Danh - lợi và câu chuyện giáo dục đại học

HUỲNH THẾ DU 04/08/2014 23:08 GMT+7

TTCT - Ở nơi được xem là cái nôi của kinh tế thị trường, nhưng Hoa Kỳ có rất ít các trường đại học vì mục tiêu lợi nhuận.

Các trường dẫn đầu ở nước này phần lớn là đại học tư không vì mục tiêu lợi nhuận.

“Bán danh” nên phải giữ danh

Bí quyết ở đây chính là việc “mua danh - bán danh” với đúng nghĩa đen của nó. Trừ một vài trường hợp ngoại lệ, con người ai cũng vì hai chữ lợi - danh. Ít ai có động cơ làm một việc gì đó mà thiếu vắng cả hai điều này.

Ở những trường phi lợi nhuận, không ai được chia lợi nhuận, nhưng rất nhiều nhà tài trợ đã đóng góp những khoản tài chính khổng lồ vì họ được lưu danh. Hầu hết cơ sở vật chất, các quỹ cũng như danh hiệu (giáo sư chẳng hạn) đều mang tên một hay một nhóm người nào đó mà đa số là tên của các nhà tài trợ hay những cá nhân có đóng góp cho sự phát triển của trường.

John Harvard, người được vinh dự lấy tên đặt cho ngôi trường được xem là thành công nhất thế giới hiện nay, chỉ là một người quyên góp tài sản cho trường sau hai năm thành lập. Stanford hay Vanderbilt là hai tỉ phú đã bỏ tiền ra xây và lấy tên mình đặt tên cho ngôi trường.

Tuy nhiên, điều đặc biệt là những người bỏ tiền xây trường không phải là những người quyết định đường hướng hoạt động của trường mà được quyết định bởi hội đồng trường (Board of Trustee) với thành viên là những người có chuyên môn, có uy tín.

Đây là yếu tố hết sức quan trọng quyết định sự thành công của nhiều đại học Mỹ. Hơn thế, phần quan trọng đối với mỗi một người khi đóng góp là được “thơm lây” từ uy tín và danh tiếng của ngôi trường. Do vậy, bảo vệ và nâng cao uy tín là vấn đề sống còn của hầu hết các trường ở Mỹ. Cách thức để làm điều này đơn giản chỉ là duy trì và nâng cao chất lượng đào tạo, chất lượng nghiên cứu của mỗi trường.

Nói một cách bóng bẩy thì muốn “bán danh”, các đại học Mỹ đã phải tạo ra và duy trì danh tiếng của mình bằng chất lượng. Có lẽ đây là một yếu tố quan trọng tạo ra tính ưu việt của hệ thống đại học Mỹ.

Danh - lợi khó có thể đồng thời

Có thể kiếm lợi từ giáo dục đại học là điều đã được chứng minh. Đại học Phoenix ở Mỹ là một trường hợp điển hình. Hơn thế, sự ăn nên làm ra của không ít đại học dân lập ở Việt Nam là một minh chứng ngay trước mắt chúng ta.

Tuy nhiên, đầu tư cho giáo dục đại học để có một mức chất lượng nhất định là rất tốn kém. Nếu đầu tư đúng mức, nhất là các đại học nghiên cứu thì học phí không thể nào đủ. Ví dụ, cho dù học phí phổ biến ở các đại học Mỹ dao động từ 0,5-1 lần GDP bình quân đầu người hay từ 20.000-40.000 đôla/năm, nhưng chúng thường chỉ chiếm chưa đến 50% (thường là 1/3) tổng chi phí đào tạo. Còn lại là nguồn tài trợ hay trợ cấp từ ngân sách nhà nước và đóng góp của các nhà tài trợ.

Đối với Việt Nam, 0,5-1 lần GDP bình quân đầu người hiện nay là 20-40 triệu đồng. Tuy nhiên, mức học phí thực tế của các trường dân lập hiện nay hầu hết là dưới 10 triệu đồng/năm. Gần như không trường nào có mức học phí trên 20 triệu đồng (trừ các trường hoặc chương trình quốc tế). Cho nên, có gì đó không ổn khi nhiều đại học dân lập đang ăn nên làm ra trong khi mức đóng học phí là rất khiêm tốn.

Trên thực tế, chi phí cho giáo dục đại học ở Việt Nam hiện nay chủ yếu là các chi phí tối thiểu cho việc dạy trên lớp. Sinh viên có rất ít cơ hội cho những hoạt động hay kỹ năng khác, giảng viên không có nhiều cơ hội cũng như động cơ làm nghiên cứu. Nói cách khác, các đại học ở Việt Nam chủ yếu tập trung vào việc dạy nghề với một số kỹ năng cơ bản cần thiết chứ không chú trọng việc phát triển các kỹ năng khác.

Những vấn đề đơn giản và cần thiết nhất như phát triển các trung tâm hướng nghiệp, tìm kiếm việc làm cũng như giúp sinh viên có cơ hội thực tập thực chất dường như chưa được chú trọng. Đơn giản, những hoạt động như vậy chỉ tiêu tốn chi phí mà không tạo ra nguồn thu.

Nói cách khác, với mục tiêu vì lợi nhuận của nhiều đại học Việt Nam hiện nay, việc đầu tư cơ sở vật chất (kể cả cứng và mềm) chỉ được thực hiện ở một mức tối thiểu nào đó. Vấn đề nghiêm trọng ở chỗ là nếu xu hướng hiện tại cứ tiếp tục thì khả năng một số đại học trở thành nơi bán bằng là rất dễ xảy ra.

Sự tồn tại và phát triển của các đại học vì mục tiêu lợi nhuận hiện nay ở Việt Nam là một thực tế khách quan. Tuy nhiên, rất khó để kỳ vọng những trường này trở thành những đại học nghiên cứu làm nền tảng cho một hệ thống giáo dục đại học đúng nghĩa. Vấn đề của Việt Nam hiện nay là nên tạo ra các cơ chế để các nhà tài trợ có thể đóng góp cho giáo dục. Điều này chỉ có thể thực hiện được khi mô hình đại học tư thục không vì mục tiêu lợi nhuận được tạo điều kiện phát triển.

Nói cách khác, giáo dục là nơi có thể tạo ra danh dễ và tốt nhất. Do vậy, nên để các nhà tài trợ có cơ hội lưu danh thay vì tạo cơ hội cho một số ít kiếm chác như hiện nay.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận