​Những bài học quan hệ láng giềng

HỮU NGHỊ 25/09/2014 10:09 GMT+7

TTCT - Chỉ một tuần sau khi NATO kết thúc thượng đỉnh Xứ Wales, Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) họp thượng đỉnh tại Dushanbe (Tajikistan), khai mạc hầu như cùng ngày với bài diễn văn chống Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng và bài diễn văn kỷ niệm 11-9 của Tổng thống Mỹ Barack Obama.

Bản đồ các thành viên SCO và quốc gia ứng viên gia nhập - Ảnh: Nguồn: telegraph.co.uk
Bản đồ các thành viên SCO và quốc gia ứng viên gia nhập - Ảnh: Nguồn: telegraph.co.uk

Sự trùng hợp thời gian này đầy ý nghĩa, song diễn biến hội nghị cùng nội tình SCO còn ý nghĩa hơn!

Tất cả những trùng hợp này nhấn mạnh đến tính “đối kháng” giữa một đằng là NATO hoạt động từ 65 năm qua cùng một liên minh chống khủng bố từ 13 năm qua nay hóa thành liên minh chống IS mà “đầu tàu” vẫn là Mỹ, và một đằng là một liên minh khác mang tên SCO, cũng mới chỉ bước sang tuổi 13, quy tụ năm nước Liên Xô cũ là Nga, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Tajikistan, Uzbekistan và Trung Quốc cùng chung biên giới Trung Á.

Hai “đầu tàu” Nga và Trung Quốc của liên minh này đang có vấn đề nghiêm trọng với “đầu tàu” của liên minh kia là Mỹ. 

“Dị biệt bẩm sinh" với NATO và Liên minh chống IS

Tại sao Mông Cổ (hiện đang là quan sát viên) lại “chí thú” gia nhập SCO đến thế? Diễn văn của tổng thống nước này giải thích: “Mông Cổ chỉ có thể có một lối thoát ra biển thông qua lãnh thổ của các nước láng giềng. Mông Cổ tự nhìn thấy mình như là trung tâm cơ sở hạ tầng giao thông vận tải ngắn nhất và an toàn nhất cho Nga để thoát từ châu Âu ra châu Á, và Trung Quốc từ châu Á đến thị trường châu Âu”.

Đúng vào lúc ở bên kia bán cầu, trong thông điệp cuối tuần hôm 13-9-2014, ông Obama khởi động “chiến dịch chống khủng bố không ngừng chống IS” và “chuẩn bị hành động chống IS ở Syria”, tức can thiệp trong lãnh thổ Syria, thì tại Dushanbe các nhà lãnh đạo SCO cũng đã ra tuyên bố “ủng hộ chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ của Syria” như một rào chắn bảo vệ chế độ Assad ở Syria.

Thái độ chung về Syria là thể hiện toàn tâm lớn nhất của SCO ở thượng đỉnh Dushanbe. 

Cũng toàn tâm như việc sáu nước thành viên SCO rủ nhau tập trận hôm 17-8 bên dãy núi Chebarkul (Liên bang Nga) với sự tham gia của hơn 6.000 quân cùng với 1.000 thiết bị quân sự và hơn 70 máy bay, chỉ hơn chục ngày trước thượng đỉnh NATO. Lãnh đạo cả sáu nước SCO cùng chứng kiến cuộc tập trận giải cứu một thành phố trong SCO đang bị khủng bố quốc tế và khủng bố trong nước chiếm đóng.

Ngược lại, NATO cũng “dị biệt bẩm sinh” với SCO, đã đáp trả bằng cuộc tập trận ở Ukraine hôm 15-9. SCO đang là tổ chức “Hiệp ước Warsaw 2” đúng với mong muốn của ông Vladimir Putin năm 2007, chỉ khác địa bàn, thay vì Đông Âu nay là Trung Á.

Mối lo chung và riêng!

Tập trận kết thúc, ông Vladimir Putin phát biểu: “Cuộc tập trận này là một bước tiến nữa trong việc tăng cường quan hệ giữa các nước chúng ta, một bước tiến theo hướng tăng cường an ninh và hòa bình quốc tế, trước hết là an ninh của các dân tộc chúng ta”.

Còn ông Tập Cận Bình bày tỏ tin tưởng cuộc tập trận này sẽ khích lệ các nước SCO đóng góp vai trò lớn hơn vào cuộc chiến chống khủng bố trong khu vực. 

Hai phát biểu phản ánh hai mối quan tâm khác nhau trước những thách thức địa chính trị và nỗi lo chống khủng bố mang tính tôn giáo, sắc tộc.

Chống khủng bố là một quan tâm rất “tự nhiên” của SCO do lẽ cả sáu nước đều có những mầm mống “tự nhiên” của chủ nghĩa cực đoan đội lốt tôn giáo hoặc dân tộc, đặc biệt với Nga trong thập niên 1990 và Trung Quốc hiện nay, đã và đang bị khủng bố tấn công. 

Sau vụ khủng bố nhà ga xe lửa Côn Minh hôm 1-3 năm nay, SCO lên án hành vi này và xác định không có gì biện minh cho bất cứ thể hiện khủng bố và bạo lực nhắm vào thường dân. Tuyên bố này cũng nhấn mạnh một lần nữa nhu cầu thúc đẩy các nỗ lực chống chủ nghĩa khủng bố và chủ nghĩa cực đoan dưới mọi hình thức và biểu hiện. 

Quan tâm chung là như thế, song riêng với Bắc Kinh, hiểm họa này còn mang thêm màu sắc ly khai! Chính vì thế mà trong cuộc gặp bên lề thượng đỉnh Dushanbe, ông Tập Cận Bình đã nhắc ông Putin cuộc khủng hoảng Ukraine chỉ có thể giải quyết bằng các “phương cách hòa bình” và qua “đối thoại toàn diện” (nguồn: Eurasianet).

Sẽ không có tấm gương Ukraine ở Tân Cương hay Tây Tạng! Một thí dụ “sống” cho tính độc lập quốc gia trong một liên minh.

Nếu so với những diễn biến quân sự ở miền đông Ukraine cùng xu thế ly khai được cổ xúy ở đó, thì nhấn mạnh của ông Tập Cận Bình cũng như Tuyên bố chung Dushanbe là một thể hiện có vẻ như “trung lập” của SCO, song không hẳn đúng ý ông Putin là muốn SCO hậu thuẫn Nga trong vấn đề Ukraine.

Bởi thế, ông Putin trong họp báo sau hội nghị đã phát biểu: “Chúng tôi đã bàn đến nhiều vấn đề quốc tế quan trọng, kể cả tình hình tại Ukraine. Chúng tôi hài lòng trước việc các tiếp cận của chúng tôi trong một số lĩnh vực hợp tác chính đều đã tương tự nhau hoặc gần gũi nhau”.

Tại sao ông Putin lại nói “...kể cả tình hình Ukraine” mà không nói “nhất là tình hình Ukraine”? Có phải do “tình hình Ukraine” là “thứ yếu” trong mắt năm nhà lãnh đạo kia của SCO?

Tổng thống Kazakhstan Nursultan Nazarbayev còn “tâm tư” hơn cả ông Tập Cận Bình. Giữa lúc khủng hoảng ly khai ở Ukraine lên đến đỉnh vào cuối tháng trước, một website của Nga đã “vô tình” thuật lại câu chuyện sau: “Trong bài phát biểu ít được chú ý trong tuần qua, ông Putin đã đặt vấn đề tính hợp pháp của nhà nước hậu Xô viết Kazakhstan...

Các nhận xét này trước một cử tọa thanh niên ở Nga đã tạo nên làn sóng chấn động khắp nước cộng hòa Trung Á này, nơi một nhóm quan trọng người thiểu số dân tộc Nga sống tập trung ở biên giới phía bắc giáp Nga.

“Tôi tin tưởng rằng đa số dân chúng ủng hộ việc phát triển các mối quan hệ chặt chẽ với Nga” - ông Putin nói... Ông Putin nói rằng chưa từng có một quốc gia nào có tên là Kazakhstan, rằng nước cộng hòa này hoàn toàn là sản phẩm của tổng thống hiện tại Nursultan Nazarbayev...

Ông Nazarbayev đã làm một điều độc đáo. Ông đã tạo ra một nhà nước trong một lãnh thổ mà ở đó chưa từng có một quốc gia. Người Kazakhstan có bao giờ là một quốc gia đâu... Nazarbayev là một nhà lãnh đạo thận trọng, thậm chí là thận trọng bậc nhất trong không gian hậu - Xô viết. Ông ta ắt sẽ không hành động ngược lại ý nguyện của dân chúng...

Tôi tin rằng đó chính là cách mà mọi việc sẽ diễn biến ở trung hạn và dài hạn” (nguồn: actualpolitics.ru).

Tầm nhìn riêng trong tầm nhìn chung

Kết thúc hội nghị thượng đỉnh chiều tối 12-9, các nhà lãnh đạo sáu nước thành viên đã ký kết Thông cáo chung Dushanbe, trong đó các nguyên thủ quốc gia thành viên SCO “ủng hộ việc khôi phục nhanh chóng hòa bình ở Ukraine, và việc tiếp tục các cuộc đàm phán cho một giải pháp toàn diện của cuộc khủng hoảng ở đất nước này”.

Một tuyên bố “trung lập” của SCO về Ukraine có thể là cái phao cho ông Nazarbayev, đã được ông Putin đúc kết như sau trong họp báo sau thượng đỉnh: “Chúng tôi hài lòng trước việc các tiếp cận của chúng tôi trong một số lĩnh vực hợp tác chính đã tương tự nhau hoặc gần gũi nhau”. Đáng lưu ý là chỉ “tương tự nhau” hoặc “gần sát nhau” chứ không phải “đã đồng thuận, nhất trí với nhau”. 

Tổng thống Nazarbayev giải thích: “Thực tế địa chính trị và kinh tế phức tạp hiện nay đòi hỏi SCO phải có một sự linh động nhất định trong hoạt động. Một tổ chức, sau khi đã thể hiện như là một yếu tố quan trọng đối với an ninh khu vực, trong hợp tác kinh tế và nhân đạo, cần phải có một kế hoạch rõ ràng cho sự phát triển trong tương lai.

Bởi thế, những người tham gia hội nghị thượng đỉnh sẽ phải chia sẻ tầm nhìn của họ đối với việc phát triển hơn nữa sự hợp tác bên trong SCO, các khu vực hợp tác chiến lược cùng các ưu tiên” (nguồn: Kazakh TV).

Đúng là ông Nazarbayev “siêu” thận trọng khi đòi vạch chi tiết tương lai đến năm 2025 nhằm ngăn ngừa những bất trắc của lịch sử. Khó mà bắt bẻ được ông ấy. Đây là một bài học “sống” về cách ứng xử với một láng giềng lớn sao cho hữu hảo, đừng biến thành bất hảo.

Chính vì thế mà thượng đỉnh Dushanbe đã thông qua Sách lược phát triển SCO cho đến năm 2025. Thượng đỉnh cũng đã thông qua báo cáo về cấu trúc chống khủng bố khu vực năm 2013, một thỏa thuận đường bộ cùng hai báo cáo khác về thủ tục hoạt động của SCO... Việc cùng kỷ niệm 70 năm chiến thắng chủ nghĩa phát xít vào năm tới chính là một sợi dây liên kết các nước SCO với nhau.

Ấn Độ và Pakistan sẽ gia nhập SCO vào năm tới trong nhiệm kỳ chủ tịch luân phiên của Nga, tiếp theo sẽ là Mông Cổ. Cuộc gặp tay ba giữa các ông Putin, Tập Cận Bình và Tổng thống Mông Cổ Tsakhiagiin Elbegdorj tại Thượng đỉnh Dushanbe báo trước như thế.

Ba nhà lãnh đạo đã ủng hộ đề xuất thành lập một hành lang kinh tế nối liền ba nước láng giềng này. Dự án sẽ kết nối các sáng kiến vành đai kinh tế “Con đường tơ lụa” của Trung Quốc, hệ thống đường sắt liên lục địa của Nga và chương trình “Con đường thảo nguyên” của Mông Cổ. 

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận