Không phải BMW hay Mercedes, mà là sách!

TRÙNG KHÁNH VI TỬ 07/05/2012 02:05 GMT+7

TTCT - Khi xã hội Trung Quốc “nóng” lên với hàng loạt vụ việc như con đại gia lái xe đụng chết người, ăn chơi trác táng, con quan hủy hoại nhan sắc người yêu cũ..., thì việc một nữ sinh trung học tỉnh Trùng Khánh khoe sách với bài viết “Nhà tôi không có xe BMW, chỉ có hàng ngàn quyển sách” được ghi nhận như một điểm sáng.

Phóng to
Vi Tử bên số sách của mình - Ảnh: Baidu

Sinh nhật năm 18 tuổi, cô nữ sinh trung học với nickname Trùng Khánh Vi Tử được ba mẹ tặng toàn bộ số sách trong tủ với hơn ngàn quyển, trong đó có những quyển sách tuổi đời hơn cả ba mẹ cô. Vốn sinh ra trong một gia đình trung bình, cô biết rất rõ họ phải nhịn ăn nhịn mặc thế nào mới có được chúng: có nhiều quyển sách được mua vào những năm kinh tế gia đình hết sức khó khăn.

Có lúc, ba mẹ cô dám chi hơn 1.000 NDT để mua hết số sách của một thư viện thanh lý. Số tiền đó vào những năm 1980 tương đương sáu tháng lương của họ. Sau này dọn nhà một số sách bị thất lạc, nhưng rất may đại bộ phận vẫn còn giữ gìn đến hôm nay vì luôn được đóng gói vận chuyển cẩn thận.

"Thế hệ mê sách thứ hai"

“Nhà tôi không có túi Hermès cũng không có xe BWM. Nhà tôi có hàng ngàn quyển sách, đối với tôi đó là một tài sản vô giá. Mọi người thích khoe sự giàu sang, tôi thích khoe sách. Tôi là thế hệ 9X, cũng có nhiều sở thích như các bạn đồng trang lứa, điểm khác biệt duy nhất là họ không có nhiều món ăn tinh thần như tôi. Ai rồi cũng sẽ lớn lên, bước vào xã hội. Khi chúng ta già đi, chúng ta sẽ để lại cho thế hệ mai sau những gì?... Những quyển sách cũ kỹ, vàng úa, đọc từng trang sách chẳng khác gì đang làm spa dưới ánh nắng mặt trời. Suốt ngày làm bạn với sách giáo khoa khô khan, đã đến lúc thay đổi khẩu vị... “.

Sinh ra trong gia đình có ba là giáo sư, mẹ là biên tập viên, Vi Tử bắt đầu làm bạn với sách từ năm 6 tuổi. Cô thích nhất là nhà văn Lỗ Tấn, từng học theo cách viết của ông nên tự nhận mình là "thế hệ mê sách thứ hai". Thích đọc sách, thích viết, nhiều người nghĩ Vi Tử sẽ trở thành nhà văn, nhưng ước mơ của cô là trở thành Miyazaki Hayao (họa sĩ truyện tranh nổi tiếng của Nhật) của Trung Quốc. Thần tượng của cô là chiến sĩ phòng cháy chữa cháy chứ không phải nhà văn Hàn Hàn hay Quách Kính Minh như nhiều bạn trẻ khác.

Lý do cô khoe sách là trong một lần nói chuyện với bạn học về những cuốn sách ưa thích nhất, các bạn đều liệt kê những cuốn như Thần thoại Grimm, Cổ tích Andersen, hay những quyển sách có đề tài hậu cung, nhân vật vượt thời gian, tình cảm.

Họ ít đọc sách kinh điển, nhiều bạn còn không phân biệt được nhà văn Hemingway (Mỹ) và ca sĩ trẻ Hải Minh Uy. Cho rằng đó là điều không bình thường đối với một học sinh trung học, Vi Tử đã chụp hình những quyển sách của mình tải lên mạng, giới thiệu cho mọi người cùng xem. Vì đang trong giai đoạn chuẩn bị thi đại học, Vi Tử mới đọc được 1% số sách trên. Qua bài viết của mình, cô muốn xã hội hiểu rằng thế hệ 9X cũng có người biết trân trọng giá trị của sách, không phải là thế hệ sống không mục đích, để xã hội có thể thay đổi cách nhìn lâu nay về thế hệ 9X.

Không bị "xã hội đồng hóa"

Theo tờ Tân Kinh, sau khi đăng bài viết trên blog, Vi Tử nhận được sự ủng hộ của rất nhiều cư dân mạng. Có bạn muốn đến tham quan tủ sách nhà cô, nhưng bên cạnh đó cũng có người cho rằng cô đang PR cho mình. Trang www.hnol.net cho rằng việc cô khoe sách có phải là hành động PR hay không cũng không quan trọng, vì đã góp phần cảnh tỉnh xã hội, khơi gợi niềm đam mê đọc sách ở thế hệ 9X, là việc làm có giá trị, cần phải phát huy. Trang www.cnhubei.com đánh giá cao việc làm của Vi Tử vì cô đã không bị xã hội đồng hóa khi cho rằng sách mới là những chiếc "BMW" hay "Mercedes" đáng để khoe trong đời.

Thực tế, Vi Tử đã là nhân vật nổi tiếng của thế giới ảo ở Trung Quốc từ năm 16 tuổi khi cô viết nhật ký du lịch Nhật Bản trên blog. Sau đó nhiều website nổi tiếng như 163.com, ifeng.com hay people.com.cn đều chủ động mời cô tham gia diễn đàn. Cô đã hợp tác với các báo đài làm những cuộc điều tra xã hội về thế hệ 9X, tác phẩm Điều tra xã hội của nữ sinh trung học sắp được đăng tải trên tạp chí Đương Đại của NXB Văn Học Nhân dân. Theo cô, thế hệ 9X có nhiều vấn đề cần bàn cãi, họ chưa đủ trưởng thành, "nhưng mọi người phải hiểu chúng tôi mới có thể đánh giá chúng tôi được".

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận