Hãy tập suy nghĩ như thám tử

T.L. 08/05/2021 17:10 GMT+7

TTCT - Một cựu thám tử tiết lộ bí quyết để người thường cũng có thể “siêu phàm” như thám tử.

 
 Minh họa

ĐẦU ÓC SIÊU PHÀM MỚI LÀM ĐƯỢC THÁM TỬ?

Ivar Fahsing từng làm thám tử suốt 30 năm ở Oslo (Na Uy), tham gia điều tra nhiều tội ác man rợ nhất. Rời công việc, ông về làm việc cho một trường đại học về cảnh sát và viết sách về nghề thám tử.

Không như nhiều người nói về nghề thám tử như một công việc siêu phàm, Ivar bảo tuy người ta vẫn hay mô tả thám tử như những bộ óc bậc thầy “không giống người”, có tài năng gần như “huyền diệu”, không phải thám tử nào đầu óc cũng siêu phàm.

Theo Ivar, mỗi người sinh ra đã có tố chất thám tử, giờ chỉ cần vài công cụ và phương pháp là ta “kích” được tố chất ấy lên. Nhưng để làm gì? Ông giải thích: “Để giúp bạn tìm ra các dữ kiện đúng, hiểu được mối quan hệ giữa chúng, bớt đi tính phán xét, trở thành người biết lắng nghe hơn. Ngoài ra, nó còn giúp bạn giải quyết các vấn đề hằng ngày”.

Ivar nhớ lại khi mới vào nghề, từ các đồng nghiệp thám tử của ông cho tới giáo viên của học viện cảnh sát, các sếp phòng ban điều tra tội phạm, chẳng ai quan tâm cũng chẳng ai nói được cho ông một cách cụ thể và hữu dụng làm thế nào để suy nghĩ như một thám tử, cũng chẳng bao giờ nói về những vụ đã thất bại hay những vụ coi bộ sẽ khó nhằn. Thay vào đó, họ chỉ giảng về thái độ, tài năng, kinh nghiệm. Họ hay nói nhất là những vụ án từng phá thành công.

“Họ không bao giờ nhắc tới công cụ quan trọng nhất của bất kỳ thám tử thành công nào là kỹ năng lý luận sắc bén. Người ta chăm chút lập hồ sơ về tâm thần của bọn tội phạm, nhưng lạ lùng thay, ý tưởng về lập hồ sơ tâm thần của các thám tử thành công gần như là một điều cấm kỵ. Như thể khả năng nghĩ như một thám tử lão luyện là một thứ trời cho rồi”.

KỸ NĂNG NGHĨ VỀ VIỆC NGHĨ

Ivar thấy các thám tử tài ba rất giỏi trong kỹ năng siêu nhận thức, tức kỹ năng nghĩ về việc nghĩ; và ai cũng có thể bồi bổ kỹ năng này ở mình, tuy không dễ dàng. Ivar nói, với hầu hết chúng ta, kỹ năng ấy là đi ngược lại với bản năng. Bản năng ta là thích tiện lợi, đưa ra ngay phán quyết dựa trên mớ thông tin có sẵn dù thông tin ấy còn thiếu sót thế nào. Não ta khó mà chấp nhận rằng vẫn còn nhiều điều ta chưa biết, cần tìm hiểu thêm đã.

Một khuynh hướng nữa là nặng “thiên kiến khẳng định”, tức là đã “lỡ” nhận định rồi, tin rồi thì sau đó chỉ đi tìm những bằng chứng ủng hộ nhận định ấy, niềm tin ấy.

Thí dụ khi gặp một người mới thường mất chưa tới một giây để não ta hình thành ấn tượng về con người hoàn toàn xa lạ này. Ngay lập tức ta đánh giá sơ bộ người này đáng tin, đáng mến, lưu manh hay thù địch, và ta có thích họ hay không... Tất cả những điều này dựa trên cảm tính và thông tin không đầy đủ như nét mặt, giọng nói, cách ăn mặc... Sau đó, ta sẽ cố thêm thắt thông tin để dựng lên một câu chuyện mạch lạc, ăn khớp với nhận định đầu tiên rằng “Anh ấy hay đấy!” hoặc “Bà này đáng ghét”. Câu chuyện đó không cần đúng, không cần hoàn chỉnh hay đáng tin; nhiệm vụ của nó là “ăn khớp” để ta cảm thấy tự tin với nhận xét của mình.

Theo Ivar, ra quyết định kiểu này vừa dễ, vừa tiện, đúng trực cảm, nhưng chỉ làm ngập tràn thêm cảm giác quá tự tin rằng mình sao mà tài giỏi (“Tôi nhìn biết ngay mà!”). Dù thông minh, hào phóng đến mấy, thuộc tầng lớp xã hội nào, chúng ta về bản chất cũng là những kẻ “hà tiện nhận thức” - một cụm từ do Susan Fiske and Shelley Taylor đặt ra năm 1984, tức là ta có khuynh hướng giải quyết vấn đề bằng một nhúm thông tin ít ỏi, hời hợt có sẵn, theo những cách ít tốn sức nhất thay vì nỗ lực và công phu đào sâu.

Nếu không quyết tâm vượt qua được thì thói “hà tiện” này, cộng với sự quá tự tin cùng khoảng cách giữa ý kiến ban đầu với thực tế, có thể khiến lạc lối ngay cả những bậc thầy đáng tin nhất.

Ivar nhớ lại hồi còn làm thám tử điều tra các vụ giết người, ông thấy những đồng nghiệp tài ba khác hẳn đám còn lại. Họ không bao giờ ăn to nói lớn, không cau mày trước sự tỏ mờ của vụ việc. Họ không nêu ý kiến lấn át người khác, không hấp tấp đưa ra kết luận. Họ quan sát, hỏi han, lặng lẽ đào sâu. Sự đeo đẳng kiên trì và khả năng đào sâu ấy là những đặc tính chủ chốt giúp các thám tử bậc thầy tách biệt khỏi đám đông.

Có thể nói, không ra quyết định (ngay) là quyết định đúng của một điều tra viên. Với nhiều người, việc đó rất khó vì bước lùi xa khỏi vấn đề ta đang muốn giải quyết cho nhanh là một thứ trái với bản năng và trực cảm. Buộc tâm trí mình phải lùi lại không khác gì ghìm dây một con chó không cho nó vồ con chuột đang rất ngon ăn.

NGHĨ THẾ NÀO MỚI NHƯ THÁM TỬ?

Khi gặp vấn đề, việc nghĩ như một thám tử sẽ khuyến khích bạn không ngừng phân tích cho tới khi thấy là chín muồi để giải quyết. Nếu thực hành đúng, theo thời gian, cách tiếp cận kiên nhẫn này sẽ khiến bạn thêm đáng tin cậy và tăng phần chính trực.

“Hãy nhớ rằng não sẽ thường trực thuyết phục bạn rằng ấn tượng đầu tiên là đúng. Khi đó, hãy kích hoạt viên thám tử bên trong bạn lên, nỗ lực đào sâu một cách có ý thức vào mọi thông tin đang có, cố gắng phân tích kỹ càng và có hệ thống hơn mọi mặt mạnh/yếu của các kết luận (khả dĩ) trước khi đưa ra quyết định chung cuộc”.

Theo Ivar, có các bước cụ thể sau:

Bước 1: Không coi là đúng ngay, cố tìm hiểu thêm.

Bước 2: Xác định mọi lời giải thích khả dĩ.

Bước 3: Kiểm tra các khả năng khác, thu hẹp lại việc điều tra.

Đầu tiên bạn cần sẵn sàng cho “lối suy nghĩ điều tra”. Những từ như “rất có thể”, “có khả năng” luôn luôn phải có khi đối diện một tình huống. Nhớ nằm lòng ba thứ: không coi cái gì là đúng ngay, không tin cái gì ngay, lật qua lật lại và kiểm tra mọi thứ.

Không được coi cái gì là “đương nhiên”, không chấp nhận những thứ nổi lên bề mặt. Thám tử giỏi là luôn tiếp cận thông tin với thái độ rất... đáng ghét là nghi ngờ. Câu chuyện nào với họ cũng là “có thể lắm”, cho tới khi chứng minh là không phải.

Muốn giống họ, ta phải tự hỏi: “Mình biết những gì?” và “Mình còn chưa biết những gì?”. Việc này coi thế mà rất khó, nhưng chỉ cần làm não chậm lại trong việc kết luận cũng đã có ích rồi. Luôn luôn ghi nhớ: có liên quan chưa hẳn đã là “nhân quả”. Cách an toàn nhất để kiểm tra bất kỳ giả thuyết nào là... bác bỏ nó. Việc khó nhất là cưỡng lại sự tự động “coi mọi việc là đúng” và nhu cầu chốt hạ nhanh đầy đắc thắng của bộ não.

Trong truyện Sherlock Holmes, vị thám tử lừng danh của chúng ta không ngừng công kích phép suy diễn của bác sĩ Watson - một người luôn lấy tiêu chí khoa học làm đầu. Phương pháp yêu thích của Holmes không phải là suy diễn, tức dựa trên nền tảng dữ kiện đã biết, mà là logic loại suy, đặc biệt là khi thiếu đầu mối thông tin.

Các cuộc điều tra tội phạm nên tiến hành theo hướng “loại suy” chứ đừng “suy diễn”. Trong nhiều vụ, Ivar cho biết cảnh sát không có được một bức ảnh rõ mồn một lúc nghi phạm ra tay. Thường thì trích xuất từ camera chỉ có một hình ảnh xanh xanh mờ mờ của một người rời đi (hoặc bước vào) một con hẻm tăm tối ngay trước khi (hoặc sau khi) tội ác kia diễn ra. Diễn giải đầu tiên của ta khi xem bức hình ấy là kẻ phạm tội tiềm năng kia cao vừa phải, trạc 40, mặc áo khoác đen ngắn, quần bò xanh. Mô tả đó thì trùng đến phân nửa dân số của thành phố. Do đó, để định ra được nghi phạm, ta phải đưa ra mọi khả năng rồi đem bức hình mờ mịt kia đi kiểm tra chéo với nhiều nguồn thông tin khác như nhân chứng, động cơ, dấu vân tay, hoạt động của điện thoại di động. Sau khi đã đưa ra thật nhiều khả năng thì kế tiếp là loại đi càng nhiều càng tốt các “ứng viên” khác.

CÁI GÌ CŨNG PHẢI THỰC TẬP

Chúng ta bẩm sinh chưa phải là những nhà thám tử và người ra quyết định giỏi. Con người “rừng rú” trong ta vẫn thường trực nhảy vào để ra những quyết định ngu ngốc, cẩu thả. Trong thực tế, bất kỳ lúc nào đứng trước một vấn đề cần suy luận loại suy - thí dụ tìm hiểu vì sao sản phẩm tung ra thất bại, vì sao con mình không muốn đến lớp... - thì điều quan trọng là bạn cần luyện cách nghĩ cho có hệ thống và giống như một thám tử.

Cũng giống cơ bắp, não cần luyện tập đều đặn và có phản hồi. Tập mãi rồi mọi thứ sẽ thành phản xạ, tay thám tử trong bạn trở nên nhạy bén và sẵn sàng hơn. Và có thành công đến mấy, tay thám tử ấy cần ghi nhớ những điều sau: luôn nghi ngờ, biết đào sâu, giữ khiêm tốn và không ngừng tự học. ■

(*) Lược dịch từ bài viết của Ivar Fahsing trên Psyche.

 
 Minh họa

TUYỂN VÀO MỘT “LUẬT SƯ CỦA QUỶ”

Theo Ivar, trong cuộc điều tra nào cũng sẽ luôn luôn có thứ gì đó ta bỏ quên hoặc không biết hết. Chính vì thế, một người bạn có đầu óc phê phán nhưng cởi mở như bác sĩ Watson của Sherlock Holmes là rất quý giá. Watson đã biết lắng nghe lại còn không có thói vuốt đuôi: ông làm đúng công việc của cái mà ta gọi là “luật sư của quỷ”: nghi ngờ những lập luận của Holmes và chỉ ra những điều Holmes có thể đã bỏ qua hoặc hiểu sai. Watson phản biện không phải để tranh cãi mà để giúp Holmes kín kẽ.

Không phải ai cũng có một bác sĩ Watson làm bạn, nhưng ta có thể tách mình ra để có một Watson trong ta, giúp ta lật xới vấn đề, bởi vì các bằng chứng và phát hiện có thể xuất hiện ở nơi ít ngờ nhất. Đó là lý do mọi thám tử giỏi đều có dáng vẻ khiêm tốn, cảm thông, hỏi han ân cần, có kỹ năng nghe rất tốt. Các cuộc thẩm vấn của họ đầy những câu hỏi mở, những cái gật gù và ậm ừ của lắng nghe chăm chú; họ ghìm lại ý kiến riêng để nghe quan điểm trái ngược từ viên “luật sư của quỷ”. Xét cho cùng, biết đón nhận ý kiến trái chiều là một kỹ năng sống còn không chỉ với người làm nghề thám tử mà với bất cứ ai, làm bất kỳ nghề gì, trong một thế giới hiện đại ngày càng phức tạp và không còn chỗ cho những con sói đơn độc một mình giải quyết vấn đề.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận