Vào "tổ chim" Đồng Tháp Mười

SƠN LÂM - VIỄN SỰ 13/02/2016 18:02 GMT+7

TTCT - Là khu Ramsar thứ 2.227 của thế giới nhưng thật lạ lùng, Láng Sen vẫn chưa được đánh dấu trên bản đồ của Google map, bởi dân du lịch rất ít “check in” vùng đất này. Và có lẽ đó là một sự may mắn, giúp Láng Sen vẫn còn hoang sơ, trở thành “tổ chim” khổng lồ của Đồng Tháp Mười.

 


Gần như mùa lũ năm nào chúng tôi cũng có những chuyến đi dọc ngang Đồng Tháp Mười. Và dù từng đặt chân nhiều lần dọc tuyến kênh 79 qua Láng Sen ở các xã Vĩnh Lợi, Vĩnh Đại, Vĩnh Châu A thuộc huyện Tân Hưng, Long An nhưng chúng tôi đều... lướt qua và chọn Vườn quốc gia Tràm Chim (Đồng Tháp), cách đó hơn 30km, làm điểm dừng chân.

Bởi Láng Sen chỉ là một khoảng xanh chiếm chưa tới 20% diện tích của Tràm Chim. Sự quên lãng ấy kéo dài cho đến khi Láng Sen được công nhận là khu Ramsar, chúng tôi mới tìm về vùng bồn trũng này.

“Tổ chim” khổng lồ

5g sáng, chúng tôi vượt ngang kênh 79 bằng một chiếc xuồng chèo nhỏ, rừng tràm vẫn còn tối mịt, bắc tay hú một tiếng, bờ bên kia anh Nguyễn Linh Em - nhân viên khu bảo tồn Láng Sen - đang chờ sẵn, giật máy chiếc vỏ lãi sang đón khách. Trời mờ sương, chiếc vỏ lãi được Linh Em điều khiển thuần thục xé nước đi vào giữa rừng tràm bạt ngàn.

Linh Em vừa gạt tay máy, vừa tranh thủ giới thiệu: “Toàn bộ Láng Sen được chia làm 12 tiểu khu với tổng diện tích 4.802 ha. Khu vực chúng ta đang đi vào là vùng lõi bảo vệ nghiêm ngặt, có diện tích khoảng 2.000 ha...”.

Một tổ cò trong khu cách ly 200ha -Khu bảo tồn Láng Sen
Một tổ cò trong khu cách ly 200ha -Khu bảo tồn Láng Sen

 

Đi chừng 3km, khi cả nhóm bắt đầu... nản vì thỉnh thoảng chỉ gặp vài con cò hay gà nước, điên điển bị động bay lên, thì Linh Em cho dừng lại ở một cánh đồng xanh bạt ngàn. “Đồng lúa ma đó các anh, cả vườn có khoảng 50ha lúa ma như thế này.

Đến mùa, ở đây có cho người dân vào thu hoạch theo cách thức truyền thống” - Linh Em giải thích. Có tiếng người, một đàn vịt trời quang quác bay lên từng vòng trên trời rồi lại đáp xuống. Dường như cả vùng đồng xanh bao la phía trước chỉ có một vài đàn vịt trời và mấy con chim bói cá mà phải quen mắt như Linh Em mới thấy được.

“Có lẽ chim bay đi ăn hết rồi” - Linh Em nói tỉnh bơ, như trêu các ống kính máy ảnh của chúng tôi đang lăm lăm chờ chụp chim. Lại lên vỏ lãi đi tiếp. Đi tiếp một đoạn, bỗng Linh Em cho ngừng máy vỏ lãi rồi hỏi: “Các anh nghe thấy gì không?”. Vỏ lãi tắt hẳn, lúc này chúng tôi mới để ý, một mớ âm thanh hỗn độn, rầm rì, xao xác từ phía bên kia rừng tràm vọng lại. Linh Em đưa chúng tôi lên bờ đê cao khuất tầm mắt, nhìn về nơi xuất phát của mớ âm thanh kia.

Tổ chim 200ha đó, rất ít ai vào được” - Linh Em chỉ tay về phía trước. Cả một lũng trấp ngấp nghé nước, những vạt rừng tràm mọc hoang dại một cách tự nhiên hiện ra trước mặt chúng tôi. Và trên những ngọn tràm đó đều phủ kính đủ loại màu sắc trắng, xám, đen... của chim, cò.

Những âm thanh mà chúng tôi đang nghe đích thị là âm thanh của cả một “cộng đồng chim” phía trước mắt. Hàng ngàn con chim thản nhiên bay lên bay xuống, rợp cả một vùng. Từng đi rất nhiều vườn quốc gia, từ Núi Chúa, Nam Cát Tiên đến Tràm Chim, U Minh Thượng, U Minh Hạ, Mũi Cà Mau... chúng tôi chưa bao giờ thấy được một cảnh tượng chim tụ tập nhiều đến vậy.

Để chúng tôi lại ngay bờ đê, Linh Em một mình chống vỏ lãi vào gần những bầy cò đang đậu trắng cả một vùng tràm. Linh Em đập mái chèo xuống nước, cả bầy cò dáo dác bay lên, đảo một vòng, rồi quay về chỗ cũ.

Linh Em cười ha hả: “Tụi nó quen hơi em nên chỉ em vào tụi nó không sợ, người lạ vào là tụi nó cảnh giác liền”. Linh Em cho biết rừng tràm này cũng là nơi đầu tiên các nhà nghiên cứu thực vật thấy được cò ốc làm tổ. “Thỉnh thoảng báo chí hay đưa tin hàng ngàn con cò ốc về Tràm Chim. Nhưng chúng chỉ về đó ăn, tới bây giờ chỉ có Láng Sen là nơi duy nhất ở Việt Nam tìm thấy cò ốc làm tổ” - Linh Em nói thêm.

Đàn giang sen trú ngụ trong khu cách ly 200ha -Khu bảo tồn Láng Sen
Đàn giang sen trú ngụ trong khu cách ly 200ha -Khu bảo tồn Láng Sen

 

“Rốn” sinh học quý giá

Tiến sĩ Lê Phát Quới , Viện tài nguyên và môi trường (ĐH Quốc gia TP.HCM) nói: “Nếu Tràm Chim là sân chim thì có thể nói Láng Sen là tổ chim của Đồng Tháp Mười. Láng Sen còn là khu vực trung tâm mang tính đặc trưng và đa dạng về sinh học nhất của cả vùng Đồng Tháp Mười”.

Là một trong những người lập bản đồ sinh học cho nhiều vườn quốc gia như Tràm Chim, U Minh..., ông Quới cho biết Láng Sen có đặc trưng mà nhiều nơi ở đồng bằng sông Cửu Long không có được, vì đây là một bồn trũng có cao độ chỉ từ 0,42-1,8m so với mực nước biển, chịu ảnh hưởng trực tiếp chế độ thủy văn của sông Cửu Long, được tiếp nước chủ yếu do các kênh tạo nguồn lớn từ sông Cửu Long như kênh Hồng Ngự - Long An, kênh 79, kênh 28 và sông Lò Gạch, đầu nguồn sông Vàm Cỏ Tây...

Có nhiều nơi ngập quanh năm như rạch Cá He, Cái Nổ, bàu trũng Láng Sen... có nhiều con cá trong Sách đỏ thế giới như tra dầu, được xem là thủy quái của đồng bằng sông Cửu Long” - ông Quới nói thêm.

Không chỉ thế, qua khảo sát, hiện tại Láng Sen được thống kê có đến 156 loài thực vật, 149 loài động vật có xương sống (không kể lớp cá)... Trong đó có 13 loài nằm trong Sách đỏ Việt Nam và 10 loài nằm trong Sách đỏ thế giới.

Ông Quới hồ hởi nói: “Việc ghi nhận sẽ còn tiếp tục, tuy nhiên có thể nói ở Láng Sen có điều đặc biệt hơn các nơi khác là cò ốc, quắm đen, quắm trắng đều có làm tổ. Những loài chim quý như già đẫy, diệc lửa, diệc xám, cò ma, cò lông trĩ chân xanh, trích, còng cọc, giang sen, chim suốt, vịt trời, le le, dòng dọc, điên điển, bói cá... nơi khác khó thấy chớ vào đây quần quần một hồi là thấy liền”.

Cách đây hơn hai tháng, trong lúc đang đi công tác, ông Qưới nhận được một bức ảnh của Linh Em gửi sang làm ông “mừng hết biết”. Đó là bức hình chụp một chú mèo cá ngay khu vực phía sau nhà trung tâm của khu bảo tồn. Đây là một trong những loài mèo quý hiếm được Liên minh bảo tồn thiên nhiên quốc tế xếp vào tình trạng bị đe dọa, rất hiếm thấy.

Anh Nguyễn Linh Em, nhân viên khu bảo tồn Láng Sen, chống xuồng vào “tổ chim” 200 ha -THUẬN THẮNG
Anh Nguyễn Linh Em, nhân viên khu bảo tồn Láng Sen, chống xuồng vào “tổ chim” 200 ha -THUẬN THẮNG

 

Thách thức công cuộc bảo tồn

Lúc trở về nhà trung tâm của khu bảo tồn, chúng tôi được Linh Em cho đi qua một con lạch đặc rền bèo tấm, ngang qua những vườn sen bạt ngàn. Đi cung đường này, cứ một đoạn lại gặp từng đàn điên điển, cò ốc bị động vụt bay lên huyên náo cả góc rừng. Mùa sen đã qua nhưng vườn sen nơi đây vẫn lác đác bông. “Sen ở khu vực này tuyệt đối không cho bất cứ ai đụng vào, nên cứ nở, tàn tự nhiên” - ông Trương Thanh Sơn, giám đốc khu bảo tồn Láng Sen, khẳng định.

Thỉnh thoảng thấy một vài xác cá tra to bằng bắp chân người nổi lềnh bềnh trên nước. Một tiếng quẫy “tùm” gần đó khiến tất cả chúng tôi giật mình, vỏ lãi chênh chao. Ông Sơn lại giải thích tiếp: “Ở đây, cá tra, cá lóc bông to trên 20kg còn rất nhiều. Những con chết nổi là do bị con lớn hơn tấn công. Chúng tôi vẫn để tự nhiên như vậy”.

Dù hoàn toàn để tự nhiên trong khu vực 2.000 ha với hơn 12 trạm bao quanh có người túc trực thường xuyên, nhưng ông Sơn cho hay việc bảo vệ cũng không ít khó khăn khi gần 2.000 ha còn lại của khu bảo tồn lại là lâm trường đang được cho khai thác. “Vùng đệm xung quanh rút nước thì trồng lúa, nước lên thì đơn vị quản lý là Lâm trường Vĩnh Lợi lại cho khai thác đánh bắt thủy sản. Do đó hễ chim, cá vượt ra khỏi phạm vi 2.000 ha canh gác của chúng tôi là... khó sống” - ông Sơn nói.

Cũng theo ông Sơn, một trong những lý do để Láng Sen không thể trở thành vườn quốc gia bởi diện tích thật sự bảo tồn không đủ chuẩn. Những vùng như khu “tổ chim 200ha” có đường biên giáp với khu dân cư xung quanh cũng là một thách thức không nhỏ cho những người làm công tác bảo tồn.

Trong khi đó, ông Sơn cho biết ngoài kinh phí được cấp hằng năm vừa đủ để trả lương cho cán bộ, các hoạt động bảo tồn khác chủ yếu dựa vào nguồn vốn hỗ trợ từ các tổ chức phi chính phủ. Năm 2015 vừa qua, một nguồn vốn khoảng 30.000 euro được sử dụng cho đề án xây dựng các mô hình chăn nuôi, trồng thủy sản xoay vòng đối với 120 hộ dân xung quanh vườn. Hiện còn rất nhiều điều phải làm để khu này không bị đe dọa.

Nói thêm về câu chuyện này, tiến sĩ Lê Phát Quới nhận định: “Loài chim có giác quan rất mạnh trong cảm nhận sự an toàn. Hiện tại chúng vẫn làm tổ ở đây vì an toàn. Một mùa làm tổ thường gây tổn hại đến cả một rừng tràm vì ngọn tràm bị gãy, suy tàn do chim đậu. Chúng lại di chuyển vòng quanh sang khu tràm mới, loanh quanh trong khu vực 200 ha”.

Nhưng 2.000 ha là rất ít so với thực trạng sinh nở của các giống loài hiện có nơi đây. Ông Quới lo ngại đến khi các loài chim, cò phải mạo hiểm rời “khu vực an toàn” đi tìm thức ăn xung quanh. “Do đó việc mở rộng vùng đệm cách ly để các giống loài thuận lợi hơn nữa trong việc sinh sôi sớm muộn cũng phải tính tới” - ông Quới kết luận.■

Từ năm 1984-1985, thông qua Chương trình điều tra cơ bản vùng đồng bằng sông Cửu Long, nhiều nhà khoa học đã gợi ý chọn Láng Sen để thành lập một khu bảo vệ tài nguyên thiên nhiên đặc trưng của Đồng Tháp Mười. Đến tháng 1-2004, UBND tỉnh Long An chính thức ra quyết định thành lập khu bảo tồn đất ngập nước Láng Sen. Đến ngày 27-11-2015, Láng Sen chính thức đón nhận danh hiệu khu Ramsar (công ước quốc tế về bảo tồn và sử dụng một cách hợp lý các vùng đất ngập nước) thứ 2.227 của thế giới và là khu Ramsar thứ 7 của Việt Nam.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận