Quân mạt chược khắc chữ tiếng Anh

TRÚC ANH 18/01/2021 20:00 GMT+7

TTCT - Thử tưởng tượng một bộ cờ tướng được thiết kế với những quân cờ in chữ xe pháo mã bằng tiếng Anh thay vì Hán tự, hẳn người Trung Quốc sẽ phiền lòng. Một công ty non trẻ ở Mỹ đã mắc sai lầm đó với trò mạt chược.

Những quân mạt chược không có chút yếu tố Trung Quốc nào. Ảnh: The Mahjong Line

Công ty The Mahjong Line (trụ sở ở Texas) do ba phụ nữ trẻ mới thành lập vào tháng 11-2020 thì đến đầu năm 2021 đã nhận “gạch đá” với sản phẩm mà họ cho là đầy tâm huyết: những bộ mạt chược thiết kế lại, mang phong cách trẻ trung, hiện đại, chỉ có điều thiếu vắng hoàn toàn các yếu tố Trung Hoa, khiến người Trung Quốc và cộng đồng người Mỹ gốc Hoa phẫn nộ, chỉ trích nhà sản xuất “chiếm dụng văn hóa”.

Bộ mạt chược, mà theo The Mahjong Line là “được làm mới với tất cả lòng tôn trọng”, bao gồm các quân bài với năm mẫu thiết kế mới hoàn toàn: các quân Sách thay vì những đốt trúc thì lại là những chữ “bam”, quân Tài Phao là các chữ đông, tây, nam, bắc bằng tiếng Anh thay vì chữ Tàu, còn các quân Văn là bong bóng xà phòng chứ không phải các vòng tròn. Và tất nhiên, những số đếm nhất, nhị đều thay bằng chữ số Ả Rập. Nhà sản xuất còn thêm dầu vào lửa khi tung ra một số phiên bản giới hạn với lời rao “Không phải bộ mạt chược bà ngoại bạn thường chơi”, và giá đắt đỏ, có bộ lên đến trên 400 USD.

Kate LaGere, một trong các sáng lập viên của The Mahjong Line, nói với trang TMRW rằng họ chỉ muốn thu hút người Mỹ thế hệ trẻ khi tạo ra các thiết kế mới với màu sắc bắt mắt và hình ảnh gần gũi với đối tượng khách hàng mục tiêu đó, thay vì những thứ thuộc về truyền thống Trung Quốc. Nhưng những sáng tạo đó đã không được lòng cư dân mạng. “Làm ơn đưa Hán tự trở lại trò chơi của Trung Quốc. Đừng thay đổi lịch sử và văn hóa của chúng tôi để cho hợp khẩu vị của quý vị” - một người dùng tên Grace Meng viết trên Twitter. Ngoài cáo buộc “chiếm dụng văn hóa”, một số ý kiến còn cho rằng công ty, mà cả ba nhà sáng lập đều là người da trắng, đã phân biệt chủng tộc.

Mạt chược, trò chơi bắt nguồn từ Trung Quốc, được cho là bắt đầu phổ biến ở Mỹ vào thập niên 1920. Năm 1937, tổ chức National Mahjongg League (NML) được thành lập, đặt ra các tiêu chuẩn cho “mạt chược kiểu Mỹ” đến ngày nay vẫn còn được áp dụng. Tuy nhiên, bộ mạt chược do NML phát hành, cũng như các sản phẩm khác ở Mỹ, đều dùng quân bài với biểu tượng và chữ Trung Quốc.

Sau khi gây tranh cãi, The Mahjong Line cho sửa lại phần giới thiệu sản phẩm trên trang web chính thức, kèm theo lời xin lỗi vì đã không nhạy cảm về văn hóa, nhưng vẫn tiếp tục bán sản phẩm.

“Chiếm dụng văn hóa”, được từ điển Oxford chính thức ghi nhận vào năm 2017, hiểu đơn giản là hành động ai đó sử dụng thứ không thuộc về văn hóa của mình, theo cách mà người thuộc nền văn hóa “chính chủ” cho là không phù hợp. Các tranh cãi về vấn đề này liên tục nổ ra, trên khắp lãnh vực, từ thời trang, ẩm thực đến đồ chơi trẻ em. Chẳng hạn, người New Zealand hồi cuối tháng 12-2020 cũng phẫn nộ vì điệu nhảy haka truyền thống của người Maori bị ba em bé nhà Kardashian đem ra làm nội dung đăng TikTok.

Hay như chuỗi nhà hàng thức ăn nhanh Shake Shack (Mỹ) cũng bị “dính đòn” khi tung ra menu “phong cách Hàn Quốc”, với bánh sandwich kẹp gà rán xốt cay gochujang ăn kèm với kim chi. Các ý kiến chỉ trích cho rằng chỉ cho thêm xốt và món ăn kèm Hàn Quốc mà dám quảng cáo “menu kiểu Hàn Quốc” là “diễn giải một cách lười biếng” nền ẩm thực đặc sắc của Hàn Quốc, và cũng là một sự chiếm dụng văn hóa. “Ờ, cứ nhúng xốt gochujang vào là món nào cũng thành đồ Hàn cả” - cây bút ẩm thực Giaae Kwon đang sống ở New York mỉa mai.

Nhưng giữa những cơn mưa chỉ trích mỗi lần xảy ra lùm xùm “chiếm dụng văn hóa”, vẫn có những cách nhìn khác. Khi Barbie ra mẫu búp bê lấy cảm hứng từ Catrina, bộ xương với y phục phụ nữ vốn là biểu tượng của lễ hội của người chết ở Mexico, có ý kiến cho rằng không có gì phải phiền lòng. “Tầm quan trọng về mặt văn hóa, di sản và biểu tượng của lễ hội này với Mexico đã mở ra các cơ hội làm ăn mà nhiều doanh nghiệp muốn nắm bắt” - nhà xã hội học Roberto Alvarez nhận xét.

Lễ hội của người chết là sự kiện thiêng liêng với người Mexico, nhưng nó cũng đã biến thành một sự kiện có tính thương mại từ khi Pixar tung ra bộ phim Coco hồi năm 2017. Zoila Muntane, nhà sưu tầm với hơn 2.000 con búp bê Barbie, cũng cho rằng búp bê Catrina thể hiện sự tôn trọng của nhà sản xuất với di sản của Mexico, vì “nó cho thấy hãng Barbie có quan tâm đến văn hóa của chúng tôi”.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận