hợp, chẳng hạn phẫu thuật lấy sạch cholesteatoma, vá màng nhĩ, cắt xương chũm…

Trẻ bú mẹ ít bị viêm tai giữa vì nhờ kháng thể có trong sữa mẹ. Giữ gìn vệ sinh mũi họng hằng ngày, hạn chế viêm mũi họng. Tăng cường miễn dịch cho trẻ bằng chế độ ăn uống hợp lý. Nếu trẻ bị viêm mũi họng và viêm VA phải điều trị đúng cách. Có thể nạo VA nếu viêm nhiều lần gây viêm tai giữa tái đi tái lại.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận