Thời đại của đám đông?

HẰNG NGUYỄN 23/09/2015 02:09 GMT+7

TTCT- Thật khó để tìm thấy một lá thư độc giả trong những tờ báo cũ vài chục năm còn lưu ở Thư viện Quốc gia. Nhưng hôm nay độc giả đóng góp tới hai trang trong một số báo Tuổi Trẻ. Còn hơn thế trên bản điện tử, họ lên tiếng về mọi vấn đề từ nền chính trị thế giới cho tới cái bặm môi của một vận động viên bơi lội người Việt.

Tác phẩm graffiti vào danh sách mười kiệt tác graffiti đẹp nhất thế giới -skaty9.com
Tác phẩm graffiti vào danh sách mười kiệt tác graffiti đẹp nhất thế giới -skaty9.com

Chuyện tận dụng nguồn lực của đám đông (crowdsourcing) không chỉ có trong lý thuyết kinh doanh của Jeff Howe, những bà mẹ nổi giận có thể làm nên cơn cuồng phong khi tẩy chay các quảng cáo của một ngôi sao “giật chồng”, và cuộc hẹn “giải quyết xong hết mọi chuyện” của hai cô gái trẻ đã khiến hàng trăm cảnh sát, dân phòng phải nhập cuộc phong tỏa một khu phố đi bộ.

Khôn hay dại?

Hầu hết lý thuyết cổ xưa đều coi thường trí tuệ của đám đông. Các thiền sư dặn bạn đừng đi vào đám đông và nếu có đi vào cũng đừng bị tác động bởi chúng.

Tham gia một đám đông cho dù vô tình hay cố ý, bạn bị Gustave le Bon gọi là vật thể vô thức, và ông ấy chỉ rõ các phẩm chất ngu ngốc của bạn trong cuốn sách đã lưu hành rộng rãi từ hơn 100 năm nay (sau khi đọc hết các trang sách, bạn còn phải thầm hiểu mọi liệt kê dài dặc vẫn là chưa đủ bởi một ghi chú rằng các nhà tâm lý học thường xa rời đám đông nên đôi khi không quan sát đủ sâu sắc về - sự ngu ngốc của - nó).

Đã có gì thay đổi ngày hôm nay? Thống kê từ chương trình “Ai là triệu phú” tại Mỹ chỉ ra rằng người chơi nên chọn cách tư vấn hỏi ý kiến khán giả là khôn ngoan hơn cả, bởi vì họ đúng trong 91% trường hợp trong khi câu trả lời của các cố vấn chỉ đúng có 65% mà thôi. Khi một chú bò được đưa ra sân khấu để đoán cân nặng, đáp án trung bình của khán giả là 1.792 cân Anh, chỉ thiếu 3 cân Anh (tức 1,4kg) so với cân nặng thực tế của chú, chính xác tới 99,8%.

Đám đông đúng không phải chỉ trong một chương trình truyền hình. Nếu không có làn sóng trên mạng xã hội từ khắp nơi phản đối vụ “hôi bia” ở Đồng Nai, có lẽ nhiều tài xế xe tải khác đã không may mắn được người qua đường ngừng lại giúp đỡ khi gặp sự cố lật xe, đổ hàng.

Nếu không có trang Facebook của một cô gái trẻ quê Quảng Nam tạo thành phong trào bảo vệ 6.500 cây xanh kéo dài suốt nhiều tuần, hẳn còn bao nhiêu nữa những cây cổ thụ Hà Nội đã ngã xuống trong khi đang xanh tươi, chắc khỏe. 

Không biên giới, không khoảng cách, không phân biệt lứa tuổi, giới tính, học thức, màu mắt hay hình xăm, đám đông có thể làm nên những đổi thay kỳ diệu.

Từ năm 1714, chính quyền Anh đã biết vận dụng nguồn trí lực từ đám đông và đưa ra giải thưởng Longitude (mà các phiên bản của giải thưởng này vẫn còn đến ngày nay) trao giải cho người nào có thể giúp đo kinh độ chính xác trên biển.

Người lãnh giải là một anh thợ mộc vô danh từ vùng Yorkshire đã phát minh đồng hồ hàng hải, giúp nước Anh thành lập hải quân, thống trị đại dương cho mãi đến đầu thế kỷ sau đó. Ngày hôm nay, đám đông tạo nên những mã nguồn mở, trang kiến thức mở giúp thay đổi công nghệ và trí tuệ của thế giới với giá rẻ hơn, cập nhật nhanh hơn.

Chỉ ít năm trước Wikipedia còn bị coi thường bởi các bộ óc ưa kiến thức hàn lâm và sách vở chính thống, Wordpress hay Magento còn chưa được coi là đối thủ xứng tầm của các chuyên gia lập trình kén việc và hay đòi giá cao, ngày hôm nay chuyện đã hoàn toàn khác.

Làm thế nào để nhận diện và tạo ra những đám đông tích cực? James Surowiecki viết trong Trí tuệ của đám đông về bốn phẩm chất làm nên đám đông đó: sự khác biệt (giữa các ý kiến), sự độc lập (với những người khác), sự phi tập trung (từng người có các chủ đề hiểu biết khác nhau), tập hợp theo từng nhóm nhỏ (góp thành một nhóm lớn).

Điều này được một cá nhân xuất sắc theo chủ nghĩa chỉ - có - cá - nhân - mới - làm - nên - sự - xuất - sắc là Einstein đồng ý, từ 74 năm trước khi ngài ấy so sánh một cộng đồng lành mạnh với những bầy đàn “trì độn trong tư duy và trì độn trong cảm xúc”.

Sự náo loạn của đám đông

Bên cạnh những đám đông làm nên sự tiến bộ của lịch sử, lại cũng có những đám đông cũng làm nên “lịch sử” theo một nghĩa đối nghịch.

Những đám đông “trì độn” có thể được tạo ra khắp nơi. Điều gì khiến ta lẫn vào trong đám đông kia, giằng xé, xô đẩy để có một lon bia hay chậu hoa, thứ chỉ giúp thỏa mãn trong dăm phút nhưng lại ghi vào trong nhân cách ta dấu ấn của một kẻ cướp giật?

Điều gì đẩy ta trèo rào vào trong công viên kia, vầy lội giữa biển người trong khi vài chục nghìn đồng là có được tấm vé đàng hoàng bơi lội? Do tính cộng đồng của làng xã nông nghiệp mà người Việt vốn rất yếu về ý thức cá nhân, sẽ dễ dàng bị cám dỗ khi một đám đông hiện ra trước mắt bất kể hay dở.

“Xấu đều hơn tốt lỏi”, và khi ý thức cá nhân bị triệt tiêu thì những lời bào chữa sẽ dễ dàng hiện ra: “Toét mắt là tại hướng đình, cả làng toét mắt riêng mình em đâu”!

Những đám đông còn dễ dàng hiện ra hơn thế trong thời đại của mạng điện tử. Chỉ vài dòng tin từ trang cá nhân của hai cô gái trẻ xa lạ, cả trăm, nghìn cá nhân đã sẵn sàng xuống đường hòng tận mắt một cuộc tỉ thí tay đôi.

Chỉ một tấm ảnh chụp vài dòng tin nhắn của một “kẻ bội bạc” hay “người bán hàng vô lương tâm”, đám đông chưa biết ngô khoai gì đã sẵn sàng rủa xả không thương tiếc kẻ mà chủ nhân của tin tức đang muốn họ rủa xả.

Lâu đài Kelburn tại Scotland -pix.avaxnews.com
Lâu đài Kelburn tại Scotland -pix.avaxnews.com

Cô đơn trên mạng

Thế giới phẳng giúp người trẻ Việt kết nối cũng có thể khiến họ cô đơn hơn. Từ một căn phòng chật hẹp, họ có thể nối mạng với toàn thế giới, cùng chung một thần tượng âm nhạc hay ngôi sao điện ảnh, cùng chờ đón một buổi nhật thực hay mưa sao băng, cùng xem tin tức của một phát minh khoa học mới nhất. Nhưng cũng ở đây, hơn nơi nào hết, là khoảng cách rất lớn đang tồn tại giữa các thế hệ, khoảng cách giữa giấc mơ của người trẻ và hạ tầng thực có của Việt Nam.

Tôi nghĩ nhiều về sự cô đơn của người trẻ khi chính tôi theo học một lớp K-pop (lúc đầu chỉ với ý định tìm hiểu điều gì đã tạo nên những hiện tượng như Gangnam Style). Giáo viên nữ tóc vàng, da nâu đúng mốt; giáo viên nam mũ trai, giày tán đinh sành điệu; cả hai đều ưa nói tiếng Anh hơn tiếng Hàn.

Sau này tôi mới biết họ đều là giảng viên ngành K-pop tại trường đại học (Sejong) hoặc huấn luyện viên của các nhóm nhạc nổi danh tại Hàn, đã đổ mồ hôi trên sàn tập nhiều giờ mỗi ngày trong không ít năm trời.

Hàng bao nhiêu người đã tận lực như thế (chấp nhận sự thải loại khắt khe) để hình thành ngành công nghiệp K-pop Hàn Quốc - thứ góp phần đưa văn hóa đương đại xứ sở kim chi được biết đến rộng rãi trên toàn thế giới. Gangnam Style không phải là một may mắn bất chợt.

Cả một lớp học của tôi, những cô cậu mười tám, hai mươi gần như đều có dáng vẻ chịu chơi như hai giáo viên kia. Sau này tôi mới biết các cô cậu ấy đều đang theo học hoặc đã tốt nghiệp đại học, hoàn toàn không phải những đứa trẻ ham chơi lêu lổng.

Sau khóa học, tôi nhận ra rằng nếu không từng ở đó, một chút sơ sẩy thôi tôi có thể trở thành một kẻ nhiếc mắng các cô cậu trẻ trung chỉ vì một vài sự quá khích xuất hiện trong nhóm hâm mộ cùng họ - vốn là cả triệu, tỉ người, già trẻ nữ nam, đẹp xấu tốt dở, điên rồ lý trí, trầm lặng hưng phấn, đủ cả.

Tôi đọc lại những bài báo tiếng Việt nói về người hâm mộ K-pop Việt (1), thấy rõ hơn sự cô đơn của người trẻ và khoảng cách thế hệ rất lớn tại Việt Nam. Người lớn nghe V-pop, K-pop, hip hop, nghĩ ca từ loạn xạ nhảm nhí nên lập tức tránh xa, bài xích. Người trẻ nhìn K-pop, hip hop, thấy những vũ điệu và hình ảnh đẹp mắt, thấy sự trẻ trung, sôi động.

Giống một người sờ chân voi, một người sờ vòi voi, tranh cãi đến bao giờ? Cũng như một anh nhạc sĩ nghiên cứu về nhạc Việt đã nhất quyết với tôi rằng muốn giới trẻ yêu thích nhạc dân tộc (vào một ngày đẹp trời nào đó) thì ngày hôm nay phải cho chúng tìm hiểu âm nhạc một cách tự do, chơi nhạc theo cách chúng thích.

Còn nếu ép một người trẻ trung phải nghe nhạc cũ (mà hiện giờ rất dễ bị gắn theo các chương trình tuyên truyền xơ cứng) và phán xét gu âm nhạc cá nhân của chúng thì rốt cuộc ngày mai sẽ là những người lớn không có gu hoặc tệ hơn là hoàn toàn mù âm nhạc.

Câu chuyện tôi nhớ cuối cùng là về lâu đài Kelburn tại Scotland (2). Đây là một lâu đài cổ nằm trong danh sách bảo vệ, cho nên một ngày kia để chiều lòng hai người con rất yêu thích graffiti, ông chủ đã xin phép nhà chức trách cho lâu đài được vẽ graffiti mừng ngày sinh của con (trước đó họ sẽ xử lý kỹ thuật để các bức vẽ này không làm ảnh hưởng đến lâu đài khi bức vẽ bị bỏ đi sau ba năm theo cam kết trả lại nguyên vẹn di tích).

Bởi nếu người lớn từ chối tìm hiểu thế giới của con em mình, chỉ đưa ra những chỉ trích, cấm đoán, thật khó có thể nói rằng người lớn ấy có thể trở thành tri kỷ của một cô cậu 17, 18 khi tâm hồn đang phơi phới những điều mới mẻ. 

Thế là người ta đến vẽ và tác phẩm graffiti đó bất ngờ lọt vào danh sách mười kiệt tác graffiti đẹp nhất thế giới. Cuộc tranh cãi kéo dài đến bây giờ khi ba năm đã qua và lẽ ra bức vẽ đã phải được xóa bỏ (cho dù ông bố thượng nghị sĩ đã gửi thư tới cơ quan quản lý di tích của Scotland để xin phép giữ lại vĩnh viễn trên lâu đài) nhưng thắng bại bất phân bởi cả hai - cũ và mới - đều là kiệt tác.

Hai người con yêu graffiti may mắn có được bức vẽ đáng nể, nhưng điều may mắn hơn cả của họ là có được một người bố hiểu và tôn trọng sở thích của mình. Tôi luôn tự hỏi có nhiều bậc cha mẹ làm được điều đó trong đời làm cha mẹ của mình không. 

Cái đáng sợ nhất là nhu cầu chứng minh mình đã già dặn, khiến những ông bố bà mẹ chỉ mới 30-40 tuổi đã hành động như các ông bà cụ, vô tình đẩy con cái mình cô đơn trong chính ngôi nhà của chúng, để ra đường, tìm đến đám đông những người trẻ như mình.■

(1): www.huffingtonpost.com/2014/12/19/graffiti-castle-_n_6349386.html

(2): www.baomoi.com/Tien-si-am-nhac-nguoi-My-Jason-Gibbs-Can-cong-bang-voi-nhac-tre/71/2904046.epi

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận