Để hấp dẫn đầu tư kỹ thuật cao

TRẦN KHUÊ (MBA - HOA KỲ) 28/03/2004 19:03 GMT+7

TTCN - Để củng cố vị trí cạnh tranh với người khổng lồ Intel, Công ty Advanced Micro Device (AMD) ở Silicon Valley, California (Mỹ) quyết định xây một nhà máy sản xuất vi mạch bán dẫn công nghệ mới trị giá 2,8 tỉ USD, trong đó chi phí máy móc thiết bị đã chiếm gần 2 tỉ.

Phóng to
TTCN - Để củng cố vị trí cạnh tranh với người khổng lồ Intel, Công ty Advanced Micro Device (AMD) ở Silicon Valley, California (Mỹ) quyết định xây một nhà máy sản xuất vi mạch bán dẫn công nghệ mới trị giá 2,8 tỉ USD, trong đó chi phí máy móc thiết bị đã chiếm gần 2 tỉ.

Đây là nhà máy đầu tiên sản xuất sản phẩm vi mạch bán dẫn dựa trên khuôn silicon 300mm, mới nhất hiện nay. Công nghệ này sẽ cho ra sản lượng vi mạch nhiều gấp đôi (so với kỹ thuật hiện hành là khuôn 200mm) và hứa hẹn tương lai tài chính tươi sáng cho AMD vì tiết kiệm được rất nhiều chi phí, tăng được sản lượng và hạ giá thành xuống thấp. Qui trình sản xuất, tổ chức - quản lý - tự động hóa theo mô hình tiên tiến nhất của Mỹ (APM 3.0) sẽ được đưa vào vận hành tại nhà máy này.

Nhà máy sẽ tạo ra 1.000 việc làm cao cấp và gián tiếp tạo thêm 1.300 việc làm trong các khâu ngoại vi như cung cấp và phân phối sản phẩm.

AMD hiện đang dẫn đầu với công nghệ chip AMD 64 và dự đoán nhu cầu này sẽ bùng nổ trong hai năm tới. Intel gần đây đã phải buộc lòng chuyển hướng từ chip 32 bit sang 64 bit theo sau AMD. Tuy nhiên sức mạnh khổng lồ của Intel có khả năng loại AMD ra khỏi thị trường chip 64 bit, khiến AMD phải xông xáo hơn để mở rộng năng lực sản xuât. Nhà máy mới này sẽ đáp ứng nhu cầu chiến lược phát triển của AMD từ nay đến hết 2010.

Cuộc cạnh tranh của các thành phố

AMD là một công ty đa quốc gia có trụ sở tại Silicon Valley với doanh số 4 tỉ USD và hơn 30.000 nhân viên trên khắp thế giới. AMD đã có sẵn nhiều nhà máy ở Mỹ và định hợp tác với IBM, môt đối tác lâu đời. Do đó AMD định chọn thành phố New York (gần nhà máy của IBM) hoặc Texas cho gần nhà máy hiện tại của AMD.

Sau đó Tập đoàn UMC của Đài Loan có một kế hoạch mở nhà máy ở Singapore và ngỏ ý muốn làm đối tác. Do đó AMD đã thêm Singapore vào danh sách chọn lựa. Thành phố Dresden, bang Saxony (Đông Đức cũ) cũng được chọn để nghiên cứu vì AMD đã có một nhà máy ở đây.

Do không thỏa thuận được điều kiện hợp tác, liên doanh IBM - AMD đã giải tán và kế họach xây dựng nhà máy ở New York đã không thành.

Chính quyền bang Texas nhanh chóng nhận thấy đây là một cơ hội lớn nên đã đề nghị các khoản ưu đãi và hỗ trợ trị giá 95 triệu USD. AMD đã có một nhà máy ở thành phố Austin, bang Texas nên cũng rất tiện lợi cho kế hoạch của AMD.

Khi nhảy vào cuộc, Công ty UMC của Đài Loan đưa ra những điều khoản khá hấp dẫn thêm vào những khoản hỗ trợ, vay ưu đãi từ chính quyền Singapore; nhưng do bất đồng về các điều khoản chuyển giao công nghệ nên liên doanh này sau đó cũng tan rã.

Sau cùng là Dresden (Đông Đức cũ). Sau ngày thống nhất nước Đức 1989, chính quyền liên bang đã “bơm” vào khu vực này hơn 1 tỉ USD đầu tư nâng cấp trường đại học kỹ thuật, lập ra viện nghiên cứu và hỗ trợ mạnh tay cho các nhà đầu tư đến Dresden. Chính quyền thành phố Dresden chỉ có thể hỗ trợ AMD tối đa 30 triệu USD thông qua giảm thuế và cơ sở hạ tầng, thua xa bang Texas.

Do đó chính quyền địa phương đã kêu gọi chính quyền tỉnh và trung ương hỗ trợ. Nhận thấy đây là một tiềm năng lớn có thể cải thiện nạn thất nghiệp cao ở khu vực Đông Đức cũ, chính quyền liên bang đã cân nhắc mọi khả năng và đưa ra một kế hoạch hỗ trợ lên đến 235 triệu USD. Chưa hết, trung ương còn vận động với EU cho phép trích ngân sách liên bang Đức thêm 500 triệu USD nữa để hùn vốn với AMD.

Và chính quyền tỉnh Saxony phối hợp với Bộ Tài chính trung ương đã bảo lãnh cho AMD vay các ngân hàng của Đức thêm 750 triệu USD nữa. Vị chi lời mời gọi đầu tư này trị giá 1,5 tỉ USD. Khi được tin này, chính quyền bang Texas đã cho rằng cuộc cạnh tranh thu hút đầu tư đã không bình đẳng, vì bang Texas tuy giàu có nhưng không thể nào địch nổi với một quốc gia như Đức vốn có nền kinh tế lớn thứ ba trên thế giới với GDP hơn 2.000 tỉ USD. Chính quyền liên bang Mỹ không thể mó tay vào chính sách kinh tế của bang Texas, do đó không thể hỗ trợ Texas bằng ngân sách liên bang.

Và cuối năm 2003, AMD tuyên bố chọn Dresden để xây Nhà máy FAB 36; và với 1,5 tỉ hỗ trợ từ Đức, AMD sẽ chi thêm 1,3 tỉ USD cho phần còn lại của dự án.

Để tạo môi trường hấp dẫn đầu tư, Đức đã bơm trên 1 tỉ USD để nâng cấp chín trường đại học ở khu vực và liên kết với Nhật hình thành các trung tâm nghiên cứu khoa học, từ đó cung cấp nguồn nhân lực chất lượng quốc tế cho các nhà đầu tư đến Dresden.

Các quan chức cao cấp đã ra mặt hỗ trợ các dự án đầu tư. Thống đống bang Saxony có tham vọng “biến khu vực Dresden thành trung tâm sản xuất vi mạch cho châu Âu”. Trong một cuộc họp báo quốc tế, Thủ tướng Đức Gerhard Schroeder cũng hoan hỉ tuyên bố với báo chí sau khi vận động thành công với EU cho phép trích ngân sách Liên bang Đức 500 triệu USD hỗ trợ dự án AMD.

AMD hài lòng về nhà máy đang có ở Dresden. Nhà máy FAB 30 đang chạy hết công suất được AMD đưa vào vận hành năm 1999 với hơn 2.000 nhân viên, hầu hết là tuyển lựa từ các trường đại học khu vực có chương trình đã được nâng cấp và chất lượng đào tạo đạt tiêu chuẩn quốc tế. Các giám đốc AMD ở Mỹ đã nhận định trình độ chuyên môn của các nhân viên ở Dresden rất cao và đánh giá tốt chương trình đào tạo kỹ thuật cao của chính quyền địa phương. Những yếu tố đó sẽ giúp ích rất nhiều vào khả năng thành công của nhà máy mới. Dresden đã tạo dựng được niềm tin nơi các giám đốc của AMD, rằng những dự án đầu tư vào Dresden có xác suất thành công cao.

Những yếu tố quan trọng

Vi mạch bán dẫn

Silicon chip ngày nay được dùng trong hầu hết cơ phận điện tử, từ đồ gia dụng, đồ chơi đến điện thoại mobile, máy vi tính và sản phẩm thương mại, công nghiệp quốc phòng, hàng không không gian, và ngày càng được cải tiến không ngừng để nâng cao sức mạnh của bộ vi xử lý này.

Khi công nghệ mới ra đời, các nhà sản xuất thường chọn giải pháp xây mới toàn bộ thay vì chuyển đổi nhà máy hiện tại sang công nghệ mới vì lý do chi phí. Khi sản phẩm đã lỗi thời, các nhà máy cũ được chuyển sang sản xuất các sản phẩm khác thay vì được nâng cấp. Các nhà máy mới được trang bị kỹ nghệ cao hơn các nhà máy trước, và việc thu hồi vốn cũng phải được tính toán sao cho hợp lý.

Nhà máy mới FAB 36 sẽ tốn kém trên 2 tỉ USD, nhưng chi phí này là cần thiết để cắt giảm các chi phí hiện hành cho AMD. Tại sao không tiếp tục sử dụng những gì mình đang có mà đi xây cái mới? Nghe có vẻ vô lý nhưng rất là hợp lý trong lĩnh vực sản xuất chip. Nếu tiếp tục sản xuất theo phương thức cũ, sản phẩm mới ra đời sẽ có chi phí cao hơn, AMD sẽ bị Intel loại ra khỏi thị trường và tất nhiên hãng sẽ phải đóng cửa, một triển vọng không mấy sáng sủa. Đầu tư 2,5 tỉ USD vào nhà máy mới, AMD chuyển từ công nghệ khuôn 200mm sang khuôn lớn hơn 300mm sẽ giúp AMD giảm chi phí.

Một con toán đơn giản cho thấy diện tích của một hình tròn bán kính 300mm lớn hơn gấp hai lần một đường tròn bán kính 200mm. Khuôn lớn hơn mỗi lần chạy sẽ cho ra nhiều sản phẩm hơn mà chi phí không tăng, tất nhiên giá đơn vị sẽ giảm. Hơn nữa nhà máy này sẽ áp dụng công nghệ 65 nanômet, tức làm cho kích cỡ con chíp thu nhỏ hơn 30%. Khuôn lớn và kích cỡ đơn vị thu nhỏ lại sẽ làm giảm giá thành rất nhiều và lợi nhuận cao giúp thu hồi vốn nhanh, một yếu tố thành công quan trọng trong ngành công nghiệp phải nói là cạnh tranh kiểu “cắt cổ nhau” này. Do đó AMD phải tiến hành xây thêm chà máy mới để tiếp tục sống còn.

Tuy vậy một nhà máy mới cũng là một thách thức mới cho AMD và mang nhiều may rủi cho các công ty sản xuất chip. Thị trường silicon chip thường có chu kỳ lên xuống. Chu kỳ “lên” đến một giai đoạn cực thịnh rồi theo đó là một chu kỳ khủng hoảng cứ sau một vài năm không ai biết trước.

Chi phí xây dựng nhà máy ngày càng lớn, cứ sau hai năm là tăng gấp đôi do chi phí dồn vào nghiên cứu và phát triển (R&D) rất cao của các phòng thí nghiệm, trường đại học ở Mỹ ngày càng lớn để cho ra đời công nghệ mới. Các quốc gia châu Âu, Nhật Bản và Hàn Quốc không thể nào theo kịp Mỹ về phương diện chi phí cho R&D này, và do đó thường phải thuê các công nghệ sản xuất của Mỹ với giá cao, đẩy chi phí đầu tư lên rất cao. Một nhà máy sản xuất theo công nghệ 90 nanômet trung bình sẽ tốn kém khoảng 2 tỉ USD. Nhà máy mới của AMD sẽ sử dụng công nghệ 65 nanômet, mới nhất và mắc nhất hiện nay.

Đa số công ty không đủ sức tự bỏ vốn xây nhà máy một mình, vì phải tốn hàng tỉ USD và vài ba năm mới xây dựng xong nhà máy. Do vậy các công ty thường hay liên doanh với nhau để xây một nhà máy xài chung. Lại có một số công ty đã đi thuê nhà máy của các công ty lớn như IBM, Texas Instruments (Mỹ).

Gần đây các công ty Đài Loan như Taiwan Semiconductor Manufacturing Co. và United Microelectronics Corp. (UMC) đã nổi lên với vai trò chuyên “sản xuất thuê” cho các công ty Mỹ, mở ra xu hướng di chuyển sản xuất từ Mỹ sang châu Á trong lĩnh vực công nghệ cao.

Với chỉ 1 tỉ USD tiền mặt, Công ty AMD khó lòng xây nôi nhà máy này. AMD đã tính đến chuyện hợp tác thuê nhà máy của IBM hoặc của Đài Loan, nhưng bất đồng trong các điều khoản chuyển giao công nghệ và ăn chia hợp đồng đã khiến AMD quyết định tự mình gánh hết chi phí, do vậy nơi nào đưa ra điều kiện hấp dẫn nhất, hỗ trợ chi phí nhiều nhất sẽ là nơi AMD chọn.

Trong lĩnh vực công nghệ cao này, chi phí nhân công rẻ cũng là một yếu tố quan trọng nhưng chỉ đứng hàng thứ yếu. Nhiều công ty Mỹ đã hợp tác với các công ty Đài Loan nhờ vào giá thành rẻ, nhưng AMD chọn nơi đầu tư không phải vì nhân công rẻ. Hơn 70% chi phí đầu tư sẽ là máy móc nhà xưởng và nhà máy sẽ được tự động hóa cao độ dẫn đến yếu tố chi phí nhân công không còn là quan trọng nữa.

Do một số ít người phải điều hành dây chuyền tự động hóa nên kỹ năng, kinh nghiệm và trình độ chuyên môn của nhân viên là quan trọng nhất. Do đó AMD tìm nơi nào có thể tuyển được nhân viên trình độ cao, nơi có nhiều phòng thí nghiệm cao cấp và trường đại học tiêu chuẩn quốc tế. Và quan trọng không kém là chính sách thuế cùng với sự hỗ trợ của chính quyền địa phương.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận