Thuốc kháng sinh nào tăng nguy cơ tử vong?

NGUYỄN VĂN TUẤN 07/06/2012 05:06 GMT+7

TTCT - Một nghiên cứu quan trọng mới công bố làm nhiều người ngạc nhiên: một loại thuốc trụ sinh khá phổ biến trên thị trường có liên quan đến tăng nguy cơ tử vong vì bệnh tim mạch, đó là azithromycin.

Phóng to

Người dùng phải thật sự cẩn trọng với kháng sinh - Ảnh: T.T.D.

Azithromycin thường được sử dụng để điều trị các bệnh do nhiễm trùng gây ra như viêm cuống phổi, viêm phổi, nhiễm trùng tai, da và cuống họng. Azithromycin được xếp vào nhóm thuốc có tên macrolide antibiotics vì có thể ngăn chặn sự tăng trưởng của vi trùng. Nhiều nghiên cứu trong quá khứ cho thấy thuốc này có hiệu quả tốt trong việc điều trị các bệnh vừa nêu.

Nguy cơ đột tử gần 3 lần

Tuy nhiên, một nghiên cứu mới công bố trên tập san New England Journal of Medicine cho thấy azithromycin không an toàn như nhiều người tưởng! Kết quả nghiên cứu mới nhất chỉ ra rằng những người lớn tuổi dùng azithromycin có nguy cơ đột tử cao gần ba lần so với người không dùng azithromycin.

Nghiên cứu mới nhất này dựa vào dữ liệu của chương trình Medicaid (chương trình hỗ trợ y tế cho những gia đình có thu nhập thấp) của bang Tennessee (Mỹ). Dữ liệu bao gồm tất cả những bệnh nhân dùng azithromycin từ năm 1992-2006. Các đối tượng nghiên cứu tuổi từ 30-74. Cứ mỗi bệnh nhân dùng azithromycin, các nhà nghiên cứu chọn bốn người không dùng azithromycin có thời gian theo dõi tương đương nhóm dùng azithromycin.

Ngoài ra, để đảm bảo tính khách quan, các nhà nghiên cứu còn thêm một nhóm dùng các loại thuốc kháng sinh khác là amoxillin, ciprofloxacin và levofloxacin. Sau đó, họ so sánh tỉ lệ tử vong vì bệnh tim mạch giữa ba nhóm: azithromycin, amoxillin và nhóm không dùng kháng sinh. Hai nhóm ciprofloxacin và levofloxacin không so sánh vì có sự bất xứng về các yếu tố có thể ảnh hưởng đến kết quả phân tích. Chỉ tiêu lâm sàng để so sánh là “đột tử”, được định nghĩa là tử vong trong vòng năm ngày sau khi điều trị.

Trong nhóm dùng azithromycin có 29 người chết đột ngột vì bệnh tim mạch trong vòng năm ngày sau điều trị, tỉ suất là 85,2 trên 1 triệu người. Trong cùng thời gian, trong nhóm những người không dùng azithromycin có 41 người chết, với tỉ suất là gần 30 trên 1 triệu người.

Trong nhóm dùng amoxillin có 42 người chết vì bệnh tim mạch sau năm ngày điều trị, tỉ suất là 31,5 trên 1 triệu người. Tính trung bình nguy cơ đột tử vì bệnh tim mạch của nhóm bệnh nhân dùng azithromycin cao gấp 2,9 lần so với nhóm không dùng thuốc kháng sinh (xem bảng số liệu).

Số bệnh nhân, độ tuổi và tỉ lệ tử vong vì bệnh tim mạch (sau 5 ngày điều trị)

Không dùng kháng sinh

Dùng azithromycin

Tuổi trung bình

49

49

Tỉ suất tử vong sau 5 ngày điều trị (*)

gần 30

85,2

Tỉ số nguy cơ

1,0

2,9

(*) Tính trên 1 triệu người

Việt Nam dùng phổ biến azithromycin

Nghiên cứu trên đây không nói lên rằng thuốc kháng sinh là nguyên nhân gây biến cố đột tử vì bệnh tim mạch.

Tuy nhiên, mối liên quan giữa azithromycin và tử vong vì bệnh tim mạch có thể có cơ sở sinh học. Đã có ít nhất bảy báo cáo trước đây cho thấy những bệnh nhân có nhịp tim bình thường, nhưng sau khi dùng azithromycin thì có triệu chứng loạn nhịp tim.

Loạn nhịp tim là một trong những yếu tố liên quan đến đột tử vì bệnh tim mạch. Do đó có thể nói rằng những kết quả của nghiên cứu này phù hợp với giả thuyết về ảnh hưởng tiêu cực của azithromycin đến biến cố tim mạch ở những người có tiền sử bệnh tim mạch, loạn nhịp tim, hay có nguy cơ cao mắc bệnh tim mạch. Chính những người này lại hay dùng kháng sinh. Do đó, các chuyên gia khuyến cáo đối với những cá nhân có nguy cơ mắc bệnh tim mạch cao như suy tim, đang đặt stent, thậm chí bệnh nhân tiểu đường, bác sĩ nên xem xét một loại thuốc kháng sinh khác hơn là azithromycin.

Thuốc kháng sinh, kể cả azithromycin, có lẽ là một trong những thuốc được dùng phổ biến ở Việt Nam. Không ai biết có bao nhiêu người dùng azithromycin ở Việt Nam nhưng con số có thể là hàng triệu. Kết quả nghiên cứu này một lần nữa nhấn mạnh việc dùng thuốc kháng sinh cần phải cẩn thận hơn và kiểm soát chặt chẽ hơn.

__________

Tham khảo:
Ray WA, et al. Azithromycon and the risk of cardiovascular death. N Engl J Med 17-5-2012.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận