Khi CIA lên mạng tuyển Gen Z

HOA KIM 02/12/2021 19:10 GMT+7

TTCT - Để làm mới mình và tiếp cận giới trẻ, nhất là thế hệ Z, Cơ quan Tình báo trung ương Mỹ (CIA) đang theo đuổi một điệp vụ có lẽ công khai nhất từ trước đến nay: trở thành hiện tượng mạng xã hội.


 
 Ảnh: scrabbl.com

Bên trong khuôn viên trụ sở chính của CIA ở Langley, bang Virginia là một khu vực làm việc như bao công sở bình thường khác với những chiếc bàn giấy được thắp sáng bằng đèn huỳnh quang. Nhưng một nhóm nhỏ khoảng chừng chục người làm việc tại đây chính là những điêu khắc gia cho bộ mặt tương lai của cơ quan này: họ quản lý các tài khoản mạng xã hội của CIA và có nhiệm vụ kiếm được càng nhiều lượt “thích” từ người dân Mỹ càng tốt.


Kể từ khi gia nhập Facebook và Twitter lần đầu vào năm 2014, chưa bao giờ cơ quan tình báo hàng đầu nước Mỹ lại đẩy mạnh sự hiện diện trên mạng xã hội như lúc này, tạo nên một trong những chiến dịch PR kỳ lạ, sáng tạo nhưng cũng gây không ít tranh cãi.

Điệp viên cũng là con người

Mục tiêu tối thượng của chiến dịch lần này là xua tan các thuyết âm mưu và hình ảnh tiêu cực về CIA được khắc họa trên báo chí bằng cách cho công chúng thấy nhân viên CIA cũng là người bình thường như mọi người - Candice Bryant, trưởng nhóm truyền thông xã hội của CIA, chia sẻ với trang Politico. “Xóa bỏ khoảng cách, phổ cập kiến thức và cuối cùng là tuyển dụng” - Bryant nói về 3 trụ cột của kế hoạch tiếp cận thế hệ trẻ qua Internet.

Bryant và 2 kiến trúc sư chính khác của dự án đều là những người thuộc thế hệ 8X, 9X - có sự già dặn cần thiết nhưng cũng đủ trẻ để hiểu về Internet và biết giới trẻ muốn xem gì trên mạng xã hội. CIA hiện đã có tài khoản trên Instagram (398.000 lượt theo dõi), YouTube (60.000 lượt theo dõi), Facebook (993.000 lượt thích) và Twitter (3,2 triệu lượt theo dõi). Duy chỉ có một mạng xã hội phổ biến trong giới trẻ Mỹ mà cơ quan này chưa có kế hoạch đổ bộ là TikTok - thuộc sở hữu của ByteDance, công ty công nghệ có trụ sở tại Bắc Kinh, do lo ngại về “các rủi ro đến từ Trung Quốc”, Politico dẫn lời người phát ngôn CIA.

Nhóm tác chiến mạng xã hội của CIA dù ít người nhưng đã chạy được những chiến dịch thu hút lượng tương tác cao như Thứ tư cho sếp nữ (Women Crush Wednesday) để chia sẻ câu chuyện truyền cảm hứng của những nữ lãnh đạo CIA, Thứ ba đố vui (Tuesday Trivia) nhằm tìm hiểu lịch sử và những thông tin ít người biết về CIA, hay Con người CIA (Humans of CIA) lấy cảm hứng từ dự án Humans of New York để vẽ nên chân dung những nhân viên làm việc tại cơ quan tình báo hàng đầu nước Mỹ. Bên cạnh đó là những bài chia sẻ về sinh hoạt đời thường của nhân viên CIA, từ thói quen gọi đồ uống cho đến ảnh chụp cùng thú cưng “đốn tim” người xem.

Chỉ có một điều họ tuyệt đối tránh là sa đà vào những câu chuyện nghiệp vụ khô khan hoặc khắc sâu thêm hình tượng điệp viên thường xuyên lao đầu vào những phi vụ nguy hiểm thường thấy trên phim ảnh. “Chúng tôi muốn mọi người có thể nhìn thấy chính mình ở đây, chứ không phải là một hình mẫu nhất định nào đó” - Bryant lý giải.

Theo người đại diện CIA, việc cơ quan này hiện diện trên mạng xã hội là sự phát triển tất yếu để thích nghi với môi trường truyền thông kiểu mới nơi mỗi người, mỗi công ty đều là một nhà sản xuất nội dung tiềm năng và có thể tạo nên một thương hiệu cho riêng mình trên không gian mạng. “Nếu chúng tôi không tự nói về mình, người khác vẫn sẽ nói về chúng tôi (trên mạng xã hội). Vì vậy, chúng tôi phải đến và kể câu chuyện của chính mình” - người phát ngôn CIA Sara Lichterman giải thích với Politico.

 
 Tài khoản chính chủ của CIA trên Instagram. Ảnh chụp màn hình

Thu hút nhân tài gen Z

Không khó hiểu khi nhiều người cho rằng thế hệ Z (sinh từ cuối thập niên 1990 đến đầu những năm 2010) không thể phù hợp với đặc thù công việc đòi hỏi tính bảo mật cao như ở CIA. Những người trẻ nhất trong số họ chưa từng sống một ngày mà không có Internet, và cuộc đời của một gen Z trung bình đầy rẫy dấu chân kỹ thuật số: từ bức ảnh siêu âm thai đầu tiên do bố mẹ đăng tải cho đến ảnh tự sướng ở những buổi tiệc tùng, check-in sự kiện hay đánh dấu cột mốc yêu người này, chia tay người kia... Tất thảy đều được đưa lên mạng xã hội.

“Nếu mô tả công việc của một điệp viên là không để cho ai biết bạn thực sự là ai và đảm bảo sự thật không bao giờ lộ ra, thì làm thế nào [một người gen Z] có thể đạt được mức độ ẩn danh cần thiết khi họ đã đưa vô số nội dung có thể dùng để nhận dạng mình lên thế giới số?” - phóng viên Jessica Goldstein của trang Washingtonian đặt câu hỏi.

Để tìm lời giải, Goldstein quyết định đến trụ sở CIA để gặp Michael Burns, phó giám đốc phụ trách tuyển dụng của CIA và là người đã có hơn 30 năm làm việc tại cơ quan này. Cuộc gặp diễn ra trong một phòng họp không có cửa sổ và treo đầy áp phích những series phim nổi tiếng về chủ đề điệp viên như Jack Ryan, James Bond, và The Americans bên cạnh chân dung các điệp viên CIA thực thụ với một thông điệp ẩn ý: từ phim ảnh đến đời thật là một khoảng cách xa.

“(Dùng) mạng xã hội không phải là một vấn đề to tát” - Burns nói thẳng và cho biết ông muốn mọi người hiểu rằng ngắt kết nối với mạng xã hội và Internet nói chung không phải là một đòi hỏi bắt buộc nếu một người trẻ muốn làm việc tại CIA. Thậm chí nếu bạn thường xuyên tương tác trên mạng, việc đột ngột ngừng mọi hoạt động khi bắt đầu làm việc cho CIA sẽ phản tác dụng và đôi khi còn thu hút sự chú ý hơn, theo kinh nghiệm của Lisa Maddox, người từng làm việc tại CIA từ năm 2008 đến 2018. “Thật lòng mà nói, thời buổi này mà không xài mạng xã hội thì mới là lạ đời” - Maddox nói với Washingtonian.

Một ứng viên CIA tiềm năng sẽ phải trải qua các vòng xét duyệt hồ sơ, phỏng vấn và kiểm tra tâm lý, kỹ năng, ngoại ngữ (nếu có) như bất kỳ công việc nào khác. Vượt qua hết các vòng này, ứng viên sẽ nhận được thư mời và sẽ chính thức trở thành nhân viên CIA sau khi thủ tục kiểm tra an ninh bắt buộc hoàn tất - quá trình này có thể mất từ nhiều tháng đến một năm.

Có lần, tài khoản CIA đăng tải bài viết tự trào về đồng xu kỷ niệm “Chiến thắng Vịnh Con Lợn” - được đúc sẵn nhưng chưa một lần đến tay công chúng vì quân Mỹ sau đó đã nhận thất bại muối mặt trong chiến dịch đổ bộ Cuba năm 1961. 

Theo Bryant, việc nói về những khoảnh khắc đáng xấu hổ trong lịch sử CIA cũng là một chiến lược thu hút khán giả hiệu quả, vì một tài khoản mà chỉ đăng thông tin tích cực “sẽ khiến chúng tôi trông có vẻ không đáng tin cậy”.

Mộng điệp viên đã vỡ?

CIA muốn chiêu dụ nhân tài trẻ tuổi, nhưng liệu những công dân gen Z có còn hứng thú với công việc của một đặc vụ như thế hệ cha anh của họ? Nhiều người gen Z có tuổi đời còn ít hơn số năm Mỹ tham chiến tại Afghanistan; họ hoài nghi hơn về công việc mà chính phủ và quân đội Mỹ đang làm, cũng như nghi ngờ về phương tiện mà các cơ quan như CIA sử dụng để thực hiện các sứ mệnh đó. 

CIA cũng khó lòng xóa đi các vết nhơ trong quá khứ như scandal theo dõi bất hợp pháp công dân Mỹ hay các vụ trấn nước tù nhân để tra khảo từng bị báo chí phanh phui.

Bên cạnh những tai tiếng mang tính hệ thống, một lý do khác khiến người trẻ không còn mặn mà với triển vọng việc làm trong một cơ quan tình báo chính phủ chính là sự cạnh tranh trên thị trường tuyển dụng từ vô số các công ty công nghệ sẵn sàng chi hậu để đãi ngộ nhân tài.

Dù CIA đã chứng kiến sự gia tăng lớn về số lượng đơn ứng tuyển sau sự kiện khủng bố ngày 11-9-2001, cơn sốt yêu nước nhất thời đó đã qua đi từ lâu. Một nghiên cứu năm 2018 của Pew cho thấy chỉ 47% thế hệ trẻ Mỹ đồng ý rằng cộng đồng tình báo “đóng một vai trò quan trọng trong việc bảo vệ đất nước”, so với tỉ lệ 78% người được hỏi trả lời như vậy trong nhóm thế hệ ông bà của họ.

Sự thiếu đa dạng của môi trường làm việc tại CIA cũng là một điểm trừ trong mắt gen Z: thống kê của Văn phòng Giám đốc tình báo quốc gia Mỹ năm 2019 cho thấy chỉ 39% nhân viên tình báo nước này là nữ giới, chiếm tỉ lệ thấp nhất trong các việc làm của chính phủ liên bang. Người da màu và thiểu số cũng chiếm tỉ trọng nhỏ trong tổng số đầu việc tại CIA.

Để cải thiện tình hình, Burns cho biết cơ quan này đang nhắm đến tăng cường công tác tuyển dụng tại các trường đại học có nhiều học sinh da màu, cũng như sử dụng các sĩ quan trẻ tuổi trong các chuyến thăm trường học để ứng viên tiềm năng có thể “nhìn thấy bản thân” nơi một nhân viên CIA điển hình. 

Mới đây, kênh Instagram của CIA còn gây chú ý khi đăng tải video về một nhân viên tên Mija, trong đó có đoạn người này tự giới thiệu: “Tôi là một phụ nữ da màu, một người mẹ, và là một gen Y hợp giới (cisgender, tức không phải chuyển giới) được chẩn đoán mắc rối loạn lo âu lan tỏa”. 

Nỗ lực làm mới hình ảnh của CIA có vẻ đang phát huy tác dụng: khóa tuyển năm 2021 của cơ quan này có số lượng ứng viên đạt yêu cầu cao thứ 3 trong vòng 10 năm trở lại đây và “đại diện cho nhóm nhân tài đa dạng nhất, trong đó có cả người khuyết tật, kể từ năm 2010”, người phát ngôn Lichterman nói với Politico.

Ảnh: CIA/Instagram

 

Đời thật là vỏ bọc hoàn hảo

Liệu một điệp viên CIA thuộc gen Z có thể sử dụng giấy tờ và thân thế giả để thực hiện các nhiệm vụ bí mật được không, khi mà tên thật của họ có thể dễ dàng được tìm thấy chỉ với vài thao tác tìm kiếm ngược bằng hình ảnh trên Google? 

Douglas London, điệp viên CIA có 34 năm kinh nghiệm trong các nhiệm vụ bí mật, tiết lộ với Washingtonian, vỏ bọc tốt nhất là vỏ bọc dựa trên thực tế, tức chính nhân thân của đặc vụ. Ví dụ, nếu CIA tuyển dụng phóng viên Jessica Goldstein làm đặc vụ ngầm, cô vẫn sẽ mang thân phận cây bút của trang Washingtonian khi đi đó đi đây để thực hiện nhiệm vụ cho CIA. Lợi thế của “vỏ bọc” này là nếu có ai đó gõ tên Goldstein lên công cụ tìm kiếm Google, tất cả những gì họ tìm thấy sẽ là hình ảnh và tiểu sử của một cô phóng viên Jessica thực thụ. 

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận