TTCT - UBND cấp xã được phân quyền giải quyết phần lớn các vấn đề dân sinh tạo thuận lợi cho dân nhưng chính quyền cũng đối diện không ít thách thức. Chính quyền địa phương hai cấp bắt đầu hoạt động từ 1-7. Ảnh: THẢO LÊChưa bao giờ trong lịch sử hành chính hiện đại, chính quyền cấp xã/phường - cấp cơ sở gần dân nhất - lại được trao quyền mạnh mẽ như hôm nay. Chính phủ đã ban hành 28 nghị định phân cấp, phân quyền mạnh mẽ cho chính quyền cấp cơ sở. Đây thật sự là cuộc chuyển giao thẩm quyền có tính lịch sử, đánh dấu một bước ngoặt trong tư duy quản trị của Việt Nam.Cấp xã giải quyết những vấn đề hằng ngàyCuộc cải cách lần này là một cuộc trao quyền về cấp cơ sở với quy mô chưa từng có. Theo thông tin từ Chính phủ, chỉ riêng từ cấp huyện, đã có hơn 1.000 nhiệm vụ, quyền hạn được chuyển giao về cho UBND cấp xã và chủ tịch UBND cấp xã. Nếu tính cả những quyền hạn được phân định từ các bộ, ngành trung ương thì bức tranh càng rõ nét: những gì liên quan đến đời sống hằng ngày của người dân đều đã và đang được phân về cho chính quyền cấp cơ sở.Người dân không còn phải vượt hàng chục cây số lên huyện để thực hiện các thủ tục như xin cấp sổ đỏ, xác nhận tình trạng đất đai, đăng ký xây dựng hay xử lý đơn thư đơn giản. Ngay cả những thủ tục vốn đã được thực hiện ở cấp xã như khai sinh, khai tử, chứng thực giấy tờ… nay cũng được thực hiện nhanh hơn, gọn hơn, với thẩm quyền rõ ràng và đầy đủ hơn. Chủ tịch xã/phường - với thẩm quyền mới được trao - có thể quyết định nhiều thủ tục hành chính ngay tại chỗ, thay vì phải chờ xin ý kiến hoặc chuyển lên cấp trên như trước đây.Không chỉ thủ tục hành chính, chính quyền cơ sở còn được giao quản lý chợ dân sinh, trường mầm non, trạm y tế, tổ chức các hoạt động văn hóa - thể thao, giữ gìn trật tự, xử lý các tình huống khẩn cấp như dịch bệnh, thiên tai. Chủ tịch UBND/phường xã cũng được thiết kế 17 nhóm thẩm quyền cá biệt - thể hiện một bước tiến lớn trong việc cá thể hóa trách nhiệm và tăng tính chủ động.Phân cấp, phân quyền cho cấp xã không chỉ là đổi mới về mặt kỹ thuật quản lý, mà là sự điều chỉnh sâu sắc về tư duy tổ chức quyền lực nhà nước. Trước hết, đây là cách nâng cao hiệu quả quản trị nhà nước. Khi quyền được đặt đúng chỗ - sát việc, sát dân - thì quyết định hành chính mới có thể phản ứng nhanh, xử lý dứt điểm và tạo ra sự hài lòng thực sự. Chính quyền xã - từ chỗ chỉ là người thực hiện - giờ đây trở thành điểm đến đầu tiên và quyết định cuối cùng cho nhiều vấn đề của dân.Việc trao quyền cho cấp cơ sở hiện thực hóa nguyên tắc giao quyền đi đôi với trách nhiệm. Không còn làm theo mệnh lệnh, cấp cơ sở phải tự quyết và tự chịu trách nhiệm trước dân và pháp luật. Đây là nền tảng cho sự chuyển đổi từ nền hành chính mệnh lệnh sang nền hành chính sáng tạo, chủ động, minh bạch.Phân quyền là giải pháp để gỡ nghẽn thể chế. Khi quyền lực bị dồn lên trên, vừa quá tải, vừa vô trách nhiệm. Khi đưa về dưới - đúng chỗ - thì bộ máy sẽ thông suốt, trơn tru, phục vụ tốt hơn. Và cuối cùng, đây là biểu hiện sống động của một nhà nước gần dân, của dân và vì dân. Chỉ khi chính quyền cơ sở thực sự có thẩm quyền và năng lực thì niềm tin của người dân vào Nhà nước mới có thể được xây dựng từ nền móng vững chắc.Người dân hưởng lợi trước tiênCác quốc gia có nền quản trị hiện đại đều có một điểm chung: trao quyền mạnh cho chính quyền cơ sở. Tại Nhật Bản, cấp chính quyền Shichoson được tự quyết ngân sách, chính sách, tổ chức nhân sự - thể hiện triệt để nguyên tắc tự chủ địa phương. Trung ương chỉ làm những việc địa phương không thể làm được.Ở Đức, nguyên tắc "Subsidiarität" (cận quyền) quy định rõ: việc gì địa phương làm được thì cấp trên không được làm thay. Các Gemeinde (xã, phường) quản lý trực tiếp trường học, y tế, hạ tầng, dịch vụ xã hội - với ngân sách tự chủ và trách nhiệm giải trình rõ ràng. Tại Thụy Điển và Đan Mạch, trên 60% dịch vụ công được cung cấp bởi cấp địa phương - từ giáo dục, y tế đến an sinh. Chìa khóa thành công là: trao quyền đi cùng nguồn lực và cơ chế kiểm soát minh bạch.Từ kinh nghiệm các nước trên thế giới cho thấy Việt Nam đang đi đúng hướng khi mạnh dạn phân quyền về cấp cơ sở. Người dân sẽ không phải đi xa làm những việc gần gũi hằng ngày. Thủ tục hành chính được giải quyết tại nơi cư trú - nhanh hơn, gọn hơn, rõ ràng hơn đem lại thuận tiện và tiết kiệm cho dân.Đăng ký hộ kinh doanh, xử lý môi trường, thuế, đất đai… được giải quyết tại cơ sở, giúp giảm chi phí, thời gian, rào cản pháp lý - mở đường cho tinh thần khởi nghiệp nông thôn. Như vậy, doanh nghiệp nhỏ được hỗ trợ tốt hơn. Khi có quyền, có trách nhiệm, chính quyền cơ sở sẽ phải lắng nghe, xử lý, giải trình - thay vì né tránh hoặc đổ lên cấp trên. Từ đó, chính quyền xã sẽ trở nên trách nhiệm và gần gũi hơn. Việc thực hiện các dịch vụ công trực tuyến cấp xã sẽ không còn là khẩu hiệu, mà trở thành nhu cầu thực tiễn. Chính quyền số cấp cơ sở sẽ là động lực mới của cải cách, chuyển đổi số sẽ lan tới tận thôn, xóm.Các thách thức phải đối mặtTrao quyền là một quyết định chiến lược, nhưng để quyền lực thực sự phát huy hiệu quả tại cơ sở, cần nhìn thẳng vào những thách thức hiện hữu - cả về năng lực hệ thống, điều kiện bảo đảm và văn hóa hành chính.Trước tiên là năng lực cán bộ. Một nền hành chính cấp cơ sở không thể vận hành hiệu quả nếu đội ngũ chưa được chuẩn bị kỹ lưỡng. Nhiều cán bộ xã/phường vốn quen với vai trò thừa hành, ít có kinh nghiệm ra quyết định và chịu trách nhiệm độc lập. Khi được trao quyền thực chất, không ít người sẽ rơi vào trạng thái lúng túng, ngại quyết, thậm chí buông xuôi. Nếu không nâng cấp năng lực công vụ một cách căn cơ, quyền lực sẽ khó được sử dụng đúng chỗ và đúng cách.Nhiệm vụ tăng nhưng ngân sách, nhân sự, hạ tầng lại không đổi - dễ dẫn đến quá tải, hình thức và tâm lý "làm cho có". Đặc biệt ở xã vùng sâu, vùng xa, đây là rào cản rất thực tế. Vì vậy, tăng quyền cần phải tăng nguồn lực đi kèm để cấp xã đủ điều kiện hoạt động hiệu quả.Về nguy cơ lạm quyền và vô trách nhiệm: khi quyền được mở rộng mà thiếu giám sát, có thể phát sinh nhũng nhiễu hoặc đùn đẩy. Thói quen hành xử cũ - sợ sai, ngại quyết, chờ cấp trên - nếu không thay đổi sẽ làm vô hiệu hóa cả một chủ trương lớn.Để vượt qua những thách thức trước mắt, chính quyền mới cần hệ thống giải pháp đồng bộ và thực chất.Trước hết, Nhà nước đầu tư nghiêm túc cho đội ngũ cán bộ cơ sở. Không chỉ dừng ở bồi dưỡng ngắn hạn, mà là đào tạo căn cơ về quản trị địa phương, pháp luật, chuyển đổi số và kỹ năng lãnh đạo. Cùng với đó, cần cải tiến cách tuyển dụng, sử dụng và đãi ngộ - để thu hút người có năng lực về cơ sở.Phân bổ nguồn lực tương xứng với nhiệm vụ. Trao quyền phải đi kèm ngân sách, biên chế, công cụ phù hợp. Tránh tình trạng "phân cấp trên giấy - bế tắc ngoài thực tế". Bên cạnh đó, Nhà nước cần xây dựng cơ chế giám sát nhiều tầng, nhiều kênh. Cấp trên kiểm tra thường xuyên nhưng không can thiệp hành chính thái quá. Người dân được khuyến khích giám sát trực tiếp. Báo chí, mạng xã hội phát huy vai trò phản biện và cảnh báo sớm. Minh bạch là điều kiện không thể thiếu cho trao quyền bền vững.Nhà nước phải truyền thông mạnh mẽ để huy động sự tham gia của người dân. Khi dân hiểu quyền của mình, biết đòi hỏi chính đáng và thấy sự thay đổi tích cực ở cấp xã thì chính quyền ấy buộc phải chuyển động - không phải vì áp lực từ trên, mà vì kỳ vọng từ chính người dân nơi mình phục vụ.Nói một cách hình ảnh, nếu cải cách thể chế là dòng sông lớn thì chính quyền cấp xã chính là đoạn đầu nguồn. Muốn dòng chảy thông suốt, đoạn đầu ấy phải được khai thông - bằng năng lực, bằng nguồn lực và bằng niềm tin.Trao quyền cho cấp cơ sở không chỉ là phân cấp kỹ thuật - đó là một lựa chọn chiến lược, thể hiện tầm nhìn về một nền quản trị gần dân, vì dân và do dân giám sát. Từ những trụ sở xã/phường nhỏ bé, từ những cán bộ thôn xóm tận tụy, nếu được trao đủ quyền và đủ điều kiện sẽ khởi lên một sức mạnh mới cho đất nước: sức mạnh của niềm tin và hiệu quả từ cơ sở.Hành trình đưa Nhà nước lại gần nhân dân đang bắt đầu - từ cơ sở mà lên, từ dân mà mạnh. Nếu được tiếp sức đúng cách, đây sẽ là cuộc cải cách sâu sắc nhất trong nền hành chính Việt Nam hiện đại.■ Tags: Cấp xãChính quyền hai cấpDân sinhThách thức
Mở chiếc rương di cảo của sử gia Trần Trọng Kim VIỆT ANH (VIỆN NGHIÊN CỨU HÁN NÔM) 02/07/2025 1990 từ
Dỡ bỏ 'chuồng cọp', công trình chiếm hành lang cư xá Độc Lập sau vụ cháy 8 người chết MINH HÒA 09/07/2025 Sau vụ cháy xảy ra đêm 6-7 khiến 8 người chết, nhiều hộ dân trong cư xá Độc Lập (phường Phú Thọ Hòa, TP.HCM) đã tháo dỡ lồng sắt lắp ở ban công, công trình lấn chiếm ở hành lang.
Dù lượn rơi trên bán đảo Sơn Trà Đà Nẵng, một du khách tử vong TRƯỜNG TRUNG 09/07/2025 Một vụ tai nạn dù lượn xảy ra trên bán đảo Sơn Trà, Đà Nẵng khiến một du khách rơi xuống rừng tử vong.
Động thái 'lạ' của Huấn Hoa Hồng sau khi giang hồ mạng Tiến 'bịp' bị bắt TIẾN NGUYỄN 09/07/2025 Sau khi giang hồ mạng 'nổi tiếng' ở Hải Phòng Tiến 'bịp' bị bắt, Huấn Hoa Hồng đã lên trang Facebook cá nhân đăng tải dòng trạng thái của mình với nội dung liên quan đến Tiến 'bịp'.
Hé lộ nguyên nhân vụ tai nạn xe khách 3 người chết trên cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết ĐỨC TRONG 09/07/2025 Xe khách Thiện Trí nổ vỏ, chỉ dừng mới được 30 giây là xe khách Như Ý 78 từ phía sau tông vào đuôi khiến 3 người chết tại chỗ trên cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết, lúc rạng sáng 9-7.