​Đóng cửa trường giáo dưỡng: Lấp khoảng trống thế nào?

TS LÊ THANH HẢI 21/07/2015 21:07 GMT+7

Theo sau những cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia, đặc biệt là Công ước Geneva về quyền trẻ em, việc bắt đầu đóng cửa dần một số trường giáo dưỡng (trung tâm nuôi dưỡng tập trung và cải tạo trẻ em hư) là một diễn tiến tất yếu.

 

Thay đổi trong quy định về hình phạt theo luật hình sự và xử lý hành chính đã làm giảm số đối tượng vị thành niên đủ điều kiện để đưa vào trường giáo dưỡng, nhưng lại không làm giảm số lượng trẻ em hư trong xã hội, thậm chí có lẽ còn đang tăng trong bối cảnh tăng dân số và điều kiện xã hội thay đổi nhanh chóng.

Khoảng trống hiện diện

Quá trình đô thị hóa đã phá vỡ các mối quan hệ truyền thống - vốn là cơ chế để giáo dục đạo đức và dạy dỗ phép tắc xã hội cho trẻ em. Các định chế quốc tế chỉ muốn áp đặt một hệ thống quy tắc chung lên các nước đang phát triển để sớm đạt các chỉ tiêu đã đề ra, nhưng ít ai nhận thấy rằng sau đó các nước này phải tự xoay xở trong việc lấp các khoảng trống nguy hiểm do luật mới tạo ra.

Giữa các chuẩn mực trong cuộc sống hằng ngày ở các nước phương Tây và Việt Nam có một khoảng cách rất lớn. Trẻ vị thành niên từ Việt Nam sang Anh mà phạm pháp được giao cho Bộ Xã hội chăm sóc - một cơ chế hầu như chưa có tại Việt Nam. Các phụ huynh gốc Việt thường sốc mạnh khi họ đánh con và bị cảnh sát bắt, tòa ra quyết định giao con cho người khác nuôi dưỡng, thành tâm sửa đổi thì mới được phép gặp con một tuần một lần dưới sự giám sát của cán bộ xã hội. Tương tự, con cái nếu nuôi dưỡng cha mẹ già yếu bị bệnh tật thì được nhà nước trả lương giống như thuê một điều dưỡng viên chăm sóc.

Một hệ thống an sinh xã hội hoàn toàn khác đã được xây dựng và liên tục hoàn thiện từ rất lâu để hỗ trợ cho các quy định hiện đại này. Sống trong môi trường khác biệt như vậy và chỉ có ít thời gian thâm nhập thực tế, các nhân viên thiện nguyện sang Việt Nam làm việc chỉ chú trọng vào việc vận động để Việt Nam tham gia một loạt công ước quốc tế. Phần khó khăn còn lại trong việc xây dựng hệ thống an sinh xã hội sao cho tương đồng như vừa mô tả thì rất ít được nhắc tới.

Việc gom trẻ em hư vào môi trường tập trung sẽ tạo ra một môi trường thấp về đạo đức, đầy đủ điều kiện để lập băng đảng hay truyền nghề trộm cướp cho nhau. Trại tập trung dành cho trẻ em hư là mô hình được truyền lại từ xã hội phương Tây thời trung cổ, muốn xua đuổi người bị bệnh hủi hay những thành phần bị coi là xấu (đơn giản là không đẹp) của xã hội vào một góc khuất nào đó cho sạch đẹp môi trường sống.

Một xã hội với mặt bằng nhận thức và đạo đức không cao sẽ dễ dàng đồng tình với việc đưa trẻ em hư trong khu phố hay ngay trong chính nhà mình vào trường giáo dưỡng cho khuất mắt, yên tâm hi vọng phép lạ sẽ xảy ra ở trong đó và làm biến mất các thói hư tật xấu trong xã hội.

Khi thật sự quan tâm

Loại dần hình thức giam giữ đối với trẻ em là cần thiết. Nhưng ở các nước phát triển, việc thay thế đòi hỏi những khoản ngân sách rất lớn cho hệ thống giáo dưỡng tại gia và trong trường học bình thường.

Ở Anh, trẻ em hư sẽ được Bộ Xã hội phân riêng một người kèm cặp, thường xuyên gặp các em, gia đình và giáo viên để theo dõi và tác động vào quá trình chuyển biến tâm lý. Khi cần thiết, trường học sẽ được cấp thêm ngân sách để thuê thêm giáo viên đặc biệt, trang bị phòng học đặc biệt, các môn học đặc biệt hay lớp học ngoài giờ cho các em này. Tất cả đòi hỏi một nguồn ngân sách rất lớn lấy từ tiền thuế của mỗi địa phương.

Công tác xã hội là một ngành đào tạo rất lớn ở Anh, bao gồm nhiều loại vấn đề khác nhau. Trong trường hợp trẻ em Việt Nam vượt biên trái phép vào Anh thì ngân sách phải chi thêm tiền để đưa các em về làm con nuôi trong các gia đình thiện nguyện và đi học. Nếu các em còn nhỏ và đi cùng cha mẹ, ngân sách chi để chu cấp nhà ở cho cả gia đình, cùng tiền khám chữa bệnh và thuốc miễn phí, bao gồm cả kính đeo mắt.

Giáo dục cộng đồng không đơn giản là hình thức cải tạo mà là sự kết hợp của rất nhiều biện pháp khác nhau để nâng cấp xã hội, bao gồm cả ngân sách để làm sân chơi vào cửa tự do cho các em bé, mở lớp dạy đàn miễn phí cho các em lớn, khu chơi máy tính miễn phí trong thư viện, sự phối hợp của các trường cao đẳng và đại học trong khu vực thông qua các chương trình thiện nguyện.

Với vốn kiến thức sẵn có về giáo dục đặc biệt, việc điều cán bộ trong các trại giáo dưỡng về trại giam như kế hoạch hiện nay là quá lãng phí. Chính quyền thành phố có thể áp dụng mô hình giáo dưỡng địa phương như ở các nước phát triển, đưa lực lượng này về các phường để trực tiếp tham gia công tác xã hội trong khu vực đối tượng là trẻ vị thành niên.

Trong lúc ngành đào tạo công tác xã hội còn quá mới ở Việt Nam, giải pháp đó sẽ lấp được khoảng trống hiện nay trong việc giúp trẻ. Hơn vậy, còn có thể giúp giải quyết tệ nạn xã hội tận gốc và ngay khi mới nhen nhóm. Để cho xã hội Việt Nam không bị biến động và gia tăng mức độ tội phạm, việc đóng cửa trường giáo dưỡng phải được cân bằng lại bằng các hoạt động bổ sung của Bộ Lao động - thương binh và xã hội, Bộ Giáo dục - đào tạo. Quá trình cân đối và điều chỉnh này cần được bắt đầu thực hiện ở cấp độ tỉnh thành, tùy thuộc bối cảnh đô thị và văn hóa sống ở mỗi địa phương. 

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận