Bỉ - Những chuyện nhỏ về cuộc khủng hoảng lớn

TTCT - Ở Bỉ, “tiền lệ Cyprus” cũng được bàn tán nhưng không quá xôn xao, dù ở châu Âu lúc này một người làm nội trợ bất đắc dĩ như tôi mới ngấm từ từ “đòn” khủng hoảng kinh tế.

Kỳ 1: Thuế và nước Pháp

Phóng to
Một quầy hàng thức ăn nhanh di động của người Việt tại hội chợ Antwerp (Bỉ) - Ảnh: K.B.H.

Dư chấn vụ Chính phủ Cyprus theo yêu cầu của EU đánh thuế tiền gửi tiết kiệm của dân (đổi lấy gói cứu trợ) không khiến người dân Bỉ cũng như Việt kiều ở đây quá lo lắng. Có thể vì với đa số người, thu nhập hằng tháng thường vừa đủ tiêu nên không còn quá nhiều tiền gửi tiết kiệm đã đành, còn một lý do đơn giản hơn, sòng phẳng hơn kiểu phương Tây, đó là “không thể thuế chồng thuế ở chính nơi sống và làm việc theo... luật thuế được!”.

Bác Mỹ - chủ một cửa hàng thức ăn nhanh ở thành phố Leuven (Bỉ) nhưng đã đóng cửa từ lâu - tỏ ra lạc quan: “Đừng lo bên này rồi cũng áp mức thuế tiền gửi tiết kiệm như kiểu đề xuất ở Cyprus, lãi suất tiền gửi dài hạn trước là 5%, bây giờ rút xuống còn 2%, gửi không hạn định 0% thì thuế má gì!”.

Chỉ trong tháng 1-2013 có 1.075 doanh nghiệp tại Bỉ phá sản, kéo theo 2.675 người mất việc làm. Con số doanh nghiệp phá sản trong sáu tháng cuối năm 2012 là 5.745, tăng 11,1% so với cùng kỳ năm 2011. Khủng hoảng kinh tế chung khiến người cao tuổi ở Bỉ cũng bị ảnh hưởng bởi một số chính sách mới ban hành trong năm 2013, đơn cử người từ 65 tuổi trở lên ở Brussels bị mất quyền sử dụng các phương tiện giao thông công cộng miễn phí. Từ tháng 2-2013, người cao tuổi phải trả 60 euro để mua thẻ thông hành hằng năm.

Tuy nhiên, ở Bỉ có lưu hành một loại thuế đánh vào lãi suất từ tiền gửi tiết kiệm. Và đã có đề nghị nâng mức thuế này. Kết quả điều tra của Eurostat mới đây cho biết thâm hụt ngân sách của Bỉ đã tăng từ 2,8% GDP (mức châu Âu chấp nhận) lên đến 3,7%.

Một trong những nguyên nhân chính là do tháng 11 năm ngoái, Chính phủ Bỉ và Pháp đã bơm 5,5 tỉ euro cứu vãn Ngân hàng Dexia, trong đó Bỉ chi 2,9 tỉ euro. Khó khăn dồn dập khiến chính phủ phải tìm kiếm thêm nguồn thu để giảm thâm hụt ngân sách xuống còn 2,15%. Và rất nhiều biện pháp được đưa ra, tiêu biểu như đề xuất nâng thuế lãi suất tiền gửi tiết kiệm, tăng thuế tiêu thụ đặc biệt, giảm bớt ngày nghỉ lễ...

Cụ thể, mới đây chính phủ của Thủ tướng Di Rupo dự định tăng thuế VAT lên 1% mỗi năm và đánh thuế lãi suất tiền gửi tiết kiệm mạnh tay hơn (15% đối với những khoản lãi suất từ 1.880 euro/năm trở lên), hi vọng hai lĩnh vực quan trọng này sẽ đem về cho ngân sách hơn 1,1 tỉ euro. Luc Coene - thống đốc Ngân hàng Quốc gia Bỉ - cho biết hiện người Bỉ có khoảng 230 tỉ euro tiền gửi tiết kiệm.

Hầu hết các đề xuất này đang vấp phải sự phản đối quyết liệt. Đề xuất tăng thuế lãi suất tiền gửi tiết kiệm bị Đảng Liberal phản đối bởi lo ngại không chỉ người dân mà chính các nhà đầu tư trong nước cũng sẽ hạn chế triển khai kế hoạch đầu tư kinh doanh.

Cũng phải nói thêm rằng vì mức lãi suất tiền gửi ngân hàng thấp nên khá nhiều người có thu nhập khá, giàu ở Bỉ không dồn tiền vào ngân hàng hưởng lãi suất mà quay ra đầu tư bất động sản! Andy - bác sĩ về hưu ở Antwerp - tâm sự ông dành phần lớn tiền kiếm được để mua hai căn hộ tập thể cao cấp tại Bỉ, một ngôi nhà ở Hà Lan sau đó cho thuê lại hằng tháng cùng ba gara cho thuê để ôtô... Tất nhiên, những khoản thu từ tiền cho thuê nhà, gara của Andy cũng sẽ bị đánh thuế!

Năm 2010, mức thu nhập bình quân trước thuế của người Bỉ là 2.936 euro/người/tháng. Do trượt giá, thu nhập bình quân trước thuế trong năm 2012 tăng lên, đạt 3.103 euro/người/tháng, tuy nhiên hàng loạt chính sách thuế mới cũng được áp dụng và nhiều dịch vụ, sản phẩm tăng giá mạnh từ tháng 1-2012: phí xem các kênh truyền hình trả tiền từ 10% tăng lên 21%, mua một ngôi nhà trị giá 200.000 euro phải trả thêm 454 euro chi phí công chứng, mỗi con tem bưu điện tăng thêm 4 cent, giá năng lượng tăng khoảng 3,6%, vé xe buýt tăng 2,7%, tàu hỏa tăng 2,8%, tăng thuế các loại xe hơi thải nhiều khí CO2...

Hiện nay Bỉ cùng với Anh, Áo đang thuộc danh sách những nước đánh thuế thu nhập cao bậc nhất thế giới (với tỉ lệ 50%), tiếp theo cũng là các nước thuộc châu Âu khác như Ireland (48%), Phần Lan (49,2%)... Riêng tại Thụy Điển, thuế suất thuế thu nhập cá nhân lên đến 56,6%! Mức thuế suất cao nhất ở Bỉ đánh vào thu nhập từ 34.330 euro/năm trở lên (áp thuế 50%), mức thấp nhất là 25% đối với thu nhập dưới 7.900 euro/năm.

Tuy nhiên, quá trình đánh thuế thu nhập cá nhân ở châu Âu còn được xem xét khấu trừ các khoản chi phí như mua nhà, tậu xe, nhiều con (sinh bốn con trở lên tại Bỉ sẽ được miễn thuế)...

“Xèng” mua bánh mì và hóa đơn bác sĩ

Cuối năm 2009, lần đầu làm quen chiếc máy bán bánh mì tự động ở Bỉ, tôi chậm rãi đếm từng cent trước khi đút vào khe. Hành động này chẳng khác trò chơi điện tử, tiền đồng gọi vui là “xèng”. Bỏ đồng 2 euro vào máy mua một ổ bánh mì lớn, máy trả lại tôi 20 cent. Năm nay, cũng nhét đồng 2 euro, cũng mua ổ bánh mì tương tự, máy không nhả xèng nào!

Lại nữa, cũng hơn ba năm trước, sau mỗi lần khám bệnh, bác sĩ gia đình thường tính hóa đơn từ 21-25 euro. Đầu năm 2013 đến nay, tôi gom hóa đơn bác sĩ, tất tần tật đồng loạt tính giá 28 euro! Tờ Flanders Today số ra ngày 6-3-2013 đưa ra số liệu thống kê: thủ đô Brussels thu được 11.000 tấn rác thải từ nhựa và kim loại trong năm 2012 (năm 2010 thu 16.000 tấn)!

Con số giảm này có nhiều ý nghĩa! Văn hóa siêu thị của người Bỉ dĩ nhiên quyết định thùng rác gia đình chủ yếu là vỏ đồ hộp. Ít rác đồng nghĩa mức chi tiêu cho ăn uống giảm bên cạnh những nguyên nhân nho nhỏ khác, ví như ý thức gom rác, phân loại rác của người xứ văn minh này bắt đầu kém văn minh hơn?!

Thư - cô bạn Việt đầu tiên tôi quen được ở Bỉ - sở hữu không phải một cửa hàng mà là một siêu thị thức ăn ở thành phố Antwerp! Nhớ lúc trước vào thăm cô thấy hàng chục, hàng trăm loại xúc xích, thịt hun khói, chưa kể thăn và đùi cừu, bò, heo, gà tươi rói, cả trăm loại thịt tẩm ướp sẵn gia vị phục vụ tiệc nướng, miếng nào cũng bóng lên, đẹp màu mỡ sau tủ kính sáng choang. Những nhân viên da trắng to cao lừng lững hối hả phục vụ khách xếp hàng dài trước cửa. Trong khu nấu nướng phía sau cửa hàng, một anh chàng tóc bạch kim đeo khuyên tai đang xào khoai nhoẻn miệng chào tôi!

Tôi nhớ Thư từng khoe mấy năm trước: “Nhà em còn bán mấy chục loại thức ăn chế biến sẵn hằng ngày, đóng hộp, đủ đầy rau - đạm - tinh bột, chỉ cần mua về hâm nóng là có bữa tối tươm tất”.

Nhưng nay thì sao? “Bây giờ khó khăn rồi, khách vẫn xếp hàng hai ba trăm người vào mua mỗi ngày nhưng số tiền trong hóa đơn ít đi, doanh thu năm ngoái mỗi ngày 5.000-8.000 euro, nay chỉ 3.000-4.000 euro. Khủng hoảng kinh tế là thế đấy!” - Thư thở dài bảo tôi.

Tết Quý Tỵ vừa rồi Thư cùng chồng là Frank đưa ba con gái về Hà Nội thăm ông bà ngoại. Sau ba tuần trở lại Bỉ, Frank từ sân bay lái xe thẳng đến cửa hàng, tối về hai vợ chồng ôm nhau khóc. Ba tuần vắng chủ, đám nhân viên như ong vỡ tổ, ông chú của Frank thay anh quản lý nhà hàng chỉ chừng ấy ngày mà bạc cả tóc, thấy cháu về mắt rưng rưng: “Trả lại anh đấy, tôi mệt quá rồi!”.

Sắc màu tích cực từ khủng hoảng

Thời buổi phải thắt lưng buộc bụng này ăn ít một chút, bữa cơm giảm đạm một chút cũng là điều hay, vừa đỡ tốn tiền vừa ngăn ngừa bệnh béo phì. Tôi nghĩ một cách tích cực như thế. Và tiết kiệm được gì thì nên triệt để, điều này người phương Tây làm rất tốt, hi vọng thoát ra được khủng hoảng. Khủng hoảng kinh tế có thể là nguyên nhân chính khiến người Bỉ hạn chế chi tiêu và gửi tiền tiết kiệm nhiều hơn thông qua số tiền tiết kiệm kỷ lục trong ngân hàng đạt 236 tỉ euro cuối năm 2012, tăng 17 tỉ so với năm trước.

Đối với một cửa hàng thịt có uy tín trong vùng, nhiều món ngon như của vợ chồng Thư - Frank, phương án làm lại giá sản phẩm, tăng mỗi mặt hàng lên vài cent để cầm cự, vượt qua khủng hoảng là việc có thể chấp nhận được vì nhu cầu ăn hằng ngày vẫn là cơ bản.

Nhưng các nhà hàng ẩm thực của người Việt ở châu Âu phải tính cách khác. Chị Khang, chủ một nhà hàng món ăn Á tại Brussels, phân tích: “Gần đây khách hàng vẫn đông, nhưng đặt món ít đi hoặc thay vì ăn khai vị thì gọi thẳng món chính. Nhà hàng đang gắng giữ mức giá 9 euro 90 cent bao gồm một món ăn khai vị và một món chính hoặc miễn phí cà phê, cầm cự thôi chứ nhiều nhà hàng của người Việt bên Đức còn giảm xuống 6 euro! Bán bữa trưa chỉ mong hòa vốn để quảng cáo, kéo khách cho bữa tối”.

Mức giá ở tiệm của chị Khang cũng tương đương mức giá những tiệm ăn khác của người Việt tại Brussels, chủ yếu quần tụ quanh những đường phố chính ở thủ đô.

Vài tháng trước, lần đầu đến thăm gia đình Gildo - kiến trúc sư ngành hàng không nhưng kết bạn với chồng tôi từ thời luyện võ, tôi ngạc nhiên thấy vợ của Gildo hì hục nghiền nồi khoai tây rất to trong bếp. Nhà chỉ có hai vợ chồng và con trai khoảng 25 tuổi đang ngồi xem tivi sao có thể ăn nhiều khoai tây trong bữa tối như thế?

Nghĩ vậy chứ đời nào tôi dám hỏi, bà vợ hồ hởi khoe: “Tôi cũng chỉ nấu bữa tối cho cả nhà thôi, vậy mà tiết kiệm được rất nhiều so với ăn ở ngoài”. Bà nói chưa dứt lời, cửa phòng đối diện bật mở, một chàng trai to cao bước ra. Bà giới thiệu là con trai cả, gần 30 tuổi, chưa hết “tối nay phải để dành phần cơm con trai út đang xem bóng đá ở sân vận động, ăn sau!”.

Một gia đình phương Tây với ba con trai đều ở tuổi trưởng thành vẫn sống chung với bố mẹ trước đây có thể là chuyện hơi hiếm, giờ là giải pháp hay. “Chúng đều chưa xây dựng gia đình, ở riêng rất tốn kém. Chúng tôi không mời cũng không đuổi, tự chúng lần lượt dọn về ở chung mấy năm nay, nhà đủ phòng”- Gildo nói với gương mặt có sắc màu hạnh phúc.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận