Đồng bằng sông Ayeyawady: một năm sau thảm họa Nargis

TTCT - Tròn một năm trước, ngày 2-5-2008 siêu bão Nargis đổ bộ vào đồng bằng sông Ayeyawady (còn gọi là Irrawaddy), miền nam nước Myanmar. Bão Nargis - thảm họa thiên nhiên lớn nhất trong lịch sử Myanmar và là một trong những thảm họa cướp đi nhiều nhân mạng nhất trên thế giới. Nhân chuyến công tác Myanmar, tôi quyết tâm đến được đồng bằng Ayeyawady để tận mắt quan sát hậu quả của cơn bão khủng khiếp này.

Phóng to
Nhân viên kiểm lâm ở trạm Thaung Chaung cùng chiếc xuồng mong manh đã cùng họ vật lộn với bão

Đem chuyện này trao đổi với các đồng nghiệp ở Đại học Yangon, tôi mới biết Chính phủ Myanmar hiện vẫn tuyệt đối cấm người nước ngoài đến vùng Ayeyawady. Chỉ một số ít nhân viên của các chương trình viện trợ nhân đạo quốc tế mới được cấp giấy phép đặc biệt để đến khu vực này, và chỉ được lưu trú ở những nơi chính phủ cho phép.

Cuối cùng, một số bạn Myanmar bảo tôi trông khá giống người Myanmar nên họ có thể đưa tôi đến Maubin - thành phố thuộc vùng Ayeyawady gần với Yangon nhất. Từ đó tôi sẽ tự tìm cách đến những nơi muốn đến. Tôi cần phải có người địa phương đi cùng để có thể giao tiếp. Một người bạn thời học ở Viện Công nghệ châu Á (AIT) và một nhân viên thiện nguyện khác đồng ý cùng tôi tham gia chuyến đi.

Thế là chúng tôi lên đường. Tôi được cho mượn một cái longyi, loại váy mà đàn ông Myanmar mặc hằng ngày, và một cái nón rộng vành đan bằng tre. Ba ngày rong ruổi, lênh đênh trên đủ loại phương tiện: ôtô, xe khách, xe gắn máy, xe bò kéo, thuyền máy, xuồng chèo và... đi bộ. Từ Yangon đến Maubin, rồi Bogale, Maugyun. Cuối cùng chúng tôi cũng tới được nơi muốn tới: cửa sông Ayeyawady nơi bão Nargis đổ bộ.

Chuyện kỳ diệu ở Thaung Chaung

Thaung Chaung là tên của trạm kiểm lâm ở cửa sông Ayeyawady, thuộc khu bảo tồn thiên nhiên Meinmahla Kyun. Cái trạm bé nhỏ, heo hút ở nơi sơn cùng thủy tận này lại có đến 15 người trú ngụ trong ngày bão Nargis đổ bộ, trong đó có tám đứa trẻ - lớn nhất 9 tuổi, nhỏ nhất 11 tháng.

Anh U Soe Win, trưởng trạm, kể khoảng 3 hay 4 giờ chiều gió bắt đầu thổi rất mạnh rồi mưa mịt trời. Không lâu sau căn nhà lá của trạm đã bị gió thổi bay. Mọi người cố gắng bám vào những gì có thể bám được. Rồi nước biển bắt đầu dâng lên rất nhanh. Thấy nguy, anh ra lệnh cho mọi người lên chiếc xuồng gỗ của trạm và chống vào rừng. Nước tiếp tục dâng. Gió gầm thét vật cây rừng xoay mòng. Trên xuồng, phụ nữ ôm chặt các em bé trong khi đàn ông thì ôm chặt... các thân cây rừng để giữ cho thuyền không bị gió và nước cuốn đi.

Chiếc xuồng gỗ mong manh cùng nhúm người mệt lả vật lộn với sóng, gió và nước biển suốt đêm. Đến rạng sáng gió ngớt đi mặc dù mưa vẫn còn mờ mịt. Kỳ diệu thay tất cả đều sống sót, kể cả bé Ei Nanda chưa đến 1 tuổi được mẹ đưa ra thăm bố một ngày trước khi bão tới. Họ chống xuồng về lại trạm, quỳ xuống tạ ơn rừng đã bảo bọc họ qua cơn hoạn nạn.

Anh U Soe Win nói rằng trong cơn bão nước dâng cao đến hơn 10m. Tôi hỏi sao anh biết, anh bảo nước dâng đến gần ngọn cây và là kiểm lâm viên nên anh biết cây cao bao nhiêu! Hỏi tại sao anh không cho nhân viên trạm di tản khi biết có bão lớn sắp đến, anh trả lời chỉ nghe tin báo bão qua radio ngày hôm trước khi bão đến. Thông báo cũng chỉ nói bão có sức gió khoảng 100 km/giờ. “Nếu với sức gió như thế thì... không có gì đáng ngại” - anh bảo. Trên thực tế bão Nargis khi đổ bộ có sức gió lên đến 215 km/giờ.

Phóng to
Gia đình ông U Bo Gyi vui mừng với những hạt lúa đầu tiên thu hoạch sau bão - Ảnh: T.T.

Thảm kịch ở làng Kyat Pyay

Điều kỳ diệu ở Thaung Chaung đáng buồn thay lại không xảy ra ở nhiều nơi khác trong cái ngày định mệnh đó. Rời Thaung Chaung, chúng tôi đến làng Kyat Pyay, một trong những nơi tâm bão đi qua. Làng nằm cách cửa sông đến gần 20km. Ruộng đất mênh mông nhưng vắng lặng đến rợn người. Nhìn ngút mắt cũng chỉ thấy lác đác vài cái chòi được dựng sơ sài bằng bạt nhựa màu xanh có in logo của UNICEF hay bạt màu trắng có logo của USAID. Chúng tôi ở lại qua đêm tại một trong những cái chòi như thế của gia đình ông U Bo Gyi. Ở tuổi 60, ông U Bo Gyi là một nông dân có vóc người lực lưỡng. Chúng tôi ngồi với ông gần như suốt đêm để nghe ông kể về nỗi kinh hoàng xảy ra với làng Kyat Pyay trong ngày bão đổ bộ.

Khi chúng tôi đến, gia đình ông U Bo Gyi vừa thu hoạch vụ lúa đầu tiên sau bão. Ông bảo vụ này trồng lúa cứ như thời tiền sử. Lúa giống do bà con ở các địa phương khác cho, ông cứ thế đem rải xuống ruộng. Không phân bón, không cày kéo, tưới tắm. “Trâu bò chết hết lấy gì mà cày”, ông nói.

Những hạt lúa trời cho này đối với gia đình ông quý hơn vàng vì nó có thể giúp họ sống sót đến mùa vụ sau. Hiện nay cả làng vẫn phải sống nhờ vào số lương thực ít ỏi được cứu trợ hằng tháng: 4 kg gạo cho mỗi đầu người cộng với một ít đậu, muối, đường và dầu ăn.

Tiếp theo gió mạnh là cơn hồng thủy ập đến, ông U Bo Gyi kể. Khối nước khổng lồ xô ngã mọi thứ. Nước lên quá đầu người, trời tối đen như mực. Ông vớ được một cái cột nhà, ôm chặt và cứ thế mà trôi. Nhiều lần bị xoáy nước dìm xuống sâu, ông lại cố chòi đạp ngoi lên. Sức lực mạnh mẽ đã giúp ông chống chọi suốt đêm qua cơn hãi hùng. Đến sáng gió và nước đã đẩy ông trôi cách làng hơn 30km. Nhặt một đoạn cây làm gậy chống, ông dò bước trở về làng.

Trên đường về ông thấy vô số xác chết, có khi ông đạp cả lên xác người đang bị vùi trong bùn. Nhiều xác người và xác thú vật treo lơ lửng trên ngọn cây. Con trai ông, anh Maung Than Pye, ôm chặt cháu gái Ton Chit 3 tuổi và một cái can nhựa cũng may mắn thoát chết. Nhưng con dâu và một con trai khác đã chết mất xác.

Gia đình em trai ông ở cùng làng có tám người, tất cả đều mất tích. Trước bão, làng Kyat Pyay có hơn 1.000 dân, sau bão chỉ có 60 người sống sót. Tội nghiệp bé Ton Chit, chắc vẫn còn bị chấn động thần kinh, mỗi khi thấy người lạ là sợ hãi ôm chặt lấy bố.

Rất nhiều ngôi làng ở Ayeyawady đã chịu cùng thảm kịch như Kyat Pyay. Cho đến hôm nay có lẽ không ai biết chính xác bao nhiêu người đã chết do bão Nargis. Con số công bố chính thức là 146.000 người chết và mất tích. Nhiều nơi cho rằng số người chết phải cao hơn rất nhiều. Cơ quan Liên Hiệp Quốc dự đoán tổng số người bị ảnh hưởng của bão Nargis là 1,5 triệu.

Tôi hỏi U Bo Gyi làm sao ông đi bộ về được ngay ngày hôm sau khi mà đêm qua nước ngập cao đến vài mét. Ông bảo đến sáng thì không còn nước ngập, chỉ có bùn lầy thôi. Tôi bán tín bán nghi, nhưng những quan sát sau đó đã giúp tôi hiểu. Phần lớn vùng đồng bằng sông Ayeyawady gần như không có đường bộ, kênh đào, đê đập. Tức là không có những cấu trúc có thể ngăn dòng chảy của nước. Nước dâng lên nhanh và rút đi cũng nhanh.

Bài học từ Ayeyawady

Mấy ngày ở Ayeyawady, tôi không khỏi nghĩ đến việc gì sẽ xảy ra nếu cơn bão tương tự thế này ập vào đồng bằng sông Cửu Long. Cũng giống như Ayeyawady, ĐBSCL ít khi bị bão lớn nên phần lớn người dân không có kinh nghiệm và có thể coi thường những việc cần thiết phải làm trong tình huống thảm họa.

Những gì xảy ra ở Ayeyawady cho thấy không phải gió mạnh mà chính nước dâng đã giết chết nhiều người. Dự báo trễ và không chính xác góp phần quan trọng vào tình trạng đối phó vụng về trước khi bão đến. Cần bao nhiêu thời gian và lực lượng để có thể di tản vài triệu người ra khỏi khu vực có khả năng bị bão? Chưa nói kẹt phà, kẹt đường! Công tác cứu trợ sau bão sẽ là một thử thách to lớn khi khu vực bị ảnh hưởng quá rộng cộng với năng lực ứng phó yếu kém.

Một điều quan trọng cần được tính đến ở ĐBSCL đó là sau khi dâng lên nước sẽ rút rất chậm do có quá nhiều cấu trúc làm cản trở dòng chảy. Việc ngập sâu kéo dài cộng với cầu đường nông thôn bị phá hủy sẽ làm nhiều vùng bị cách ly, công tác cứu trợ khôi phục sau bão vì thế sẽ khó khăn hơn bội phần.

Chúng ta cần nâng cao năng lực ứng phó với thảm họa, từ Nhà nước cho đến từng người dân.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận