Không chỉ tâm hồn mới treo ngược

HỒNG VÂN 15/04/2017 01:04 GMT+7

TTCT - Công ty kiến trúc Clouds Architecture Office ở New York (Mỹ) đã công bố bản thiết kế tháp Analemma, một tòa cao ốc chọc trời treo lơ lửng trên một tiểu hành tinh quay quanh Trái đất ở độ cao 32.000m.

Thiết kế ý tưởng cho tòa nhà Analemma-inhabitat.com

Ý tưởng về một vũ trụ có hai thế giới sống đối lập nhau theo hai chiều không gian không còn quá mới mẻ. Năm 2012, bộ phim tình cảm khoa học viễn tưởng Upside Down (phát hành ở Việt Nam với tựa đề Thế giới ngược) dựa trên giả thuyết về hai thế giới trên hai hành tinh tồn tại song song nhưng ngược nhau.

Ở thế giới trên, con người sống trong giàu sang với công nghệ hiện đại, còn bên dưới là một thế giới tồi tàn, nghèo đói.

Thế giới treo

Năm năm sau khi bộ phim ra rạp, giấc mơ về “thế giới ngược” đã chính thức được hiện thực hóa trên các bản thiết kế của những kiến trúc sư và nhà khoa học vũ trụ. Cuối tháng 3, Công ty kiến trúc Clouds Architecture Office ở New York (Mỹ) đã công bố bản thiết kế tháp Analemma, một tòa cao ốc chọc trời treo lơ lửng trên một tiểu hành tinh quay quanh Trái đất ở độ cao 32.000m.

Nếu được hoàn thành, Analemma sẽ trở thành tòa nhà cao nhất thế giới. Trên các bản vẽ, tòa tháp này sẽ được treo vào tiểu hành tinh bằng mạng lưới cáp có sức bền cao mang tên Hệ thống hỗ trợ quỹ đạo đa dụng (UOSS).

Kiến trúc sư của Analemma, Ostap Rudakevych, cho rằng tòa tháp treo lơ lửng trong không trung nên có thể được xây dựng ở bất kỳ đâu trên thế giới, sau đó được di chuyển qua lại theo quỹ đạo hình số 8 giữa Bắc và Nam bán cầu trong vòng 24 tiếng đồng hồ.

Theo kế hoạch ban đầu, Analemma có thể được thi công ở Dubai, quê hương của tòa tháp đang giữ kỷ lục về độ cao hiện nay - Burj Khalifa (830m). Về mặt chi phí, Dubai có những chuyên gia thiết kế nhà chọc trời với chi phí chỉ bằng 1/5 New York.

Ở độ cao 32.000m, Analemma sẽ được thiết kế như một thành phố nổi. Phần tháp lớn được chia thành nhiều phần, mỗi bộ phận có chức năng riêng để cư dân cảm thấy thoải mái như ở nhà.

Khu vực làm việc sẽ đặt ở phần dưới tòa tháp, còn 2/3 phía trên tòa tháp sẽ là khu nghỉ dưỡng với những khu vườn nhân tạo hay khu ăn uống và giải trí.

Đặc biệt, để tận dụng tối đa vị trí “đắc địa” của tòa tháp, Clouds Architecture Office có kế hoạch đặt những tấm pin mặt trời ở tầng cao nhất nhằm bổ sung năng lượng cho tòa nhà.

Nước sinh hoạt sẽ được tinh chế và lọc trực tiếp từ mây ngưng tụ và nước mưa. Nhưng đó mới chỉ là những vấn đề nhỏ nhất của tòa nhà tưởng tượng này.

Ở độ cao 32.000m, không khí rất loãng và nhiệt độ ở mức -40oC. Chưa thấy các kiến trúc sư của Clouds Architecture Office đề cập gì đến các giải pháp sống chung với điều kiện thời tiết khắc nghiệt đó, cũng như việc ra vào tòa nhà.

Tương lai của nhân loại?

Analemma hiện mới ở giai đoạn thiết kế ý tưởng và biến nó thành hiện thực đòi hỏi nhiều trí tưởng tượng, cũng như các tiến bộ công nghệ hơn nữa. Trước hết, Clouds Architecture Office sẽ phải tìm một tiểu hành tinh phù hợp để neo giữ tòa nhà.

Các nhà thiết kế tự tin rằng ý tưởng sẽ thành hiện thực trong tương lai không xa, nhờ sự kết hợp của khoa học vũ trụ giúp chế ngự thiên thể nền móng, công nghệ vật liệu mới để thi công và cả các giải pháp mới về năng lượng, điều khiển khí hậu...

Tóm lại, đó là một dự án kết hợp gần như mọi khoa học hiện đại nhất của con người.

Niềm tin đặt vào đấy không hoàn toàn phi lý. Thật ra, các cơ quan hàng không và vũ trụ hàng đầu thế giới đã khởi động chiến dịch thu hút đầu tư, khai thác các tiểu hành tinh rồi. “Nhanh chân” nhất là NASA với mục tiêu điều khiển được tiểu hành tinh từ năm 2021.

Trong dự án “Sứ mạng đổi hướng tiểu hành tinh” (Asteroid Redirect Mission, hay ARM), NASA sẽ dùng cánh tay robot từ tàu vũ trụ tách một tảng đá khỏi tiểu hành tinh lớn, rồi di chuyển tảng đá đó theo một quỹ đạo ổn định quanh Mặt trăng.

Hiện các nhà nghiên cứu đã xác định được một số ứng viên, hầu hết là những ngôi sao nhỏ với mật độ thấp. Mục tiêu ban đầu của NASA trong dự án này là tạo ra những tấm khiên nhân tạo nhằm bảo vệ Trái đất trước rủi ro bị các thiên thể va vào.

Clouds Architecture Office đã “ăn theo” ý tưởng đó và khẳng định Analemma sẽ không phải là chuyện nói cho vui. Năm 2015, công ty thiết kế mới thành lập được 7 năm này đã chiến thắng cuộc thi thiết kế mẫu nhà cho con người trên sao Hỏa do NASA tổ chức.

Ý tưởng thắng cuộc của họ là “nhà băng”: tận dụng nguồn băng dồi dào dưới bề mặt sao Hỏa để không những che chắn con người khỏi bức xạ độc hại, mà còn giữ nhiệt độ và áp suất ở mức thích hợp cho cuộc di dân tương lai.

Cũng giống như bộ phim Upside Down, ý tưởng Analemma cũng nêu lên câu hỏi đạo đức khi phải chăng rồi đây một số người đặc quyền đặc lợi sẽ được sống trên chín tầng mây, trong khi những kẻ đau khổ còn lại phải tranh giành nhau ở địa ngục trần thế vào lúc tài nguyên trên Trái đất đã cạn kiệt?

“Tôi không chắc mình muốn sống trong một tòa nhà đơn độc, tách biệt với phần còn lại của thế giới như vậy - Carlo Ratti, giám đốc phòng thí nghiệm nghiên cứu đô thị thuộc Viện Công nghệ Massachusetts (Mỹ), nói - Những thành phố được xây dựng để mang con người lại gần nhau, trong khi tòa nhà Analemma làm điều ngược lại”.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận