Đà nẵng: “Sửa sai quy hoạch” đất công trình công cộng

VIỆT HÙNG - HỮU KHÁ 26/09/2018 02:09 GMT+7

TTCT - Thời gian qua, TP Đà Nẵng để lại ấn tượng về một không gian đô thị khá hiện đại. Nhưng việc khai thác quỹ đất quá mức dưới hình thức phân lô bán nền dẫn đến đất dành cho hạ tầng, công cộng quá ít.

Dự án Đà Nẵng Center của Công ty cổ phần địa ốc Vũ Châu Long khởi công rầm rộ năm 2008 nhưng đến nay vẫn “đắp chiếu” sau khi thi công được phần móng. Ảnh: HỮU KHÁ
Dự án Đà Nẵng Center của Công ty cổ phần địa ốc Vũ Châu Long khởi công rầm rộ năm 2008 nhưng đến nay vẫn “đắp chiếu” sau khi thi công được phần móng. Ảnh: HỮU KHÁ

 

Nhiều khu đất ở trung tâm TP và ven biển bị xẻ bán ồ ạt và rơi vào tay các nhà đầu tư thiếu năng lực để rồi đất đai bị bỏ hoang. Thậm chí không gian công cộng như công viên, trung tâm văn hóa, thư viện, bãi biển... vốn đã ít ỏi cũng bị mất dần. Vậy làm gì để “sửa sai quy hoạch” nhằm có một không gian đô thị bền vững?

Công trình công cộng teo tóp

Khu đất 84 Hùng Vương trước đây là Trung tâm Văn hóa thông tin TP, nơi thường xuyên diễn ra các hoạt động văn hóa, thi đấu thể thao... của người dân. Còn khu đất ba mặt tiền Phan Châu Trinh - Hùng Vương - Nguyễn Thị Minh Khai là Thư viện TP, nơi học sinh vào học, vui chơi dưới hàng cây xà cừ trăm năm tuổi. Những công trình công cộng (CTCC) biểu tượng một thời TP bỗng trở thành những dự án cao ốc, khách sạn... cách đây hơn 10 năm, nhưng giờ dự án chỉ mọc lên được... cái móng nhà.

Dọc bãi biển Đà Nẵng trước đây là bạt ngàn cát trắng và rừng dương liễu dài hàng chục kilômet từ quận Sơn Trà qua quận Ngũ Hành Sơn. Từ khu dân cư ra mép biển, người tắm biển đi trên bãi cát trắng đến mỏi chân. Nhưng khi con đường ven biển mọc lên thì bãi biển hẹp trở lại, các dự án khách sạn, resort, sòng bài, bất động sản san sát nhau đã bịt gần hết lối xuống biển tắm của người dân.

Bãi biển phía bắc TP, từ quận Hải Châu qua Thanh Khê lên Liên Chiểu bị “dồn nén” bởi con đường Nguyễn Tất Thành xây dựng quá sát mép biển. Đặc biệt, 4km bờ biển đi qua quận Thanh Khê có bãi biển rất hẹp từ 3-7m nên khó phát triển các dịch vụ du lịch. Bãi biển Nguyễn Tất Thành do quá sát với dân cư nên đang đối mặt với ô nhiễm từ các cống xả thải. Bức bối việc bãi biển Nguyễn Tất Thành chậm phát triển, quận Thanh Khê đã đề xuất đổ đất lấn biển, cải tạo cảnh quan tuyến đường này để góp phần phát triển các ngành thương mại dịch vụ, du lịch đã gặp phải nhiều phản ứng trái chiều trong dư luận Đà Nẵng.

Đỉnh điểm của sự bức xúc “lấn” vào đất công cộng của người dân ở dự án khu du lịch sinh thái Nam Ô nằm ở biển Liên Chiểu. Dự án này bao trùm và xóa sổ các di tích lịch sử, tín ngưỡng, tâm linh có giá trị và truyền thống của dân làng Nam Ô. Khi dự án bắt đầu triển khai đã chắn đường xuống biển sinh hoạt và mưu sinh của người dân khiến họ tập trung phản đối nên dự án phải dừng lại.

Chưa hết, khu đất rộng hơn 50ha nằm giữa sông Hàn và bãi biển Phước Mỹ, trung tâm quận Sơn Trà phát triển du lịch lại được quy hoạch làm khu công nghiệp An Đồn. Về hướng cuối sông, đầu biển là khu công nghiệp dịch vụ thủy sản Thọ Quang với các nhà máy chế biến hải sản. Những khu công nghiệp nằm trong lòng TP này không những ảnh hưởng về môi trường, du lịch mà còn gây xung đột về giao thông lẫn mỹ quan đô thị.

Mặt khác, các quận Hải Châu, Cẩm Lệ, Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn, Liên Chiểu có quá trình đô thị hóa cao, từng khu đất, dân cư bị giải tỏa với hơn 110.000 hộ dân TP bị ảnh hưởng. Thế nhưng phần lớn diện tích đất này làm khu đô thị, khu dân cư, dự án kinh doanh mà ít dành đất cho hạ tầng và CTCC. Chỉ riêng các dự án khu tái định cư thì 15 năm qua TP đã triển khai xây dựng đến 320 dự án, đã bố trí tái định cư 128.642 lô đất cho hơn 110.000 hộ dân. Tuy nhiên đất dành cho CTCC như giao thông, công viên, giáo dục, y tế... thì đầu tư xây dựng chưa tương ứng, khiến sinh hoạt của người dân khó khăn.

Không có đất cho công trình công cộng

Câu chuyện không có đất để mở rộng công viên APEC ở phía tây đầu cầu Rồng đã lộ rõ những bất cập trong công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch, sử dụng đất đai ở TP biển này. Bởi quỹ đất CTCC chạy dọc sông Hàn trước đây đã được TP chuyển quyền cho các chủ đầu tư làm dự án khách sạn, căn hộ, trung tâm thương mại. Giờ muốn mở rộng công viên TP phải thương lượng với doanh nghiệp để hoán đổi đất.

Theo báo cáo giám sát của HĐND TP Đà Nẵng, một số đồ án, dự án chưa tuân thủ quy hoạch, điều chỉnh nhiều lần tác động tiêu cực đến chiến lược phát triển kinh tế - xã hội và mục tiêu quy hoạch đã đề ra. Nhiều công trình được phê duyệt chủ trương đầu tư nhưng bị động trong việc bố trí đất đai. Việc chọn địa điểm mới cho các công trình còn thực hiện theo cách thức xử lý tình huống, chỉ khi phát sinh yêu cầu cấp thiết mới tìm địa điểm.

Điển hình như quy hoạch đầu tư các bãi đỗ ôtô hết sức bức xúc nhưng khi thực hiện không có quỹ đất để xây dựng; hay một số trường học, nhà sinh hoạt cộng đồng, nhà trẻ, chợ... trong tình trạng tương tự. Việc thể thao thành tích cao của TP Đà Nẵng có chiều hướng đi xuống cũng liên quan đến đất đai sân vận động Chi Lăng.

Giám đốc Sở Văn hóa - thể thao TP Huỳnh Văn Hùng thừa nhận nguyên nhân khách quan do cơ sở vật chất phục vụ tập luyện không đáp ứng đủ điều kiện cho vận động viên thể thao thành tích cao. “Từ khi sân vận động Chi Lăng không còn (chuyển quyền cho Tập đoàn Thiên Thanh - PV), các môn thể thao thành tích cao của Đà Nẵng như điền kinh, võ, bóng bàn... không có điều kiện tập luyện mà phải tập nhiều chỗ” - ông Hùng phân trần.

Tại kỳ họp HĐND TP tháng 7 vừa qua, kết luận về phiên chất vấn liên quan đến đầu tư, đất đai dành cho công trình văn hóa thể thao, Chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng Nguyễn Nho Trung đề nghị TP sắp tới cần rà soát lại quỹ đất dành cho văn hóa, thể thao gắn với việc điều chỉnh quy hoạch TP, kiên quyết bảo đảm quỹ đất cho văn hóa, thể thao và không sử dụng quỹ đất này phục vụ mục đích khác.

Sửa sai khi chưa muộn

Thiếu vắng không gian công cộng, vui chơi giải trí, trong khi các khu đất lớn trung tâm TP bỏ hoang cả chục năm trời. Những động thái mới của chính quyền TP Đà Nẵng khi “sửa sai quy hoạch” bước đầu đã đáp ứng được nguyện vọng và đòi hỏi của người dân.

Sau nhiều lần ra “tối hậu thư”, vừa qua UBND TP đã có những chuyển động quyết liệt về việc xem xét thu hồi các lô đất trống, các dự án ì ạch, có vấn đề pháp lý để dành cho các công trình công cộng. Các dự án đã được TP “để mắt” là dự án 84 Hùng Vương, Đà Nẵng Center (đường Phan Châu Trinh - Hùng Vương - Nguyễn Thị Minh Khai).

Hiện TP đã giao các sở, ngành làm việc với chủ đầu tư để đôn đốc triển khai dự án hoặc nghiên cứu theo hướng trao đổi, thỏa thuận thu hồi đất để TP phục vụ mục đích công cộng. UBND phường Hải Châu 1 tổ chức họp dân lấy ý kiến về chủ trương thu hồi hai dự án để phục vụ mục đích công cộng thì đa số người dân xung quanh dự án đồng ý làm bãi đỗ ôtô kết hợp công viên, khu vườn dạo phục vụ mục đích công cộng.

Không chỉ thu hồi các dự án bỏ hoang, vừa qua Thành ủy Đà Nẵng đã có chủ trương về việc thu hồi dự án bến du thuyền phía tây sông Hàn với diện tích 4.000m2 để làm CTCC, du lịch. Ngoài ra, chính quyền Đà Nẵng quyết định giải tỏa hàng trăm hộ dân nằm sát di tích quốc gia Thành Điện Hải để làm quảng trường. Đồng thời, TP quyết định di dời Bảo tàng Đà Nẵng ra khỏi di tích Thành Điện Hải, dự kiến chuyển đến khuôn viên đất “vàng” 44 Bạch Đằng, 31 Trần Phú kết hợp với 42 Bạch Đằng ở bờ tây sông Hàn.

Về phương án mở rộng công viên APEC thêm 6.000m2 khu đất dự án bên cạnh, giám đốc Sở Xây dựng Vũ Quang Hùng cho hay đây là nguyện vọng chính đáng của người dân, chính quyền TP đang làm việc với chủ đầu tư, thống nhất hoán đổi vị trí đất tương đương có diện tích 5.600m2 tại quận Sơn Trà.■

Thu đất dự án ì ạch làm công viên biển

Hiện TP đang chuẩn bị mở lối xuống biển giữa khu nghỉ dưỡng Furama và dự án Ariyana và phê duyệt quy hoạch ba lối xuống biển khác trong ranh giới các dự án khu nghỉ dưỡng ven biển: lối xuống biển công cộng rộng 17m giữa dự án khu du lịch quốc tế đặc biệt Silver Shores và khu du lịch nghỉ dưỡng của Công ty cổ phần Hòn Ngọc Á Châu; lối xuống biển công cộng rộng 10m tại phía bắc dự án khu du lịch biển The Song; lối xuống biển công cộng rộng 4m ở phía nam dự án Future Property Invest. TP cũng vừa giao các sở nghiên cứu thu hồi dự án khu nghỉ dưỡng của Công ty TNHH I.V.C để mở rộng quy hoạch dự án công viên văn hóa lịch sử Ngũ Hành Sơn kết nối với bãi biển thành công viên công cộng. Về lâu dài, TP phải làm đường đi bộ, đi xe đạp rộng từ 3-5m ven bờ biển để phục vụ người dân, du khách đi bộ, xe đạp dạo mát, ngắm biển.

Mới đây, sau khi rà soát toàn bộ các dự án, UBND TP đã có tờ trình thu hồi dự án khu du lịch ven biển Hòn Ngọc Á Châu tại đường ven biển Võ Nguyên Giáp sau nhiều năm cỏ dại mọc um tùm. TP sẽ làm việc với chủ đầu tư dự án về phương án thu hồi toàn bộ dự án để sử dụng làm công viên, quảng trường biển hoặc thu hồi phần diện tích tiếp giáp dự án khác để sử dụng làm bãi tắm công cộng và công viên biển. TP giao Sở TN-MT khái toán nhanh giá trị khu đất mặt tiền đường ven biển Trường Sa do Công ty TNHH I.V.C làm chủ đầu tư và lô đất dự án khu du lịch ven biển DAP - DAP 1 - DAP 2 để TP Đà Nẵng có cơ sở phê duyệt quy hoạch, lấy đất các dự án để mở lối xuống biển...

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận