Để giảm gánh nặng lệ phí cho dân...

KHIẾT HƯNG THỰC HIỆN 08/10/2007 02:10 GMT+7

TTCT - Loại trừ các khoản phí, lệ phí phải nộp theo qui định của Nhà nước khi giải quyết các việc hành chính, mỗi hộ dân còn phải đóng góp hằng năm từ 2,5 - 5,2% thu nhập bình quân của mình cho các loại phí khác, điều này gây khó khăn cho họ trong đầu tư sản xuất, đi lại, học hành, y tế...

Phóng to

- Việc đóng góp phí, lệ phí là một việc rất bình thường bởi người dân phải có trách nhiệm đóng góp vào ngân sách nhà nước thông qua việc sử dụng các dịch vụ hoặc một số công việc liên quan đến quản lý nhà nước. Nguồn thu đó góp phần đầu tư vào các công trình phục vụ chính người dân.

Tuy nhiên, vẫn còn những tồn tại trong việc thực hiện pháp lệnh phí và lệ phí. Trong 340 loại phí, lệ phí Chính phủ chỉ đạo các địa phương phải bãi bỏ thì một số địa phương vẫn chưa có báo cáo cụ thể về việc bãi bỏ. Theo đánh giá của Ủy ban Tài chính - ngân sách của Quốc hội, Chính phủ vẫn chưa bao quát hết những khoản phát sinh phí, lệ phí và mức thu chưa phù hợp với cơ chế thị trường, chậm được bổ sung. Một số qui định còn thiếu nhất quán, bất cập. Công tác kiểm tra, kiểm soát thực hiện pháp lệnh phí và lệ phí còn thiếu chặt chẽ.

Phóng to
Quá nhiều khoản đóng góp đang trở thành gánh nặng đối với người dân

- Các khoản phí, lệ phí đề nghị xóa bỏ: đăng ký khai sinh; bản sao giấy khai sinh; đăng ký kết hôn; đăng ký khai tử; chứng thực hồ sơ đi học; chứng thực hồ sơ đi làm; đăng ký hộ khẩu thường trú; xác nhận hộ khẩu; cắt chuyển khẩu; cấp đổi sổ hộ khẩu vì thay đổi địa giới hành chính; xác nhận hộ tịch; cấp giấy chứng minh nhân dân; đăng ký tạm trú, tạm vắng. Đây được cho là những công việc liên quan đến mọi công dân, thuộc lĩnh vực dịch vụ công mà các cơ quan hành chính nhà nước có trách nhiệm lo cho dân, không nên coi là một loại phí người dân phải đóng góp.

- Các khoản thu thường niên và đột xuất đề nghị miễn: quĩ an ninh - quốc phòng; quĩ phòng chống lụt bão; quĩ kinh tế mới (ở một số địa phương); thủy lợi phí; khoản đóng góp xây dựng cơ sở hạ tầng điện cao thế.

* Thưa bà, thực tế hiện nay có tình trạng một số khoản phí, lệ phí không được qui định trong pháp lệnh nhưng lại được qui định ở một số văn bản chuyên ngành. Làm sao để ngăn chặn tình trạng này nhằm giảm bớt gánh nặng cho người dân?

- Vấn đề đó phải được tăng cường kiểm soát. Bên cạnh đó, người dân cũng nên lên tiếng phản ảnh nếu thấy các khoản phí, lệ phí bất hợp lý. Tôi thấy việc kiểm soát của Chính phủ đối với việc thực hiện phí, lệ phí còn hạn chế. Bây giờ Chính phủ có website để quan hệ với nhân dân nên người dân có điều kiện phản ảnh tốt hơn. Phải có sự đồng bộ như vậy mới kiểm soát được vấn đề.

* Bà có cho rằng hiện nay cùng với các khoản phí, lệ phí thì cũng có quá nhiều các khoản đóng góp khác nên trở thành gánh nặng đối với nhiều hộ dân?

- Tình trạng người dân phải đóng góp nhiều khoản đã được phản ảnh và Chính phủ đã giao Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn rà soát. Người dân sống ở nông thôn có mức thu nhập thấp mà phải đóng góp quá nhiều thì cần phải xem xem khoản phí, lệ phí nào hợp lý, loại nào không hợp lý. Bên cạnh đó, đáng quan tâm là khoản đóng góp tự nguyện của dân. Cá nhân tôi cho rằng nhiều khoản thu quá thì bắt buộc phải rà soát lại để làm sao giảm bớt đi, làm sao cho người dân có điều kiện tổ chức cuộc sống tốt hơn. Quả thật là chính sách huy động người dân tham gia đóng góp các khoản phí, lệ phí còn một số vấn đề cần phải tính toán đến đời sống và mức thu nhập của người dân ở các vùng miền khác nhau sao cho phù hợp.

* Thưa bà, một đánh giá đáng chú ý của Ủy ban Tài chính - ngân sách sau khi giám sát là việc không ít khoản phí, lệ phí để lại cho các cơ quan sử dụng chưa được kiểm tra, kiểm soát thường xuyên?

- Nếu tất cả những khoản đóng góp đưa vào ngân sách thì nó được thu chi theo một trình tự rất chặt chẽ. Ví dụ Quốc hội phân bổ ngân sách về địa phương và HĐND quyết định việc chi cho những vấn đề cụ thể. Tuy nhiên, đại biểu Quốc hội cũng đã phản ảnh ý kiến với Chính phủ về một số khoản phí, lệ phí chưa được ghi thu, ghi chi kịp thời vào ngân sách khiến người dân băn khoăn, chẳng hạn viện phí, học phí. Ý kiến Quốc hội là phải quản lý vấn đề này chặt chẽ hơn.

* Đây có phải là hậu quả của việc chúng ta chưa công khai, minh bạch các khoản phí, lệ phí?

- Nhà nước không thể hoàn toàn lo nổi tất cả các vấn đề do ngân sách hạn hẹp. Vì vậy người dân phải tham gia đóng góp cùng với Nhà nước. Tuy nhiên, người dân tham gia mức độ nào, Nhà nước tham gia mức độ nào thì phải công khai, minh bạch. Chỗ này chúng ta chưa rõ ràng nên vẫn còn nhập nhằng. Hằng năm kinh phí dành cho giáo dục vẫn tăng song hiệu quả như thế nào, người dân đóng góp như thế nào thì chưa làm rõ. Trong hoạch định các chính sách sắp tới cần thiết phải làm rõ phần nào của Nhà nước lo, phần nào là của người dân tham gia. Chính sách đó phải phân hóa theo các vùng, miền khác nhau. Làm rõ được những vấn đề đó thì người dân tham gia đóng góp mới thấy được sự đóng góp của mình, cùng với của Nhà nước, là hữu ích. Không rõ ràng như hiện nay thì dân vẫn kêu nhiều về các khoản phí, lệ phí, còn Nhà nước vẫn cảm thấy ngân sách không đủ.

* Theo bà, những loại phí nào nên bãi bỏ, điều chỉnh?

- Tôi ủng hộ theo hướng những việc gì mà cơ quan hành chính nhà nước phải cung cấp cho người dân thì nên bãi bỏ thu phí, lệ phí. Tuy nhiên, có một số dịch vụ công do các đơn vị sự nghiệp cung cấp thì phải tính lại cho phù hợp với điều kiện mới.

Những loại phí, lệ phí liên quan lớn đến người dân thì phải cân nhắc trước khi quyết định, ví dụ như viện phí, học phí. Chúng ta đang muốn định lại cách xử lý đối với viện phí, học phí nhưng phải tính toán rất thận trọng, chặt chẽ. Một số khoản phí khác mà Quốc hội cũng đã đề nghị Chính phủ phải nghiên cứu như phí thủy lợi. Nếu mức huy động vào ngân sách không đáng kể thì nên bỏ để hỗ trợ người dân.

Tôi muốn nhấn mạnh rằng Chính phủ phải nghiên cứu để làm sao những khoản đóng góp của người dân là hợp lý và dù Nhà nước huy động kiểu gì cũng phải tạo điều kiện để người dân tổ chức cuộc sống của mình ngày một tốt hơn.

* Quốc hội có đặt ra thời hạn để Chính phủ bãi bỏ những khoản phí, lệ phí, những khoản đóng góp bất hợp lý?

- Quốc hội không đặt ra thời hạn song Quốc hội cũng yêu cầu Chính phủ phải rà soát việc thu phí, lệ phí, đặc biệt là những khoản đóng góp tự nguyện của người dân, trong đó những khoản đóng góp cho xã hội, từ thiện phải thực hiện theo nguyên tắc tự nguyện. Tôi nghĩ Quốc hội chưa yêu cầu thì bản thân Chính phủ cũng phải kiểm soát để chính quyền địa phương làm đúng theo chỉ đạo; có như thế mới tạo được kỷ cương trong bộ máy hành chính nhà nước. Mặt khác, trên cơ sở báo cáo giám sát, Quốc hội sẽ theo dõi tất cả những kiến nghị mình đã đưa ra đối với Chính phủ.

Người dân gánh nặng 131 khoản đóng góp

Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, có tổng cộng 93 loại phí, lệ phí mà người dân phải đóng góp theo qui định của Nhà nước và có 38 khoản đóng góp xã hội khác. Ngoài các khoản phí, lệ phí theo qui định, một hộ nông dân bình quân một năm phải đóng từ 250.000 - 800.000 đồng cho các khoản đóng góp. Số lượng khoản và mức đóng góp phân chia theo vùng miền: trung du miền núi phía Bắc (28 khoản với mức từ 250.000 - 450.000 đồng/hộ/năm), đồng bằng sông Hồng (26 khoản, 350.000 - 500.000 đồng/hộ/năm), Bắc Trung bộ (24 khoản, 500.000 - 800.000 đồng/hộ/năm), duyên hải Nam Trung bộ (28 khoản, 400.000 - 700.000 đồng/hộ/năm), Tây nguyên (17 khoản, 400.000 - 600.000 đồng/hộ/năm), Đông Nam bộ (22 khoản, 350.000 - 550.000 đồng/hộ/năm), đồng bằng sông Cửu Long (25 khoản, 300.000 - 700.000 đồng/hộ/năm).

Theo đánh giá của Ủy ban Tài chính - ngân sách Quốc hội, một số địa phương nôn nóng, huy động đóng góp quá mức so với thu nhập của người dân vô hình tạo thành gánh nặng cho người dân trong điều kiện thu nhập còn thấp, đời sống khó khăn. Mức huy động đóng góp của người dân còn được thực hiện tùy tiện tại nhiều nơi, gây ra bất hợp lý giữa các vùng. Những vùng kinh tế khó khăn thì mức đóng góp có xu hướng cao hơn vùng thuận lợi.

Phóng to

Phân biệt phí trá hình

Chúng ta phải phân biệt được những qui định của pháp luật về phí, lệ phí do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành với những khoản đóng góp tự nguyện hoặc trá hình tự nguyện. Những khoản đóng góp ở cơ sở thì đã có pháp lệnh nên địa phương phải tổ chức giám sát, thực hiện.

Vừa qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã yêu cầu Bộ Tài chính làm đầu mối chủ trì giúp Chính phủ rà lại danh mục hiện hành để xem những loại phí, lệ phí nào có thể bỏ, loại nào cần bổ sung. Để phù hợp với bản chất của kinh tế thị trường, phù hợp với yêu cầu phát triển hội nhập thì phải phân biệt rất rõ đâu là phí, đâu là lệ phí, đâu là giá, đâu là thuế để đưa về quản lý theo nguyên tắc của những công cụ kinh tế đó và chấn chỉnh để sao cho sự đóng góp vừa với sức dân, vừa với các đối tượng. Có như thế mới tạo được sự đồng thuận của xã hội.

Miễn giảm đóng góp cho dân

Hội Nông dân VN đã điều tra và thấy có quá nhiều khoản đóng góp đối với người dân nói chung và các hộ dân ở nông thôn nói riêng. Nếu tiếp tục giữ nguyên các khoản đóng góp như hiện nay thì sẽ tác động tiêu cực đến người dân. Ngược lại, việc miễn giảm đóng góp sẽ tác động tích cực đến đời sống người dân, đặc biệt trong bối cảnh hội nhập hiện nay.

Quan điểm của chúng tôi là phải rà soát, bãi bỏ những khoản đóng góp không cần thiết, trong đó có việc bãi bỏ hẳn thủy lợi phí cho nông dân. Hội Nông dân VN đã có văn bản gửi Ban bí thư và Ban bí thư đã chỉ đạo Chính phủ xem xét, báo cáo vấn đề này. Chắc Chính phủ sẽ xử lý, dù chậm nhưng cũng còn hơn không.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận