Chùm truyện cực ngắn của Thomas Bernhard

PISA VÀ VENICE 04/05/2024 07:10 GMT+7

TTCT - Vào phút chót, chúng tôi đề nghị hắn bắt chước giọng nói của chính hắn, thì hắn nói rằng hắn không thể làm được.

SUÝT NỮA

Trong lần du lịch gần đây nhất tới Mölltal, mà ở đó thì vào bất cứ thời điểm nào trong năm chúng tôi cũng đều luôn vui thú tận hưởng cả, chúng tôi trú tại một quán trọ kiêm quán rượu ở Obervellach, do một vị bác sĩ ở Linz giới thiệu cho, nó không làm chúng tôi thất vọng, và ở đó chúng tôi được trò chuyện với một nhóm thợ nề làm công nhật tụ tập ở quán sau giờ làm, họ chơi đàn zither và hát hò, gợi cho chúng tôi nhớ đến những kho tàng vô tận của âm nhạc dân gian xứ Carinthia.

Vào buổi tối muộn hôm ấy, nhóm người thợ nề làm công nhật đó tới quán và ngồi chung bàn với chúng tôi và từng người một trong số họ kể lại một điều gì đó đáng nhớ hoặc đáng chú ý trong chính cuộc đời họ. Chúng tôi đặc biệt choáng váng trước câu chuyện của một người thợ nề kể rằng ở tuổi mười bảy, để giành chiến thắng trong một vụ cá cược với một người bạn thợ, anh ta đã trèo lên tháp chuông nhà thờ ở Tamsbach, mà cái tháp chuông này, như tất cả mọi người đều biết, rất cao. Suýt nữa thì tôi đã rơi xuống chết tươi, người thợ nề đó nói, và anh ta nhấn mạnh rất rõ ràng rằng chính vì thế mà anh ta suýt nữa đã được lên báo.

Là một trong những tác gia quan trọng nhất của văn chương Đức ngữ nửa cuối thế kỷ 20, Thomas Bernhard thường được biết đến với tư cách là một tiểu thuyết gia hoặc một kịch tác gia hơn là một nhà văn viết truyện ngắn. Tập truyện cực ngắn Nghệ sĩ bắt chước tiếng nói xuất bản năm 1978 dường như bổ sung một diện mạo khác của ông. Vẫn còn nguyên chất hài hước đen cố hữu không thể trộn lẫn, vẫn còn nguyên cái nhìn yếm thế về xã hội nhưng khuôn thức của thể loại truyện ngắn loại bỏ những gì mà tiểu thuyết cho phép và từng làm nên đặc trưng của ông: không còn những màn độc thoại dài miên man, trùng trùng điệp điệp nữa, những câu văn trở nên thanh thoát, gọn ghẽ, chặt chẽ, sắc bén như một lưỡi dao vừa đủ mở ra một lát cắt độc đáo và thú vị của đời sống.

Là một trong những tác gia quan trọng nhất của văn chương Đức ngữ nửa cuối thế kỷ 20, Thomas Bernhard thường được biết đến với tư cách là một tiểu thuyết gia hoặc một kịch tác gia hơn là một nhà văn viết truyện ngắn. Tập truyện cực ngắn Nghệ sĩ bắt chước tiếng nói xuất bản năm 1978 dường như bổ sung một diện mạo khác của ông. Vẫn còn nguyên chất hài hước đen cố hữu không thể trộn lẫn, vẫn còn nguyên cái nhìn yếm thế về xã hội nhưng khuôn thức của thể loại truyện ngắn loại bỏ những gì mà tiểu thuyết cho phép và từng làm nên đặc trưng của ông: không còn những màn độc thoại dài miên man, trùng trùng điệp điệp nữa, những câu văn trở nên thanh thoát, gọn ghẽ, chặt chẽ, sắc bén như một lưỡi dao vừa đủ mở ra một lát cắt độc đáo và thú vị của đời sống.

PISA VÀ VENICE

Hai ông thị trưởng thành phố Pisa và Venice đã đồng ý cùng nhau gây sốc cho du khách, những người vốn hàng thế kỷ nay bị quyến rũ bởi cả hai thành phố này, bằng cách cho chuyển tháp nghiêng Pisa đến Venice và chuyển tháp chuông Venice đến Pisa, việc này sẽ được thực hiện một cách bí mật và thực hiện ngay trong đêm. Tuy nhiên, họ không thể giữ được bí mật kế hoạch của mình và chính vào cái đêm mà họ định cho chuyển tháp nghiêng Pisa đến Venice và chuyển tháp chuông Venice đến Pisa, họ đã bị người ta tống vào nhà thương điên, đương nhiên ông thị trưởng thành phố Pisa bị tống vào nhà thương điên Venice, còn ông thị trưởng thành phố Venice thì bị tống vào nhà thương điên Pisa. Giới chức Italia có khả năng thực hiện việc này một cách hoàn toàn bí mật.

TUYÊN BỐ

Một người đàn ông ở Augsburg đã bị tống vào nhà thương điên Augsburg chỉ bởi vì, trong suốt cuộc đời mình, mỗi khi có dịp ông đều tuyên bố rằng lời cuối cùng mà Goethe nói ra lúc lâm chung là mehr nicht (thôi đủ rồi) chứ không phải là mehr Licht (thêm ánh sáng), người ta nói rằng việc này, dần dà theo thời gian, đã khiến cho những người mà ông tiếp xúc tức phát điên lên đến nỗi họ hợp sức lại tống cái ông người Augsburg này, kẻ vốn bị ám ảnh đến độ bất hạnh với tuyên bố của mình, vào nhà thương điên. Người ta kể lại rằng có sáu vị bác sĩ từ chối cho ông vào nhà thương điên nhưng vị bác sĩ thứ bảy thì ngay lập tức thu xếp cho ông vào. Vị bác sĩ này, theo như thông tin tôi đọc được từ tờ Frankfurter Allgemeine Zeitung, đã được thành phố Frankfurt trao tặng huy hiệu Goethe vì những nỗ lực này.

BROCHURE

Vào cuối mùa đông nọ, một cặp vợ chồng người Salzburg, vốn không bao giờ làm việc chung với nhau và giờ đây mỗi người đều có lương hưu riêng, chợt nảy ra ý định đi du lịch tới khu Hồ Zell ở Pinzgau, và vì thế họ kiếm được một brochure quảng cáo có thông tin về cái thị trấn được ca tụng rất nhiều này để xem trong ấy có khách sạn nhỏ nào phù hợp cho mục đích lưu trú hai hoặc ba tuần ở đó không. Cặp vợ chồng này, vốn rất thích du lịch, đã tìm được một khách sạn nhỏ trong tập brochure đó, khách sạn này dường như đúng là cái mà họ hình dung trong đầu và dường như đáp ứng được nhu cầu của họ, và thế là họ lên đường tới khu Hồ Zell. Tuy nhiên, khi bước chân vào cái khách sạn mà họ đã chọn, họ đành phải thừa nhận rằng mọi thứ mà họ trông đợi ở cái khách sạn này lại hoàn toàn trái ngược với sự trông đợi của họ. Chẳng hạn, những căn phòng trong khách sạn vốn được mô tả là rất dễ chịu lại tối như hũ nút và đối với cặp vợ chồng đang kinh hãi này thì cứ như thể có một cỗ quan tài đóng chặt được đặt xuống sàn của mọi căn phòng đó, cỗ nào cũng có tên họ được khắc lên trên đó.

CẢNH BÁO

Một doanh nhân người Koblenz đã biến giấc mơ đời mình thành hiện thực bằng chuyến đi du lịch đến kim tự tháp Ginza và sau khi tham quan kim tự tháp xong, ông đành phải mô tả chuyến đi này là điều thất vọng lớn nhất trong cuộc đời mình, điều này thì tôi hoàn toàn hiểu được, bởi chính tôi năm ngoái cũng đi du lịch ở Ai Cập và kim tự tháp là thứ tôi thất vọng nhất. Tuy nhiên, trong khi tôi đã nhanh chóng vượt qua nỗi thất vọng của mình, thì vị doanh nhân người Koblenz kia lại thực hiện một cuộc báo thù cho nỗi thất vọng của ông bằng cách liên tục đặt quảng cáo hàng tháng trời trên tất cả các tờ báo lớn của Đức, Thụy Sĩ và Áo, cảnh báo tất cả các du khách định tới thăm Ai Cập đừng có đến kim tự tháp và nhất là đừng có đến kim tự tháp Cheops, vốn là cái khiến ông ta thất vọng sâu sắc nhất, hơn tất cả các kim tự tháp khác. Vị doanh nhân người Koblenz ấy đã sử dụng hết sạch mọi nguồn lực của mình trong một thời gian rất ngắn cho những mẩu quảng cáo mà ông gọi là chống lại Ai Cập và chống lại kim tự tháp, và bị khánh kiệt toàn bộ gia sản. Đương nhiên, những mẩu quảng cáo của ông chẳng gây ra ảnh hưởng gì lên mọi người như ông đã hy vọng; trái lại, số lượng khách du lịch tới Ai Cập năm nay đã tăng gấp đôi so với năm ngoái.

Tranh của Magritte René

Tranh của Magritte René

NGHỆ SĨ BẮT CHƯỚC TIẾNG NÓI

Tay nghệ sĩ bắt chước tiếng nói này, kẻ vốn dĩ được mời đến làm khách trong hội nghị của hiệp hội phẫu thuật vào tối hôm qua, đã tự tuyên bố - sau khi được người ta giới thiệu ở Palais Pallavicini - rằng hắn sẵn lòng đi với chúng tôi đến Kahlenburg, tại đó nhà của chúng tôi luôn mở cửa cho bất kỳ nghệ sĩ nào muốn thể hiện tài năng của mình - đương nhiên không phải là miễn phí. Chúng tôi đã yêu cầu tay nghệ sĩ này, kẻ vốn dĩ có gốc gác là người Anh dân Oxford, nhưng lại theo học phổ thông ở Landshut, và vốn xuất thân là thợ làm súng ở Berchtesgaden, không được lặp lại mình ở Kahlenburg mà hãy để cho chúng tôi được chứng kiến một màn trình diễn hoàn toàn khác với những gì hắn đã làm trong hội nghị của hiệp hội phẫu thuật; tức là, bắt chước giọng nói của những người hoàn toàn khác với những người mà hắn đã bắt chước ở Palais Pallavicini, và hắn đã hứa sẽ thực hiện, bởi vì chúng tôi đều đã mê mẩn với màn trình diễn mà hắn thể hiện ở Palais Pallavicini rồi. Quả thật, tay nghệ sĩ này đã bắt chước giọng nói của những người hoàn toàn khác - tất cả ít nhiều đều thuộc loại có tiếng tăm - với những người mà hắn đã bắt chước trước hội nghị của hiệp hội phẫu thuật. Chúng tôi được phép thể hiện mong muốn của riêng mình và tất cả những mong muốn của chúng tôi đều được hắn dễ dàng đáp ứng. Tuy nhiên vào phút chót, chúng tôi đề nghị hắn bắt chước giọng nói của chính hắn, thì hắn nói rằng hắn không thể làm được.

LƯƠNG TÂM TỘI LỖI

Hai mươi năm trước tại Câu lạc bộ diễn viên ở Warsaw, nơi ta có thể có những cuộc trò chuyện thú vị nhất cũng như có cơ hội thưởng thức những món ăn ngon nhất, tôi được gặp vợ của một họa sĩ mà người ta xếp vào loại siêu thực rất nổi tiếng ở Ba Lan; bà chính là người dịch Núi thần của Thomas Mann, cùng với những tác phẩm khác nữa, ra tiếng Ba Lan và cũng là một trong những người phụ nữ có học thức nhất Ba Lan. Chỉ đến khi sắp kết thúc cuộc chuyện trò, bà mới nhắc đến một tình thế kinh khủng mà bà đang lâm vào - chồng bà đang nằm hấp hối trong một bệnh viện ở Warsaw và buổi tối hôm ấy là lần đầu tiên trong vòng một năm qua bà đi ra ngoài giao lưu với mọi người. Tôi đã có hân hạnh được gặp bà trong vài dịp khác nữa và được trò chuyện với bà về văn chương nghệ thuật của cả Đức lẫn Ba Lan. Và tất nhiên, tôi cũng bàn luận với bà về chính trị và liên tục bày tỏ sự ngưỡng mộ của mình với người Ba Lan. Mười năm sau khi quay trở lại Warsaw, cố nhiên tôi có đến thăm bà. Bà ra cửa đón tôi và thông báo rằng chồng bà đang hấp hối, điều này khiến tôi tưởng rằng bà bị điên. Nhưng thực ra thì bà đã tái hôn được gần mười năm rồi và giờ thì người chồng thứ hai của bà cũng nằm ở chính cái bệnh viện mà người chồng thứ nhất đã nằm và mắc cùng một chứng bệnh y như thế, những điều này thì bà không nói ra ngay từ đầu luôn. Đương nhiên, tôi có mời bà đến Câu lạc bộ diễn viên và ở đó lại một lần nữa bà nói rằng trong một năm qua bà không đi ra ngoài giao du và tất nhiên là không đến Câu lạc bộ diễn viên rồi. Lại thêm mười năm nữa trôi qua khi tôi quay trở lại Warsaw, lần này thì tôi không đến thăm bà, dù khi ở đó lúc nào tôi cũng nhớ đến bà và tất nhiên còn mang theo một lương tâm tội lỗi nữa.

Chùm truyện cực ngắn của Thomas Bernhard- Ảnh 3.

BẤT KHẢ

Một nhà soạn kịch đã đặt ra nguyên tắc không đến thăm bất cứ nơi nào đang dàn dựng kịch của mình cho dù kịch của ông vốn được công diễn ở tất cả các nhà hát lớn, và dù càng ngày càng tận hưởng nhiều thành công hơn nhưng ông vẫn có thể giữ vững được nguyên tắc này trong nhiều năm. Ông dứt khoát từ chối mọi lời mời, từ các tay quản lý nhà hát, đến xem họ dàn dựng kịch của mình, bỏ qua không trả lời hầu hết những yêu cầu của họ. Vả lại, không có gì khiến ông căm ghét bằng đám quản lý nhà hát cả.

Một ngày kia, ông phá vỡ nguyên tắc này và đến nhà hát Düsseldorf - lúc ấy vốn được coi là một trong những nhà hát tốt nhất, điều này đương nhiên mang hàm ý rằng nhà hát Düsseldorf trên thực tế là một trong những nhà hát tốt nhất ở Đức - để xem vở kịch mới nhất của ông được công diễn ở đó, tất nhiên, không phải là trong đêm diễn mở màn, mà là đêm diễn thứ ba hay thứ tư gì đó.

Sau khi xem xong những gì mà đám diễn viên ở Düsseldorf đã làm với vở kịch của mình, ông đâm đơn kiện ra tòa án Düsseldorf, nơi có quyền hạn xét xử những vụ việc như thế này, và điều này cũng đủ để người ta tống ông, trước khi phiên tòa diễn ra, vào nhà thương điên Bethel khét tiếng ở gần Bielfeld. Ông đã kiện đòi tay quản lý nhà hát Düsseldorf phải trả lại vở kịch cho ông, điều này không có gì khác hơn là đòi hỏi tất cả những ai liên đới đến vở kịch của ông theo bất kỳ cách nào phải tạo ra và phải trả lại một cái gì đấy ít nhất có liên quan với vở kịch của ông.

Đương nhiên, ông còn đòi hỏi tất cả các khán giả đã xem vở kịch của ông, gần năm ngàn ngươi, trả lại cho ông những gì mà họ đã xem.

(Nguyễn Nguyên Phước dịch từ bản tiếng Anh The Voice Imitator gồm 104 truyện ngắn của Thomas Bernhard do Kenneth J. Northcott dịch)


Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận