TTCT - Mỗi loại quả là một tính cách. Mận cơm, mận hậu là "ai" và nói với ta điều gì? Mùa mận chín năm 2025 ở bản Chiềng Đi , Vân Hồ, Sơn La. Ảnh: MINH NGUYỄNTừ ông Morton thích trồng cây…Năm 1854, vợ chồng ký giả Julius Morton dọn đến thành phố Nebraska (Mỹ). Họ mua một mảnh đất lớn bằng phẳng hoang vu rộng 160 mẫu, trồng lên đó đủ thứ cây cỏ.Morton là tổng biên tập nhật báo đầu tiên của bang, lại tham gia hội đồng nông nghiệp của bang. Ông dùng tờ báo để lan tỏa kiến thức cây cỏ của mình và để nhấn mạnh tầm quan trọng về sinh thái đối với Nebraska. Bạn đọc hưởng ứng, nhiều người giờ mới nhận ra xung quanh mình sao mà thiếu xanh, vắng cỏ cây…Ngày 7-1-1872, Morton đề nghị dành ra một ngày để mọi người Nebraska đi trồng cây. Ý tưởng ấy được duyệt, và hội đồng quyết một cái tên là Sylvan Day (Ngày của Rừng). Morton phải thuyết phục mọi người rằng cái ngày ấy nên dành cho mọi loại cây, dù to dù bé, dù trong rừng hay trên ban công. Và thế là "Arbor Day" (Ngày của Cây) ra đời.Mận Âu châu - giống mận phổ biến ở Serbia và Romania. Nguồn: seedlipdrinks.comTheo bài viết trên trang History.com, Arbor Day đầu tiên diễn ra vào tháng 4-1872 đã thành công rực rỡ. Người người háo hức tham gia, trồng được khoảng 1 triệu cái cây. Lại có giải thưởng cho những người trồng đúng cách…Gần 100 năm sau, tức 1970, Arbor Day đã trở thành ngày hội chính thức toàn nước Mỹ, và tuy mỗi bang sẽ chọn ngày riêng để đảm bảo cho cây non mới trồng mọc tốt, căn bản Arbor Day diễn ra vào thứ sáu cuối cùng của tháng tư hằng năm, lý tưởng là trùng vào 22-4, tức sinh nhật của Morton. Ngày nay ở Washington, D.C. tại sảnh Danh vọng quốc gia, ta vẫn gặp bức tượng của Morton - "cha đẻ của Arbor Day".… Đến ông Burbank giỏi ghép cànhThế nhưng ở California, từ năm 1909, theo sắc lệnh của thống đốc Gillett, Arbor Day lại diễn ra vào tháng ba hằng năm, thường vào ngày bảy, là sinh nhật của một người hoàn toàn khác: Luther Burbank. Người California hôm ấy thường tham gia đủ các hoạt động quanh chủ đề cây: trồng cây, chăm cây, tìm hiểu cây, dã ngoại xem cây, vẽ tranh diễn kịch về cây. Nhiều người vì thế quên mất Morton - "cha ruột của Arbor Day".Luther Burbank (1849-1926) là ai? Là một nhân vật phi thường, nhiều tò mò và hoài bão, trong đó có một mục tiêu là mang lại nhiều thứ ngon lành nhờ can thiệp vào các đặc tính của thực vật. Thí dụ, ông lai tạo được một thứ xương rồng không gai mọc ở sa mạc cho gia súc ăn được.Burbank là một nhà lai tạo cây đại tài (nhưng giới khoa học lại không chấp nhận, chỉ coi ông như "nghệ nhân), là nhà làm vườn, nhà buôn bán hạt giống, nhà phân phối giống cây trồng quy mô lớn của Mỹ. Ông lại còn viết báo, viết sách về cây.Một bức ảnh về mận dại (quả bé) và mận lai mà ông Burbank tự chụp, cho thấy ưu thế giống lai mà ông đã tạo ra. Nguồn: https://lutherburbank.orgNgay từ thời đó, Burbank đã có vườn ươm thương mại Santa Rosa cung cấp cây giống cho người dùng trên khắp nước Mỹ. Vườn ươm xuất bản định kỳ danh mục giống cây trồng, ghi chú chi tiết và đầy đủ hình ảnh để người mua dễ quyết định. Trong số đó, có giống Burbank chọn lựa và nhập về, có giống ông lai ghép (rất tài hoa và sáng tạo).Cho tới lúc Burbank mất, danh mục đó có hơn 800 giống cây đủ loại, với điểm nhấn là hơn 100 giống mận lai tạo, trong đó có hai giống lừng lẫy từng thống trị thị trường Mỹ là Santa Rosa (tên vườn ươm của ông) và Wickson (theo tên bạn ông).Điều thú vị là, hai giống mận ấy đều gọi mận hậu, mận cơm ta là "dì ruột", do chúng là con của Satsuma - "cô chị ruột nhưng sống khác vùng" của mận hậu, mận cơm, vốn cùng một loài Prunus salicina - một "đại gia đình" gồm mấy trăm giống mà trong bài này ta chỉ bàn tới ba đại diện.Mận là ai trong "gia tộc" prunus?Để dễ hình dung, ta lấy ba chị em mận Satsuma, mận hậu, mận cơm thuộc dòng Prunus salicina ra xem xét. Dòng này gốc gác từ Trung Quốc, xuất hiện từ thời trước Công nguyên, rồi tỏa đi khắp các nước xung quanh.Cô cả Satsuma sang Nhật sớm, rồi theo tàu biển sang Mỹ và được Burbank "se duyên" thành hàng trăm giống mới, làm mưa làm gió suốt thế kỷ 20. Hai cô mận hậu và mận cơm sống đời yên ả, ít đổi thay ở vùng trung du và miền núi phía Bắc Việt Nam.Nhưng dòng Prunus salicina của ba chị em mận chỉ là một nhánh trong "gia tộc" mận mơ (chi Prunus) đông đúc với khoảng 430 loài. Các loài ấy, như con người trong một họ tộc, cùng mang họ Prunus, chỉ khác tên riêng. So với chị em nhà mận, trong gia tộc ấy có những thành viên mỹ miều và nổi tiếng hơn nhiều: như đào, mơ hay anh đào.Mận cơm. Nguồn:poliva.vnĐào (Prunus persica) chẳng hạn, cả quả cả hoa có khắp nơi: trong thơ, trong bài hát, trong tranh, nhắc đến hoa đào là nhắc đến xuân, nhắc đến quả đào là nhắc đến tiên.Mơ (Prunus mume) cũng thế: ô mai mơ, rượu mơ, rừng hoa mơ… Quả mơ nghe "thơ" hơn quả mận.Anh đào (Prunus avium) xinh xắn và ngây thơ, hay được mời làm trang trí kem và bánh.Mận (Prunus salicina) thì sao? Mận da căng, béo núc ních. Thơ ca nhạc họa đều ít nhắc đến mận. Mận như cô gái cục mịch, không biết làm điệu trong nhà. Nhưng cô ấy dễ chịu, dễ gần. Và thế là Trời ban cho cô ấy sự phổ thông quý giá: tính ra trong một năm, số lượng mận tươi ta ăn vào nhiều hơn đào, mơ, anh đào gấp mấy chục lần.Một gốc gác bất ngờNhưng mận, mơ, đào… tranh đấu với nhau về độ mỹ miều và nổi tiếng mà làm gì, khi về khoản ấy, tất cả đều thua một họ hàng rất xa của chúng: hoa hồng. Hoa hồng là một loài có sự thu hút lạ lùng, vừa đỏng đảnh vừa gai góc, hàm tiếu cũng đẹp mà mãn khai cũng đẹp, vừa cao sang lại vừa phổ thông. Trong thế giới thực vật, chẳng có loại nào toàn diện như hồng, nổi tiếng như hồng.Tình trạng một cây phả hệ vĩ đại có những thành viên khác một trời một vực với các nhánh khác là không hiếm, nhưng nếu bảo rằng mận, mơ, đào thực ra cùng họ Rosaceae với hoa hồng, có lẽ nhiều người sẽ cảm thấy khó tin và khó chấp nhận.Nghe đến Rosaceae ta nên tránh xa cho đỡ nhức đầu, vì họ hoa hồng hết sức phức tạp. Ta chỉ cần biết để kết luận quả mận cơm, mận hậu ta ăn đây là cùng họ hàng với hoa hồng, các nhà thực vật học đã dùng lần lượt các phương pháp phân tích và so sánh để thấy rằng hoa của chúng căn bản là giống nhau, quả của chúng dù ăn được hay không cũng cấu tạo giống nhau, mô của chúng có cấu trúc giống nhau. Cuối cùng, khi giải trình tự ADN, một sự thật hiện rõ rành rành: mận với hoa hồng là cùng một họ. Và thậm chí trong đại gia tộc đông đảo ấy, mận hóa ra lại gần hoa hồng hơn rất nhiều "kẻ" khác.Lựa chọn thông minh của mận taTrời sinh ra vô vàn loài cây ăn quả. Quả nào cũng mang theo công dụng nào đó được "cài cắm" bên trong. Theo thời gian, có những quả bỗng nhiên được ưu ái vì một công dụng mới được nhận ra, lại có những quả dần thất sủng, lê ki ma giờ còn mấy ai ăn, hay quất hồng bì nhiều người cũng ngại vì lắt nhắt…Giữa "dòng đời vạn biến" đó, vị thế của chị em mận hậu, mận cơm ở ta xem ra bất biến. Năm nào cũng như năm nào, khi trẻ con bắt đầu nghỉ hè là ngoài chợ đầy những mận là mận; nhà nhà ăn mận, bàn nước cơ quan cũng có mận, người qua kẻ lại nhón một quả, chấm tí muối ớt, chẳng cần gọt, chẳng cần bóc, thực không phiền gì, không ảnh hưởng gì, cái chua chua ngọt ngọt hài hòa đủ độ và dễ chịu, cho ta yên tâm thế là đã nạp vitamin.Cứ thế tí tách ăn cả ngày, có bao nhiêu cũng hết. Với kiểu ăn này, 100.000 tấn mận Sơn La sẽ thu hoạch trong 2025 như báo nói cũng hết veo. Giả sử mỗi gói mận chị em mua là 1kg, vựa mận Sơn La sẽ cung cấp cho chúng ta 100 triệu gói như thế, và có thể vẫn không đủ, ta vẫn không thấy chán, vẫn thèm thuồng mua vét những quả cuối mùa, và thị trường vẫn còn chỗ cho mận nhập chèn vào.Hoa mận nở trắng ở bản Chiềng Đi, Vân Hồ, Sơn La. Ảnh: MINH NGUYỄNVề mận, Trung Quốc là nhà cung cấp lớn nhất thế giới, kế đến là Serbia, hạng ba là Romania. Ở Serbia, một "người anh em họ" của mận cơm, mận hậu đã được nâng lên hàng quốc quả, thậm chí có cả lễ hội mận riêng hằng năm. Loài mận châu Âu ấy to hơn, thịt dày hơn, vỏ có sắc xanh tím đậm đến mức dữ dằn. Có lẽ vì quả quá to, quá ngọt, nên khó mà ăn tươi kiểu "không phải nghĩ" như mận hậu, mận cơm; phổ biến nhất là dùng để làm mận khô, ép lấy nước, và đặc biệt là để nấu ra thứ rượu mận šljivovica - lừng danh và phổ biến ở Serbia chẳng khác gì rượu gạo của các ông nhà ta.Cuối cùng, người viết bài này thú thật chưa bao giờ được đặt chân đến một vườn mận hậu, mận cơm của Sơn La, chỉ xem ảnh, xem phim mà phục giống mận này quá.Sao có thể hoàn hảo đến vậy ở từng khâu: từ dáng cây vững chãi, đầy nam tính, đến lúc ra hoa thì xinh xắn nhưng dày đặc trắng xóa như biển mây, biến cả một vùng núi thành cảnh thần tiên. Rồi đến khi mận chín, quả đỏ trĩu cành được chất lên xe tỏa đi khắp các chợ quê, nhìn mà không khỏi suy nghĩ: người ta mà cũng được như cây mận hậu, mận cơm thì hẳn đã lớn lao và hạnh phúc biết bao. Cây to thế, đẹp thế, mà lại khéo chọn cho quả của mình một hình thức "vừa đủ" thế, như muốn nói rằng hoàn hảo để dâng cho đời chính là: giản dị, dễ dùng và có ích. Tags: MậnTrái câyMận hậuMận Cơm
Ông Trump công bố thêm 'thư áp thuế' từ 20-30% với 6 nước THANH HIỀN 09/07/2025 Ông Trump công bố sẽ áp thuế từ 20% đến 30% với 6 nước từ ngày 1-8. Tuổi Trẻ Online tiếp tục cập nhật.
Việt Nam mời Nga, Trung Quốc, Lào, Campuchia, Belarus cử lực lượng sang tham gia diễu binh NAM TRẦN 09/07/2025 Bộ Quốc phòng mời 5 nước là Nga, Trung Quốc, Lào, Campuchia, Belarus cử lực lượng tham gia diễu binh tại lễ kỷ niệm.
Không thể thắng Thái Lan, CAND Việt Nam I mất quyền tự quyết NGỌC LÊ 09/07/2025 Bị Cảnh sát Thái Lan cầm hòa 0-0 tối 9-7, đội CAND Việt Nam I có nguy cơ bị loại khỏi Giải bóng đá công an, cảnh sát Đông Nam Á 2025.
Giáo hoàng sẵn sàng đón Nga và Ukraine đến Vatican hòa đàm THANH HIỀN 09/07/2025 Giáo hoàng Leo XIV gặp Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, bày tỏ Vatican sẵn sàng tổ chức các cuộc đàm phán hòa bình giữa Nga và Ukraine.