Những sự “bí ẩn” không cần thiết

ĐỨC HOÀNG 17/09/2015 01:09 GMT+7

TTCT- Danh sách người khuyết tật nhận trợ cấp, bản đồ quy hoạch ở địa phương... - những thông tin tưởng rằng hiển nhiên phải công khai cho người dân biết bỗng rơi vào một sự bí mật không lý giải nổi. Dường như việc từ chối cung cấp thông tin đã thành một thứ quán tính văn hóa ở nước ta.

information
 

Thông tin “không ở dưới đất”

“Các bạn em đến nhiều lần, còn em chỉ đến được một lần. Bởi vì văn phòng của CLB ở trên tầng 2, mà từ hồi bị tai nạn thì em không lên được tầng 2” - anh Nguyễn Khánh Lâm kể về hành trình đi tìm thông tin của mình. Anh là một người khuyết tật nặng, bại liệt toàn thân, chỉ có thể di chuyển bằng xe lăn tự hành.

Và ở tầng 2 mà Lâm ngóng lên ấy có một thông tin rất đỗi đơn giản: danh sách VĐV khuyết tật đang nhận hỗ trợ của Nhà nước.

Lâm - một VĐV cờ vua không chuyên - đã nghỉ tập ở CLB thể thao Khúc Hạo từ năm 2011, nhưng hiện nay anh và rất nhiều người khuyết tật khác nghi ngờ Trung tâm TDTT Hà Nội đang “lập khống” danh sách, trong đó vẫn bao gồm tên mình, để nhận trợ cấp từ ngân sách.

Báo Lao Động Thủ Đô cách đây hơn một tháng cũng đã có một loạt bài nói về dấu hiệu của việc “lập khống” này. Họ - những người khuyết tật và cả nhà báo - đến đó và muốn được xem danh sách nhưng chỉ nhận lại cái lắc đầu, những lời từ chối gặp mặt.

Vụ việc có thể sẽ vĩnh viễn chìm vào quên lãng vì chưa có một chế tài nào đủ chặt chẽ để xử lý những sự quanh co kiểu “giám đốc đi vắng”. Lâm - người đang nỗ lực vượt qua số phận - phải nuôi nỗi uất ức của sự nghi ngờ Trung tâm TDTT Hà Nội đang sống “ký sinh” trên lưng những người khuyết tật nặng như mình.

Chàng trai trẻ từng là một tấm gương sáng của cộng đồng người khuyết tật Hà Nội vì sự lạc quan, với chỉ vài ngón tay cử động đã tự học tin học và nằm trên giường quản trị một trang web doanh nghiệp nhỏ. Nhưng giờ trong giọng nói của Lâm chứa âm điệu bất mãn khi nhắc đến “bản danh sách bí ẩn” đang được che giấu.

Đó chỉ là một trong số muôn vàn trường hợp đang trên đường đi tìm một văn bản “bí ẩn”.

Bà Trần Thị Lan Hương, chuyên gia của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, tâm sự về một nghiên cứu của tổ chức này về đất đai: “Khi chúng tôi tìm hiểu thì chỉ có 1/4 số tỉnh thành công bố bản đồ quy hoạch sử dụng đất. Chỉ có 1/3 số xã chúng tôi khảo sát cung cấp bản đồ hiện trạng sử dụng đất, 1/5 số xã cung cấp thông tin liên quan đến quy hoạch sử dụng đất”.

Mà đó là những thông tin bắt buộc công khai cho công chúng, theo quy định của Luật đất đai 2013.

“Mặc dù có rất nhiều quy định pháp luật hiện hành nêu rõ nghĩa vụ cung cấp thông tin của các cơ quan nhà nước cho người dân, nhưng kết quả nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới chỉ ra có một khoảng cách lớn giữa quy định và thực thi” - bà Lan Hương nhận xét.

Các thông tin mà Nhà nước nắm giữ trở nên “bí ẩn” một cách không cần thiết. Đây cũng là nội dung được ghi trong tờ trình của Bộ Tư pháp gửi Chính phủ về dự án Luật tiếp cận thông tin có đoạn: “Đánh giá thực tiễn thi hành các quy định của pháp luật về quyền được thông tin cho thấy các quy định này còn mang nặng tính nguyên tắc, khái quát hơn là tính thực tiễn”.

Không dễ để nhận ra sự thiếu minh bạch có thể gây nguy hiểm đến thế nào. Người Ấn Độ chỉ bắt đầu chiến dịch đòi quyền tiếp cận thông tin kể từ sau thảm họa Bhopal - thảm họa công nghiệp tồi tệ nhất trong lịch sử. Người Thái Lan cũng chỉ có Luật tiếp cận thông tin sau một thảm họa. Đó là năm 1997, khi nền tài chính Thái Lan sụp đổ. Cuối năm đó, họ có một hiến pháp mới, được xây dựng trong áp lực đòi nhiều quyền cơ bản của người dân. Và cũng là lúc Luật tiếp cận thông tin của nước này ra đời.

Tại Việt Nam, từ Hiến pháp 1992, trong điều 69 đã quy định về “quyền được thông tin” của người dân, tức sớm hơn Thái Lan. Quyền này được cụ thể thành “quyền tiếp cận thông tin” trong điều 25 của Hiến pháp 2013. Nhưng dự thảo Luật tiếp cận thông tin đến nay mới đang được thực hiện và chưa được trình Quốc hội. Đó có thể xem là một sự chậm trễ đáng tiếc.

“Thư mời họp cũng mật”

Theo quy định của hầu hết luật tiếp cận thông tin (hoặc luật về quyền thông tin, luật tự do thông tin theo cách gọi của các nước) thì bất kỳ thông tin nào được lưu giữ bằng bản ghi bởi một cơ quan công, người dân đều có quyền được biết - chỉ trừ một số trường hợp cụ thể liên quan đến an ninh quốc gia, bí mật thương mại...

“Cơ quan công” ở đây được hiểu đơn giản là mọi tổ chức có sử dụng ngân sách, toàn bộ hay một phần, bao gồm cả các nhà thầu của chính phủ.

Nhưng việc để loại luật văn minh ấy đi vào đời sống cũng không hề dễ dàng. Có những mâu thuẫn rất thường trực trong việc tiếp cận thông tin.

“Trên đẩy xuống dưới, dưới đẩy lên trên, rồi họ nói rằng những thông tin này là bí mật hay phải được sự cho phép của lãnh đạo UBND” - bà Hương tâm sự về hành trình nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới.

Trong chuỗi tọa đàm về quyền thông tin ở New Delhi (Ấn Độ), bà Nguyễn Thị Kim Thoa, vụ trưởng Vụ Pháp luật hình sự - hành chính (Bộ Tư pháp), nêu ra hai vấn đề lớn mà ban soạn thảo Luật tiếp cận thông tin của Việt Nam đang lo ngại: nguồn lực của các cơ quan công trong cung cấp thông tin và ranh giới của thông tin có thể công khai hay “mật”.

Một trong những lo lắng của nhà làm luật đòi hỏi về nguồn lực tại Việt Nam sẽ lớn hơn nhiều nước khác, khi mà rất nhiều thông tin của nước ta vẫn đang được lưu bằng bản cứng, chưa được số hóa và rất mất công tìm kiếm.

Ranh giới giữa “mật” và “không mật” cũng là một chủ đề đang được tranh luận căng thẳng kể từ khi Luật tiếp cận thông tin còn đang trong giai đoạn soạn thảo. Dấu “mật” đang được sử dụng tràn lan và nói như Phó chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn: “Cái thư mời đi họp cũng đóng dấu mật”.

Việc này có thể giải quyết được phần lớn với các quy định cụ thể “thế nào là mật?” trong Luật tiếp cận thông tin, nhưng không thể là toàn bộ. Đơn cử trong Luật về quyền thông tin của Ấn Độ, khái niệm “lợi ích công” được nhắc lại nhiều lần: một thông tin có thể sẽ được quyết định công khai hay không công khai dựa trên lợi ích công.

Ví dụ như thông tin về đời tư cá nhân của một nhân vật vốn được bảo vệ, nhưng cũng có thể được công khai nếu những người có thẩm quyền xét thấy “lợi ích công” đủ lớn. Đó có phải là một khái niệm cảm tính? Đây là một vấn đề khiến bà Thoa và nhiều thành viên Việt Nam trong hội thảo băn khoăn.

Các chuyên gia Ấn Độ - một nước đã có 10 năm áp dụng Luật về quyền thông tin - trả lời đại diện Bộ Tư pháp Việt Nam rất tự tin rằng đó không phải là những vấn đề lớn. Về nguồn lực, họ khẳng định các cơ quan công vẫn sẽ làm việc bình thường chứ không phải suốt ngày chạy theo những lá đơn yêu cầu thông tin. Họ đưa ra con số: cả nước Ấn Độ, với dân số gấp 14 lần Việt Nam, mỗi năm xử lý hơn 5 triệu lá đơn yêu cầu cung cấp thông tin.

Giả dụ với tỉ lệ tương đương thì mỗi năm Việt Nam sẽ chỉ xử lý gần 400.000 lá đơn, tức mỗi ngày hơn 1.000 lá đơn, và chia cho toàn bộ hệ thống cơ quan công hiện nay thì khối lượng công việc không hề cao.

“Ngân hàng Thế giới có cơ sở để tin rằng có mối tương quan chặt chẽ giữa minh bạch thông tin với ít đói nghèo, ít tham nhũng và tăng khả năng cạnh tranh của quốc gia. Một Luật tiếp cận thông tin tốt sẽ giúp Việt Nam tăng cường hơn nữa khả năng cạnh tranh, và quan trọng hơn đảm bảo một quyền được Hiến pháp quy định” - bà Trần Thị Lan Hương kết luận.

Về việc phân định “mật” hay “không mật”, các chuyên gia Ấn cũng không tin vào mâu thuẫn của cảm xúc. Họ cho rằng chỉ cần quy định đủ cụ thể các trường hợp “mật” là đủ. Luôn có chuyên gia độc lập để xác định thế nào là “lợi ích công” và thế nào là “thông tin cần được bảo vệ”.

Và luôn có cơ chế khiếu nại để xem xét lại các quyết định cung cấp hay bảo mật thông tin. Thử hỏi ngài ủy viên Yashovardhan Azad của Ủy ban Thông tin trung ương Ấn Độ rằng làm thế nào ông phân định một tình huống mà thông tin có liên quan đến vấn đề an ninh quốc gia, ông điềm nhiên trả lời: “Tôi là chuyên gia về an ninh”. Hóa ra đó là câu hỏi nhầm chỗ.

Tìm hiểu mới biết ông Yashovardhan Azad từng ngồi đến ghế giám đốc Cục Tình báo quốc gia Ấn Độ. Và giờ ông ngồi đó, phân xử các khiếu nại về cung cấp thông tin với tuyên bố “sẽ dùng mọi quyền lực để giúp người nghèo”. Ít người sẽ dám phản biện ông. Vấn đề còn lại có lẽ là làm thế nào để một nhân vật như thế ngồi vào ghế phân xử các trường hợp tiếp cận thông tin.

Những băn khoăn của ban soạn thảo là hợp lý. Nhưng không thể không có Luật tiếp cận thông tin. Và trên hết gạt qua những mâu thuẫn về nguồn lực hay sự đỏng đảnh của “dấu mật”, vẫn còn đó biết bao nhiêu người như anh Lâm đang trở thành nạn nhân của một sự thiếu minh bạch đã thành quán tính của những thông tin giản đơn không ở dưới mặt đất.

 

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận