Những kẻ đáng ngờ

ĐỨC HOÀNG 08/02/2017 22:02 GMT+7

TTCT - Thỉnh thoảng bạn sẽ bắt gặp một người nói rất khó nghe. Vì họ nói đúng. Họ nói về sự cống hiến, về lý tưởng, về việc cho đi, về các giá trị thuần khiết cần được tôn trọng. Những thứ đúng đắn một cách trong sáng rất hay bị nghi ngờ.

Anh Nguyễn Viết Hồng đi chăn vịt ở Phú Quốc -Ảnh: nhân vật cung cấp
Anh Nguyễn Viết Hồng đi chăn vịt ở Phú Quốc -Ảnh: nhân vật cung cấp

 

Người đói, vịt no

Đầu tháng 10-2016, trong một quán ăn tại Cầu Giấy, Hà Nội, có một buổi liên hoan nhỏ chừng 20 người được tổ chức. Một người đàn ông vừa ra tù hơn một năm tổ chức bữa cơm thân mật để cảm ơn những người đã giúp đỡ mình làm lại cuộc sống. Người đàn ông đó khá nổi tiếng, tên là Đoàn Văn Vươn.

Ở một góc phòng ăn có một người đàn ông trẻ tuổi khác, lặng lẽ trong sự vồn vã của bữa liên hoan. Anh ta không phải là một người giỏi giao tiếp.

Anh chỉ ân cần giới thiệu với khách mỗi lần có một món được bưng lên: tất cả đều là nông sản đi từ đầm của ông Đoàn Văn Vươn, từ tôm sú, vịt biển quay, trứng vịt biển... Anh giới thiệu bằng một kiểu cách đã quen với những người khách ở đây, giới thiệu như là sản phẩm do chính anh tạo ra.

Anh xuất hiện trong rất nhiều bức ảnh của ông Đoàn Văn Vươn kể từ khi người nông dân này ra tù. Tháng 5, trong lễ đón nhận thương hiệu “Vịt biển Đoàn Văn Vươn” tại báo Nông Thôn Ngày Nay, người ta thấy anh ngồi bên lề trái của bức ảnh công bố, tất nhiên không có chú thích.

Tháng 4, trong lễ ký kết của ông Vươn với các nhà hàng mua vịt, anh ngồi cùng trong chiếc chiếu, chống cằm quan sát. Tháng 3, trong một bài viết về “Vịt biển Đoàn Văn Vươn cháy hàng” trên VietNamNet, người ta lại thấy anh đứng mờ phía xa.

Đó là anh Nguyễn Viết Hồng, người đã tìm đến và hỗ trợ ông Vươn 100 con vịt biển đầu tiên để ông gây dựng lại cơ đồ, xây dựng thương hiệu “Vịt biển Đoàn Văn Vươn” bây giờ đã rất nổi tiếng.

Đằng sau con vịt biển là một câu chuyện dài. Anh Hồng là người đã mang giống vịt của trung tâm giống Đại Xuyên vào nuôi thử nghiệm ở Phú Quốc.

Để có được kết quả ngày hôm nay, một quy trình nuôi vịt ở vùng nước mặn để chuyển giao cho bà con, anh Hồng đã trải qua những năm tháng tưởng chừng như không thể vượt qua được vì khó khăn thiếu thốn.

Anh Hồng đã phải đưa đàn vịt của mình về nuôi gần một ngôi chùa ở Phú Quốc để có thể vào chùa xin ăn cho mình và cho vịt, “tôi có thể đói nhưng vịt phải no”.

Cho dù nhà chùa biết anh Hồng nuôi vịt để thịt nhưng vẫn hỗ trợ vì các sư được thuyết phục bởi dự án của anh. Khi dự án thành công, người đầu tiên được chuyển giao chính là ông Đoàn Văn Vươn ở Tiên Lãng. Với chỉ một điều kiện: “Khi thành công anh phải tổ chức cho bà con nông dân tham gia cùng và giảm sản lượng của mình xuống”.

Ông Vươn đang giữ đúng lời hứa. Đàn vịt của ông phát triển rất nhanh, nhưng chỉ sau hơn một năm đã được khống chế để không ảnh hưởng đến sinh thái của cả khu đầm. Giáp Tết, một tập đoàn lớn vì cảm phục công sức mà anh Hồng đã bỏ ra cho con vịt biển, ngỏ lời đặt mua trứng để làm quà cho nhân viên nhưng chỉ nhận được câu trả lời: không đủ.

Tháng 12, những chuyến tàu Tết cho chiến sĩ và cán bộ ở huyện đảo Trường Sa mang theo một món hàng đặc biệt. Đó chính là giống vịt biển của Trung tâm nghiên cứu vịt biển Đại Xuyên. Ít người biết đằng sau câu chuyện ấy là sự kiên nhẫn của một chàng trai trẻ.

Thành quả của cuộc khởi nghiệp ấy, cho cá nhân, gần như chưa có gì. “Tôi chỉ vừa mới thoát nghèo” - anh thú nhận.

Hồng có một cửa hàng nhỏ rất nhỏ trong một con ngõ ở Hà Nội, giới thiệu đủ thứ sản phẩm nông sản mới mà phần lớn do anh sáng tạo ra. Nghĩ xong thứ này, người ta thấy anh lại loay hoay nghĩ một thứ mới. Chưa cái gì mang dáng dấp của một sản phẩm thương mại đại trà. Cái gì cũng chỉ dừng lại ở “nghĩ cách giúp người nông dân”.

Một buổi sáng cuối năm, người ta thấy anh Hồng đứng trong một buổi tọa đàm ở Trung tâm Văn hóa Pháp và nói về muối.

Anh ấp úng nói về việc chính sách áp thuế muối tàn nhẫn mà người Pháp đã từng áp tại Đông Dương như thế nào, và đó là một sự tình cờ của lịch sử khi anh vô tình được mời tới đây để giới thiệu về sản phẩm muối của mình.

Muối được làm theo một công thức cổ xưa tại một vùng muối mà anh Hồng tin rằng chưa bị ô nhiễm tại Nam Định, được đóng gói đẹp đẽ với giấc mơ làm thương hiệu cao cấp theo kiểu người Nhật và bán với giá cao.

Khán phòng khá im lặng. Thậm chí hơi bối rối. Người ta không đến Trung tâm Văn hóa Pháp để nói về ký ức thuộc địa, và trong buổi tọa đàm về khởi nghiệp này, nơi có rất nhiều ước mơ lớn, cũng không ai nghĩ rằng họ sẽ bàn về muối.

Rất khó để nhận ra nếu không theo dõi hết hành trình của chàng trai này, rằng khi anh ta nói về lịch sử buồn của muối là anh ta muốn nói về cuộc đời của diêm dân - những người chưa bao giờ giàu có trong một thế kỷ.

Hồng còn nhiều ước mơ. Bên cạnh muối, anh đang nghiên cứu mì. Anh làm ra mì gạo gấc, mì gạo chùm ngây, mì gạo tỏi đen. Toàn những nguyên liệu gửi gắm ước mơ vang danh nông sản Việt Nam.

Nhưng những sợi mì làm thủ công và không có phụ gia công nghiệp rất khó nấu - chúng dễ bị nhừ quá. Và cũng như mọi “nghiên cứu” khác của Hồng, nó cũng chưa thể thành một sản phẩm thương mại đại trà. Chưa thể.

Một buổi tối, anh gọi điện cho tác giả bài viết này. Anh băn khoăn bây giờ muốn làm đại trà nhưng như thế thì phải từ bỏ những người nông dân đang làm mì thủ công cho anh để chuyển sang một địa phương khác có năng lực sản xuất tốt hơn - thật ra anh làm mì chỉ vì bà con thôi, bây giờ bỏ đi không đành. “Em bảo anh làm thế nào?” - một câu hỏi khiến người nghe bối rối.

Một trong những nhà đầu tư lớn nhất nước gặp Hồng rất khâm phục. Nhưng rồi hết buổi gặp, ông cũng đành kết luận anh sẽ chỉ là một người thổi cảm hứng cho những người làm nông nghiệp khác, chứ không thể trở thành một thương nhân thành công trong lĩnh vực này.

Người ta không thể trở thành thương nhân thành công khi không muốn chuyển vùng nguyên liệu vì “thương nông dân”; khi sẵn sàng biếu không thành quả của mình cho cộng đồng; hay là đứng trước một rừng các doanh nhân hừng hực khí thế, để rồi băn khoăn về hạt muối từ thời thuộc địa.

Người ta không thể trở thành thương nhân thành công khi xuất hiện trong hàng chục bài báo, mỉm cười hài lòng với thành công của người khác ở mép ảnh, không hề được nhắc tên một lần.

Tôi thuyết phục Hồng chuyển vùng sản xuất mì. “Anh phải vững mạnh trước, rồi sau đấy mới quay lại giúp đỡ bà con được” - chúng tôi thống nhất với nhau. Trong hình ảnh của Don Quixote trên lưng ngựa, ngoài một chút khâm phục, một chút mỉa mai còn có chút gì đau lòng.

Bức tranh mà tác giả Flappy Bird - Nguyễn Hà Đông - vẽ tặng anh Hồng
Bức tranh mà tác giả Flappy Bird - Nguyễn Hà Đông - vẽ tặng anh Hồng

 

Củ bình vôi trong phố

“...Sáng nay đưa con đi học, chợt thấy con đeo balô cũ sờn với mảng rách lớn. Chững lại khi nghe con nói: “Con định nhờ mẹ khâu nhưng thấy mẹ bận quá, con không biết khâu chỗ này”. Về nhà nói chuyện, mẹ bảo: “Con tự khâu mấy lần, mẹ khâu mấy lần. Kệ.

Thế con mới biết trân quý những đồ vật và học vui trong lao động”. Vẫn thấy xót xa vì biết mẹ còn tiết kiệm nữa. Thêm một lần chững lại khi lên xe ra khỏi nhà nghe mẹ hỏi câu quen thuộc của mấy năm nay: “Bố có cần tiền không?”.

Mong con là người tốt! Mong mẹ cũng thấy hạnh phúc khi mải miết theo bố! Năm nay sẽ mang tiền về, ít thôi, nhưng phải không mang tiền nhà đi nhé”.

Đấy là những dòng chia sẻ của Hoàng trên Facebook vào tháng 4-2015. Anh cũng là một người khởi nghiệp trong nông nghiệp.

Một Don Quixote khác mà những sản phẩm làm ra chưa thể trở thành một loại quyền lực thị trường. Nhưng khác với Hồng, anh chỉ chuyên chú vào một thứ: cây thuốc. Hoàng và người bạn đồng hành, Huân, nhận ra rằng có một thứ rất quý giá của dân tộc là vốn thuốc Nam - các bài thuốc và cây thuốc - đang dần biến mất.

Bài thuốc mất đi theo những thầy lang địa phương. Còn cây thuốc, những loài cây có dược tính vô cùng quý giá, đã tồn tại trong những cánh rừng hay góc vườn Việt Nam nghìn năm qua giờ đang được đào lên với cái giá rẻ mạt, rồi đưa sang bên kia biên giới.

Quê của hai chàng trai ấy ở Hữu Liên, Lạng Sơn. Rừng Hữu Liên là nơi từng có “triệu triệu củ bình vôi” - theo cách mô tả của một thầy lang địa phương.

Nhưng giờ nó đã trở nên rất hiếm. Củ bình vôi, vị thuốc an thần trong truyền thuyết của người Việt, đã được khai thác với số lượng khổng lồ và đưa ra khỏi rừng bởi chính đồng bào theo đơn đặt hàng của các thương lái.

Một nguồn tài nguyên không thể tái tạo: một củ bình vôi sau cả thập kỷ sinh trưởng chỉ đạt kích thước lớn hơn củ đậu chút ít. Trong số hàng trăm tấn bình vôi đi ra khỏi rừng, nhiều củ có tuổi đời hàng trăm năm, kích thước bằng nồi cơm điện. Việc trồng lại nguồn dược liệu này là bất khả.

Họ thành lập một công ty và gọi là VietHerb. Họ bắt đầu tìm cách nối lại sợi dây liên lạc giữa xã hội hiện đại và những giá trị của thuốc Nam.

Bắt đầu từ vỉa hè. VietHerb làm ra bồ kết túi lọc, thảo dược tắm, trà, và những ngày đầu tiên của cuộc khởi nghiệp ấy là bán rong. Hai chàng trai xung phong làm “giao liên” giữa những ông lang thuốc Nam trên rừng núi Lạng Sơn và những cư dân đô thị.

Cuộc hành hương ấy được nhiều người quan tâm, thậm chí là nổi tiếng. Nhưng nó nhích rất chậm vì cái họ muốn đang là giáo dục lại thị trường, đề nghị với cả một xã hội đang thờ phụng hóa chất quay lại với thiên nhiên. Một tham vọng đầy nguyên tắc.

Ở cái công ty này, thậm chí khách hàng muốn có túi nilông cũng phải trả thêm tiền. Họ không khuyến khích điều ấy. Trong văn phòng của VietHerb bây giờ có những củ bình vôi nhỏ như một loại biểu tượng cho những gì họ muốn giữ.

Củ bình vôi ấy, một cái tên sẽ khiến nhiều người Việt Nam cảm thấy xa lạ, cũng xứng đáng là biểu tượng cho một cuộc trở về. Của nhiều thanh niên, bỗng nhiên muốn trở lại với đất, với nông nghiệp, với người nông dân.

Bạn có thể sẽ gặp một thanh niên như thế ở đâu đó trong thành phố. Sau nhiều thập kỷ đô thị hóa và bị cuốn vào lối sống công nghiệp, sau nhiều nỗ lực dứt bỏ gốc gác nông dân, thậm chí lãng quên, ngày càng nhiều người tìm đường trở về.

Họ nói ra một thứ lý tưởng chống đối chủ nghĩa vật chất mà không nhiều người muốn tin. Nhưng họ không chỉ nói. Họ làm. Hoàng đang khuyến khích người Việt Nam trồng lại cây bồ hòn. Hồng thì lại đang loay hoay với một dự án mới: anh muốn biến hoa tam giác mạch, một thứ cây đang được đồng bào trồng tràn lan làm du lịch, thành xà phòng. ■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận